Người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ mình trước

Người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ mình trước

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Ngày Tết Trung thu đã cận kề, người dân không khỏi lo lắng về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế.

Thực phẩm bẩn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm với mặt hàng bánh Trung thu hiện nay?

Càng ngày bánh trung thu càng nhiều mẫu mã, chủng loại được sản xuất bởi công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, không cứ sản xuất hiện đại là đảm bảo an toàn vệ sinh. Ví dụ trước đây bánh nướng trung thu chỉ để được 2 - 3 tuần, bánh dẻo thì độ 10 ngày. Nhưng hiện nay, với công nghệ tiên tiến cộng với việc sử dụng chất bảo quản nên thời hạn để được lâu hơn, có khi lên đến hàng tháng. Tôi cho rằng có chất bảo quản là không tốt cho người tiêu dùng.

Xã hội - Người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ mình trước

Ông Trần Đáng.

Do đó, sẽ có 2 nguy cơ chính đối với an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguy cơ thứ nhất là việc sử dụng chất bảo quản, hoặc là dùng quá liều hoặc là dùng không đúng quy định. Nguy cơ thứ hai là hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tại các làng nghề, các hộ gia đình. Cho nên các cơ quan quản lý chắc chắn sẽ tăng cường kiểm soát để người dân có thể đón một tết Trung thu an toàn, khỏe mạnh.

Có người cho rằng, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta còn nhiều bất cập, chồng chéo. Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về nhận xét đó?

Nhưng tôi nghĩ với cung cách quản lý như hiện nay thì rất khó để đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được. Tôi lấy ví dụ như việc phân công, theo Luật An toàn thực phẩm mới thì bánh trung thu được làm từ các loại bột, mà liên quan đến bột là do Bộ Công thương quản lý chứ không phải Bộ Y tế quản lý được. Chỉ có chất phụ gia để làm bánh mới do Bộ Y tế kiểm soát. Từ đó cho thấy, chỉ mỗi vấn đề bánh trung thu mà đã chồng chéo và bất cập, thì những vấn đề khác sẽ còn bất cập như thế nào nữa. Với Bộ Công thương tôi biết là họ không hề đi kiểm tra vấn đề bánh trung thu bao giờ, bởi vì họ không được phân công. Bộ Công thương chỉ có cơ quan quản lý thị trường đi kiểm tra vấn đề hàng giả, hàng nhái thôi chứ họ không có chuyên môn để kiểm tra bánh trung thu. Nhưng hiện nay Bộ Y tế cũng không được đảm trách vấn đề này. Do đó, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh rất khó quản lý.

Chế tài nhẹ nên doanh nghiệp “nhờn thuốc”

Có ý kiến cho rằng hiện nay chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bẩn "nhờn thuốc", cố tình vi phạm. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này, thưa ông?

Tôi đồng ý với những ý kiến đó, vì hiện nay chế tài xử phạt của mình còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Như thời gian vừa qua, chúng ta đều biết có rất nhiều vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm được phanh phui thế nhưng có ai phải vào tù đâu. Nếu ở nước ngoài như thế, thì chắc chắn đã có nhiều người bị khởi tố hình sự chứ không phạt hành chính như ở nước mình. Tôi cho rằng hậu quả của việc sản xuất, lưu thông thực phẩm bẩn là vô cùng lớn, không thể đo đếm ngay được. Nhưng về mặt khoa học, chắc chắn sẽ gây hại cho nhiều thế hệ. Bánh trung thu bây giờ cũng thế, nhiều cơ sở làm mình không nghiêm khắc trong quản lý, lại không đủ người, đủ chế tài để xử phạt nên cơ sở sản xuất "nhờn thuốc". Việc đóng phạt nếu như bị phát hiện so với số tiền thu được từ việc sản xuất hàng kém, hàng bẩn, hàng nhái chả thấm vào đâu, cho nên người vi phạm không sợ.

Theo tôi nên có một quy chế thậm chí là luật thật nghiêm khắc trong vấn đề này, ví dụ như trên địa bàn tỉnh nào để xảy ra vài ba vụ ngộ độc thực phẩm thì sẽ kiểm điểm thậm chí cách chức chủ tịch địa phương đó. Làm như vậy thì người đứng đầu mới có trách nhiệm và hăng hái trong việc chống hàng “bẩn”, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn vệ sinh tràn lan như vậy, ông có thể đưa ra một vài khuyến cáo với người dân trong việc lựa chọn sản phẩm hợp vệ sinh, an toàn?

Tôi nghĩ trước khi người khác bảo vệ mình thì mình phải tự bảo vệ trước, nghĩa là hãy là người tiêu dùng thông thái. Tốt nhất nên tự mình làm bánh trung thu mà ăn như kiểu mang cơm hộp tự nấu mà ăn thay vì mua cơm bụi. Thứ hai nữa nếu tin tưởng cơ sở sản xuất nào mà mình đã có cơ hội kiểm tra, kiểm định thì mới đặt niềm tin vào đó, mới sử dụng sản phẩm của cơ sở đó, chứ không nên tham rẻ mà rước họa vào thân. Khi mua bánh thì cũng xem còn hạn sử dụng hay không, có đúng là tem, nhãn mác của hãng hay không.

Xin cảm ơn ông!

Hà Khê