Người nghệ sỹ nhiếp ảnh nửa đời gắn bó cùng Sếu đầu đỏ

Người nghệ sỹ nhiếp ảnh nửa đời gắn bó cùng Sếu đầu đỏ

Thứ 5, 07/02/2013 | 11:43
0
Đến với nhiếp ảnh trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng lòng đam mê đã giúp nghệ sĩ (NS) Vũ Hân vượt qua mọi trở ngại và đạt được nhiều thành công trên lĩnh vực này.

Gắn bó với nhiếp ảnh nghệ thuật, NS Vũ Hân đã mang đến cho xã hội những tấm ảnh chứa đựng những vẻ đẹp đặc sắc của quê hương đất nước. Dù tuổi cao sức yếu, NS Vũ Hân vẫn miệt mài với công tác giảng dạy, đào tạo các lớp nhiếp ảnh nhằm giúp cho ngành nhiếp ảnh ngày càng hiện đại và đến gần với mọi người hơn.

Nhân vật - Người nghệ sỹ nhiếp ảnh nửa đời gắn bó cùng Sếu đầu đỏ

NS Vũ Hân tại một buổi triển lãm ảnh của CLB nhiếp ảnh người cao tuổi TP.HCM

 

Bén duyên với nhiếp ảnh nghệ thuật

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hân sinh năm 1942 ở xứ nhãn (Hưng Yên). Lớn lên khi đất nước đang nằm trong vòng vây của quân xâm lược, Vũ Hân đã theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Mặc dù, cuộc sống nhiều khó khăn ở môi trường mới nhưng để có tiền tiếp tục học tập, cậu bé Vũ Hân ngày ấy đã chập chững vào đời bằng nghề bán báo dạo. Tốt nghiệp lớp dự bị của Trường Đại học Văn khoa, Vũ Hân dấn thân vào nghề báo bằng công việc thầy cò (sửa morat) cho tờ báo Xây dựng từ trước những năm trước giải phóng. 

Gắn bó công việc phải đọc nhiều bài báo trong một ngày và được sự chia sẻ của đồng nghiệp, NS Vũ Hân đã dần học được cách viết tin, phóng sự, ngay cả cách chụp một tấm hình. Ông đã trở thành một nhà báo thứ thiệt không lâu sau đó. Sau khi công tác và có mặt ở nhiều tờ báo, đứng trước những chuyển biến của xã hội, Vũ Hân đã tạm rời xa nghề kí giả ăn mày và tìm cho mình một hướng đi mới. Ông chia sẻ: "Mặc dù không tiếp tục gắn bó với báo chí, nhưng môi trường ấy đã mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm và cứng cỏi hơn".

Không chịu khuất phục trước những khó khăn, Vũ Hân dần mon men bước vào môi trường nhiếp ảnh từ những năm 1976. Một năm sau đó, ông được mời vào hoạt động trong một nhóm nhiếp ảnh tự phát do ông Tôn Lập đứng ra tổ chức. Xuất phát từ những kinh nghiệm chụp ảnh trong nghề báo và những kiến thức được học tại Hội nhiếp ảnh Việt Mỹ năm 1968, Vũ Hân bắt tay ngay vào công tác đứng lớp giảng dạy ngay từ những ngày đầu tiên tại Trung tâm sinh hoạt Thanh Niên (nay là Nhà văn hoá Thanh Niên). Đây cũng chính là lớp học nhiếp ảnh đầu tiên của TP.HCM lúc bấy giờ. Ông cho hay: "Xuất phát từ những bước thay đổi của đất nước, sau giải phóng việc gắn bó với ngành nhiếp ảnh nghệ thuật của những người cầm máy quả thật là rất hiếm.

Chính vì vậy, bản thân tôi nghĩ mình đã được kế thừa những thuận lợi về nhiếp ảnh từ trước giải phóng nên cần phải tiếp tục phát huy và gắn bó với nghề nhiều hơn. Hơn nữa, nhiếp ảnh cũng chính là niềm đam mê cháy bỏng của tôi. Vì vậy, bằng những bài giảng đầu tiên tại Trung tâm sinh hoạt Thanh Niên, tôi đã gom nhặt và làm thành giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật cho đến hôm nay".

Niềm đam mê cùng với sự cố gắng, NS nhiếp ảnh Vũ Hân đã trở thành người gắn kết duy nhất của nhóm nhiếp ảnh từ ngày sinh hoạt tại Trung tâm Thanh Niên, sau một thời gian hoạt động nhóm nhiếp ảnh này trở thành ngành, rồi Hội nhiếp ảnh liên tục hoạt động cho tới hôm nay. Không chỉ vậy, để mang kiến thức nhiếp ảnh đến nhiều người dân địa phương, NS Vũ Hân không ngần ngại đặt chân đến khắp các tỉnh thành trong cả nước để giảng dạy về nhiếp ảnh. Cho đến nay, NS Vũ Hân đã có mặt trên 40 tỉnh thành để giảng dạy về nhiếp ảnh theo chương trình Alokodak mặc dù ông chưa hề được cấp một tấm bằng đại học nào.

Bên cạnh đó, ông còn đem kiến thức nhiếp ảnh vào giảng dạy tại một số trường đại học, cao đẳng, THPT, tại một số toà soạn báo trong thành phố. Mặc dù đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng hàng ngày, NS Vũ Hân vẫn miệt mài cùng chiếc xe đạp điện của mình đến lớp. Ông cho biết: "Đó chính là niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi. Tác phẩm nhiếp ảnh hay còn gọi là phần thưởng cao quý nhất của cuộc đời tôi đó là công tác đào tạo hướng dẫn về nghiệp vụ nhiếp ảnh liên tục hơn 30 năm qua. Đó là nền tảng để duy trì và phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh trong tương lai mặc dù cái nghề “bán cháo phổi” này cũng khá cực nhọc".

Nhân vật - Người nghệ sỹ nhiếp ảnh nửa đời gắn bó cùng Sếu đầu đỏ (Hình 2).

NS Vũ Hân kể lại những câu chuyện về nghề nhiếp ảnh của mình

"Sếu đầu đỏ" và tam giác của nhiếp ảnh

Nhắc đến NS nhiếp ảnh Vũ Hân, mọi người còn biết đến biệt danh của ông là Sếu đầu đỏ. Giải thích về căn nguyên của biệt danh đầy yêu thương này, ông cho biết: "Sau năm 1975, sếu đầu đỏ trở thành một loài hạc quý hiếm và được nhiều gia đình dùng để trưng trên bàn thờ. Hơn nữa, sau sự kiện một đoàn quốc tế đến tài trợ cho Việt Nam bằng mọi cách bảo vệ đàn sếu ở Vườn quốc gia Chàm Chim (Tam Đông, Đồng Tháp) thì loài chim này lại càng trở nên nổi tiếng hơn". Không tách khỏi những sự kiện của xã hội, đất nước các nhiếp ảnh gia trong đó có NS Vũ Hân đã hăng hái lao vào chụp ảnh sếu.

Để có được những tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên của đàn sếu nơi đây, NS Vũ Hân đã cùng với nhiều anh em trong hội nhiếp ảnh phải có mặt từ lúc 4h sáng hàng ngày. Vì đặc điểm của loài sếu là loài động vật thích sự yên bình và nhạy cảm với tiếng động, chúng sẵn sàng bỏ đi và không bao giờ quay trở lại khi nghe một tiếng động. Vì thế, chúng tôi phải nhất cử nhất động nằm im trong một cái tum được lợp bằng lá dù bị muỗi cắn khắp người. Thậm chí, có những lúc muốn đi vệ sinh, anh em cũng phải giải quyết tại chỗ mà không được phép chạy ra ngoài. NS Vũ Hân cũng tâm sự: "Các nhiếp ảnh gia luôn cảm thấy hạnh phúc khi chụp được những hình ảnh về hoạt động của sếu. Không chỉ vậy, chúng tôi còn quan sát được cả những cử chỉ làm tình, cách nhảy nhót, cách bay của sếu cũng rất đặc sắc".

Sau gần nửa cuộc đời gắn bó với nhiếp ảnh nghệ thuật, NS Vũ Hân cho rằng để trở thành một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật thành công cần có sự kết hợp của 3 yếu tố: Niềm đam mê, điều kiện về kinh tế và quỹ thời gian. Ông còn gọi đây là tam giác xây dựng nhiếp ảnh nghệ thuật. "Nếu nhà nhiếp ảnh biết xây dựng, điều phối ba cạnh trong tam giác này càng gần nhau bao nhiêu trở thành tam giác cân thì người đó càng dễ trở thành nhà nhiếp ảnh đi vào nghệ thuật. Dĩ nhiên, để có được sự thành công và đích cuối cùng ấy, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng phải lăn lộn với không ít những khó khăn vất vả. Chính vì thế, mặc dù có rất nhiều người đam mê nhiếp ảnh nhưng không phải ai cũng có thể thành công trên con đường nhiếp ảnh nghệ thuật này mà chỉ bằng niềm đam mê", NS Vũ Hân tiết lộ.

BOX NS Nhiếp ảnh Vũ Hân hiện giữ nhiều chức vụ trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại TP.HCM: Là chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh và video quận Tân Bình; Chi hội trưởng nhiếp ảnh quận Tân Bình, Chi hội phó Chi hội nhiếp ảnh 1 Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam  TP.HCM; Phó chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh người cao tuổi Sài Gòn; Cố vấn CLB nhiếp ảnh, video quận Tân Phú. NS Vũ Hân là một người duy nhất gắn kết với công tác tổ chức giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật tại TP.HCM từ những ngày mới thành lập cho tới hôm nay. Ông cũng mang về nhiều giải thưởng huy chương vàng, đồng trước và sau giải phóng trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật.

Sống hoà đồng nhưng không đồng hoá

NS Vũ Hân cho biết: "Chính nhờ nhiếp ảnh, tôi có sự sâu rộng hơn trong quan hệ xã hội. Nhiếp ảnh tạo ra sự gần gũi, thân thương của người nhiếp ảnh gia với các giai tầng trong xã hội. Nếu mỗi người cầm máy biết áp dụng những lợi điểm của nhiếp ảnh thì sẽ đem lại những bức ảnh vô giá được xã hội trân trọng. Về bản thân mình, để có được những thành công ngày hôm nay, tôi luôn giữ cho mình một quan điểm sống đó là sống hoà đồng nhưng không đồng hoá. Đồng thời, tôi không coi cái gì là quá quan trọng mà đưa mọi thứ trở về sự bình thường. Trong những lúc gặp khó khăn, tôi luôn tìm mọi cách để giải quyết nhưng nếu không được như mong muốn thì tôi cũng sẽ vui vẻ và chấp nhận nó.   

Thơ Trịnh

Sự thật mối tình giữa NSND Trà Giang và đạo diễn Hải Ninh

Thứ 4, 06/02/2013 | 14:02
Từ bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, người ta đã đồn thổi về mối tình giữa NSND Hải Ninh và NSND Trà Giang. Những lời đồn thổi lưu truyền đến bây giờ.

Quang Dũng buồn khi con trai sống với bố dượng

Thứ 4, 06/02/2013 | 09:45
Sau cuộc hôn nhận của Jennifer Phạm và doanh nhân Đức Hải, Quang Dũng nói gì?

Tuổi thơ của ngôi sao toán học Việt Nam

Thứ 3, 05/02/2013 | 10:43
“Hồi đó cô chú chẳng bao giờ nghĩ phải giáo dục con thế này hay thế khác. Tuy rất cố gắng nuôi dưỡng con trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng việc nuôi dạy Châu rất tự nhiên”, GS Ngô Huy Cẩn nói.