Người Việt và cuộc sống như

Người Việt và cuộc sống như "phi hành gia"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Đứng đầu về thu nhập, nhưng công việc trên giàn khoan cũng được xếp vào 10 công việc "tệ" nhất ở Mỹ về độ nặng nhọc và nguy hiểm. Công việc căng thẳng đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật cao cộng với kỷ luật và an toàn lao động ở mức tối cao. Cuộc sống của họ không khác gì những "phi hành gia" trên biển.

Khi đã được trực thăng đưa ra giàn là lúc công nhân, kỹ sư, chuyên gia dầu khí cách ly hoàn toàn với đất liền. Giàn khoan là một khối thép đồ sộ và đơn độc trên biển, cao khoảng 30 và cách mặt biển khoảng 50 m với kết cấu kiên cố để đứng vững trong những cơn bão lớn.

Trực thăng đưa công nhân ra biển

Trên pháo "đài sắt" này mọi sinh hoạt từ công việc tới giải trí, ăn nghỉ đều diễn ra trong những "hộp sắt" nhỏ hạn chế về diện tích nên tù túng, gò bó. Không đất liền, không bóng cây, không vật nuôi và xung quanh chỉ có biển cả mênh mông, những khối thiết bị nặng hàng chục tấn, tiếng sóng biển và tiếng động cơ ồn ào 24/24... bạn chỉ biết công việc và đi ngủ.

"Vắt kiệt sức" là từ để nói về công việc của những người ở đây. Ngoài trình độ kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn cao được đào tạo bài bản, họ còn chịu áp lực rất cao, trách nhiệm rất lớn về thời gian cùng khối lượng công việc. Đối diện với hàng loạt các thiết bị máy móc, công nghệ tiên tiến, lại đứng trên vạn tấn dầu, hàng triệu tấn khí dễ cháy nổ đòi hỏi sự chính xác và tập trung cao độ mà không phải ai cũng làm được. Sống trên giàn khoan giữa biển, không có khái niệm ngày và đêm. Ba ca, bốn kíp cứ chia ra liên tục vận hành. Người ngủ, người thức, người làm việc, người giải trí, cứ tuần tự luân phiên...

Do đặc thù công việc đòi hỏi phải hoạt động 24/7 (24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần) và vận hành hoàn toàn tự động công việc của người công nhân làm tại giàn khoan thật sự vất vả và nguy hiểm. Làm việc 12 tiếng/ngày, phân ra ca ngày và ca đêm (đã ra giàn là làm việc, trừ trường hợp bão cấp... 15) nên yêu cầu mỗi người phải có trình độ tay nghề, tuân thủ nghiêm qui định giờ giấc làm việc. Công việc ở từng bộ phận, từng vị trí đã được phân định, lập trình rõ ràng, bảo đảm cho toàn guồng máy hoạt động nhịp nhàng, liên tục.

Người công nhân giàn khoan phải làm việc cật lực trong môi trường khắc nghiệt và thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, có thể xảy ra thương tật, hay thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đó có thể là cháy nổ, khí phun trào, rơi xuống biển, tai nạn lao động vì phải làm việc với những máy móc thiết bị nặng, độc hại của hóa chất trong dung dịch khoan, hiểm họa từ thiên nhiên...

Kỷ luật và an toàn lao động là nguyên tắc sống còn trong ngành dầu khí của mỗi công nhân dầu khí. Tất cả những người đi xây dựng giàn hoặc ra giàn làm việc đều phải trải qua một khóa học về thoát hiểm khi gặp nạn, an toàn chung trên giàn, đặc điểm của những vấn đề an toàn trên giàn, diễn tập các tình huống khẩn cấp khi gặp sự cố cháy nổ khí, cháy nổ dầu, sự cố trên máy bay…

Phải có giấy khám sức khỏe do trung tâm y tế chuyên dụng của ngành dầu khí cấp. Tiếp theo, nếu nhận được quyết định ra giàn sẽ phải tham gia một khóa học an toàn về đặc điểm riêng của giàn mà mình sẽ làm việc. Một đặc điểm cơ bản là ngoài giàn tuyệt đối không được sử dụng các chất rượu bia, ma túy. Ai vi phạm sẽ bị trục xuất vĩnh viễn. Muốn gọi điện thoại phải trong khu vực cho phép.

Trước khi lên máy bay các kỹ sư, công nhân dầu khí mỗi người sẽ được cấp mã số để quản lý, mã số này sẽ quy định công việc, vị trí làm việc, phòng ở, vị trí thoát hiểm... của từng người. Trong thời gian làm việc tất cả đều phải mặc quần áo bảo hộ, đội nón bảo hiểm, mang găng tay. Bên cạnh quy định về cháy nổ ngặt nghèo còn là nguy hiểm đối với việc sống và làm việc giữa biển với độ cao vài 30 - 40 m, dưới chân là những sóng cao hàng chục mét, những luồng gió mạnh 20 m/giây.

Chính vì thế mới có quy định khi đi bất cứ một cầu thang nào ở vị trí ngoài của giàn khoan thì người lao động phải bám tay vào lan can. Nếu phải bưng đồ thì chỉ bưng một tay còn tay kia phải bám, nếu nhiều quá hoặc nặng quá thì hoặc kêu thêm người, dùng cáp, hay đi nhiều lần chứ nhất định không được 2 tay bưng đồ mà không bám vào lan can. Nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phạt lương, cho về đất liền, với những lỗi khác có thể bị cấm ra giàn vĩnh viễn.

Khi có báo động dầu phun, hay bão... thì dù đêm hay ngày mọi người dù đang làm gì ở bất cứ đâu cũng phải nhanh chóng về phòng tập trung. Ai nấy phải đứng đúng vị trí, mặc đúng áo phao đã được quy định trên mã của mình, tuân theo hiệu lệnh di chuyển bằng lưới xuống xuồng cứu sinh đặc chủng màu đỏ, bịt kín mít, có thể chịu lửa và áp lực nước.

Anh Lưu - Kỹ sư phụ trách an toàn trên giàn Rồng Đôi - kể: Cách đây 1 tuần, 3 người thợ mới bị đưa về đất liền vì phạm lỗi không đứng đúng vị trí khi có báo động. "Sống trên giàn khoan như sống trên miệng núi lửa, với hàng nghìn tấn dầu hàng triệu mét khối khí bên dưới thì chỉ cần một lỗi rất nhỏ của người lao động thì hậu quả khôn lường sẽ xảy ra". Anh cũng tâm sự: Công việc căng thẳng, môi trường làm việc khắc nghiệt như vậy nhưng mỗi lần về đất liền là lại thấy nhớ. Một số người không ra giàn nữa mỗi lần nhắc tới giàn ai nấy đều cảm rưng rưng. Đối với chúng tôi, giàn như là nhà vậy.

Mỗi công nhân, kỹ sư, chuyên gia trên giàn khoan không chỉ là những người mang nguồn năng lượng quý giá về cho đất nước mà với công việc, vị trí của mình hàng ngày họ còn góp một phần không nhỏ trong việc khẳng định bảo vệ chủ quyền đất nước. Họ như ngọn đuốc Phaken - Ngọn lửa bất diệt biểu tượng của ngành dầu khí - Mạnh mẽ và bền bỉ.

H. Giang

Tag: sống