Cuộc đời lặng lẽ của nhà thơ tật nguyền

Cuộc đời lặng lẽ của nhà thơ tật nguyền

Thứ 5, 07/03/2013 | 14:26
0
Người ta đã quen gọi Đỗ Trọng Khơi bằng cụm từ nhà thơ viết nằm. Đôi chân tật nguyền của nhà thơ gốc Thái Bình ấy không ngăn cản được anh đến với những bài thơ đầy niềm tin yêu vào cuộc sống và có một mối tình đẹp như trong tiểu thuyết với một nửa của mình.

Tìm lại sắc màu cuộc sống

Số phận vốn không hề công bằng với Đỗ Trọng Khơi khi khiến anh phải mang một cơ thể tật nguyền. Lên 8 tuổi, anh bị mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp dẫn đến dính khớp teo cơ. Năm 11 tuổi phải nghỉ học vì bệnh quá nặng. Suốt những năm tháng tuổi thơ anh luôn gắn liền với thuốc và bệnh viện. Năm 45 tuổi anh phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật chỉnh hình để giải phóng đôi chân bại liệt bị co quắp, teo tóp cùng trạng thái nằm nghiêng gần 40 năm. Có lẽ từng ấy cũng chưa thể kể hết những nỗi bất hạnh đã đến với nhà thơ sinh năm 1960 trên mảnh Hưng Hà (Thái Bình) này.

Nhân vật - Cuộc đời lặng lẽ của nhà thơ tật nguyền

Tổ ấm viên mãn của nhà thơ viết nằm

Đỗ Trọng Khơi là bút danh, còn tên thật của anh là Đỗ Xuân Khơi. Dòng họ Đỗ Xuân vốn hiếm muộn, từ thời ông đến thời bố anh đều chỉ có một độc đinh. Năm 1966, khi anh vừa tròn 6 tuổi, bố anh đã vào chiến trường tham gia chống Mỹ và hi sinh một năm sau đó tại chiến trường Quảng Ngãi. Bố mất chưa được bao lâu thì năm 1971, anh bị mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp và phải bỏ học vì chỉ có thể nằm liệt giường. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vì thương con, thương cháu, mẹ và ông nội anh đã cố gắng đưa anh đi khắp nơi chạy chữa nhưng bệnh lại không hề thuyên giảm. Các khớp xương sưng tấy, đỏ mọng và nóng ran luôn hành hạ anh. Vượt qua những đau đớn về thể xác, chính sự bao bọc, yêu thương của ông bà nội, của mẹ và những chị em trong gia đình là nơi tiếp cho anh niềm tin sống và chiến đấu với bệnh tật.

Vì chỉ nằm một chỗ nên anh bắt đầu tìm đến sách. Những cuốn sách đầu tiên anh đọc là những bộ tiểu thuyết của Trung Quốc và các loại sách thời hiện đại của các nước khối xã hội chủ nghĩa. Đọc đi đọc lại gần như thuộc lòng những sách ấy, anh khát sách như người đi trên sa mạc khát nước. Xin phép mẹ dành hết số tiền trợ cấp liệt sĩ của bố để mua sách, anh đã đọc tất cả những gì mà hiệu sách và thư viện huyện có. Thiên về sách văn học, anh tự tổng hợp cho mình một kiến thức khá toàn diện về nền văn học của đất nước và các nền văn học lớn như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc. Tất cả những gì cảm nhận và suy nghĩ khi đọc sách đều được anh ghi chép cẩn thận như một bài học rút ra cho riêng mình.

Và sau mười năm nằm đọc sách, anh bắt đầu viết truyện ngắn. Vì hai chân bị co quắp và teo lại nên anh chỉ có thể nằm nghiêng đọc và nằm nghiêng để viết. Vốn liếng được học ở trường chỉ giúp anh đủ biết đọc, biết viết nên anh phải tự học lấy tất cả. Kết quả là trong hai năm, anh đã viết được mười truyện ngắn và hơn hai chục bài thơ xoay quanh chủ đề về tình yêu, tình bạn, quê hương. Đối với anh, đó là cách để chiêm nghiệm và giải thoát những suy nghĩ, cảm xúc chất chứa trong lòng. Những đứa con tinh thần ấy đã được anh đóng thành một tập để chia sẻ với người thân, bạn bè.

Từ khi bắt đầu cầm bút sáng tác truyện, thơ, chàng trai mồ côi, thất học, lại tàn tật, nghèo khổ ấy đã luôn đau đáu về sự cô đơn thăm thẳm của kiếp người. Anh sống trong thế giới nội tâm của riêng mình và giải thoát nỗi cô đơn vào những con chữ, những vần thơ trong trẻo. Và sự nỗ lực của anh đã có kết quả khi năm 2001, anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài văn học, anh còn mở rộng vốn kiến thức của mình khi đọc và tổng kết về nhiều lĩnh vực khác như Kinh Dịch, Lý, Số.

Ít ai có thể tưởng tượng được, nằm nghiêng trên chiếc giường đơn sơ với chiếc máy tính cũ kỹ, nhà thơ tật nguyền ấy đã cho ra đời nhiều tập thơ, truyện ngắn, bình thơ. Giữa một biển thơ đầy những cảm xúc yêu, hận, cô đơn, giọng thơ của Đỗ Trọng Khơi mang đến cho người đọc một hồn thơ chứa đầy sức mạnh bản thể và niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống.

Nhân vật - Cuộc đời lặng lẽ của nhà thơ tật nguyền (Hình 2).

Đỗ Trọng Khơi gửi mọi xúc cảm trong các sáng tác của mình

Một nửa yêu thương

Cuộc đời của nhà thơ tật nguyền cứ lặng lẽ trôi qua như thế và anh chấp nhận số phận, không bao giờ dám mơ đến một tổ ấm nhỏ của riêng mình. Anh trút hết tâm sự vào trong thơ, trong truyện mà không ngờ được rằng chính những vần thơ chất chứa nỗi niềm ấy là cầu nối giúp anh tìm được một nửa của cuộc đời mình. Chuyện tình cảm động của anh đã khiến cho những ai không tin vào chuyện cổ tích thời hiện đại sẽ phải suy nghĩ lại.

Năm 2006 là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Đỗ Trọng Khơi khi mùa hè năm đó anh nhận được một lá thư kết bạn gửi đến từ phương Nam. Chủ nhân của bức thư ấy là một cô gái hiện đang làm thủ thư ở Thư viện tỉnh Bạc Liêu tên là Đỗ Thị Thu Oanh. Trong thư, cô gái yêu văn chương đã giãi bày hết tâm tư với nhà thơ tật nguyền một cách chân thành khiến anh không khỏi bỡ ngỡ và xúc động.

Chị kể rằng, chị biết đến anh qua những bài thơ và bài viết Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, 25 năm nằm cất tiếng gọi đời (của nhà thơ Đặng Vương Hưng) mà chị tình cờ đọc được. Đồng cảm và khâm phục những nỗ lực vượt khó của anh, chị viết thư cho anh chỉ với mong muốn được sẻ chia và hiểu hơn về một số phận kém may mắn trên cuộc đời này. Đọc xong thư, những tâm sự của chị khiến anh xúc động và từ đó những cánh thư, những tin nhắn, những cuộc điện thoại qua lại giữa hai miền Nam - Bắc là cầu nối giúp gắn kết hai trái tim đa cảm xích lại gần nhau hơn.

Chị Oanh vốn quê ở Nam Định nhưng sau một lần đò lỡ dở, chị đã chuyển vào Nam sinh sống cùng một bé gái 13 tuổi. Cùng nếm trải sự éo le số phận dành cho mình, anh và chị ngày càng hiểu và trân trọng mối tơ duyên mà họ may mắn có được. Dù chưa từng gặp mặt, nhưng sự đồng cảm sâu sắc đã khiến họ cảm thấy không thể sống thiếu nhau. Và con tim của nhà thơ đa cảm đã thôi thúc anh nói lên tiếng lòng mình.

Chị không khỏi xúc động và hạnh phúc khi anh thổ lộ: "Có một người đàn ông đứng tuổi ở quê anh muốn được làm bạn đời của em. Nhưng anh ấy hoàn cảnh đặc biệt từ nhỏ và vất vả lắm. Không biết em có đồng ý về Thái Bình chung sống với anh ấy không?". Và vượt qua chặng đường ngàn dặm, chị Oanh đã ra TP.Thái Bình nơi anh sống với tình yêu thương cháy bỏng và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng phía trước. Khi chị xuất hiện trước anh và nói rằng: "Em đã đồng ý ra với anh, nghĩa là em chấp nhận tất cả dù cuộc sống có khó khăn vất vả đến mấy", anh đã vô cùng hạnh phúc và xúc động. Có lẽ anh không tin được rằng rồi đây mình sẽ có một gia đình nhỏ với một người vợ để yêu thương, chia sẻ và những đứa con thơ đáng yêu.

Anh chị chính thức kết duyên vào tháng 6 năm 2009 và khiến người thân, bạn bè ngỡ ngàng, vui mừng khi biết anh cưới vợ ở tuổi 50. Đây là một năm đặc biệt với nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, khi trước đó gia đình anh cũng đã tìm được mộ cha anh ở chiến trường xưa.

Cuộc đời cuối cùng cũng đã mỉm cười với Đỗ Trọng Khơi khi anh có được niềm hạnh phúc đơn sơ mà viên mãn. Niềm vui ấy được nhân đôi khi trong hai năm 2010 và 2011, chị Oanh lần lượt sinh hai bé trai. Có vợ và 2 con , cuộc sống tất nhiên thêm vất vả nhưng với anh như vậy là đầy đủ, ý nghĩa và ấm nồng tình yêu thương gia đình. "Tôi và cô ấy  rất hợp nhau, luôn chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ nhau",nhà thơ cho biết.       

Gia tài đáng n

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi có một chỗ đứng đáng kể trong giới văn chương khi cho ra đời được khá nhiều tập thơ để lại dấu ấn đặc biệt như: Con chim thiêng vẫn bay (1992), Gọi làng (1999), Cầm thu (2002), ABC (2009), Với tay ngắt bóng (2010), tập truyện ngắn Ma ngôn (2001), Hành trang tâm linh (2011), tập bình thơ (2007). Anh cũng đoạt hàng  loạt giải thưởng văn học có giá trị như: Giải Nhì cuộc thi thơ trên Báo Văn nghệ (1990); Giải A và giải C giải thưởng Lê Quý Đôn do UBND tỉnh Thái Bình trao tặng (các năm 1996 và 2001); Giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2002); Giải nhì và ba truyện ngắn của Báo Tài hoa trẻ (các năm 1998 và 2002); Giải tư cuộc thi thơ Đây biển Việt Nam do Vietnamnet tổ chức (2001); Giải ca khúc trẻ do Hội Nhạc sỹ Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ trao tặng... Ngoài ra, anh còn được nhận giải thơ quốc tế dành cho người tàn tật của Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản).  

> Đọc thêm: Gia đình Lã Thanh Huyền 'xử ép' con dâu?

Loan Thanh

Ngắm nhan sắc giai nhân Việt trên màn ảnh nhỏ

Thứ 5, 07/03/2013 | 13:10
Cùng nhìn lại hình ảnh đẹp của phụ nữ Việt Nam qua những thước phim để đời.

Bảo Trúc từng nghĩ đến cái chết vì bị chồng đánh đập

Thứ 5, 07/03/2013 | 11:36
Có lúc không chịu được cuộc hôn nhân bi kịch, nữ diễn viên 'Người mẫu' đã lấy dao định cứa tay kết thúc cuộc đời.

Nguyên Vũ: Chuyên gia nước ngoài khen tôi, chê các MC khác

Thứ 5, 07/03/2013 | 09:19
"Có một sự thật mà nhiều năm nay Vũ vẫn giấu. Trước đây báo chí thi thoảng có hỏi nhưng Vũ đều nói dối. Nay có lẽ đã đến thời điểm Vũ nghĩ mình cần thẳng thắn để tiết lộ sự thật này" - Ca sĩ, MC Nguyên Vũ nói.