Người mua dâm cũng nên đi... phục hồi nhân phẩm?

Người mua dâm cũng nên đi... phục hồi nhân phẩm?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
“Ở đây, có chuyện thiếu nhân phẩm, tư cách của những con người làm nghệ thuật truyền tải thông điệp về thẩm mỹ đến công chúng, sự quản lý lỏng lẻo đối với danh hiệu tôn vinh cái đẹp”, bà Nguyễn Thị Khá Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định.

Mua dâm tới 8.000USD, “chắc chắn không phải là người làm ăn chân chính”

Thưa, bà bình luận như thế nào khi dư luận gần đây đăng tải nhiều những người mẫu, diễn viên, hoa hậu… tham gia bán dâm với số tiền lên tới 2.500-8.000 USD?

Với những cá nhân như vậy, tôi cho rằng cách sống, nhân cách của họ chỉ chạy theo đồng tiền. Họ đã đặt đồng tiền lên trên hết khiến cho nhân phẩm, đạo đức của người phụ nữ Việt không được tôn trọng. Họ là những người làm xấu đi hình ảnh phụ nữ, mà lẽ ra ở họ phải chỉn chu hơn vì họ đang đại diện cho cái đẹp nhưng vì đồng tiền họ sẵn sàng “bán thân”, kinh doanh bằng… mọi thứ. Những người phụ nữ này, chạy theo lợi ích vật chất trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả mặt trái của tai tiếng sẽ bị xã hội tẩy chay. Theo tôi những người làm nghệ thuật càng phải gìn giữ nhân cách nếu muốn được đông đảo công chúng yêu thương, tôn trọng.

Nhưng trong những cuộc “mua bán dâm” này thường được nhắc đến các “đại gia”, theo bà có nên công khai danh tính của người mua dâm không?

Tôi cũng thấy có luồng dư luận cho rằng xử lý phải công bằng từ hai phía, kẻ bán, người mua. Tôi nghĩ rằng khi có cách xử lý tốt thì nên làm, bởi có “cung” thì mới có “cầu”. Còn với những người nhiều tiền mà chúng ta gọi là “đại gia” có nhu cầu nghĩa là cách sống của họ, sự suy nghĩ rất đơn giản. Họ nghĩ có tiền thì có quyền vung tiền ấy ra để tìm cách giải sầu, mua vui, giải hạn…mà không hề nghĩ đến hậu quả. Nếu bị bắt, bị công khai danh tính sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp, công danh. Mà cũng cần nói, những người bỏ ra tới 8.000 USD tức là hơn 160 triệu đồng cho một lần mua dâm “chân dài” chắc chắn không phải là người làm ăn chân chính mà giàu có, tiền ấy nhiều khả năng là “tiền chùa”. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu phải bỏ một đồng tiền mồ hôi, nước mắt không đúng chỗ người ta sẽ thấy xót.

Sự kiện - Người mua dâm cũng nên đi... phục hồi nhân phẩm?

ĐBQH Nguyễn Thị Khá- Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội

Đã có diễn viên bán dâm, hoa hậu môi giới mại dâm phải vào trường giáo dưỡng, bị xử lý hình sự nhưng những “đại gia” mua dâm dù bị bắt quả tang như trong vụ người mẫu Hồng Hà vẫn bình an, bà nghĩ sao về điều này?

Thực tế, trên diễn đàn QH cũng có đại biểu cho rằng phải đưa vào trường giáo dưỡng cả những đối tượng mua dâm. Bởi lẽ, người phụ nữ bán dâm cũng có tội, có người “mua” mới có người “bán”, chứ người “bán” mà không có người “mua” thì làm sao mà có mại dâm. Tôi cho rằng, nếu chỉ xử lý người bán mà bỏ qua người mua là không công bằng.

Quá dễ dãi với danh xưng “hoa hậu”

Chúng ta cũng đã có quy định với những cán bộ, công chức mua dâm ngoài việc bị xử phạt hành chính sẽ bị gửi danh sách báo cáo về cơ quan, nhưng dường như việc này chưa được thực hiện, thưa bà?

Theo quy định chúng ta vẫn xử lý. Nhưng thực chất chưa có ai cung cấp thông tin, bằng chứng đủ cơ sở để xử lý. Do vậy, chúng ta hầu như chưa thấy trường hợp nào cán bộ, công chức bị công khai. Nếu cơ quan chức năng, báo chí phát hiện mà cung cấp đầy đủ chứng cứ thì cơ quan có chức năng cũng sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, không có ai phản ánh, không khiếu kiện gì chỉ nói chung chung nên rất khó xử lý. Nếu như trường hợp người mua dâm là “đại gia”, cán bộ, công chức bị bắt quả tang, có hình ảnh mà không bị xử lý thì dư luận sẽ phản ứng ngay. Hiện nay, mới là khai thác từ “đường dây” môi giới bán dâm mới “khui” ra các “đại gia” nên…đành thôi.

Nghĩa là như vậy không thể mở rộng điều tra hay luật pháp của mình còn nương nhẹ. Ví dụ như trường hợp nghi diễn viên nổi tiếng Chương Tử Di của Trung Quốc bán dâm cho Bạc Hy Lai cũng bị điều tra, cấm xuất cảnh?

Luật của chúng ta không phải là không nghiêm nhưng vấn đề người thực hiện luật có nghiêm hay không. Thái độ nhìn nhận của người chấp pháp với chuyện mua bán dâm của “đại gia” như thế nào? Nếu nhìn nhận theo hướng tích cực thì sẽ xử lý nghiêm, nhưng nếu theo hướng tiêu cực thì lại nghĩ chuyện đó là bình thường, và cho qua. Thực tế, xử lý người mua dâm là khó.

Qua những chuyện rùm beng mua bán dâm, dư luận lại “khoét sâu” hơn vào trình độ học vấn, kiến thức xã hội quá “lẹt đẹt” của những người mẫu, hoa hậu, bà nghĩ sao về điều này?

Tôi cũng nghe nói có những người mẫu, diễn viên, thậm chí là hoa hậu học chưa hết Trung học phổ thông nên cũng khó tránh được sự cám dỗ. Nhưng không thể đổ lỗi cho trình độ hạn chế được, nó chỉ là số ít, thậm chí có những người trình độ cao vẫn bị sa ngã. Ngược lại, có người trình độ thấp nhưng họ sống có nề nếp, có cách suy nghĩ lành mạnh nên xinh đẹp, dù nhà nghèo vẫn giữ gìn được đức hạnh. Tôi nghĩ ở đây là điều kiện, cơ hội, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình thôi.

Cũng có ý kiến cho rằng những cuộc thi “hoa hậu” quá “nở rộ”, xưng danh “hoa hậu” quá dễ dàng nên những người như “hoa hậu” Mỹ Xuân mới làm “hoen ố” danh dự của những người đẹp nói chung?

Tôi cũng rất đồng tình với ý kiến này. Do đó thi hoa hậu phải mang tầm cỡ để người được tôn vinh trong cuộc thi đó cảm thấy vinh dự. Vinh dự không chỉ vì sắc đẹp mà vinh dự vì trình độ, năng lực, cách ứng xử, tức là một con người có giá trị cao. Hoa hậu phải là người có giá trị cao chứ hoa hậu không phải là chỉ có sắc đẹp. Hoa hậu mà ứng xử không tốt, giao tiếp kém cỏi ngoài xã hội là không chấp nhận được.

Sau mỗi cuộc thi hoa hậu, ban tổ chức thường tổ chức cho hoa hậu đi từ thiện, tôi cho rằng như vậy cũng không tốt, quan trọng là phải xuất phát từ cái tâm, từ bản chất tốt đẹp của người phụ nữ chứ không phải được hoa hậu rồi mới đi làm từ thiện. Quan trọng nhất đối với hoa hậu là giữ được sự cảm mến, sự tôn vinh của xã hội đối với mình sau khi đăng quang, giữ được điều đó mới đáng quý, chứ giám khảo họ chỉ tôn vinh mình trong một thời điểm nhất định mà thôi.

Xin cảm ơn bà.

Vương Hà (thực hiện)