Người tiêu dùng phải cứu lấy mình

Người tiêu dùng phải cứu lấy mình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi chờ đợi đạo đức của những người kinh doanh thực phẩm thì người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình.

Thực tế, khi giám sát về vấn đề ATVSTP có sự tham gia của đủ bốn Bộ. Khi thực phẩm còn trong giai đoạn sản xuất, hay nhập khẩu về thì Bộ NN&PTNT có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tham gia trong quá trình này. Khi thực phẩm lưu thông trên thị trường thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về chất lượng, hàng thật, hàng giả, Bộ Y tế giữ vai trò chủ trì chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.

Tuy nhiên, các số liệu báo cáo về tình trạng thực phẩm ô nhiễm mới đây được công bố vẫn cho thấy, tình trạng ATVSTP vẫn còn nằm trong vòng kiểm soát. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định, thời gian qua các đơn vị trực thuộc Bộ đã có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế, vấn đề ATVSTP vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Xã hội - Người tiêu dùng phải cứu lấy mình

Ông Nguyễn Phú Cường

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho rằng, trong vấn đề này, trách nhiệm của các bên liên quan cần phải được làm rõ. Đặc biệt, chúng ta cần phải xác định rõ trách nhiệm của thanh tra y tế, lực lượng quản lý thị trường trong những vụ thực phẩm bẩn dễ dàng tuồn vào thành phố, tránh tình trạng lỏng lẻo trong khâu kiểm định dẫn tới thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường.

Theo ông Đáng, vấn đề ô nhiễm thực phẩm thời gian gần đây cũng luôn là vấn đề nóng trong các kỳ họp Quốc hội. Nhiều đại biểu cho rằng, hàng ngày, hàng giờ, người dân vẫn phải đối mặt với thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng đang loay hoay tìm cách bảo vệ bữa cơm gia đình. Đối với vấn đề liên quan đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng như ATVSTP thì cần có sự quản lý chặt chẽ hơn. Không thể để tình trạng có đến bốn Bộ vào cuộc mà người dân vẫn phải đối mặt với nguy cơ mất ATVSTP .

Ông Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, quá trình tự chế biến thực phẩm trong gia đình phải bảo đảm đúng những quy định cụ thể. Người dân phải xác định được, loại thực phẩm nào thì cần làm sạch bằng gọt vỏ, loại nào cần nấu chín để đảm bảo hợp vệ sinh. Tốt nhất, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, người dân phải trang bị kiến thức để trở thành những người tiêu dùng thông thái.

Đồng quan điểm với ông Tuyên, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương) cũng đưa ra lời khuyên: "Một bữa ăn an toàn và đủ chất dinh dưỡng không chỉ phụ thuộc vào chất lượng thực phẩm mà còn phụ thuộc vào cách chế biến thực phẩm từ khi mua về.

Nếu thực phẩm mua về là loại tốt nhưng người nấu lại không biết cách chế biến, để ôi thiu, không nấu chín thì thực phẩm đó vẫn có thể là mối nguy hại đối với sức khỏe các gia đình. Hiện nay, nhiều loại thực phẩm, rau quả của chúng ta đã thâm nhập được vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản...

Chính vì thế, không thể nói thực phẩm của chúng ta hiện nay tất cả đều không an toàn. Song song với sự cố gắng của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên biết lựa chọn nguồn thực phẩm và sử dụng cho đúng cách".

P. Hạnh - N. Hải