Nhạc sĩ Phạm Duy: Lá rụng về cội...

Nhạc sĩ Phạm Duy: Lá rụng về cội...

Thứ 2, 04/02/2013 | 08:16
0
Phạm Duy - một cây đại thụ nữa của nền tân nhạc Việt Nam đã về với vòng tay của đất mẹ. Sự ra đi của ông để lại trong lòng người yêu nhạc sự tiếc nuối và một khoảng trời hoang hoải.

Năm 1942, lúc 21 tuổi ông đã có sáng đầu tay là Cô hái mơ. Ông trở thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy - Charlot Miều. Chính nơi đây cho ông cơ hội mở rộng bầu cảm xúc và bén duyên với nhiều tên tuổi lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Văn Đông, Văn Cao. Những sáng tác đầu tay của ông như Cây đàn bỏ quên, Khối tình Trương Chi bắt đầu được khán giả đón nhận. Trải qua những khúc quanh của lịch sử, của thời cuộc, cũng như của chính cuộc đời mà những sáng tác của ông mang những âm hưởng khác nhau. Từ âm vang của dòng nhạc tiền chiến đến âm hưởng của dân gian, đã làm người nghe như phiêu mình vào những trường sáng tác của ông. Hành trình 30 năm tha hương (1975 - 2005) ông tiếp tục sáng tác một cách bền bỉ và không ngừng tìm ra cái mới. Sức sáng tạo của một con người luôn hôi hổi một nỗi niềm hồi hương.

Giản dị trong từng lời nói

Từ khi ông về nước (năm 2005), tôi có cơ hội gặp ông hai lần, khác với những tình cảm dạt dào, lãng mạn trong âm nhạc, ngoài đời ông giản dị trong từng lời nói và lối trò chuyện dí dỏm. Trong quá trình trò chuyện, thi thoảng ông dừng lại hỏi tôi có hiểu không để ông giải thích một cách tường tận hơn. Lần thứ nhất tôi gặp ông tại nhà riêng vào tháng 1 năm 2012, khi ông trải qua một trận ốm nhẹ. Ông ngồi trên chiếc ghế màu tía, trông ông như một ông hoàng đang ngự trị trên thế giới âm nhạc của mình vậy. Câu chuyện chúng tôi xoay quanh chủ đề âm nhạc đương đại và hành trình ông về với quê hương.

Nhân vật - Nhạc sĩ Phạm Duy: Lá rụng về cội...

Chân dung nhạc sĩ Phạm Duy

Ông cho biết người Việt vẫn còn rất yêu dòng nhạc xưa, trong đó có một phần âm nhạc của ông. Do đó, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông không ngừng tìm tòi để sáng tác nên những ca khúc có giá trị, có sức ảnh hưởng đối với mọi người với hy vọng những người có tâm hồn yêu và đam mê âm nhạc thực sự tìm về và khôi phục những giá trị vốn có của âm nhạc Việt. Về với quê hương, ông đang nghiêng mình để lắng nghe dòng chảy của âm nhạc mình trong lòng công chúng, từ đó có những sáng tác thật sự phù hợp. Đồng thời, ông mong muốn phả vào lòng công chúng yêu nhạc những cung bậc cảm xúc thiết tha rạo rực.

Khi được hỏi, yếu tố nào làm nên nội lực của ông trong suốt một quãng thời gian dài như vậy? Ông cười hiền và cho biết ông sinh khác người vì có nhiều trái tim, những trái tim ấy của ông luôn chất chứa một bầu máu nóng nhiệt huyết và sức trẻ sáng tác. Ông còn cười đùa, khi nào hai tay buông xuống khi đó tôi mới hết sáng tác. Quả thật như vậy, đến khi cuối đời ông vẫn còn sáng tác, vẫn còn ấp ủ nhiều dự định âm nhạc lớn. Nếu không bạo bệnh, suy sụp tinh thần vì sự ra đi của ca sĩ Duy Quang, có lẽ giờ này ông đang tất bật cho những chương trình, những dự định âm nhạc của riêng mình. Ông còn hứa hẹn năm 2013 sẽ mời tôi tham dự những chương trình ca nhạc mà ông tổ chức. Giấc mơ ấy, con người ấy vẫn một niềm đam mê đến phút cuối cuộc đời cho những bản tình ca nồng nàn…

Khúc quanh của lịch sử đã làm gián đoạn nhiều tác phẩm âm nhạc của ông. Hơn 1.000 ca khúc do ông sáng tác với nhiều thể loại như tình ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca trong số đó chỉ mới khoảng hơn 100 bài được cấp phép sử dụng. Gia tài âm nhạc, cũng như những tác phẩm mà ông để lại cho đời đã chứng minh tầm vóc của một cây đại thụ và sức ảnh hưởng trong lòng công chúng yêu nhạc. Những ca khúc như Ngày trở về, Đưa em tìm động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng thị, Kiếp nào có yêu nhau nhanh chóng được công chúng yêu thích. Những ca khúc đình đám một thời của ông ở thập niên 60 được các ca sĩ như Thái Thanh, Lệ Thu, Duy Quang, Thái Hiền, Elvis Phương, Tuấn Ngọc thể hiện rất thành công. Tiếp nối các thế hệ đi trước, những ca sĩ như Mỹ Linh, Đức Tuấn, Khánh Linh, Quang Linh đã thổi hồn vào những nhạc phẩm của ông, mang chúng đến gần hơn với công chúng.

"Tôi ngã xuống sẽ có người thay thế..."

Lần thứ hai tôi gặp ông trong một bữa tiệc âm nhạc, ông và GS Trần Văn Khê ngồi cạnh nhau. Khi đôi bạn tri kỷ này gặp nhau, sau những câu hỏi thăm sức khỏe thông thường là một câu chuyện âm nhạc mà hai nhân vật chính hết mình chia sẻ. Từ những phân tích, cảm thụ thế nào cho đúng, cho hay cho đến nhạc điệu, nhạc luật tất cả tái hiện những bữa tiệc âm nhạc độc đáo, đặc sắc mà người nghe không biết chán. Hai nhân cách lớn của âm nhạc Việt có cùng điểm cộng là chọn quê hương làm nơi yên nghỉ tuổi già.

Nhân vật - Nhạc sĩ Phạm Duy: Lá rụng về cội... (Hình 2).

Nhạc sĩ Phạm Duy ký tặng khán giả trong một buổi giao lưu

Tôi còn nhớ, hôm đó có người đã hỏi nhạc sĩ Phạm Duy vì sao tuổi già lại chọn con đường trở về quê hương? Trước khi trả lời câu hỏi, ông nhìn GS Trần Văn Khê và bùi ngùi: Ngày 28/4/1975 là ngày tôi bắt buộc phải rời quê hương để ra đi. 30 năm sống cuộc sống lưu vong, trong tôi luôn thường trực nỗi nhớ quê và khát vọng trở về. Tôi là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên trên đất Việt. Phương châm sống của tôi là lá rụng về cội, cá lội về nguồn. Tôi luôn tìm mọi cách để được trở về quê hương. Hành trang trở về của tôi là 1.000 ca khúc, nếu có thể xin góp vào gia tài âm nhạc dân tộc.

Trong khán phòng hôm đó, có một người đứng lên xin lỗi và xin được hỏi một câu mạn phép: Nếu một ngày cây đại thụ Phạm Duy ngã xuống, ông đã tìm được người thay thế vị trí của mình chưa và điều gì ông cảm thấy hối tiếc nhất?. Ông cười hiền và cho biết: "Việt Nam không thiếu nhân tài, nhưng mỗi người có mỗi hoàn cảnh và sự tôi luyện khác nhau. Điều đó có nghĩa rằng, mỗi người sinh ra đều có những vị trí và chỗ đứng riêng, nếu tôi có ngã xuống ắt sẽ có người thay thế. Quan trọng họ tiếp thu ở khía cạnh nào và tiếp bước như thế nào thôi!. Thật sự mà nói đời người không ai hoàn hảo cả, do vậy tiếc nuối thì ai cũng có. Nhưng có lẽ tôi tiếc nuối nhiều hơn thảy vì tôi luôn tham lam muốn làm được rất nhiều điều và nhiều dự án ấp ủ nhưng vì tuổi già, sức khỏe không cho phép nên nhiều việc tôi còn làm dang dở…".

Nhìn hai người với hai mái đầu bạc phơ vẫn trọn một mối tình tri kỉ thật đáng khâm phục biết bao. GS Trần Văn Khê cho biết giữa ông và nhạc sĩ Phạm Duy có nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Ông dành cho nhạc sĩ Phạm Duy sự quý mến và trân trọng. Lần đầu tiên nghe Phạm Duy phổ nhạc cho thơ, GS Trần Văn Khê vô cùng thán phục. Theo đánh giá của GS Khê, nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa dân ca, ca dao vào huyết quản của mình, chẳng hạn bài Trèo lên cây bưởi hái hoa, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ theo Hò, Xề, Xang, Xê, Cống, Lí.

Đôi bạn tri kỉ cùng tuổi con gà giờ đã chia lìa, chiều nay nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy tạ thế, GS Trần Văn Khê bần thần đưa tay gạt nước mắt trầm ngâm hồi tưởng lại hành trình hơn nửa thế kỷ họ đã kề vai sát cánh với nhau. Giọt nước mắt của giáo sư rơi xuống để tiễn đưa một người bạn già của đời mình ra đi. Giọt nước mắt ấy rơi thấm vào những dòng tự sự với nhạc sĩ Phạm Duy trong cuốn sách mà ông dự định sắp xuất bản: "Duy ơi. Một kiếp nhân sinh với bao năm tháng trôi chảy không ngừng nghỉ, có lúc này cũng có lúc khác, những câu chuyện cứ nối tiếp nhau không dứt, thì Khê cũng như Duy, Duy cũng như Khê, đều mỉm cười và mong rằng Những cuối bước đi trăm năm một lần/Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn".

Giọt nước mắt tri kỷ thấm vào những dòng tự sự được chắt ra từ trái tim của một nhân cách lớn đã tiễn một nhân cách lớn về nơi an nghỉ cuối cùng. Cuộc đời có lúc hợp, lúc tan nhưng những gì mà nhạc sĩ Phạm Duy đã cống hiến cho đời thì còn mãi mãi. Những giai điệu, ca từ ấy sẽ có sức sống bền bỉ với thời gian với lòng người. Nhạc sĩ như một chiếc là lìa cành trôi về cội nguồn theo đúng tâm nguyện của đời mình, hành trình của chiếc lá từ khi lớn lên, sinh trưởng và già cỗi đã nếm đủ dư vị của cuộc sống, chiếc lá ấy đã góp mình làm xanh thêm bầu trời âm nhạc Việt. Cội nguồn, dòng suối mát của quê hương mở lòng đón nhạc sĩ về với đất mẹ, cầu mong chiếc lá ấy nhẹ nhàng theo dòng suối mát đến tận cùng của nguồn cội.         

 Nhạc sỹ Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921, tên thật Phạm Duy Cẩn. Ông kết hôn với ca sỹ Thái Hằng (1927-1999). Các con ông đều là ca sỹ thành danh gồm ca sỹ Thái Hiền, ca sỹ Duy Quang (vừa mới mất cách đây hơn 1 tháng ở tuổi 62), ca sỹ Thái Thảo, nhạc sỹ hòa âm Duy Cường và con rể (chồng của Thái Thảo) là ca sỹ Tuấn Ngọ.  

Trung Nguyên

Đông đảo nhân dân, nghệ sỹ tiễn đưa nhạc sĩ Phạm Duy

Chủ nhật, 03/02/2013 | 14:53
7 giờ sáng 3/2, đông đảo khán giả và văn nghệ sĩ đã đến đưa tiễn nhạc sĩ Phạm Duy về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tuấn Ngọc khắc khoải tiễn Phạm Duy lần cuối

Chủ nhật, 03/02/2013 | 09:42
Không khóc, gương mặt của nam danh ca trầm tĩnh và hằn vẻ u buồn trong lễ động quan bố vợ anh, sáng 3/2 tại TP HCM.

Những 'bóng hồng' trong cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy

Thứ 5, 31/01/2013 | 10:20
Nhạc sỹ Phạm Duy thừa nhận là mình yêu nhiều, và luôn yêu say đắm, nồng nàn. Trong mỗi sáng tác của ông thường có những "bóng hồng" cụ thể chứ không mơ hồ, ảo ảnh. Đặc biệt, trong cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Duy, ngoài người vợ thì có một người phụ nữ đặc biệt.

Tâm nguyện cuối đời của nhạc sĩ Phạm Duy

Thứ 5, 31/01/2013 | 09:06
Ngày 27.12.2012, nhạc sĩ Phạm Duy gửi cho tôi một email có nội dung như sau: “Bố đưa con giữ lá thư nguyện vọng này: