Nguyễn Văn Vĩnh và sự đối đầu với chính quyền đương thời

Nguyễn Văn Vĩnh và sự đối đầu với chính quyền đương thời

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Ông từ chối làm quan thượng thư cho triều đình Huế và hai lần từ chối nhận huân chương cao nhất của chính quyền thực dân.

Năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên hợp tác với F.H.Schneider tổ chức xuất bản tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ. Ông muốn để người Việt Nam đọc và làm quen với chữ Quốc ngữ, dần đi đến việc chấp nhận dùng thứ chữ này như tiếng phổ thông. Nguyễn Văn Vĩnh nghĩ, thông qua chữ Quốc ngữ, người dân An Nam sẽ có cơ hội tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ về văn hóa, tri thức của Châu Âu.

Xã hội - Nguyễn Văn Vĩnh và sự đối đầu với chính quyền đương thời

Khu mộ gia tộc của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.

Để làm được điều này, ông đã viết nhiều bài báo với các chủ đề xã hội, khoa học và tìm dịch các tác phẩm văn học, triết học Âu Châu nhằm lôi kéo độc giả đến với vốn tri thức mới của nhân loại. Đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh đã thành công trong vai trò là nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Trên tờ Đông Dương Tạp chí số 6, số 29 xuất bản năm 1913 tại Hà Nội, ông đã viết loạt bài có nhan đề: "Xét tật mình". Loạt bài này được viết bằng chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Đọc kỹ những nội dung ông nêu trong loạt bài này mới thấy nỗi niềm của một nhà báo yêu nước.

Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Vĩnh còn dịch nhiều tập truyện thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp từ thế kỷ XVII. Trong những câu chuyện đó, ông tâm đắc hai câu chuyện nên thuê những người thợ mộc khảm trai lên đôi ghế tràng kỷ (kỷ vật này đến nay vẫn còn nguyên vẹn tại nhà ông Nguyễn Lân Bình, Hà Nội). Ngoài ra, ông còn dịch truyện Kiều của Nguyễn Du ra tiếng Pháp hoàn chỉnh đến mức cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn luôn coi đó là cuốn sách gối đầu giường.

Chính vì thế, năm 1954 - 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng bộ sách này làm quà tặng cho nhà báo Franz Faber người Cộng hòa Dân chủ Đức khi sang thăm và làm việc ở Việt Nam. Hồ Chủ tịch nói với Fanber: "Tôi hy vọng, với cuốn sách này, ông có thể bắt đầu một cái gì đó". Được biết, tác phẩm dịch này cũng đã giúp những người Pháp tiến bộ hiểu được tinh thần văn hóa của con người Việt. Họ hiểu được sự tinh tế của một dân tộc mà nhiều người Pháp thực dân đã từng cho là kém phát triển phải "khai hóa".

Để ghi nhớ công lao xây dựng văn hóa Pháp- Việt, Chính phủ Pháp đã hai lần ban tặng cho ông Bắc đẩu Bội tinh. Tuy nhiên, cả hai lần Nguyễn Văn Vĩnh từ chối huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp ban tặng. Có lẽ, ông là người đầu tiên khước từ danh hiệu này.

Giáo sư Phan Huy Lê từng khẳng định: "Nguyễn Văn Vĩnh là nhà trí thức tân học. Nếu như ông cộng tác với Pháp thì đã là một quan chức cao cấp trong Chính quyền thực dân. Thật tiếc vì dưới con mắt của một số người cùng thời đã có lúc, có người cho rằng Nguyễn Văn Vĩnh theo Pháp, tay sai".

Trong loạt bài báo có nhan đề "Từ Triều đình Huế trở về" đăng năm 1933, Nguyễn Văn Vĩnh nhiều lần xác định: "Triều đình Huế là một bộ máy bù nhìn". Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận xét: "Nguyễn Văn Vĩnh là một con người có tầm nhìn luôn đi trước thời đại. Những hành xử và lối suy nghĩ nêu trên có thể lý giải việc vì sao Nguyễn Văn Vĩnh từ chối làm Thượng thư cho Triều đình Huế. Vậy sao có thể nói nhà báo này tham tiền?".

P.V