Ngượng chín mặt vì đọc truyện tranh trẻ em

Ngượng chín mặt vì đọc truyện tranh trẻ em

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Nhiều hình ảnh phản cảm, thiếu tế nhị, ngôn từ sử dụng thì suồng sã, thậm chí chợ búa, giang hồ... trong nhiều cuốn truyện tranh dành cho trẻ em hiện nay đã khiến không ít bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng.

Một số chuyên gia ngôn ngữ, giáo dục còn cho rằng, hệ lụy cho truyện tranh không chỉ ảnh hưởng đến lối sống, nhân cách mà còn ảnh hưởng đến cả cách học văn, hành văn của các em.

Gọi bố bằng “ông già”, gọi thầy bằng “lão”

Loạt truyện tranh mang tên “Tý Quậy” của tác giả Đào Hải kể về nhân vật Tý Quậy là chú bé rất thông minh và tinh nghịch. Từ những năm 1995-1996, khi truyện còn mang tên "Tý và Tèo phiêu lưu ký", từng đoạt giải thưởng về vận động sáng tác cho thiếu nhi của họa sỹ Đào Hải cho đến phim hoạt hình "Tít và Mít" được chuyển thể từ truyện tranh... đã trở thành niềm háo hức, say mê của không ít bạn trẻ "tóc còn để chỏm".

Người đọc cảm động trước tình cảm trong sáng, gần gũi, hồn nhiên của hai bạn Tý và Tèo, cảm thông khi Tý Quậy giả ốm để được ăn một bát phở, một bát cháo trứng. Những khó khăn thời bao cấp cũng được tác giả khắc họa lại một cách sinh động, chân thực khiến không ít người đã trải qua thời kỳ đó không khỏi giật mình như thấy mình trong đó.

Vậy nên, khi thấy "Tý và Tèo" đã trở lại với cái tên “Tý Quậy” cùng hình ảnh, từ ngữ được chỉnh sửa cho hiện đại hơn, cộng với sự bổ sung của các phần mới được viết thêm, những ai đã từng yêu mến hai nhân vật này không khỏi háo hức chờ đợi.

Tý Quậy trong truyện thường gọi thầy giáo là "lão ấy"

Nhưng nhiều người bỗng cảm thấy thất vọng và hụt hẫng. Chưa nói đến hình ảnh trong truyện được vẽ một cách cẩu thả (nhất là từ tập 6 trở đi), ngôn từ được “hiện đại hóa” một cách quá đà, thậm chí là chợ búa, giang hồ.

Trong truyện đầy rẫy những từ như: Bỏ mẹ, bỏ cha, mẹ kiếp..., hay những từ ngữ như chốn giang hồ: Dính chưởng, cày game, xoay tiền, chiến, trình còi... Tý dùng từ "lão ấy" để nói về thầy giáo: " (Bài) của tao chỉ hơi bẩn mà lão ấy không chấm" (trang 10, tập 6).

Khi chơi game, gặp nick lạ (do bố Tý Quậy lập ra), Tý giở giọng rất chợ búa: "Quái, có lão già nào lởn vởn thế nhỉ?". Tèo: "Đâu?...cho nó một chưởng xem nào. Chết này. Ơ! Lão chết ngay?". (trang 49-Tập 6). Dọa em gái Tún, Tý Quậy cũng sử dụng toàn từ mạnh như: "Con ôn con", "ông oánh chết giờ!".

Nếu như ở những tập đầu (in lại phiên bản cũ) là những trò nghịch ngợm đáng yêu của Tý, Tèo thì càng về sau, thay vào đó là những trò dối trá, lừa bịp được tác giả miêu tả một cách chi tiết. Ví dụ, đến lớp thì lừa thầy giáo, về nhà lừa cha mẹ để kiếm tiền chơi game. Không hiểu, với đầu óc non nớt của trẻ thơ, liệu các em có thể phân biệt đâu là đúng sai, tốt xấu từ những câu chuyện như thế này?

Truyện trong nước thì nhiều sạn nhưng truyện ngoại nhập lại càng khiến các bậc phụ huynh lo lắng hơn. Đơn cử như truyện DragonBall (7 viên ngọc rồng), nếu như trước, nhân vật Krilin tung ra cuốn truyện Doraemon để hấp dẫn Sư phụ Rùa già, trong phiên bản mới, chi tiết đó là... chiếc quần lót. Hay, nếu như ở phiên bản cũ nhân vật Sư phụ Rùa già thích được đấm lưng, thì nay, ông lại thích... nhìn quần lót các nhân vật nữ.

Chị Lê Thanh Hương, ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Lúc còn nhỏ tôi đã rất mê truyện Dragon Ball, nên bây giờ, khi thấy truyện được xuất bản lại, tôi đã vô cùng thích thú nên đã tìm mua về cho con đọc. Nhưng khi lật giở vài trang truyện, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhiều tình tiết mình xem cũng phải... đỏ mặt. Sợ quá, tôi đã giấu ngay cuốn truyện, không dám đưa cho con đọc nữa".

Học văn, hành văn sẽ kém

Cô giáo Nguyễn Bảo Nhung, Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Truyện tranh ảnh hưởng rất nhiều đến cách học văn, cách hành văn của các em trên lớp. Ảnh hưởng của ngôn ngữ truyện tranh khiến nhiều em thường sử dụng câu văn ngắn, cụt, thậm chí không có khái niệm về chủ ngữ, vị ngữ. Đọc truyện tranh thường ít chữ, nhanh đã khiến các em trở nên ngại đọc các cuốn sách kiến thức, văn học dày kín chữ. Và vô hình, nhu cầu giải trí bị đẩy cao hơn cả nhu cầu bồi dưỡng về tâm hồn”.

Cô Nhung cũng cho biết, “có những em học sinh học đến lớp 12 nhưng chưa từng đọc một quyển sách văn học nào. Truyện tranh cũng tạo ra chứng nghiện khó chữa như chứng nghiện game. Không chỉ trẻ em mới nghiện mà nhiều người ngay cả khi lớn tuổi vẫn không thể cai nghiện được truyện tranh".

Còn theo tiến sỹ Mai Xuân Huy (Trung tâm ngôn ngữ và dịch thuật - Viện ngôn ngữ học Việt Nam) thì, văn học thiếu nhi cũng phải là những món ăn tinh thần tinh túy và bổ dưỡng nhất, không thể bị ô nhiễm và độc hại. Truyện tranh cũng vậy, phải đẹp và lành mạnh từ hình ảnh cho đến ngôn từ và tư tưởng. Truyện có hay và hấp dẫn đến đâu, nếu không có tính giáo dục và phi văn hóa thì nó trở thành một sản phẩm vô bổ, hoặc tệ hơn nữa, là sản phẩm độc hại.

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, có một bộ phận tác giả tìm xu hướng khai thác những yếu tố ở mặt trái hoặc tiêu cực. Để thu hút độc giả nhí, họ không ngần ngại “hiện đại hóa” ngôn từ, thậm chí đem vào tác phẩm những ngôn từ quá suồng sã hoặc chợ búa.

Điều này có nguyên nhân của nó: Bản chất của văn học và nghệ thuật là làm mới mình để hấp dẫn công chúng. Tuy nhiên, sự “làm mới” đó bắt buộc phải đặt trong khuôn khổ của đạo đức nghề nghiệp và cao hơn là pháp luật. Nếu tác giả vượt quá những khuôn khổ đó thì họ vô hình đã đầu độc lứa tuổi măng non và vi phạm thiên chức cao quý của người cầm bút.

Có thể so sánh, những truyện tranh đó giống như những viên kẹo bọc đường xanh đỏ tím vàng nhưng bên trong chứa đầy những... chất độc.

Minh Lý