Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và những thành công trong cuộc đời

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và những thành công trong cuộc đời

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Học người này, người kia, mỗi thứ một tí, cộng lại thành Nguyễn Quang Sáng.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là nhà văn của những số phận người Nam bộ. Song, để khắc họa sâu điều đó trong những sáng tác của mình, ông dựng lại họ trên phương diện điện ảnh. Và người trong nghề gọi ông là nhà biên kịch.

Xã hội - Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và những thành công trong cuộc đời

"Lấn sân" vào điện ảnh

Sau chi tiết độc đáo ở vùng đồng bằng chiêm trũng Đồng Tháp Mười ấy (năm 1966), Nguyễn Quang Sáng đã mơ về một bộ phim để đời với tên Cánh đồng hoang. Điều này chứng tỏ ý định lấn sân vào điện ảnh đã tình cờ nhen nhóm tâm hồn nhà văn. Năm 1972 ông phải trở ra Bắc và cũng định viết phim đó nhưng ông nghĩ lại: "Lúc này ở miền Bắc không thể thực hiện được phim đó theo ý tưởng của mình vì không có cánh đồng nào như cánh đồng ở Đồng Tháp cả. Và cũng không thể nào làm được một cánh đồng giả mênh mông nước như vậy. Vì thế nên tôi không viết nữa".

Ngay khi ở miền Bắc về, Nguyễn Quang Sáng trở lại hoạt động tại Hội nhà văn miền Nam và cũng năm 1972, ông viết và xuất bản tiểu thuyết Mùa gió chướng. Lúc đó, Giám đốc Hãng phim Giải Phóng đề nghị ông chuyển tiểu thuyết này thành tác phẩm điện ảnh. Sau đó, từ cuốn tiểu thuyết dài gần 400 trang, ông "ép" lại còn chừng 70 trang kịch bản. Cuối năm 1977, ông viết xong kịch bản Mùa gió chướng, tới giữa năm 1978 thì phim khởi chiếu và rất thành công.

Ông kể lại: "Trong thời gian quay phim, tôi có đi theo đoàn làm phim để tham gia chọn cảnh, điều tiết thoại và hỗ trợ đạo diễn một số việc liên quan tới kịch bản. Mình nhận ra, môi trường ấy như là một trường đại học điện ảnh thực thụ. Nghĩa là mình học được rất nhiều trong lúc người ta quay phim, cái gì mình viết người ta quay được, cái gì mình không cần viết người ta vẫn quay bình thường và viết cái gì, chỗ nào là đúng, là đủ và chỗ nào là thừa, là thiếu. Vì vậy mình nhận thấy có khả năng viết kịch bản điện ảnh nhưng không muốn đi sâu vào nó”.

Thành công nối tiếp thành công

Với ý nghĩ đó, Nguyễn Sáng suy tư nhiều hơn bởi hình ảnh độc đáo mà ông đã bắt gặp dưới cánh đồng Đồng Tháp Mười ngày nào. Hình ảnh ấy ngày đêm thúc ép ông, chiếm ngự cả một lượng thời gian quá lớn của ông. Vì thế, ông bắt tay vào viết nó ngay cả khi vợ nằm trong nhà thương sinh đứa con thứ hai. Ông viết Cánh đồng hoang trong vòng 1 tuần lễ. Ông cho biết lý do đơn giản là sau 12 năm ông ấp ủ ý tưởng, tới thời điểm đó mới viết: "Vì mình cũng phải dự tính, phải biết lúc nào thích hợp, mình viết mà người ta có thể thực hiện được ngay thì mới viết, chứ viết xong rồi mà lại mang đi đắp chiếu thì uổng lắm. Lúc ra Bắc, tôi viết được nhưng không viết, bởi tôi biết ngoài Bắc không có cánh đồng như thế, không thể tạo dựng nổi một môi trường bi tráng như trong truyện của mình được, nên để dành về Nam mới viết".

Ngày 18/1/1978 - ngày sinh của Dũng "khùng" (con trai của nhà văn, là đạo diễn điện ảnh) cũng là lúc tác phẩm của ông ra đời. Ông cho biết: "Khi chuyển thành kịch bản, tôi chỉ gạch đầu dòng, viết trong 2 ngày, cứ ghi ý tứ của câu chuyện ra rồi đưa cho đạo diễn. Họ nắm bắt câu chuyện và tình tiết để chuyển thành hình ảnh tốt hơn mình mà. Những chi tiết đắt giá nhất tôi có đề chú ý và chú thích hẳn hoi, để đạo diễn lấy đó làm điểm nhấn cho phim. Họ là người bố trí bố cục, chi tiết, tình tiết dựng hình ảnh, phim. Còn mình chỉ có văn chương, chỉ viết sao cho hình ảnh in lên mặt giấy thì họ dễ làm hơn".

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng cho biết: "Trong kịch bản Dòng sông tuổi thơ, đạo diễn là người Nam, lấy vợ Nam nhưng lại viết thoại tuyền tiếng Bắc. Tôi đã gạch hết rồi ngồi mất cả nửa tháng chỉnh sửa lại. Do nhân vật trong kịch bản là người miền Nam, vì thế không thể viết thoại theo tiếng nói, ngôn ngữ miền Bắc được. Chính những lời thoại phải phản ánh được trình độ (học vấn, nhận thức), thói quen ăn nói của nhân vật. Cũng chính từ tác phẩm này, bên điện ảnh gọi tôi là nhà biên kịch".

BOXX Tính tới thời điểm này, Nguyễn Quang Sáng đã viết được 14 tác phẩm kịch bản phim. Những bộ phim ông tham gia dàn dựng bao gồm: Mùa gió chướng (1978), Cánh đồng hoang (1978 - 1979), Pho tượng (1981), Cho đến bao giờ (1982), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Câu nói dối đầu tiên (1988), Thời thơ ấu (1995), GilZa dòng (1995), Như một huyền thoại (1995). Hiện tại ông đã hoàn thành kịch bản phim truyền hình dài 30 tập với tựa đề Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường viết vào buổi sáng, bắt đầu lúc 9h-11h, buổi chiều nghỉ ngơi, suy nghĩ để ngày mai viết. Ông bảo: "Phải nghĩ sẵn trong đầu thì mai mình phải ghi ra chứ”. Cha đẻ Cánh đồng hoang cho biết thêm: "Tôi bị ảnh hưởng từ rất nhiều phía, cứ học người này, người kia, mỗi thứ một tí, cộng gồm lại thì thành Nguyễn Quang Sáng" . Ông tự nhận phong cách văn chương của mình bị ảnh hưởng nhất là tiếng nói của người Nam Bộ. Ngôn ngữ bản địa là một đặc trưng trong phong cách văn chương của Nguyễn Quang Sáng.

Đăng Văn