Nhân đạo, nhưng cần có ranh giới

Nhân đạo, nhưng cần có ranh giới

Thứ 3, 14/05/2013 | 15:22
0
Lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, những nữ quái phạm tội, những nghi phạm khi bị bắt quả tang đã dùng những “chiêu độc” như giả điên, mắc bệnh hiểm nghèo, có thai... làm lá chắn, hòng trốn tội hoặc để được hoãn thi hành án.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Ngụy Thế Hùng, Văn phòng VKSND Tối cao.

Trách nhiệm thuộc cơ quan điều tra

Thực tế hiện nay đang có không ít các đối tượng phạm tội lợi dụng vào chính sách nhân đạo của Nhà nước để được miễn thi hành án. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chính sách nhân đạo luôn được Đảng và Nhà nước áp dụng, để thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Tuy nhiên, luật pháp dù chặt chẽ đến đâu cũng không thể tránh khỏi những kẽ hở pháp lý. Do đó, từ những quy định nhân đạo của pháp luật, nhiều đối tượng đã lợi dụng dưới nhiều hình thức như: Giả điên, làm giả giấy tờ xét nghiệm hòng thoát khỏi vòng lao lý. Để việc hoãn thi hành án phạt tù không bị lạm dụng, các cơ quan tố tụng khi xét hoãn cần cẩn trọng, nghiêm túc từ việc tiếp nhận hồ sơ đến việc kiểm tra thực tế; yêu cầu các cơ quan chức năng cùng phối hợp, để đưa ra kết luận, đối tượng có mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau, có mang thai thật hay không.

Trên thực tế, nhiều vụ án được hoãn rồi cơ quan tố tụng mới tá hỏa khi phát hiện ra những căn cứ để được hoãn như, giấy chứng nhận bị bệnh hoang tưởng, bệnh hiểm nghèo, giấy chứng nhận đang mang thai của đối tượng là giấy tờ giả. Chính vì lẽ đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Phát huy vai trò của Viện kiểm sát, của chính quyền địa phương cũng như lắng nghe dư luận khi những người được hoãn thi hành án có những biểu hiện bỏ trốn hay phạm tội mới để ngăn chặn kịp thời.

Luật sư - Nhân đạo, nhưng cần có ranh giới

Ông Ngụy Thế Hùng – Văn phòng VKSNDTC.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, để tránh tình trạng chính sách nhân đạo bị lợi dụng, cần phải sửa đổi bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay?

Sự thật chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đã và đang bị các đối tượng phạm tội, khai thác, lợi dụng triệt để, điều đó không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn gây khó khăn cho công tác điều tra. Tuy nhiên,  luật pháp đã quy định, để đảm bảo tính nhân văn trong pháp luật và phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì thế, mọi cơ quan tổ chức cá nhân cần tôn trọng và tuân thủ.

Để thay đổi luật là một điều không hề đơn giản, chúng ta cần phải tôn trọng luật pháp Việt Nam, cũng như luật pháp quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết công ước quốc tế về quyền trẻ em. Mặt khác, trại giam là nơi cải tạo những người phạm tội, không thể xây dựng nhà trẻ hay trường mầm non. Như vậy sẽ là phản tác dụng chứ không có tính chất ngăn ngừa.

Cần có sự phối hợp đồng bộ

Nhưng thực tế hiện nay, những hệ lụy từ việc người mẹ phạm tội sinh nhiều con, đang trở thành gánh nặng cho xã hội?

Quy định của pháp luật hình sự là nhằm răn đe giáo dục, phòng ngừa tội phạm, quy định đặt ra phải đảm bảo tính thực thi, thực tiễn. Không phải cứ phạt nặng thì tội phạm sẽ thuyên giảm. Mặc dù bộ luật tố tụng quy định những trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt, tuy nhiên người tiến hành tố tụng cần xem xét dưới góc độ người phạm tội lần đầu và tái phạm. Trường hợp tái phạm ngay từ khi khỏi tố vụ án, khởi tố bị can, các cơ quan tiến hành tố tụng cần kết hợp với chính quyền, nơi bị can sinh sống phải theo dõi sát sao đối với những đối tượng là nữ giới phạm tội.

Những chiêu thức mà kẻ phạm tội có thể lợi dụng được, đang rất cần có sự can thiệp của hệ thống chính sách pháp luật, cùng với sự phối hợp đồng bộ, thống nhất của các cơ quan chức năng, như Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Hội phụ nữ các cấp...

Có ý kiến cho rằng, đối với những trường hợp tái phạm, tái phạm nhiều lần nếu không có biện pháp cứng rắn vô hình trung sẽ làm giảm đi tính tôn nghiêm của pháp luật?

Đó là những thực tế hiện nay, vì tính nhân đạo luật pháp đã quy định không thể khác được. Tuy nhiên, những phụ nữ lợi dụng việc sinh nhiều con để hoãn thi hành án, số đó không nhiều. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được việc đối tượng phạm tội có ý thức cản trở, hoặc bỏ trốn, cần bắt giam những trường hợp đó. Nhân đạo, nhưng cũng cần phải có ranh giới. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại phạm tội mới, thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Xin trân trọng cảm ơn ông!        

Khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định các trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù: Bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến một năm. 

Lương Liễu (thực hiện)

'Hành nghề luật sư là chở đạo'

Thứ 3, 14/05/2013 | 10:43
Nghề luật sư có phải là một nghề cao quý hay không? Đó là một câu hỏi mà nhiều luật sư phải đi gần hết cả cuộc đời với những chiêm nghiệm thú vị mới trả lời được.

Bộ luật dân sự sẽ có nhiều sửa đổi lớn

Thứ 2, 13/05/2013 | 08:38
Sẽ bãi bỏ những quy định chồng chéo với Luật Đất đai, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hôn nhân và Gia đình…