Người thợ cạo sáng tác 4.000 châm ngôn răn mình

Người thợ cạo sáng tác 4.000 châm ngôn răn mình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Chỉ là một người thợ cắt tóc bình thường ở cổng đình An Thọ (Hà Nội) nhưng ông Cao Bá Tuế, 82 tuổi, hậu duệ đời thứ 5 của Cao Bá Quát lại có một gia tài thơ văn đáng nể với gần 4.000 câu châm ngôn gần gũi đời thường, nhưng cũng không kém phần ý vị sâu xa.

Ngồi một chỗ nghe đủ chuyện thiên hạ

Ông Tuế có gốc gác ở làng Sủi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) và là hậu duệ đời thứ 5 của Cao Bá Quát. Nhiều người nghĩ rằng niềm đam mê văn chương thơ phú của Cao Văn Tuế dường như được di truyền từ tiền nhân của mình. Nhưng khác với Thánh Quát, học hết tiểu học, ông Tuế nghỉ học để phụ giúp kinh tế gia đình. Năm 15 tuổi, ông học nghề cắt tóc từ một ông thợ trong làng.

Nghề cắt tóc ngày ấy vốn không thịnh như bây giờ. Mở cửa hàng ở quê không có khách, phó cạo Cao Văn Tuế tìm đến làng An Thọ (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) để hành nghề, rồi kết duyên với con gái của làng, an cư lập nghiệp đến giờ.

Xã hội - Người thợ cạo sáng tác 4.000 châm ngôn răn mình

Ông Tuế đang cắt tóc cho khách

Nghiệp cắt tóc thăng trầm theo thời gian. Hết vào hợp tác xã, lại ra cắt tóc ở góc cây ven đường. Sau này, ông mượn được một gian phòng nhỏ, cạnh cổng đình làng An Thọ - vốn là nơi khai báo tạm trú, tạm vắng của phường Bưởi để hành nghề với biển hiệu: "Tô Xuân". Ông lý giải, cắt tóc làm trẻ con người, cũng là tô đẹp cho tuổi thanh xuân nên ông mới lấy tên biển hiệu như vậy. Cũng từ lúc đó, "Tô Xuân đón khách mỗi ngày".

Ông hóm hỉnh bảo: "Ngày nào cũng đè đầu vít cổ cả chục người thế mà cấm có ai kêu ca hay phản đối gì". 65 năm qua, ông phó cạo làng Bưởi cặm cụi sửa sang sắc đẹp cho lớp lớp người nơi góc quán bình dị, đúng như những dòng tuyên ngôn ông viết cho riêng mình: "Điền viên ngày tháng thanh nhàn/ Nhấp nhô mũ lọng xênh xang mặc người".

Quán Tô Xuân không đơn thuần chỉ là nơi cắt tóc, sửa sang sắc đẹp cho mọi người mà còn là quán thơ văn, nơi tụ tập trao đổi thông tin của những tâm hồn đồng điệu. Được cái, khách thích văn chương một nhưng chủ hiệu lại thích mười. Thế nên, buổi cắt tóc nào đúng cạ thường kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Đặc biệt, những khi cây bút Cao Văn Tuế có cái gì mơi mới.

Ông bảo rằng: "Tôi là hậu duệ năm đời của cụ Cao Bá Quát. Tôi kính khí phách, tài năng của cụ nên tôi cũng quan niệm làm gì ở đời cũng phải lạ, phải có nét riêng. Thơ văn ở đời có nhiều người đã làm và làm giỏi hơn tôi rất nhiều. Nhưng châm ngôn thì tôi đọc bao nhiêu sách vở, bao nhiêu tờ báo hằng ngày vẫn thấy ít xuất hiện. Trong khi những câu nói ấy đôi khi có tác dụng còn hơn cả mấy trang sách, mấy tờ báo. Vì thế tôi quyết định đi theo con đường riêng này của mình".

Cũng lạ, học hành thì chữ tác ra chữ tộ thế mà ông Tuế lại có chân hội viên Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội từ lứa đầu tiên, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Nghề cắt tóc buộc chân khiến ông Tuế chẳng đi đến đâu nhưng bù lại hay được hóng hớt chuyện thiên hạ. Chính cái miệng có duyên đến lạ của ông khiến nhiều người khách dốc ruột, dốc gan kể chuyện đời mình. Câu chuyện có thể từ chuyện vặt vãnh trong gia đình đến quốc gia đại sự, có thể là chuyện đời, chuyện nghề. Ông ghi chép, gom góp lại rồi đêm về lại đem những câu chuyện người ta tự nguyện cho không ấy, viết thành văn rồi gửi đăng báo, kiếm thêm tiền tiêu vặt.

Lúc đầu, ông Tuế đặt mục tiêu cho mình trong 3 năm sẽ viết 100 câu châm ngôn, đồng thời thỉnh thoảng ông lại lồng ghép các câu châm ngôn của mình khi viết báo để giới thiệu đến công chúng. Nhưng không ngờ trong đêm đầu tiên ngồi tổng hợp lại những kinh nghiệm, vốn sống của mình ông đã viết được 32 câu. Đó là đêm 29/7/1991, nằm mãi không ngủ được, ông bèn dậy hí hoáy viết một cái gì đó.

Câu châm ngôn với câu đầu tiên trong số 32 câu ông viết đêm ấy là: "Người già mọi cái đều co lại, riêng cái mồm lại rộng ra". Trong số 32 câu châm ngôn mất ngủ ấy, ông Tuế gửi đi các báo thì có tới 31 câu được đăng tải.

Ông Tuế vui vẻ khoe, đến thời điểm hiện tại ông đã có 3.688 câu châm ngôn với hơn 1.000 câu được đăng trên các sách, báo, lịch. Chúng đều là những câu nói ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ và đúc kết từ cuộc sống nhằm hướng con người tới cuộc sống vị tha. Thành quả là, năm 1995, ông Tuế được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin chọn một số câu châm ngôn để in thành sách có tên là "Tâm Văn".

Xã hội - Người thợ cạo sáng tác 4.000 châm ngôn răn mình (Hình 2).

Ông Bá Tuế

Đắc cử tổ trưởng dân phố trọn đời nhờ châm ngôn

Là con rể làng Bưởi - một làng nổi tiếng khoa bảng, nên việc ông Cao Văn Tuế được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố cũng cho thấy phần nào ông được những người dân mến phục như thế nào. Nhiệm vụ của tổ trưởng tổ dân phố là phải xử lý ngay khi có bất cứ sự vụ nào xảy ra, từ việc thăm nom người ốm, ma chay, hiếu hỉ đến việc giữ gìn trật tự an toàn và vệ sinh môi trường. Đến nay, ông Tuế đã 82 tuổi nhưng bà con vẫn tín nhiệm bầu ông làm Tổ trưởng liên tục 48 năm qua - có lẽ đây là kỷ lục về thâm niên công tác của chức vụ này.

Bà Đoàn Thị Tú, 65 tuổi, một người dân trong tổ nhận xét: "Nói về một người tổ trưởng dân phố mà làm việc như ông Tuế, tôi thấy là nhất đấy vì bác rất ôn hòa và tận tình. Tiếng nói của bác có uy tín nên hòa giải có hiệu quả. Người ta phải rất tin cậy thì mới nghe theo. Bác ấy làm công việc hiệu quả vì là người có tâm và rất tình cảm, hòa đồng với bà con".

Không chỉ tận tâm với bà con, ông Tuế có cách giải quyết sự vụ không giống ai, đó là bằng những câu châm ngôn do ông tự viết. Bởi thế ông được bà con tổ dân phố số 29 phường Bưởi, quận Tây Hồ gọi là ông "tổ trưởng châm ngôn".

Một lần ông Tuế chứng kiến đứa trẻ 6 tuổi trong xóm bị cha mắng do cầm tiền đi mua xôi không cẩn thận bị người ta giật mất. Gặng hỏi thì người cha cho biết, hàng xôi đầu ngõ hết nên cháu bé cầm 100.000 đồng ra ngoài đường thì bị giật mất tiền. Ông Tuế nghe xong liền phê bình người cha vì đã giao việc quá sức cho đứa trẻ. Sau đó, ông viết câu châm ngôn: "Thường phê bình người hỏng việc, mấy ai phê người giao việc".

Ông Vũ Nhật Chương, người làng Bưởi nhận xét: "Phần lớn những câu châm ngôn của bác Tuế xuất phát từ cuộc sống thường ngày nên nhiều người thấy rất thiết thực, phù hợp với nhận thức và suy nghĩ của người dân bình thường. Nó không quá cao siêu nhưng những người đã từng trải thì lại nghiệm thấy rất đúng. Vì thế, những câu viết của bác ấy được rất nhiều người biết đến.

Ông Tuế chia sẻ: "Có làm tổ trưởng tổ dân phố mới thấu hiểu nhân dân, thấu đáo được hoàn cảnh của từng gia đình, do đâu mà thành, vì đâu mà bại. Từ đó cũng giúp tôi có thêm vốn sống quí giá". Giờ đây, tuổi tác cao nhưng ông Tuế hãy còn ham mê văn chương lắm. Trong quán cắt tóc ngoài các dụng cụ hành nghề, lúc nào cũng thấy có bút có vở. Hễ lúc nhàn rỗi là ông ngồi ngẫm nghĩ sáng tác.

Nhiều người hẳn sẽ đặt câu hỏi tại sao 80 tuổi rồi mà ông còn đi mở hiệu cắt tóc nhưng với ông Tuế chỗ cắt tóc cũng như một kênh để lắng nghe mọi nỗi niềm của cuộc đời. Nhờ đó mà những câu châm ngôn của ông Tuế vừa mang chất dí dỏm của người sáng tác ra nó lại vừa có tính khái quát và phản ánh những hiện tượng trong xã hội rất sâu sắc.

Sự nghiệp viết lách của ông phó cạo Văn Tuế còn "hoành tráng" hơn khối người khi ông lần lượt ẵm nhiều giải báo chí. Có thể kể đến bài thơ "Chú công an tý hon" sau khi đăng báo Độc lập năm 1959, được Nhà Xuất bản Văn học đưa vào Hợp tuyển Thơ văn thiếu nhi 1945-1960. Viết về làng Sủi quê mình, ông Tuế nhận nhiều giải thưởng như các tác phẩm: "Đường về làng quê không bị lấm giày" (Giải A, báo Hà Nội mới năm 1999), "Nếp làng Sủi" (Giải ba cuộc thi Phóng sự báo Quân đội nhân dân năm 1998), "Hạnh phúc trên tay bà đỡ" (Giải B cuộc thi Sáng tác văn năm 2000)... Đối với một bác phó cạo, cả đời chỉ ngồi một chỗ mà có được những giải thưởng đó cũng có thể gọi là đã có một sự nghiệp lẫy lừng.

Hoàng Việt