Nhà sử học Dương Trung Quốc: Xem lại quan niệm về học sử

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Xem lại quan niệm về học sử

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
“Chúng ta cần xem lại quan niệm về học sử. Nghề sử là ngụ ngôn chứ không phải tri thức chính xác. Nếu cần biết trận đánh này tiêu diệt bao nhiêu quân địch chỉ cần mở máy tính là có thể biết được", nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Cái quan trọng là ý nghĩa sâu xa của mỗi sự kiện lịch sử. Học sinh ở nước Mỹ học sử thảo luận là chính. Các em phải tìm xem trong sự kiện thầy giáo nêu có ý nghĩa gì, tích cực, tiêu cực ra sao. Từ đó các em sẽ hình thành được phương pháp tư duy cho mình. Mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học sử không chỉ của Bộ GD&DT, Hội Khoa học Lịch sử mà là của toàn xã hội.

Xã hội - Nhà sử học Dương Trung Quốc: Xem lại quan niệm về học sử

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trao đổi vó PV Người đưa tin, PGS.TS Nguyễn Duy Bính, chủ nhiệm bộ môn lịch sử Việt Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Trong quá trình chấm thi dù không muốn nhưng chúng tôi vẫn phải cho nhiều thí sinh điểm 0 sử. Thực tế đề thi đại học môn sử đã sát với chương trình học, có trọng tâm nhưng điểm vẫn thấp. Sách vở, các chương trình thực tế về sử không hề thiếu. Tuy nhiên, việc thí sinh và phụ huynh không còn thiết tha với môn sử là một thực tế. Tất cả là vì cơm áo gạo tiền và tâm lý coi môn sử là môn học phụ. Cùng với đó là xu thế chung của thời đại, học sinh muốn học các khối ngành tự nhiên vì khả năng xin việc sau khi ra trường tốt hơn.

Đỗ Quang Huy (Phú Thọ), một thí sinh vừa tham dự kỳ thi đại học chia sẻ: “Đề thi lịch sử năm nay chỉ đơn thuần là trả bài môn lịch sử, hoàn toàn là học thuộc lòng, không có gì đánh đố. Tuy nhiên, chính vì thế, nhiều thí sinh học tủ và lệch tủ bị điểm kém là điều dễ hiểu. Bây giờ trong giới học sinh đều có quan niệm rằng ai không thể thi khối khác mới chọn khối C và theo học sử. Những học sinh thực sự yêu thích môn sử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ai say mê học vẫn co thể đạt được 9 điểm sử. Còn lại không ít người chọn khối C như sự lựa chọn cuối cùng, được ăn cả ngã về không”.

Cô Lương Thị Thảo, giáo viên dạy Sử trường THPT Phương Xá, Cẩm Khê (Phú Thọ) bày tỏ: Với đề thi sử ĐH năm ngoái, các nhà nghiên cứu sử cho rằng, cách dạy ở bậc phổ thông khiến học sinh học xong bài nào biết bài đó, không có sự so sánh giữa các giai đoạn. Chương trình phổ thông thiên về sự kiện mà không chú ý đến đặc điểm, bản chất của sự kiện. Chương trình và cách dạy khô khan khiến học sinh chán học môn sử nên kết quả thấp. Năm nay, Bộ GD&DT đã có “giải pháp” cho đề thi chủ yếu là cho thí sinh trả bài là chính. Khi nhìn vào đề thi, chúng tôi đều nghĩ học sinh mình làm bài tốt. Nhưng khi xem đáp án của Bộ thì thấy quá chi tiết về số liệu. Chúng tôi dạy sử, hướng các em theo hướng tư duy và phân tích sự kiện nhưng với đáp án của Bộ, học sinh khó có thể được điểm cao.

Thạc sĩ sử học Nguyễn Trinh Phúc (Hà Tĩnh) chia sẻ: Nhiều năm giảng dạy tại trường phổ thông, bản thân tôi thấy môn sử có một sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với học sinh. Nhưng tôi rất buồn vì ít em có năng lực và sở thích môn này có đủ dũng cảm để theo đuổi nó. Thực tế cho thấy, nhiều người học sử khi ra trường phải vật vã mới xin được việc làm như ý hoặc phải làm trái ngành. Chính hiện thực đau lòng này đã khiến nhiều em thực sự có đam mê chùn bước. Để học giỏi môn sử, học sinh phải thực sự có năng lực tư duy cùng với sự kiên trì, chịu khó. Môn sử hấp dẫn nhưng lại rất kén người. Trong khi, không ít thí sinh tham gia thi khối C là những em lười học, chọn thi khối này để cho có. Vì vậy, kết quả thi môn sử thấp không có gì là điều bất ngờ.

Chị Dương Thu Hương (Quảng Ninh, giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn sử năm 2005 – 2006) cho biết: Sau một đợt thi có tính chất quốc gia có môn sử thì chủ đề về chất lượng dạy và học môn này lại được dư luận đặt nhiều câu hỏi. Ai cũng biết học sử để hiểu về những năm tháng đã qua của dân tộc là một điều cần thiết và đáng quý. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng để các em học sinh yêu sử thật không đơn giản. Học sử tốt không giúp được nhiều học sinh có cơ hội kiếm sống bằng chính kiến thức mà mình có được. Trong khi đó, các môn học khác lại có nhiều cơ hội tốt hơn.

Giang Thơm