Người nối nghề cổ - khắc dấu gỗ

Người nối nghề cổ - khắc dấu gỗ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Theo dòng chảy của thời gian, những nghề cũ nơi phố cổ gần như mai một. Nhưng giữa nhịp sống hối hả này vẫn còn những người trẻ yêu nghề, gắn bó với nghề cổ. Họ đang từng ngày góp phần gìn giữ những nét riêng, độc đáo của phố nghề Hà Nội.

Đến với nghề là do duyên số

Anh Trịnh Xuân Lực là một người trẻ như thế. Ấn tượng của tôi khi lần đầu tiên gặp mặt đó là một chàng trai khá rụt rè, và ít nói. Anh sinh năm 1984, quê ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình làm nông nghèo khó, nên anh đã vất vả mưu sinh từ tuổi 15, cực nhọc với đủ nghề trước khi tìm được tình yêu với những con dấu gỗ.

Đến với những con dấu là một sự tình cờ do duyên số

Nghề khắc dấu gỗ đến với anh cũng rất tình cờ. Một lần ra Hà Nội, anh đến cửa hàng dấu gỗ của cậu ruột tại số 62 Hàng Quạt (Hoàn Kiếm) chơi. Đến đây anh thực sự bị cuốn hút bởi những nét khắc tinh xảo và những con dấu nhỏ xinh xắn.

Anh bày tỏ mong muốn được được cậu dạy và truyền nghề cho. Người cậu thấy đứa cháu có chí lại ham học hỏi nên đã tận tình chỉ bảo. Sau năm năm vừa học vừa làm tại cửa hàng của cậu mình thì Lực ra mở cửa hàng riêng.

Trịnh Xuân Lực tâm sự, những tháng đầu tiên khi mới bắt đầu học, đã có lúc anh tưởng chừng như bỏ cuộc, vì khắc mãi mà các nét cứ nguệch ngoạc, không ra hình thù gì. Nhưng bằng tình yêu và niềm say mê, anh đã cố gắng rất nhiều để luyện tay nghề. Cái nghề khắc dấu tưởng chừng như đơn giản nhưng chỉ khi tiếp xúc với người thợ cần mẫn cùng những dụng cụ sắc nhọn mới thấy hết được sự tỉ mỉ và công phu của họ. Bí quyết để học và làm tốt có lẽ chính là tính kiên trì, cẩn thận và lòng yêu nghề.

Giờ đây, qua tám năm học và làm, anh đã tích lũy được cho mình những kinh nghiệm quý báu và chút vốn liếng là một cửa hàng nhỏ trên phố Hàng Bạc. Lực cho biết, ngoài nhận khắc dấu theo yêu cầu của khách lẻ, anh còn nhận khắc những chi tiết khó, phức tạp cho nhiều cửa hàng lớn.

Điều làm nên sự khác biệt trong những con dấu của anh so với những cửa hàng khác chính là ở dụng cụ và đồ nghề. Để có được những con dấu đẹp, anh đã phải tự chế tác hoặc đặt các cửa hàng rèn làm đục, làm dao tỉa… theo đúng ý mình.

Đồ nghề khắc dấu đều là do anh tự chế

Muốn gắn bó với nghề cả đời

Cửa hàng của anh là một khoảng vỉa hè rộng chừng 4m2, trước cửa nhà số 22 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm). Xung quanh là một vài tấm bảng gắn đủ những con dấu với nhiều hình thù, kiểu dáng. Ngắm nhìn nhìn con dấu, những dụng cụ và quy cách anh làm tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một góc Hà Nội cổ xưa giữa phố phường hiện đại.

Khách đến cửa hàng khắc dấu ngoài khách là người Việt Nam còn có rất nhiều khách nước ngoài như Mỹ, Pháp, Úc, Nhật… Họ rất thích những con dấu với hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam như hình thiếu nữ đội nón lá, người đạp chiếc xích lô, chú bé cưỡi trâu, những hình ảnh thu nhỏ của tranh Đông Hồ… Đợt ba tháng đầu năm và ba tháng cuối năm là thời điểm khách du lịch sang Việt Nam nhiều nên cửa hàng của anh thu hút được khá nhiều người đến thăm, mua và đặt dấu khắc.

Hình ảnh những con dấu mang hình ảnh đất nước Việt Nam

Làm nghề cũng đã lâu, anh có rất nhiều kỉ niệm và cũng có rất nhiều người bạn nước ngoài. Anh khoe với tôi, bức tranh phác họa chân của một người bạn Pháp tặng. Một lần đến thăm quan phố cổ họ tình cờ biết dến cửa hàng của anh. Không chỉ đặc biệt thích thú với những con dấu khắc, vị khách người Pháp ấy còn vẽ tặng anh một bức chân dung rất đẹp.

Bức phác họa chân dung anh Lực của du khách người Pháp

Anh không giỏi ngoại ngữ, chỉ biết vài câu tiếng Anh xã giao để trao đổi với khách hàng. Dù vậy những người bạn nước ngoài vẫn nhớ và tới thăm anh mỗi khi đến Việt Nam. Nhiều người bạn mỗi lần về nước còn đặt anh làm giúp mấy trăm dấu khắc để đem về nước làm quà. Mỗi lần như thế anh cảm thấy vô cùng vui mừng bởi hình ảnh của Việt Nam sẽ có dịp ghi dấu trên nhiều vùng đất mới.

Những đơn hàng với số lượng nhiều như thế không phải là thường xuyên nên thu nhập của anh cũng không phải là con số ổn định. Nhiều khi quán chỉ lèo tèo vài ba khách một ngày. Anh Lực tâm sự: “Nếu không vì lòng yêu nghề thì khó mà theo nó được, với gánh nặng cơm áo gạo tiền thì thu nhập từ công việc này quá ít ỏi”. Mỗi tháng anh cũng phải trả gần bốn triệu tiền thuê mặt bằng, dù nó chỉ là vỉa hè trước một căn nhà, và nhiều những chi tiêu ăn uống, ở trọ khác.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rất hiếm những người trẻ tuổi muốn tiếp theo học và gắn bó với nghề truyền thống. Họ thường tìm đến những công việc trẻ trung, năng động hơn là cặm cụi ngồi khắc từng nét lên miếng gỗ, ngày qua ngày gom góp những đồng tiền ít ỏi. Suốt dọc khu phố cổ, tôi thấy rất ít những cửa hàng khắc dấu gỗ, có chăng là những cửa hàng lâu năm, của các nghệ nhân đã nhiều tuổi.

Mong muốn gắn bó với nghề cả đời

Khi được hỏi rằng anh có định gắn bó lâu dài với nghề này, anh Lực cười : “ Mình yêu nghề quá, chắc phải gắn bó cả đời với nó rồi. Mong muốn gìn giữ được nghề truyền thống, và cũng muốn giới thiệu Việt Nam với bạn bè thế giới”.

Tạm biệt anh, tôi ra về trong lòng rất nhiều suy nghĩ, tôi tin rằng mai đây nghề cũ phố cổ sẽ không bao giờ biến mất vì còn có những người trẻ như anh Lực gìn giữ chúng. Người thanh niên cặm cụi bên chiếc bàn con, tỉ mỉ khắc từng nét vẽ lên con dấu, người ấy đang từng ngày lưu giữ những ký ức về xưa cũ giữa nhịp sống hối hả của Hà thành.

Thanh Loan