Nguy cơ khó lường từ món khoái khẩu côn trùng dị độc

Nguy cơ khó lường từ món khoái khẩu côn trùng dị độc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Nhiều dân tộc coi việc ăn côn trùng như một thứ đặc sản mà đất trời ban tặng.

Ngay từ trước khi bắt đầu cuộc hành trình ngược lên Tây Bắc, chúng tôi đã được nhiều người bạn giới thiệu về chợ Mường Lò, chợ Thái Láo và tục ăn côn trùng của các đồng bào dân tộc nơi đây.

Bọ xít, bọ hung...

Tò mò về những món ăn được đồn thổi là rất độc và dị nên điểm đến đầu tiên của chúng tôi khi dừng chân ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) chính là phiên chợ Mường Lò vào lúc xế chiều. Thoạt nhìn, chợ không quá đặc biệt so với những phiên chợ nhiều nơi khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã vô cùng ngỡ ngàng khi ở đây bán cơ man nào là các loại côn trùng: Dế mèn, bọ xít, bọ hung, bọ cúng cơm (ấu trùng chuồn chuồn) và cả các loại sâu… Những người bán hàng cho biết, đây đều là những loại đặc sản mà chỉ chợ chiều mới có vì đi tìm bắt chúng không phải là chuyện đơn giản.

Tìm vào những bản vùng cao thuộc xã Phúc Sơn (Văn Chấn, Yên Bái), chúng tôi vừa gợi chuyện, người dân nơi đây đã vô cùng hào hứng chia sẻ về thú ăn côn trùng của họ. Già làng Lường Văn Tướng (bản Noong Phai), năm nay đã 87 tuổi, cười vang và nói: “Chưa biết ăn côn trùng thì chưa phải người Thái. ở bản này, ai cũng đi kiếm côn trùng và ăn côn trùng từ khi còn bé, nếu biết cách chế biến thì không loại cao lương mỹ vị nào có thể sánh bằng. ông cho biết thêm, từ dế mèn, ve sầu đến bọ xít, bọ hung, chuồn chuồn…, người dân ở đây đều biết cách chế biến và đều rất thích ăn. Và không phải ngẫu nhiên mà người dân vùng cao thường trồng cây cối um tùm xung quanh nhà, nhất là những cây như vải, nhãn, mướp, bồ kết. Đó là môi trường lý tưởng để những loài côn trùng đến hút nhựa, trú ẩn và trở thành món ăn hấp dẫn cho con người.

Xã hội - Nguy cơ khó lường từ món khoái khẩu côn trùng dị độcMột góc chợ Mường Lò, nơi bà con dân tộc thường bày bán những đặc sản côn trùng vào buổi chiều tối.

Món bọ xít tưởng hôi hám nhưng theo người Thái ở Tây Bắc thì đây chính là một trong những món côn trùng ngon nhất. Bọ xít ngon phải là loại nhỏ bằng đốt ngón tay, sống trên cây vải, cây nhãn hoặc cây mướp. Đó chính là loài bọ xít hôi nhất nhưng lại béo, mẩy và ngon nhất. Bọ xít ban đầu được bắt về, thả vào chậu nước muối hoặc nước vôi để chúng nhả một phần chất hôi trong người ra. Sau đó, người ta vặt đầu, bóp ruột rồi chế biến theo sở thích.

Có nhiều món được chế biến từ bọ xít nhưng phổ biến nhất với người Thái Tây Bắc là xào với măng chua. Người Thái coi măng chua là thức ăn đặc trưng của dân tộc mình và có thể ăn quanh năm. Măng chua của người Thái được muối với mẻ và được dự trữ trong bất cứ gian bếp của gia đình nào. Ngoài xào với côn trùng, măng chua còn được người Thái chế biến cùng nhiều loại thịt động vật khác như thịt gà, thịt vịt, thịt lợn hay các loài ếch, nhái. Chỉ duy nhất thịt trâu là người ta kiêng nấu cùng măng chua vì chúng phá mùi của nhau.

Món bọ xít rang thơm phức cũng là một món ăn hấp dẫn nổi tiếng ở vùng cao. Bọ xít rang được chế biến không quá cầu kỳ nhưng người thưởng thức sẽ vô cùng ngạc nhiên về độ thơm ngon của con vật có tuyến mùi đặc trưng này. Bọ xít sau khi làm sạch được đem ướp với gia vị, mì chính , hạt tiêu cho ngấm rồi rang trên chảo gang, khi bọ xít khô lại, chế thêm chút nước măng chua, đảo đều cho đến khi cạn nước thì cho thêm nước mỡ lợn rán cho bọ xít dậy mùi thơm.

Khi ăn, những con bọ xít mình tròn mẩy, béo ngậy và có vị bùi vô cùng đặc trưng. Nhiều người e sợ mùi hôi của bọ xít nhưng thực tế thì qua quá trình chế biến, mùi hôi gặp hơi nóng sẽ bay đi hết nên không để lại chút dấu vết gì.

Một loài côn trùng đặc biệt khác khi nhắc tới khiến không ít người phải rùng mình lại được người Thái đưa vào văn hóa ẩm thực của mình, đó là con bọ hung. Bọ hung được người dân miền núi phía Bắc, đặc biệt là người Thái, coi như món ăn bình thường hàng ngày bên cạnh thịt, cá. Không phải bọ hung nào cũng ăn được mà phải là loại sống ở phân trâu trên rừng, những loại khác thì không thể làm món ăn được.

Ngày ngày, những đứa trẻ dẫn trâu lên rừng thả và không bao giờ quên nhặt bọ hung ở những đống phân trâu còn mới. Đó chính là những con bọ hung ngon nhất. Nhiều bọ hung nhất là vào những ngày mưa. Vì thế, càng những ngày trời mưa, những đứa trẻ trâu lại càng đua nhau lên rừng vừa thả trâu vừa kiếm bọ hung.

Những con bọ hung nhỏ bằng đầu ngón tay được mang về nuôi trong thùng từ 1-2 ngày bằng cám gạo để chúng thải ra hết phân trâu trong ruột. Khi ấy, ruột bọ hung hoàn toàn sạch và người dân có thể chế biến thành nhiều món. Nếu muốn ăn ngay thì người ta phải bóp ruột đi mới dùng được.

Bọ hung cũng được chế biến tương tự bọ xít như xào măng hay rang lên nhắm rượu hoặc ăn cùng cơm. Bên cạnh đó, cũng có thể băm nhỏ bọ hung, trộn với hành và trứng rồi rán thơm lên. Là đặc sản của thiên nhiên nên bọ hung đã đi vào đời sống ẩm thực, đời sống văn hóa, tinh thần của người vùng cao từ không biết bao nhiêu đời. Già làng Lường Văn Tướng kể rằng: “Từ hồi tôi 5 tuổi, đi chăn trâu đã biết nhặt bọ hung về nướng ăn. Không biết tục ăn bọ hung có từ bao giờ, chắc là từ đời ông bà, tổ tiên người Thái khi mới đến ở đất này…”.

Ăn côn trùng sống thọ trăm tuổi?

Việc ăn côn trùng hay các loại thức ăn từ thiên nhiên như rau rừng, cá suối chính là bí quyết sống khỏe, sống thọ của người dân vùng núi cao Tây Bắc. Đi dạo một vòng quanh các bản làng người Thái, người Mông, người Tày ở các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ già râu tóc đã bạc phơ mà da dẻ vẫn hồng hào, lưng đeo gùi trĩu nặng, chân bước đi thoăn thoăn thoắt. Họ đều là những người đã đến cái tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn rất yêu đời và hăng say lao động.

Nhìn cụ bà Lò Thị éng ngồi bán các loại thuốc nam ở chợ Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Yên Bái) không ai nghĩ cụ đã ngót ngét 90 tuổi ,cái tuổi mà lẽ ra phải ở nhà để con cháu chăm lo phụng dưỡng.

Vừa nhanh nhẹn bốc vị thuốc trị sỏi thận vào túi cho tôi cụ vừa kể chuyện: “Từ nhỏ tới giờ, tôi chẳng ốm đau bao giờ, cũng không dùng một viên thuốc Tây nào. Nhà tôi có nghề bốc thuốc nam truyền từ đời này sang đời khác nên con cháu trong nhà ốm đau gì đều tự bốc thuốc uống. Mấy năm trước, tôi vẫn lên rừng hái lá, đào rễ cây thuốc về đấy. Nhưng mấy năm nay, sức cũng đã yếu rồi nên chỉ còn ở nhà băm, phơi, xao, trộn thuốc rồi thỉnh thoảng mang ra chợ bán thôi. Việc leo rừng, leo núi để lại cho con cháu”.

Hỏi cụ về bí quyết sống thọ và sống khỏe cụ cười móm mém: “Có bí quyết gì đâu, tự nhiên thì cứ sống lâu thế thôi. Những khi đói nghèo còn chẳng có gạo ngô ăn phải đi hái rau rừng, bắt cá suối, bắt côn trùng để no cái bụng. Thế nhưng, vẫn nhiều người sống dai như tôi lắm, nhiều ông bà trong bản còn nhiều tuổi hơn mà khỏe hơn tôi nhiều. Có ông đã hơn 100 tuổi mà vẫn còn minh mẫn”.

Người miền núi rất ít khi ăn thịt, bởi họ sống gần vô vàn những con suối to suối nhỏ; cá, cua, ốc trở thành nguồn thức ăn chính và yêu thích của họ. Cá suối rất ngon và chế biến được nhiều món, đặc biệt là món cá nấu măng chua được coi là món ăn thường xuyên trong gia đình người dân vùng cao. Cá thì ra suối là có, măng chua thì nhà nào cũng luôn sẵn một vại nên không bao giờ lo thiếu thức ăn. Mùa nào thức ấy: Măng rừng, rau rừng, rêu đá, cá suối và côn trùng thì nhiều vô kể. Tất cả đều là những thức ăn từ tự nhiên mà ra nên không có một chút hóa chất độc hại.

Ngoài ra, nếu có ăn thịt thì đồng bào vùng cao cũng không bao giờ phải lo thịt lợn nhiễm chì, thịt lợn có chất tạo nạc như dưới xuôi. Hầu như ở các bản làng, dưới chân các nhà sàn của các gia đình đều nuôi ít nhiều lợn, gà, ngan, vịt. Các con vật cứ tự do chạy nhảy quanh nhà, khắp vườn, có gì ăn nấy. Nguồn thịt ấy vừa ngon lại không có gì gây hại cho sức khỏe con người.

Chính nhờ những thực phẩm tự nhiên không thuốc sâu, không khói bụi, không chất độc hại ấy nên người miền núi thường sống thọ hơn người miền xuôi. Không chỉ thức ăn mà nước uống của các dân tộc vùng cao cũng rất vô trùng. Mặc dù là đất chè nhưng hầu như họ rất ít uống loại thức uống này, nhà nào cùng có bình nước rễ hoặc lá cây đun sẵn để uống cả ngày. Đây là những loại lá, rễ cây thơm, mát thậm chí là một vị thuốc có thể chữa hoặc phòng một số bệnh.

Song Nhung


Tag: bọ xít