Nguồn thủy sinh trên sông Sài Gòn đang cạn kiệt

Nguồn thủy sinh trên sông Sài Gòn đang cạn kiệt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Dòng sông Sài Gòn đang từng ngày phải hứng chịu những sức ép nặng nề từ việc khai thác cát, sỏi bừa bãi và nạn đánh bắt các loài thủy sinh trái phép

Dòng sông mang tên Sài Gòn đang biến đổi không ngừng như cái tên của nó vậy! Dòng sông cũng mang trong mình những dấu tích lịch sử hào hùng, của thời gian, của niềm tự hào tự bao đời nay không chỉ đối với người dân Sài Thành mà đối với cả nước.

Tuy nhiên, cùng với nạn “sa tặc” - khai thác cát bừa bãi đang hoành hành trên dòng sông này, nạn khai thác, đánh bắt nguồn tôm, cua, cá bằng các hình thức tận thu trên dòng sông của người dân địa phương đang khiến nguồn thủy sinh đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Những lúc mực nước sông Sài Gòn xuống thấp hơn bình thường là điều kiện thuận lợi cho việc tận thu nguồn tôm, cá trên dòng sông này. Thậm chí, có hiện tượng mà từ xa xưa chưa bao giờ xảy ra, nhiều xà lan chở đầy cát không thể lưu thông qua cầu Bình Lợi (khu vực giáp ranh giữa hai quận Bình Thạnh và Thủ Đức, TP. HCM).

Xã hội - Nguồn thủy sinh trên sông Sài Gòn đang cạn kiệtẢnh: 24h

Đây cũng là địa điểm duy nhất của thành phố mà đường bộ, đường sắt, đường sông giao nhau tại một điểm. Vậy nên, hàng ngày đoạn sông này cũng thu hút nhiều người tham gia đánh bắt tôm, cá. Trong số đó không trừ cả những thành phần người già, trẻ em, thậm chí cả phụ nữ.

Hoạt động khai thác nguồn thủy sản trên dòng sông này cũng muôn hình, vạn trạng. Hình thức đơn giản nhất là mò bắt, chỉ cần đôi tay và một chiếc giỏ (để đựng sản phẩm), những phụ nữ, trẻ em, người già thường khai thác ở những đoạn sông có mực nước cạn, dòng chảy không lớn.

Giờ đây, nhiều người đã dùng các bộ kích, xung điện để khai thác tôm, cá một cách nhanh và hiệu quả nhất. Địa bàn hoạt động của những đối tượng này cũng rộng hơn, bất chấp độ nông sâu của mực nước, mạnh yếu của dòng chảy. Người dân đánh bắt, tận thu nguồn tôm, cá khắp nơi trên cả đoạn sông. Song, đông nhất vẫn là các điểm dưới các chân cầu.

Một người dân ở phường 13, quận Bình Thạnh có thâm niên trong nghề tiết lộ, nên tìm đến các điểm chân cầu để đánh bắt vì ở những nơi này mực nước sâu, nhiệt độ cũng mát hơn nên cá, tôm, cua, ốc thường kéo về trú ẩn.

Đối với ông Sáu thì lại khác. Ông cho thuyền men theo sông Sài Gòn, ngược lên mạn An Phú Đông (quận 12) để đánh bắt cá, tôm. Do những ngày chiều xuống, nước chảy khá mạnh, thường theo dòng di chuyển, đó cũng là dịp để ông kiếm ăn.

Nếu may mắn, một ngày có thể kiếm được cả trăm ngàn chứ không ít. Còn bình thường, một ngày chỉ được dăm chục ngàn thôi. Cá cũng không còn nhiều như xưa nữa, mà cộng vào đó mức độ ô nhiễm ngày một nhiều.

Giật nổ chiếc ghe tam bảng có gắn máy, anh Nguyễn Văn Tài (35 tuổi) cho thuyền chạy xuôi về hướng Thủ Thiêm thả lưới. Anh cho hay, những hôm triều xuống, sông cạn, cá từng đáy ở dưới thường ngoi lên mặt nước kiếm ăn, đó là cơ hội để đánh bắt. Bên Thủ Thiêm, sông rộng, ít người đánh bắt bằng xung điện, cá cũng tương đối nhiều. Chủ yếu là cá rô, cá lóc, cá trê và cá tạp.

Dù trời có mưa, song dưới chân cầu vẫn có tới chục ghe thuyền neo đậu, gồm hàng trăm người (chủ yếu là đàn ông, thanh niên) miệt mài đánh bắt, khai thác. Kẻ quăng chài, tung lưới, người hí húi mò bắt. Người này cầm vợt lưới, người khác lội theo sau phụ giúp, cầm giỏ đựng thành quả. Rất nhiều người dùng kích, xung điện để khai thác thủy sản.

Anh Hưng ở quận 2 vừa đánh bắt vừa cho hay: “Từ trước tới nay, chẳng ai (chính quyền, cơ quan chức năng, người dân địa phương) ngăn cấm hoạt động đánh bắt tôm, cá với mọi hình thức trên đoạn sông này”. Với lý do đó, anh Dân một ngư dân đánh bắt cá cho rằng: "Bây giờ chúng tôi chuyển sang dùng xung điện vì dễ dùng, chứ kiểu quăng lưới, tung chài chẳng ăn thua". "Bộ đồ nghề” của anh Dân khi nhúng xuống nước và bật công tắc sẽ phóng điện làm tôm cá mất khả năng tự vệ.

Cho đến nay, dù chưa nghe nói có thông tin nào bị điện giật từ việc khai thác, đánh bắt thủy sản bằng những bộ xung, kích điện này, song thực tế thật khó mà lường được hết mức độ hiểm nguy. Đó là còn chưa kể tác động về lâu dài, mức độ sinh sôi, phát triển của nguồn tôm, cá, cua... trên sông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường sống của các loài thủy sinh đã bị tổn hại. Điều này sẽ làm giảm sút đa dạng sinh học trên sông Sài Gòn.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có những phương án hữu hiệu, thiết thực nhằm chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi, đánh bắt tận thu nguồn tôm, cá trái phép trên sông Sài Gòn. Trong đó, vai trò của người dân địa phương cũng là một phần tất yếu, quan trọng góp phần bảo vệ nguồn thủy sinh trên sông không bị cạn kiệt.

Hà Hưng