Người nghệ sĩ cô đơn trên màn ảnh Việt

Người nghệ sĩ cô đơn trên màn ảnh Việt

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Nguyễn Hải là một trong số những diễn viên hiện nay thành công và ghi dấu ấn mạnh mẽ bằng vai diễn phản diện. Với Trịnh Khải nham hiểm của Chuyện làng Nhô, Lê Thanh mưu mô mà cô độc trong Chạy án, anh đã đóng đinh trong lòng công chúng một hình ảnh... không mấy thiện cảm.

Đó cũng là nỗi khổ tâm của người diễn viên khi bị chốt trong một kiểu nhân vật. Nguyễn Hải mang nỗi niềm đó vào câu chuyện với phóng viên. Trái với vẻ độc ác trên màn ảnh, ngoài đời Nguyễn Hải rất xởi lởi, nho nhã. Anh nói chuyện niềm nở, ngôn từ dí dỏm, linh hoạt đúng chất của một diễn viên kịch.

Nghệ sĩ Nguyễn Hải với vai Tổng giám đốc Lê Thanh ở một cảnh quay phim Chạy án

Tình đầu tan vỡ vì quá yêu nghề diễn

Trông anh ở ngoài khá phong độ nhưng cứ vào phim là phải... ác và yêu thì chẳng bao giờ được đáp lại, anh có lấy làm buồn lắm không?

Buồn lắm chứ. Tôi là người đàn ông cô độc trên màn ảnh. Tôi nghĩ con người ai chẳng muốn yêu và được yêu. Dù là trên phim hay ngoài đời. Tôi là một người luôn luôn hết mình, làm việc hết mình và yêu hết mình. Cho nên, việc đóng phim và không được yêu đương khiến tôi cảm thấy nhiều lúc mình bị thiệt thòi.

Nhưng thực tế ngoài đời lại hoàn toàn ngược lại?

Nếu đúng là ngược lại thì may mắn cho tôi quá. Tôi không được nhiều người dâng hiến trái tim nhưng cũng đã biết thế nào là tình yêu nhờ bà xã của mình. Cho đến lúc này, tôi cảm thấy may mắn vì có được một gia đình hạnh phúc và đang cố vun vén cho nó.

Nghe nói chị ấy là bạn học cùng lớp sân khấu điện ảnh với anh?

Đúng vậy, chúng tôi lấy nhau khi chưa ra trường. Hồi đó nghèo lắm. Tôi còn nhớ câu đầu tiên bố tôi nói khi chúng tôi về quê ra mắt là: "Chồng nhà chò, vợ con hát thì lấy gì mà ăn hở con!". Nhưng rồi chúng tôi vẫn làm được tất cả. Sự nghiệp, con cái, hạnh phúc, gia đình. Tất cả là nhờ có tình yêu.

Chị ấy là mối tình đầu của anh?

Thực ra vợ không phải là mối tình đầu của tôi. Tôi chưa bao giờ thú nhận với vợ về người con gái đầu tiên mình yêu. Đó vẫn là một bí mật cho đến bây giờ. Cô gái ấy sinh ra và lớn lên ở một miền Trung du của xứ gió Lào cát trắng, rất xa với Thủ đô. Tôi còn nhớ đôi mắt long lanh rất đẹp và làn da trắng của cô ấy. Hồi đó tôi yêu lắm. Sức trẻ của mối tình đầu làm nên một trái tim nồng nhiệt... Đóng xong phim rồi nhưng vẫn hay kiếm cớ để mà đến thăm người yêu.

Hồi đó, xe cộ rất khó khăn. Đi từ Hà Nội vào đấy phải mất gần một ngày. Ngỡ như khoảng cách có thể được tình yêu khỏa lấp. Nhưng cô gái suốt ngày bắt tôi bỏ nghề. Tôi nói với cô ấy: "Anh xin em đừng bắt anh phải bỏ nghề diễn. Nó là đam mê lớn nhất. Anh đã vì nó mà bỏ nghề, bỏ đi 5 năm đại học ĐH Mỏ địa chất. Bố cũng đã... tha chết cho anh vì chuyện đó". Thế nhưng tình đầu vẫn tan vỡ. Nàng đi lấy chồng khi con tim tôi chưa kịp lành vết thương.

Gian nan đường đến diễn viên chuyên nghiệp

Anh bây giờ đã là một diễn viên nổi tiếng, tuy nhiên ít ai biết đến con đường trở thành diễn viên chuyên nghiệp của anh, hình như anh khá vất vả để đến với điện ảnh?

Tôi tốt nghiệp cấp 3 vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hồi đó lần đầu tiên nhà nước tổ chức thi đại học. Tôi thi đỗ vào trường ĐH Ngoại thương với số điểm khá cao. Giấy báo trúng tuyển đã gửi về nhà nhưng người phụ trách việc này ở ủy ban xã nơi tôi sống lúc bấy giờ đề vào dòng chữ "hồ sơ người này giữ lại để đi bộ đội" ở ngoài phong bì. Thế là không một ai chịu làm thủ tục cho tôi. Mặc dù lúc đó hai anh trai của tôi đang ở chiến trường Campuchia và Lào.

Sự lựa chọn khó cưỡng của "đứa con... lạc loài"

"Tôi học như trả nợ, nhưng niềm đam mê nghệ thuật thì vẫn âm ỉ cháy trong mình. Tốt nghiệp ĐH Mỏó địa chất năm 1980, cũng là năm đầu tiên thành lập trường Sân khấu điện ảnh. Tôi vác hồ sơ đi đăng kí, rồi thi, rồi đỗ trong sự phẫn uất, tức giận của bố và tiếng thở dài ngao ngán thất vọng của mẹ. Nhưng biết làm sao khi họ đã vô tình sinh ra một đứa con... lạc loài như thế. Khóa của tôi có Minh Hòa, Ngọc Trâm, Quốc Tuấn, Bích Thủy... Các bạn tôi họ đều rất thành danh", Nguyễn Hải bồi hồi kể về những hồi ức khó quên. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sân khấu điện ảnh, Nguyễn Hải về công tác tại Đoàn kịch nói Công an nhân dân. Anh từng kinh qua những vai diễn ấn tượng ở sân khấu và điện ảnh như: Khoảnh khắc mong manh, ông không phải là bố tôi, Quả báo, Chuyến xe bão táp, Chuyện làng Nhô, Con nhện xanh, Cổ cồn trắng, Chạy án... Nghệ sĩ Nguyễn Hải hiện mang hàm trung tá với chức danh quản lý: Phó trưởng đoàn kịch nói Công an nhân dân.

Điều này cũng có nguyên nhân của nó. Vì hồi cải cách ruộng đất gia đình ông bà nội ngoại tôi bị quy thuộc thành phần địa chủ tư sản. Sau này đã được sửa sai ... nhưng tôi thi đại học đâu có đúng nguyện vọng của mình. Bố tôi phải cậy cục mãi mới giúp tôi có được giấy tờ để nhập trường thì đã hết hạn. Tôi làm nguyện vọng sang ĐH Hàng Hải cũng hết hạn nốt dù thừa điểm. Cuối cùng chỉ còn trường ĐH Mỏ địa chất, thế là tôi nộp hồ sơ vào.

Dù không thích, nhưng lúc đó, đại học đối với tôi là để làm rạng danh dòng họ. Để người bố tội nghiệp suốt một đời tần tảo chỉ với khát khao có đứa con được vào đại học. Nhưng rồi, năm 1980 tôi tốt nghiệp ĐH Mỏ địa chất thì cũng là năm đầu tiên Trường Sân khấu điện ảnh được thành lập. Tôi đã đăng ký thi vào trường này.

Anh sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, nhưng bỏ 5 năm đại học và nghề kĩ sư để đến với điện ảnh hẳn anh phải có một sự tự tin nào đó?

Tôi nghĩ gen nghệ thuật là ảnh hưởng từ mẹ. Mẹ tôi là một người phụ nữ hiền hậu đáng ngạc nhiên. Tôi còn nhớ chưa bao giờ bà cáu hay quát mắng tôi dù chỉ một câu. Mẹ tôi còn là người hát chèo, hát chầu văn rất hay. Tiếng hát của bà đã sớm gieo vào lòng tôi những cảm xúc và đam mê về nghệ thuật. Rồi giống như gặp đúng mảnh đất tốt, chúng cứ thế lớn dần lên.

Bị bố cấm về quê vì... vào vai ác quá đạt

Bị đóng khung trong một kiểu nhân vật anh cảm thấy bị nhàm chán với chính mình và làm cách nào để vượt lên những sự lặp lại đó?

Diễn viên thì ai cũng mong muốn được thử nghiệm ở nhiều thể loại vai. Đặc biệt là với những vai diễn khác với mình. Nhưng muốn cũng không được. Mặt tôi như thế này để đóng vai hiền cũng khó. Tuy nhiên, nhiều người nhận xét tôi có gương mặt điện ảnh. Đặc biệt là đôi mắt. Nói diễn xuất là nghệ thuật của sự bắt chước. Nhưng có nhiều cái không thể bắt chước được. Nếu không có đôi mắt này tôi khó có thể lột tả được bản chất của một Trịnh Khải hay một Lê Thanh như khán giả đã biết đến.

Đóng nhiều vai ác thế, anh có bị làm phiền không?

Tôi gặp rắc rối khá nhiều. Đặc biệt là những tin nhắn gửi vào máy và thư điện tử. Có một lần tôi lên mạng, có một cái nick lạ nhảy vào chát chít rồi nói năng rất bậy. Chuyện đó làm tôi buồn mất một thời gian. Sau này, nhiều lúc nửa đêm, tôi còn nhận được những tin nhắn khiếm nhã từ các bợm nhậu. Việt Nam mình có quá nhiều các khán giả làm mình khó xử như thế. Người ta hay biện minh là vai diễn của tôi quá đạt.

Nhưng hình như khi anh vào vai Trịnh Khải, bố anh xem phim đã rất tức giận?

Đúng thế, ông cấm tôi không được về quê trong vòng một năm. Chuyện làng Nhô là câu chuyện có thật của làng tôi. Một câu chuyện truyền đời. Bố giận tôi vì ông là người từng chứng kiến tội ác của nhân vật này ngoài đời. Một trong hai người thanh niên bị giết dã man trong phim chính là người cháu họ của ông. Cho nên khi xem phim, thấy tôi đóng đạt quá ông thành ra phẫn nộ. Bố tôi còn mang nỗi đau của một người vốn phải chịu nhiều lời dị nghị. Ông là một người rất nghiêm khắc, nhạy cảm, và gia trưởng.

Đào Bích

Tag: nghệ sĩ