Người phụ nữ nhân hậu phất lên từ rác

Người phụ nữ nhân hậu phất lên từ rác

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Nói đến chị Ngô Thị Huê, giám đốc công ty TNHH An Châu (có trụ sở tại khối 14, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An), là người dân nơi đây nghĩ ngay đến một người phụ nữ giàu ý chí, phất lên từ rác. Trên hết, chị còn là một người có tấm lòng nhân ái bao la.

Giám đốc Ngô Thị Huê (SN 1952) là một phụ nữ có vóc người thấp đậm, nhưng lại toát lên một nghị lực làm giàu phi thường. Công ty TNHH An Châu của chị chuyên sản xuất giấy krap, cung cấp sản phẩm cho cả một thị trường rộng lớn trong tỉnh.

Khi chúng tôi ghé thăm trụ sở công ty, chị đang cùng với một nhóm người hì hục vác những bì xác rắn gom gọn vào một chỗ. Thoạt nhìn, tôi cứ tưởng là bãi rác. Thực tế, đây là những phế liệu được thu mua từ khắp nơi trong thành phố về, để tái sản xuất, nhưng không hiểu sao dân họ cứ tưởng là rác thải. Vào trong nhà máy, tuy hệ thống máy móc đã cũ kỹ nhưng vẫn hoạt động tốt. Dừng lại ở vị trí máy nghiền thủy lực - nơi nguyên liệu được đưa vào để nghiền ra bột giấy, chúng tôi thấy có màu đen ngòm, nếu chị Huê không giải thích thì cứ tưởng là bùn và nước thải lỏng.

Xã hội - Người phụ nữ nhân hậu phất lên từ rác

Chị Ngô Thị Huê - giám đốc công ty TNHH An Châu

Xem xét một vòng quy trình sản xuất của nhà máy, chị Huê dẫn chúng tôi lại một cái bàn đặt ở dưới gốc cây bàng, mồ hôi nhễ nhãi, người phụ nữ này bắt đầu bộc bạch: Chị sinh ra và lớn lên ở một mảnh đất nghèo Diễn Xuân, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Năm 1971, chị thi đỗ trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc, khoa kinh tế nông nghiệp. Đến năm 1976, chị tốt nghiệp đại học, cũng trong năm đó chị lập gia đình, cầm bằng tốt nghiệp trong tay chị tự xin việc và được nhận vào làm tại chi cục cơ giới Nông nghiệp, thuộc sở Nông nghiệp Nghệ An. Sau đó chị chuyển về làm ở công ty Rau quả của thành phố Vinh (nay đã sát nhập thành công ty Cây cảnh TP.Vinh).

Sau 5 năm đi Liên Xô, trở về nước với một số vốn kha khá, chị Huê bắt đầu đi thực tế, tham quan các nhà máy khác để học hỏi và đúc rút kinh nghiệm mô hình sản xuất giấy Krap. Năm 1995, công ty TNHH An Châu được thành lập, đến năm 1997 bắt đầu đi vào hoạt động. Vốn ban đầu để mở công ty là hai tỷ đồng, ở thời điểm đó, đây là một khoản tiền không nhỏ. Lúc đầu, chị làm chung với một người bạn thân, nhưng được thời gian, chị lại bị chính người bạn thân ấy lừa bán hết sản phẩm và bỏ trốn. Tính ra mất mát lên đến hàng tỷ đồng, khó khăn chồng chất khó khăn. Đứng trước thử thách của cuộc sống, của mặt trận thương trường ấy, chị đã tự hỏi mình: “Giờ phải lùi lại? Hay vững tâm tiến tới?”. Rồi dặn lòng: “Đó chẳng qua chỉ là những thử thách trường đời, nhất định mình không được chùn bước, phải biết vượt lên số phận, phải chèo lái con thuyền đến cùng. Nếu dễ dàng đạt được mục đích thì đâu còn cao quý”. Chính vì thế mà bất luận là khó khăn nào, chị vẫn không lùi bước. Và rồi chị được một số người bạn cho vay một khoản tiền để vực lại công ty. Con trai chị - anh Hoàng Tuấn Dũng trở thành trợ lý đắc lực cho mẹ.

Xã hội - Người phụ nữ nhân hậu phất lên từ rác (Hình 2).

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Huê còn là người có tấm lòng nhân hậu, tham gia nhiều hoạt đồng từ thiện tại tỉnh nhà.

Ban đầu chị tạo công ăn việc làm cho 10 công nhân, sau đó lên dần 30 rồi 50 công nhân. Hàng tháng, mỗi công nhân được trả lương 2,5 triệu đồng (được ăn bữa trưa và bao chỗ ở), những công nhân này còn được đóng bảo hiểm đầy đủ. Ngoài ra, chị còn có một đội ngũ trên 200 nguời chuyên đi thu gom phế liệu để tái sản xuất. Hằng ngày, công ty chị thu gom về khoảng 15 tấn phế liệu. Nếu số lượng rác thải này được chuyển về bãi rác Nghi Yên, thì thành phố Vinh sẽ mất một khoản tiền không nhỏ để xử lý.

Chị Ngô Thị Huê không chỉ giàu nghị lực mà còn giàu lòng nhân ái. Với khoản lãi nhỏ đó, hằng năm chị trích ra một khoản tiền để làm từ thiện cho người nghèo, chất độc da cam, nhà chùa… “Làm được một việc có ích, giúp những người kém may mắn, mình cảm thấy hạnh phúc hơn”, chị chia sẻ.

“Gian lao không làm ta nhụt chí” là câu nói chị Ngô Thị Huê rất tâm đắc. Và người phụ nữ đã hơn 60 tuổi này vẫn luôn sục sôi nhiệt huyết cháy bỏng đối với công việc hiện tại. Qua đây, chị cũng gửi lời cảm ơn đến ông Nguyễn Trung Thực - chủ tịch UBND phường Cửa Nam và người dân xung quanh đã thấu hiểu, cảm thông, tạo điều kiện cho Công ty TNHH An Châu được tiếp tục phát triển.

Phùng Nga - Thủy Tiên


Tag: Nghệ An