"Người yêu trong mộng" của cả một thế hệ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
(nguoiduatin.vn) Giọng hát của Thanh Thúy được ví lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.

Nhà thơ lãng mạn Nguyên Sa viết: "Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Bởi Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành…

Xã hội - 'Người yêu trong mộng' của cả một thế hệ

Ca sĩ Thanh Thúy

Nguyên Sa lấy tựa đề "Từ em tiếng hát lên trời" trong bốn câu thơ lục bát rất tuyệt của Hoàng Trúc Ly tỏ bày trong niềm giao cảm về Thanh Thúy:

"Từ em tiếng hát lên trời

Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.

Sợi buồn chẻ xuống lòng anh

Lắng nghe da thịt tan thành hư vô".

Khi xuất hiện dưới ánh đèn màu, trên sân khấu, tiếng hát Thanh Thúy hòa nhập vào cung đàn, chan hòa với âm thanh đã bay bổng, vươn cao trên đỉnh non cao.

Đầu thập niên 60, ngọn bút của cây bút đầu đàn nhóm Sáng tạo & Kịch ảnh, Mai Thảo đã gọi Thanh Thúy là "Tiếng hát lúc không giờ". Và Mai Thảo, trong giới văn hữu gán cho danh xưng là ông hoàng của vũ trường, như bị mê hoặc bởi âm điệu, như bị cuốn hút trong mơ hồ, lãng đãng của cung bậc và bóng dáng. Trong men rượu, trong ánh đèn mờ ảo, tay kiếm lão luyện trong văn giới đã phóng với đường gươm: "Tôi vẫn thấy một con chim nhạn bay trong giòng sông sương mù… chậm và khuya… công phu… kỳ lạ !".

Ở hải ngoại, vào cuối thập niên 90, tác phẩm "Chân dung những tiếng hát" của Hồ Trường An, bằng cái nhìn cá nhân của nhà văn, không viết dưới dạng "order" đầy dẫy hình dung từ sáo ngữ. Nhiều chân dung bị đẽo, gọt, nhận xét khắt khe qua ngọn bút nhưng Hồ Trường An đã viết về Thanh Thúy "Tiếng hát khói sương chiêu niệm": "Cô là một nhà ảo thuật âm thanh. Cô giỡn vọt âm thanh, bẻ vặn tiết điệu, bỏ đứt nền nếp chân truyền trong lối hát. Chính ở cách phá thể, ở những quái chiêu táo bạo đó cô thành công rực rỡ".

Họa sĩ Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ với bốn câu thơ:

"Liêu trai tiếng hát khói sương

Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình

Nghiên sầu từng nét lung linh

Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương".

Đầu thập niên 60, tên tuổi Thanh Thúy rất ăn khách vì vậy Nguyễn Long đưa hình ảnh đó vào trong điện ảnh. Nguyễn Long viết và thực hiện cuốn phim "Thúy đã đi rồi" vào tháng 11 năm 1961. Ca khúc Thúy đã đi rồi (nhạc Y Vân lời Nguyễn Long) làm tựa đề trong phim, nữ ca sĩ Minh Hiếu vào vai Thanh Thúy trong phim, làm nổi bật hình ảnh yêu kiều của người nữ ca sĩ xứ Huế. Ngoài phim, Thúy còn đi vào kịch nghệ. Các vở thoại kịch được trình diễn trên sân khấu, truyền hình được các nghệ sĩ Xuân Dung, Kim Cương, Bích Thủy đóng vai Thanh Thúy. Hình ảnh đó làm mê hoặc bao kẻ tình si.

Trong đó, có chàng nhạc sĩ vừa tròn tam thập, người Trà Vinh, dong dỏng cao, tóc phủ dài trông rất lãng tử, cũng là hoàng tử trữ tình của thể điệu Boléro, Rumba qua nhiều ca khúc được ái mộ. Từ tỉnh lên Thủ đô, chàng sống phiêu bạt ở Sài Gòn, dang dở mối tình với cô học trò con nhà giàu có. Hình ảnh Thanh Thúy giẫm lên trái tim Trúc Phương, là nguồn cảm hứng cho chàng nhạc sĩ đam mê sáng tác. Và ngược lại, Thanh Thúy cũng nổi danh, được yêu thích nhiều qua nhiều ca khúc của Trúc Phương. Đâu đây vẫn vang vọng với tuyệt phẩm Chuyện chúng mình, hai lối mộng, Ai cho tôi tình yêu, Chiều cuối tuần, Buồn trong kỷ niệm… mang mang thiên cổ lụy, xót thương, nghe để tiếc thương cho chuyện tình cay đắng… Tiếng hát Thanh Thúy chơi vơi, bồng bềnh trên đỉnh cao, trái tim nhạc sĩ rướm máu, chôn vùi bên vực thẳm.

Với nhiều ca khúc nói lên nỗi niềm cay đắng, nghiệt ngã, u hoài, tâm trạng thương cảm, ai oán, bẽ bàng, ngang trái trong cuộc đời và cuộc tình được dàn trải qua tiếng hát Thanh Thúy như sự an bài, kết hợp, tạo dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn người thưởng ngoạn.

H.B.Y