"Người tài chẳng ai dại gì mà nói nhiều"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Nhắc đến Lê Hùng, người ta phải nhớ đến tên tuổi của một vị đạo diễn bậc nhất ở thể loại kịch Việt Nam hiện nay. Ông là người sở hữu nhiều nhất các vở kịch kinh điển. Được mệnh danh là con “sói già” của sân khấu kịch.

Muốn hướng tới cái đẹp thì phải đấu tranh

Mới đây, trong vở kịch Đường đua trong bóng tối, chuyện mua quan bán chức được ông bàn đến và tái hiện một cách tài tình, gay gắt, sắc sảo. Với những đề tài nhạy cảm như vậy, ông có sợ những sự đụng chạm nào đó?

Với nghệ sĩ điều quan trọng nhất là dám nói. Khát khao của nghệ sĩ là muốn cuộc đời tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ, xã hội mình hiện nay đang có nhiều thứ xuống cấp quá. Đạo đức bị suy đồi, văn hóa thì cái gì cũng thiếu, mà thiếu trầm trọng nhất là văn hóa giao thông. Dân mình ra đường không bao giờ có sự nhường nhịn nhau, cứ phải chen lấn xô đẩy thì mới chịu được. Va chạm một tí, xe không việc gì nhưng người đã nhảy bổ vào nhau.

Sự kiện - 'Người tài chẳng ai dại gì mà nói nhiều'

Rồi đến chuyện học trò. Tôi cho rằng đây là một sự báo động lớn nhất. Học trò bây giờ đứng dậy tát vào mặt thầy ngay giữa lớp. Thầy thì ngủ với trò. Nói chung là phức tạp. Cái danh của người thầy cũng không còn được như ngày xưa. Ngày xưa, vợ ông giáo được gọi là bà giáo, dù đó chỉ là một người phụ nữ nông dân. Bởi người ta kính trọng như thế! Ngày tết, ngày lễ, trò phải đến làm lễ nhập môn để được vào lớp. Thầy được coi như cha. Nhưng bây giờ thì hỏng rồi, giáo viên chưa dạy đã đòi nhận tiền, học trò chưa mở sách ra đã đút tiền. Trong chuyện xưa, việc người khác đi thi hộ để làm quan là việc khi quân phạm thượng, có thể bị mang ra chém đầu trước thiên hạ. Bây giờ, những chuyện học giả, thi giả, bằng giả lại là bình thường.

Người nghệ sĩ muốn làm đẹp cho đời thì phải đấu tranh, đấu tranh bằng nghệ thuật. Chuyện mua quan bán chức là câu chuyện tồn tại rất lâu trong xã hội chúng ta. Ai cũng biết, chỉ có điều nói ra như thế nào để người ta phục. Công chiếu rộng rãi vở kịch này cũng là một cách để nói với khán giả rằng, chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật.

Một vở kịch chủ yếu được phát vé mời, sẽ có nhiều quan chức ngồi ở vị trí khán giả, ông có nghĩ họ sẽ thấy chính mình trên sân khấu và không khỏi chạnh lòng lẩn trách móc đạo diễn, ông có nghĩ đến điều đó?

Có chứ, họ sẽ phải nhìn thấy, nhưng đạo diễn thì không có gì phải sợ. Ông ấy nói đúng và nói hay đấy chứ. Nếu ông lãnh đạo nào đó vô tình nhận ra mình trong vở kịch thì bằng một cách nào đó, nếu họ chưa bị phát hiện ra mình chạy chức chạy quyền thì phải cố gắng phấn đấu hơn nữa để cảm thấy xứng đáng với chiếc ghế mình đang ngồi. Thông điệp của vở kịch là lời khẳng định rằng, Đảng chúng ta đang dám nhìn vào sự thật. Làm như thế để dân tin vào Đảng, vào chính quyền hơn...

Lạm bàn về các cơ chế ở nước mình, dường như ở đâu cũng đều là một câu chuyện đang dang dở. Ví dụ như năm trước, việc ông muốn sáp nhập nhà hát Tuổi Trẻ và nhà hát Kịch Việt Nam thành trung tâm kịch nghệ Quốc gia (sau này được bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đổi tên thành Nhà hát kịch Quốc gia) nhưng không thành. Rõ ràng, cơ chế đã làm khó ông và vì thế nhiều người cho rằng đạo diễn Lê Hùng đã hạ cánh không an toàn, một điều đáng tiếc trong sự nghiệp của ông?

Trong số tử vi của tôi nói rằng, vào đúng tháng ấy, năm ấy thì tôi sẽ bị nạn thị phi và rơi vào cung nô, tức là cung của các học trò, nô bộc. Tôi không bất ngờ vì biết trước rồi. Bạn bè tôi nhiều người giỏi việc đó. Họ khuyên tôi nên im lặng. Và đúng là tôi cũng không nói nhiều, không thanh minh, giải thích gì cả. Tôi vẫn an toàn mà. Chuyện đó không ảnh hưởng gì đến lương thưởng hay chế độ hưu trí cũng như tiếng tăm của mình. Vì mình có làm gì sai đâu.

Mục đích của tôi khi sáp nhập các nhà hát với nhau tức là định làm cái lớn, đó là thành lập Trung tâm Kịch nghệ Quốc gia. Nhưng bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho rằng trung tâm thì lớn quá, ngang tầm đại học, trong khi Chính phủ hiện nay không muốn thành lập thêm trường đại học nữa. Nhưng ý của tôi, trung tâm đó sẽ có 3 nhà hát và các khoa đào tạo khác. Nếu làm được điều đó thì chỉ có lợi cho anh em. Việc đầu tiên là Chính phủ sẽ cho xây trụ sở ở Mỹ Đình, với tổng diện tích lên đến 7000 m2 đất. Nếu là nhà hát lẻ thì làm gì có chuyện đó. Hơn nữa, khi mình làm cái lớn thì mình sẽ có cơ hội bước chân ra và hòa nhập với thế giới nhiều hơn. Nhưng anh em không đồng ý thì tôi về, đơn giản thế thôi.

Sự kiện - 'Người tài chẳng ai dại gì mà nói nhiều' (Hình 2).

Lê Hùng bây giờ chỉ muốn tập trung cho các vở diễn.

Ông mạnh miệng tuyên bố thế nhưng nói gì thì nói, sự gay gắt và tàn nhẫn của những thị phi ấy cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của đạo diễn Lê Hùng chứ, dù rằng ông vẫn được mệnh danh là con “sói già” của làng Kịch Việt Nam?

Có gì mà phải nghĩ ngợi. Tử vi đã chỉ ra thế rồi thì trước sau sẽ xảy ra thôi. Chỉ tiếc là nó rơi vào đúng cung nô, là cung của những học trò, những người mình từng có công đào tạo, dạy bảo nên cũng có đôi chút buồn. Nhưng nghe đâu bây giờ bắt đầu xin lỗi rồi đấy, ở hội thảo hôm qua hay hôm kia gì đó. Tôi nghĩ họ cũng nên nhìn nhận và suy nghĩ lại, còn mình thì chẳng trách móc hay chấp nhặt điều gì.

Cuộc đời này vẫn thế, vẫn tồn tại nhiều câu chuyện đáng buồn như chuyện trò chửi thầy. Nhưng kinh qua với nhiều thăng trầm của nghề nghiệp, tôi nhìn điều đó với con mắt nhẹ nhàng nhất. Cái làm mình thanh thản và được an ủi chính là mục đích tốt đẹp của mình. Chỉ có điều, người ta không hiểu. Họ cứ tưởng làm giám đốc là sướng, rồi quy cho cái chuyện mình xin sáp nhập cái này, cái kia là vì mục đích chạy lương, chạy thưởng gì đó.

Chúng ta chọn hoa hậu chưa chuẩn

Sự quả quyết ấy có phải vì ông đã quá mệt mỏi với những thị phi của cuộc đời này?

Biết Tử vi đã chỉ thế nhưng thú thực, tôi không nghĩ mọi người lại nói năng như vậy. Tự nhiên bị học trò nó chửi vào mặt thì ai chẳng buồn. Mình cũng là con người, đâu có phải là gỗ đá, chỉ có điều mình không muốn nói. Thanh minh bây giờ cũng trở nên buồn cười. Cho nên quan điểm của tôi, họ thích nói gì để họ nói. Thậm chí có người còn hung hăng phát ngôn để thể hiện mình. Tôi thấy, nhiều đạo diễn bây giờ ghê lắm. Mới dựng được một vở, chưa biết hay hay dở đã lồng lên vỗ ngực cho mình là chuyên nghiệp thế này, nghệ thuật thế kia. Những chuyện đó ở Việt Nam bây giờ nhiều lắm. Mình cũng không nên buồn làm gì. Nhưng tôi nghĩ, người có tài, chẳng ai dại gì mà đi nói nhiều.

Ông là một trong những nhân chứng sống của nền sân khấu kịch Việt Nam. Vậy theo ông, vì sao thể loại này vẫn chưa thực sự có nhiều đột phá dù tồn tại và phát triển đã lâu?

Có nhiều nguyên nhân để dẫn tới hiện trạng này. Thứ nhất, hiện nay, các nhà hát được đầu tư kinh phí quá ít. Thứ hai, lực lượng trong bộ phận sáng tạo còn quá mỏng. Nghệ thuật đòi hỏi phải có tài năng, nhưng tài năng của biểu diễn không có nghĩa là tài năng của đạo diễn. Tôi có tham gia giảng dạy một lớp sinh viên và bảo họ kể ra những thứ gì có thể đựng nước. Họ kể ra một loạt từ cốc, chén đến xoong, chậu, ấm, chén. Nhưng tôi nói với họ, đó chỉ là tư duy của một diễn viên. Tư duy của một đạo diễn phải khác. Tôi hỏi các bạn cái hốc mắt có phải là cái cốc để đựng đau khổ không. Cái ao có phải là cái nơi đựng nước đái của trời không. Còn những xoong chậu kia thì đến đứa trẻ cũng kể được.

Tôi từng nhìn thấy đôi mắt của một ông già râu tóc, bạc phơ đứng trước linh cữu của người vợ mình. Một đôi mắt đầy ắp những giọt nước mắt. Cái hốc mắt ấy chính là đáy của mọi nỗi đau khổ, bi thương nhất. Nhưng thử hỏi, mấy ai nhìn ra được điều đó. Vấn đề là chúng ta thiếu tư duy sáng tạo. Chính điều đó đang làm cho sân khấu chậm lại.

Sự kiện - 'Người tài chẳng ai dại gì mà nói nhiều' (Hình 3).

Lê Hùng vẫn thanh thản sau biến cố lớn nhất trong sự nghiệp vừa xảy ra.

Người ta nói rằng cái tôi tạo nên cá tính, nhưng đó cũng chính là sự cô độc của người nghệ sĩ, ông có nghĩ thế không?

Tài năng hay sự thẳng thắn của mình lắm lúc cũng khiến người khác khó chịu. Khó chịu theo nhiều nghĩa. Nhưng đó là việc của mọi người. Còn cái quan trọng là mình với khán giả. Mình không cô độc với khán giả là được. Mà làm sao cô độc được khi tác phẩm của mình đến được với họ, được họ yêu thích. Nghệ sĩ thành công hay không là ở sự yêu mến của công chúng. Và chỉ có điều đó mới có quyền phán xét mình. Còn nếu đã là nghệ sĩ mà cô độc với khán giả thì đừng làm nghề nữa.

Vì ông thấu hiểu phụ nữ?

Tôi kể cho bạn nghe chuyện này, nội dung một vở kịch lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian của nước Nhật. Một anh nông dân trong một lần ra ruộng, thấy một con hạc bị thương liền mang về cứu chữa. Con hạc về sau biến thành một cô gái xinh đẹp và tự nguyện làm vợ anh nông dân. Người vợ thấy chồng mình suốt ngày lao động lam lũ, vất vả nhưng luôn nghèo túng. Một lần, cô gái bảo với chồng, em sẽ dệt một tấm vải, anh mang nó ra bán và vợ chồng mình sẽ chẳng bao giờ bị đói nữa.

Nói rồi, cô gái đóng cửa buồng và dứt những chiếc lông của mình ra. Tấm vải được bán một cách nhanh chóng với giá rất cao. Rồi nó được đến tay nhà vua. Ông ra lệnh cho chàng trai, nếu dệt thêm một tấm nữa sẽ được đủ số vàng mà mình thích. Ông chồng mừng quá liền về nhà nói với vợ. Cô gái bảo rằng, nếu em dệt thêm tấm nữa thì vợ chồng mình sẽ chẳng bao giờ được gặp lại nhau, nhưng ông chồng không để ý. Khi tấm thảm thứ hai được hoàn thành cũng là lúc con hạc gục xuống, trên người đã không còn một chiếc lông nào. Cái chết đó là hiện thân cho sự hy sinh cao cả của người vợ vì cuộc sống gia đình.

Từng có nhiều năm sống và làm việc ở châu Âu, ông thấy phụ nữ thế giới thế nào, họ có đẹp trong mắt đạo diễn Lê Hùng không?

Phụ nữa phương Tây rất đẹp, nhưng là cái đẹp khiến ta choáng ngợp. Tôi lại thích những sự gần gũi, tự nhiên, thuần Việt hơn.

Nếu có lời mời ngồi vào vị trí giám khảo của các hoa hậu, ông có nhận lời không?

Tôi được mời rồi đấy chứ nhưng vì công việc nên không nhận lời được. Chắc phải đợi một dịp khác vì ai cũng thích hoa hậu cả. Dù chỉ là ngồi xem và chấm điểm họ.

Ông có theo dõi các cuộc thi hoa hậu gần đây không, theo ông họ có xứng đáng để đại diện cho vẻ đẹp Việt?

Dĩ nhiên là họ đẹp nhưng đẹp nhất thì chưa hẳn. Vì sao mà ở thế giới, khi lựa chọn hoa hậu, người ta luôn được tâm phục, khẩu phục còn Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Cô gái nào lên ngôi cũng để lại những bàn tán xôn xao. Vẻ đẹp Việt vẫn đề cao sự thuần khiết nhưng nó khác với vẻ nhu mì, yếu đuối. Thị Mầu ngày xưa rất thuần Việt đấy thôi. Nàng dịu dàng ở sự mạnh mẽ, quyết liệt, dám yêu, dám sống và dám lựa chọn hạnh phúc của mình.

Bích Đào