Người vá thuê cuối cùng ở Hà thành

Người vá thuê cuối cùng ở Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Mỗi chiếc áo mà bà Hồng mạng gắn với những kỷ niệm không thể nào quên của chủ nhân.

Cách những con phố ồn ào, náo nhiệt vài bước chân là ngõ Thanh Miến, phường Văn Miếu, Hà Nội. Nơi đây có một người phụ nữ dành cả cuộc đời mình cho nghề khâu vá. Bà là người duy nhất của Hà Nội còn giữ cái nghề mà người ta tưởng chỉ có ở thời bao cấp.

Miệt mài “vá” kỷ niệm

Bà tên là Nguyễn Thị Hồng, 61 tuổi nhưng đã có tới 30 năm làm nghề này. Lúc tôi đến, cũng là lúc bà Hồng đang giao áo cho khách. Đó là một chiếc áo mùa đông, do sơ ý, nên chủ nhân đã làm rách áo. Bằng bàn tay khéo léo, bà Hồng đã mạng lại như mới. Vừa làm việc, bà vừa kể cho tôi nghe về sự gắn bó với đặc biệt nghề này.

Hồi thanh niên, bà đã từng làm trong Hợp tác xã may mặc gần nhà. khi lấy chồng, bà được mẹ chồng là cụ Tạ Huê Diệp truyền nghề.

Sự kiện - Người vá thuê cuối cùng ở Hà thành

Bà Hồng đang tỉ mẩn làm công việc may vá

"Ngày xưa, mẹ chồng tôi là một trong những tay mạng và sang sợi nổi tiếng Hà thành. Cụ từng mạng những bộ quần áo cực kỳ đắt tiền cho quan Tây ở một cửa hàng may trên bờ Hồ”, bà Hồng kể lại. Cũng theo bà Hồng, cụ Diệp bị điếc không phải do tuổi già mà do trận bom Mỹ ném xuống Hà Nội năm 1972. Trong khi cả thành phố lo đi sơ tán thì cụ Diệp ở lại khâu cho hết số quần áo đã nhận. Cụ Diệp đã thấy, cô con dâu rất khéo tay nên đã truyền nghề cho, dù cụ có đến ba người con gái.

Bà bảo, con gái Hà Nội xưa hầu như ai cũng biết thêu thùa, may vá. ở Hà Nội ngày xưa có nhiều phố làm nghề này như: Hàng Bông, Phủ Doãn, Hàng Hòm, Hàng Gai… Nhưng sau này, hầu như các cửa hàng đó đểu chuyển nghề hết, như xây khách sạn, hay bán đồ lụa tơ tằm cho Tây. Còn giữ được nghề truyền thống này, thì chỉ có tôi thôi”.

Nghề không phụ người

Bà Hồng cho biết, đã hơn 30 năm trong nghề và đã mạng quần áo cho không biết bao nhiêu khách hàng ở Hà Nội. Chừng ấy thời gian gắn bó với nghề, bà Hồng có biết bao kỷ niệm.

Bà kể: "Có những chiếc quần tới gần chục chỗ bị gián nhấm, tính ra tiền mạng còn nhiều hơn tiền mua mới, nhưng khách vẫn yêu cầu làm bằng được. Hay có một cô ca sĩ nổi tiếng, đi lưu diễn ở nước ngoài, cũng nhờ người nhà mang đến địa của tôi để làm mới chiếc váy cô rất thích. Thậm chí, khách Tây cũng biết của hàng tôi mà tìm đến. Có lần có hai vợ chồng người Pháp đã ngồi cả buổi chiều để xem tôi vá lại quần áo. Sau khi nhận được sản phẩm, họ cảm ơn và nhiều lần sau, họ vẫn đến để sửa lại quần áo bị lỗi”.

Sự kiện - Người vá thuê cuối cùng ở Hà thành (Hình 2).

Khách hàng đến nhận lại sản phẩm của mình

“Mình chuyên tâm với nghề thì nghề không phụ mình. Với nghề mạng, sang sợi, mẹ chồng tôi đã nuôi nấng cả 4 người con học hành đến nơi đến chốn. Giờ đến lượt tôi cũng nuôi con thành đạt. Nghề này không thể giàu nhưng cũng không làm cho gia đình thiếu thốn", bà Hồng nói vẻ hài lòng.

Bà Hồng cho biết, với nghề khâu vá lại quần áo này, bà không phải dùng nhiều chỉ như người khác nghĩ. Bởi các sợi chỉ để mạng lại quần áo, bà phải lấy ngay ở các sản phẩm của khách hàng để cho cùng màu với quần, áo. Nhất là các loại quần áo hàng hiệu thì sự đồng màu, dấu đi khuyết điểm là điều quan trọng nhất. Thường thì bà rút chỉ ở vạt áo, hay phần vắt sổ của sản phẩm, lấy chỉ theo chiều dọc, nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của khách hàng. Nếu các vết rách quá to, thì dùng các hình thêu sẽ hạn chế được nhược điểm này.

Những năm tháng kinh tế đất nước còn khó khăn, nhu cầu mạng quần áo nhiều đã đành, nhưng hiện nay, nhu cầu vẫn nhiều chả kém mà lại ít người làm. Giới thợ may và một số cửa hàng thời trang ở Hà Nội hầu như đều biết đến địa chỉ nhà bà Hồng. Có khách cần là họ lại giới thiệu đến đây, nên cửa hàng của bà càng ngày càng đông khách. Nhìn quần áo chất đống choán hết lối đi, tôi biết bà bận rộn đến nhường nào. Thật thú vị, khi ngẫm ra rằng giữa phồn hoa đô hội, cứ tưởng quần áo thời trang người ta mặc chưa cũ đã vứt đi, lại tồn tại một nghề khâu vá đắt khách đến như vậy.

Bà Hồng bảo, bà có một cậu con trai, đã lập gia đình, Sắp tới bà cũng muốn truyền lại nghề cho cô con dâu sinh năm 1981. Bà muốn giữ nghề truyền thống này cho con cháu để lưu giữ lại những nét văn hóa Hà Nội. Bà bảo mỗi ngày bà thu được 150 – 200 nghìn, số tiền này cũng đủ trang trải cho bà và gia đình trong thời bão giá này.

Cả ngày cặm cụi với cây kim, sợi chỉ, bà Hồng cho rằng "Nhiều lúc tôi cũng mệt và mỏi mắt, nhưng đây cũng là nghề rất có ý nghĩa. Khi biết mình góp phần vào việc gìn giữ kỷ niệm cho người khác tôi rất vui".

Những chiếc áo mang kỷ niệm

Bà Hồng bảo, phần nhiều trong số hàng mà bà nhận làm là những đồ kỷ niệm. "Một chiếc quần, chiếc áo cũ, tính giá trị hàng hóa nó chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí nó cũng chẳng đẹp, chẳng hợp thời nhưng nhiều khách vẫn vá lại. Họ gửi gắm sự tin tưởng vào tôi. Họ cho biết, bởi đó là những kỷ niệm của người thân mà họ không muốn bỏ đi. Khi nhận những món hàng như thế, tôi lại càng phải cẩn trọng và tỉ mỉ hơn."

Lạc Thành