Người phụ nữ được phong dũng sĩ diệt Mỹ khi 14 tuổi

Người phụ nữ được phong dũng sĩ diệt Mỹ khi 14 tuổi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Với chị Hồ Thị Thu (SN 1954, trú tại 36 đường Nguyễn Tri Phương Đà Nẵng), những lần gặp Bác Hồ từ thủa thiếu niên đã trôi qua hơn 40 năm mà cứ ngỡ mới như ngày hôm qua.

Lần đầu tiên, một bé gái nhỏ tuổi nhất trong số các Dũng sĩ diệt Mỹ của miền Nam được vinh dự gặp Bác, chị luôn ghi dấu những lời Bác dặn, là kim chỉ nam để vượt qua thử thách, khổ ải trong chiến trận cũng như giữa đời thường...

Xã hội - Người phụ nữ được phong dũng sĩ diệt Mỹ khi 14 tuổi

Ôn lại những kỷ niệm xưa là một niềm vui của nữ Dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Thị Thu

Tuổi nhỏ làm việc... lớn

"Mảnh đất lửa Duy Tân - Duy Xuyên - Quảng Nam ngày ấy sinh ra một người con, như có điềm lành báo trước sẽ làm rạng danh quê hương?", tôi mở đầu câu chuyện với câu hỏi ấy. Chị cười khiêm tốn: "Mình cũng như bao người đất Quảng mà thôi". Nhưng trong hồi ức của chị, hiếm có bé gái nào thời bấy giờ lại làm nên những điều đáng khâm phục như chị.

Chị Thu kể: Cha chị là lính kháng chiến chống Pháp, qua thời Mỹ bị bọn chúng đánh đập tàn ác, đau ốm triền miên và qua đời khi chị mới 6 tuổi. Mẹ nuôi bộ đội ở hầm bí mật nên nhiều lần bị tra tấn dã man. Anh trai chị hy sinh ở chiến trường. Còn chị, một cô bé ngày ngày chứng kiến cảnh quân Mỹ bắn giết dân mình, đã căm thù giặc đến tận xương tủy. Năm lên 8, chị trở thành một liên lạc nhanh nhẹn, gan trường bên dòng sông Thu Bồn...

Chị Thu cho biết: "Năm tôi 13 tuổi, một lần thấy địch phơi súng hàng loạt, chĩa nòng về dân quân du kích của ta như thách thức. Trong đầu tôi bỗng lóe lên ý tưởng... lớn: Bỏ cát, sạn vào nòng súng để chúng bắn không được. Thế là tôi rủ nhóm bạn đồng lứa vờ chơi trò trẻ con để qua mắt giặc. Trong rổ đựng cát sạn, trên phủ lớp lá chuối, cả bọn trẻ nô đùa kiểu... đánh lừa. Mỗi khi tôi bỏ cát, sạn vào nòng súng thì các bạn đứng xúm xung quanh che kín. Quân địch vẫn thấy đám trẻ chơi tung tăng nên không quan tâm”.

“Sau đó, tôi về báo với các chú bộ đội tận dụng thời cơ đêm ấy để tấn công. Bọn địch vẫn giương súng nhưng khi bắn bị... toe nòng. Quân địch thua trận, tan tác. Được nghe các chú bộ đội, các anh chị dân quân họp, quân ta có rất nhiều đạn nhưng súng thì rất hiếm, chưa tìm ra cách để có súng, tôi liền nảy ra kế hoạch. Vào nửa đêm, lính Mỹ gác đang ngáy khò khò, để súng lăn lóc, tôi lẻn tới vác từng cây súng ra phía sau đồng, giấu đi. Rồi cứ thế vào... lấy tiếp. Đến khi nghe gà gáy, biết trời sắp sáng, tôi vác cây súng Krăng M2 chạy về báo cho bộ đội địa điểm giấu súng. Tôi là người con gái đầu tiên của miền Nam được phong Dũng sĩ diệt Mỹ", chị Thu nhớ lại.

Không chỉ tham gia đánh giặc, chị Thu còn là một trong những người tham gia đấu tranh chính trị ráo riết, nhiều lần khiến quân địch khiếp sợ. Chị Mười Xê ở cùng xã Duy Tân đang có thai sắp đến ngày sinh, nhưng không chịu khuất phục trước kẻ địch, bị chúng đánh đập khiến sẩy thai, rồi chúng đốt xác chị. Phẫn uất, chị Thu hô hào bà con hốt xương tro của chị Mười Xê. Chính chị đã đội tro trên đầu để lên kiện quận trưởng. Lần đó chúng phải nhượng bộ. Và, những việc làm tương tự của chị và bà con khiến bọn địch khoan nhượng nhiều lần.

Với chị Thu, tuổi nhỏ nhưng những việc làm thì ý nghĩa rất lớn. Bởi trong thời điểm nước sôi lửa bỏng, sự mưu trí, ngoan cường của cô bé lại góp phần rất lớn cho thắng lợi của bộ đội, dân quân du kích ở địa phương. Nhiều việc làm của chị, không thể kể hết, nhưng tỏa sáng trong lòng mỗi người. Một bé gái tuổi còn nhỏ mà đã ba lần được phong Dũng sĩ diệt Mỹ là một minh chứng.

Kỷ niệm nhiều lần gặp Bác Hồ

14 tuổi, chị Thu ra Bắc, là bé gái duy nhất, nhỏ nhất cùng 6 người khác trong đoàn thiếu nhi miền Nam lần đầu tiên được vinh dự gặp Bác. Vừa được xe chở đến cổng Phủ Chủ tịch, chưa kịp xuống xe, ai nấy đã cuống quýt, bỏ cả dép chạy ào vào lòng Bác khi thấy Bác Hồ và Bác Tôn chờ sẵn. Chị không bao giờ quên khoảnh khắc đó.

Xã hội - Người phụ nữ được phong dũng sĩ diệt Mỹ khi 14 tuổi (Hình 2).

Chị Thu trong lần gặp Bác Hồ (người đứng bên trái Bác). Ảnh tư liệu

“Bác bảo mỗi chúng tôi kể chuyện cho Bác và Bác Tôn nghe. Đến lượt tôi, mừng quá, kể chuyện được, chuyện mất. Bác nhắc "cháu Thu không kể chuyện phá súng à?", tôi tự hỏi vì sao Bác bận trăm công nghìn việc của đất nước, mà lại nhớ đến chút chiến công nhỏ của cháu gái bé nhỏ, thấy lại càng tự hào hơn", chị Thu kể.

Lần khác, khi tham dự kỷ niệm 8 năm thành lập ngày mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1968) tại hội trường Ba Đình. Sau khi Bác Hồ vào, Bác vẫy cho đoàn dũng sĩ tí hon lên ngồi với Bác. Bác hỏi chuyện tất cả các anh em ăn học, rèn luyện ở đơn vị như thế nào... Chị Thu nhớ lần gặp Bác vào ngày 23/2/1969 khi Bác cho gọi đến gặp Đoàn đại biểu ủy ban Cu Ba đoàn kết với nhân dân Việt Nam để giao lưu và ăn tết.

"Lúc đó, từ nhà sàn nơi Bác ở và làm việc đi qua Phủ Chủ tịch, do thời điểm đó sức khỏe Bác yếu nên phải đi xe ô tô. Không thể tin được, Bác ôm tôi lên xe đi cùng Bác. Khi ấy, tôi rất buồn vì thấy Bác yếu hẳn. Tôi mân mê đôi bàn tay, vuốt chòm râu bạc phơ của Bác, rồi Bác ôm tôi vào lòng. Bác xoa đầu nhắc nhở học hành thật ngoan. Qua những lần gặp Bác, không phải chỉ riêng tôi, ai cũng cảm nhận thấy Bác Hồ thân thương và gần gũi như ông nội của mình", chị Thu xúc động nói.

Do ảnh hưởng của bom đạn nên chị Thu bị bệnh, mất dần trí nhớ. Chị phải điều trị ở Bệnh viện 108. Trong một tháng điều trị, hầu như ngày nào Bác Hồ cũng điện vào hỏi thăm. Mỗi lần như vậy, chị càng quyết tâm chữa bệnh để không phụ lòng Bác và góp phần nhỏ bé của mình cho cuộc đấu tranh của toàn dân tộc.

Cầu nối hữu nghị Việt - Xô

Năm 1970, trong hàng trăm Dũng sĩ diệt Mỹ, chị Thu là một trong 3 người được chọn đi cùng đoàn học sinh miền Nam dự trại hè Aratec dành cho tất cả thiếu nhi thế giới tại Liên Xô (cũ). Nhiệm vụ của 3 anh em: Tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ tàn sát đồng bào Việt Nam, trong đó có rất nhiều trẻ em. Trong khi chị Thu đang tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ, có một người mẹ (sau này mới biết tên là Rita, cựu chiến binh từ Thế chiến thứ 2) khóc sướt mướt. Đã từng trải qua chiến tranh, mẹ đã thấu hiểu nỗi đau này. Mẹ khóc như thể chưa bao giờ được khóc.

Chị Thu kể lại: "Xong bài phát biểu, trong lòng tôi dâng lên niềm xúc cảm lạ thường. Tôi chạy đến ôm bà vào lòng và gọi má. Bà mẹ cũng gọi con rồi hai người ôm nhau không rời khiến cả hội trường cảm động khóc theo. Bà Rita nhận tôi làm con nuôi trong niềm thương vô hạn, muốn chia sẻ một phần nỗi đau mà Thu cùng dân tộc Việt Nam đang phải gánh chịu. Sau đó, vợ chồng bà Rita đưa tôi lên Đại sứ quán Việt Nam tại đó làm thủ tục và xin cho Thu được ở lại cùng gia đình bà. Các cô chú ở Đại sứ quán cũng ủng hộ”.

“Tôi nói: "Con cũng muốn ở lại để học hành cùng má lắm. Nhưng con xin ba má được trở lại Việt Nam để được ra chiến trường, đánh Mỹ. Không may con hy sinh thì ba má xem đó như là một vinh dự, con đã góp phần nhỏ bé cho Tổ quốc. Nếu còn sống, con hứa sẽ quay trở lại với ba má...". Tất cả mọi người trong Đại sứ quán đều khóc, khóc cho tấm lòng của một người con đất Việt, khóc cho tình thương của một người yêu hòa bình, giàu lòng yêu thương", chị Thu nhớ lại.

Sau ngày hòa bình, được biết bà Rita đã gửi rất nhiều thư từ cho chị Thu, nhưng ngày ấy ở chiến trường không thể nhận được. Năm 1984, bà đăng tin ở một tờ báo ở Liên Xô, rồi nhờ chuyển đến báo Tiền Phong thì hai má con mới gặp lại được nhau trong muôn vàn cảm xúc. Hè năm 1984, ông bà Rita lặn lội sang Việt Nam để mong gặp đứa con nuôi sau bao năm xa cách. Gặp lại nhau, mừng tủi lẫn lộn khiến mọi người chứng kiến ai cũng rơi dòng nước mắt hạnh phúc.

Năm 1985, chị Thu được mời (thành viên danh dự) sang Liên Xô (cũ) để kết nối và chứng minh cho nhân dân hai nước thấy được tình đoàn kết, hữu nghị mà trên hết là tình người của hai dân tộc. Cũng vào năm 1985, má con chị là 2 nhân vật chính của cầu truyền hình hữu nghị Hà Nội và Moskva.

Hiện nay vợ chồng chị Thu đều đã nghỉ hưu sau nhiều năm tháng công tác trong quân đội. Thường ngày, nhất là ngày sinh nhật Bác và những ngày lễ lớn của dân tộc, chị Thu thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện đầy xúc động, đó cũng là những lời gửi gắm đến thế hệ trẻ, đến muôn đời sau.

Bùi Hương