Nhà báo Hàm Châu: Quyết không để lỡ chuyến xe thời đại

Nhà báo Hàm Châu: Quyết không để lỡ chuyến xe thời đại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Chưa từng qua trường lớp đào tạo chuyên ngành báo chí nào, nhưng Hàm Châu lại trở thành một nhà báo thành công ở một lĩnh vực chuyên biệt, một cây viết nổi tiếng về mảng khoa học giáo dục. Đằng sau sự thành công ấy, không chỉ có năng khiếu làm báo, mà còn là cả một quá trình cố gắng học tập không mệt mỏi của một người nặng lòng với nghiệp báo.

Cái duyên với nghề báo

Tôi đến thăm nhà báo Hàm Châu vào một chiều hè Hà Nội nắng nóng nung người. Làm dịu bớt cái nóng hầm hập ấy là thửa vườn nhà ông với nhiều cây xanh nép mình tĩnh lặng, mát mẻ cuối một ngõ nhỏ trên phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào nhà là những chồng báo chất cao quá đầu người. Chỉ mới nhìn lướt qua, cũng đã thấy cuộc đời chủ nhân gắn bó với báo chí đến mức nào. Khi được dẫn lên phòng làm việc trên tầng hai, tôi mới thực sự choáng ngợp trước kho sách nhà ông. Căn phòng ấy như một thư viện nhỏ, được tinh tuyển, hàng trăm cuốn từ điển song ngữ hay từ điển tra cứu ngữ nghĩa chuyên ngành và đủ các loại sách được chọn lọc về văn học, triết học, sử học, toán học, vật lý học, ngoại ngữ. Có nhiều cuốn in từ thời cổ lai hi nào rồi, bây giờ chẳng tìm đâu thấy nữa! Tại đây, tôi được nghe nhà báo Hàm Châu kể về những chặng đường làm báo của ông.

Xã hội - Nhà báo Hàm Châu: Quyết không để lỡ chuyến xe thời đại

Nhà báo Hàm Châu tại một cánh đồng hoa hướng dương ở châu Âu

Nhà báo Hàm Châu, tên thật là Nguyễn Hàm Châu, sinh ra và lớn lên trong một dòng họ trí thức Nho gia ở vùng đất khoa bảng Nam Đàn, Nghệ An. Ông nội ông đỗ Phó bảng năm 1894; cha ông đỗ tú tài Nho học trong khoa thi chữ Hán cuối cùng khi mới 19 tuổi. Mẹ ông là vợ thứ, xuất thân từ một gia tộc danh tiếng ở Cố đô Huế. Ở một dòng dõi như thế, cho nên việc học hành đến nơi đến chốn đối với Hàm Châu dường như đã được định sẵn. Tuy nhiên, do chỉ làm một viên chức nhỏ, cha ông luôn phải di chuyển hết tỉnh này đến tỉnh khác, gây gián đoạn việc học của các con. Cậu bé Hàm Châu được cha đưa về Huế, gửi gắm trong nhà người bác ruột để học hành. Với nếp sống gia giáo của gia đình ông bác, ngay từ thuở nhỏ, Hàm Châu sớm rèn luyện đức tính nhẫn nại, cần cù, tiết kiệm. Tốt nghiệp Trường Kinh tế - Tài chính Trung ương (tiền thân của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) nhưng chàng trai trẻ Hàm Châu đã không đi theo chuyên ngành và đang hot lúc bấy giờ. Qua một lần gặp gỡ nhà báo Đinh Nho Khôi, tổng biên tập Báo Thủ Đô (tiền thân của Báo Hà Nội mới) thời ấy, Hàm Châu được nhắm vào vị trí viết tin và bình luận quốc tế, bởi ông có vốn ngoại ngữ khá tốt. Và như một mối nhân duyên, ông rẽ sang nghề báo.

Những năm đất nước còn chiến tranh, dù không được trực tiếp vào chiến trường, Hàm Châu vẫn lặn lội khắp các vùng miền xa xôi trên miền Bắc để viết về những con người bình dị ngày ngày cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông tới Hòa Bình, viết về những trí thức trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa dạy học; lên cao nguyên Mộc Châu, viết về những bạn trẻ tình nguyện đi lao động sản xuất khi miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa làm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Để có được những thiên ký sự chân thực, được nhiều người chú ý như Băng Tú, Đào thắm Mộc Châu, Cô vắt sữa đội Tân Cương, Lên đường đi Điện Biên, Qua một mùa hoa ban, Xa Hà Nội, Trường học bên sông Đà, Hai chị em, Ngọn lửa Điện Biên,… ông đã phải dành rất nhiều thời gian để hòa mình vào cuộc sống nơi nông trường khó khăn, khắc nghiệt. “Để có tài liệu viết ký, tôi đã xem và chép tay lại hàng nghìn trang nhật ký, thư từ của không ít bạn trẻ. Tôi còn cùng đi chăn cừu, hái cà phê, hái bông, họp chi đoàn, hát múa văn nghệ để hiểu sâu hơn về cuộc sống của các bạn ấy”- ông chia sẻ.

Đeo bám các nhà khoa học

Độc giả thường biết đến nhà báo Hàm Châu chủ yếu qua các tác phẩm về khoa học và giáo dục, đặc biệt là các bài ký chân dung nhà khoa học - một lĩnh vực khá gai góc, đòi hỏi vốn hiểu biết cần thiết về các chuyên ngành riêng biệt. Sau một loạt những bài ký chân dung về các nhà khoa học nổi tiếng như GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại Nghĩa, GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Thúc Hào, GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Văn Hiệu,… bút danh Hàm Châu dần dà trở nên thân quen trong giới khoa học ở cả trong và ngoài nước. Ông được mời dự Gặp gỡ Blois về Sự ra đời của các thiên hà (Pháp, 1998), rồi dự các hội nghị vật lý quốc tế ở Italy, Pháp, LB Nga trong những năm 2001 - 2002, Hội nghị quốc tế Lepton Photon (Mỹ, 2003), Hội nghị quốc tế lần thứ 32 về vật lý hạt (Trung Quốc, 2004), Hội nghị quốc tế vật lý năng lượng cao (Daegu, Hàn Quốc, 2007)... Hàm Châu là nhà báo đầu tiên có mặt tại Fermilab - trung tâm nghiên cứu vật lý năng lượng cao của Mỹ, lớn bậc nhất thế giới (nơi đặt cỗ máy gia tốc proton phản proton mạnh nhất thế giới đầu những năm 2000).

Phong cách viết báo về khoa học của Hàm Châu là không quá đi sâu vào kiến thức chuyên ngành, mà chủ yếu khắc họa chân dung người làm khoa học, với ngôn từ dung dị, giàu cảm xúc, đậm màu sắc văn chương và triết luận, khiến người đọc dễ dàng tiếp nhận và suy tư. Ông thường tìm hiểu rất kỹ nhân vật, thu thập tài liệu về nhân vật đến mức nhiều nhất có thể, rồi mới bắt đầu cầm bút viết.

Xã hội - Nhà báo Hàm Châu: Quyết không để lỡ chuyến xe thời đại (Hình 2).

Nhà báo Hàm Châu trong chuyến đi lên Điện Biên Phủ

Làm báo thời @

Với ham muốn được đặt chân tới thật nhiều đất nước để trải nghiệm, để viết, nên Hàm Châu rất chú ý tới việc học tiếng Anh. Để có thể dự các cuộc hội nghị khoa học quốc tế, đòi hỏi phải đọc, nghe và hiểu vô số thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành, thì việc luôn cập nhật trình độ Anh ngữ là điều không thể lẩn tránh. Ông kể lại: “Trong những năm 1993 - 1997, tôi cùng học một lớp tiếng Anh buổi tối theo chương trình đại học với các bạn trẻ tuổi trạc 18 - 25 rất hồn nhiên, nhí nhảnh. Lúc đầu tôi thấy rất lẻ loi, lúng túng, không biết bắt chuyện ra sao, xưng hô chú chú, cháu cháu như thế nào. Nhưng rồi cũng quen dần, và nhờ lớp học ấy mà tôi quen biết thêm nhiều người bạn trẻ; thậm chí thấy tôi học chăm, học giỏi, họ còn khăng khăng bầu tôi làm lớp trưởng.

Hàm Châu còn quyết định phải thi lấy bằng cử nhân tiếng Anh để có thể tự tin bước vào các hội nghị khoa học quốc tế. Qua vài câu thử đối thoại tiếng Anh với Hàm Châu, tôi liên tục bị ông bắt lỗi vì dùng từ chưa đúng, phát âm chưa chuẩn. Bên cạnh việc trau dồi ngoại ngữ, ông còn rất cố gắng để theo kịp bước tiến của khoa học, công nghệ. Nhìn ông đánh máy vi tính, soạn thảo văn bản, chỉnh sửa ảnh, khai thác thông tin từ internet, thậm chí trực tiếp up bài lên server, mới thấy khâm phục tinh thần học tập không ngừng nghỉ của ông. Ông luôn tâm niệm rằng: “Đối với một nhà báo thuộc thế hệ tôi, không còn sung sức nữa, để có thể sống qua cơn bão tố toàn cầu hóa, tin học hóa, đòi hỏi cả một quá trình dài dằng dặc cố gắng căng thẳng miệt mài, khó nhọc triền miên, mới không để lỡ chuyến xe thời đại!

Với những cống hiến cho sự nghiệp báo chí, nhà báo Hàm Châu đã được phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Huy chương Vì sự nghiệp khuyến học, Giải Nhất báo chí toàn quốc năm 1982, Giải Nhì cuộc thi ký văn học chân dung người đương thời của Hội Nhà văn và Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Nhà báo Hàm Châu đã trải qua các thời kỳ làm phóng viên ở Báo Thủ Đô (sau là Báo Hà Nội mới), tổng biên tập Tạp chí Tổ Quốc, phóng viên cao cấp phụ trách Báo Nhân Dân cuối tuần, phó chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí đối ngoại tiếng Anh Vietnam Cultural Window (Cửa sổ văn hóa Việt Nam) và cộng tác viên của rất nhiều tờ báo trong nước, nước ngoài. Đến nay, Hàm Châu đã là tác giả của hơn 2.500 bài báo, 10 đầu sách in riêng, 23 đầu sách in chung. Tuy nhiên, người đọc biết đến ông chủ yếu qua các tác phẩm về khoa học và giáo dục, đặc biệt là các bài ký chân dung nhà khoa học - một lĩnh vực khá gai góc, đòi hỏi vốn hiểu biết cần thiết về các chuyên ngành riêng biệt.

Đinh Nhung