Nhiều bệnh nhân “choáng” khi viện phí áp giá mới

Nhiều bệnh nhân “choáng” khi viện phí áp giá mới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Từ 1/8, năm bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế đã áp dụng bảng viện phí mới nhưng nhiều bệnh nhân bất ngờ vì chưa hề nắm được quy định này.

Hôm qua (1/8), giá viện phí mới tại một số bệnh viện đã được kê bảng giá mới và áp dụng. Tuy nhiên, với sự điều chỉnh khung giá quá cao như vậy, vấn đề mà người dân lo ngại là liệu chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh có được cải thiện…

Xã hội - Nhiều bệnh nhân “choáng” khi viện phí áp giá mới

Bệnh nhân và người nhà lo lắng trước khung giá viện phí mới (Ảnh Bảo Lâm)

Choáng vì viện phí tăng

Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, ngay trong ngày đầu tiên (1/8) một số bệnh viện đã áp dụng khung giá viện phí mới, rất nhiều người dân bất ngờ vì thông tin này vaầ chỉ khi nộp tiền viện phí họ mới biết khung giá đã tăng ngất ngưởng. Tại Bệnh viện Việt Đức, khu vực thanh toán viện phí cho cả bệnh nhân có hoặc không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đều đã dán bảng giá viện phí được điều chỉnh ở phía trên. Thế nhưng, phần lớn người nhà bệnh nhân không ai để ý ngước lên đọc. B

à Lê Thị Hòe (75 tuổi, quê Vĩnh Trụ, Bình Lục, Hà Nam) cho biết: “Hôm qua, con trai và con dâu tôi đưa ra bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội chữa bệnh xương khớp. Lúc trưa, nghe mấy đứa con nói loáng thoáng giá viện phí tăng cao quá. Chúng tôi ở quê, ra đây chữa bệnh mới biết tăng giá khám bệnh, giường bệnh và các khoản khác chứ ở nhà đã nghe nói bao giờ đâu!”.

Bệnh viện Bạch Mai, khu vực thanh toán viện phí, bảng giá dịch vụ y tế được dán ngay cạnh cửa, người bệnh có thể nhìn dễ dàng. Ngay tại quầy thu tiền dành cho bệnh nhân không có BHYT, bác Trần Văn Long ( Hoài Đức, Hà Nội) liên tục thắc mắc với nhân viên kế toán tại sao tiền viện phí hôm nay lại tăng hơn những đợt trước. “Vợ tôi mổ ruột thừa cách đây một ngày. Hôm nay, thấy dịch vụ, hóa đơn chữa bệnh gì cũng tăng giá. Đơn giản như tiền giường nằm một ngày trong phòng hồi sức cấp cứu của vợ tôi phải đóng 200.000 đồng. Trước đây, giá tiền giường chỉ là 12.000 đồng, thử hỏi như thế dân nghèo chúng tôi có chịu được không?...”, bác Long bức xúc.

Theo ghi nhận, mặc dù đã tăng viện phí nhưng chất lượng khám chữa bệnh chưa có nhiều thay đổi. Tình trạng phải đợi chờ nhiều ngày mới khám bệnh xong vẫn xảy ra khá phổ biến ở khoa khám bệnh. Theo phản ánh từ người nhà bệnh nhân thì vẫn còn chuyện nằm giường ghép hai. Đặc biệt, tình trạng xếp hàng chờ khám vẫn còn diễn ra. Căng thẳng nhất là đối với các bệnh nhân chạy thận theo yêu cầu. Số tiền một lần chạy thận tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,2 triệu đồng. Mỗi tháng, một bệnh nhân phải chạy trung bình 13 lần, số tiền tăng thêm là 6,5 triệu đồng.

Ngồi bệt xuống đất, anh Phan Văn Hôi (43 tuổi) mới từ Đồng Hới (Quảng Bình) ra Hà Nội chữa bệnh, giữa cái nắng oi bức ngay hè, vợ chồng anh khuôn mặt lấm lem với những túi đồ đạc lủng củng. Anh Hôi tâm sự: “Hai hôm nay, đưa vợ ra chữa bệnh thấy gì cũng tăng. Có thứ cao gấp mấy lần so với các đợt chữa bệnh trước, trong khi tối qua vợ tôi vẫn phải nằm giường ghép. Tôi đang tính 2-3 ngày nữa phải về nhà xoay sở thêm tiền. Đợt này, hai vợ chồng vay mượn được tám triệu rưỡi nhưng cả đóng viện phí và ăn uống thì không đủ”.

Khi PV đề cập đến vấn đề tăng viện phí, anh Bình (Quảng Xương, Thanh Hóa) tỏ ra ngạc nhiên: “Tôi đưa vợ lên đây chữa gãy xương vai. Mình là bệnh nhân, bệnh viện bảo nộp bao nhiều thì nộp thôi, chứ cũng chả cụ thể là viện phí tăng hay giảm bao nhiêu. Vào viện nộp một khoản gọi là tạm thu viện phí năm triệu đồng, rồi hằng ngày làm thêm dịch vụ gì thì lại xuống nộp tiền. Gì chứ chữa bệnh, thuốc thang đắt mấy cũng cố vay mượn mà trả chứ mình làm sao thêm bớt, mặc cả được…”.

Xã hội - Nhiều bệnh nhân “choáng” khi viện phí áp giá mới (Hình 2).

Nhiều người bệnh không hề biết trước thông tin tăng viện phí (Ảnh Bảo Lâm)

Giá viện phí tăng gần kịch khung

Hiện tại, năm bệnh viện đã được thẩm định xong giá viện phí và được Bộ Y tế ký quyết định ban hành, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí và Viện huyết học truyền máu Trung ương. Các bệnh viện này đã triển khai thực hiện viện phí mới với đa số dịch vụ tăng ở mức 90- 100% khung được liên Bộ Tài chính - Y tế cho phép.

Theo ghi nhận của PV, Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng chính sách viện phí mới với sự điều chỉnh giá của 447 dịch vụ y tế. Trả lời PV, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, với chính sách viện phí mới, bệnh nhân có BHYT sẽ không bị tác động nhiều nhưng người tự chi trả thì số tiền tương đối lớn. Giá khám bệnh được thu ở mức tối đa là 20.000 đồng/lần, tiền giường 70.000 đồng/ngày/người.

Nhiều dịch vụ chuyên khoa sâu mức tăng các dịch vụ được tối đa. Ví dụ, bệnh nhân sinh mổ trước kia chỉ thu 390.000 đồng nhưng theo khung giá mới sẽ lên đến 1,5 triệu đồng. Đáng chú ý nhất, việc tăng khung giá viện phí của các bệnh viện tuyến trung ương lên tới mức 94% - 95% so với khung giá tối đa được đánh giá là quá cao. Trong khi đó, với các bệnh viện hạng 2 thuộc Bộ Y tế, mức viện phí mới cũng tới 90% khung giá tối đa.

Lý giải cho việc xây dựng và thực hiện mức viện phí tăng cao, về phía bệnh viện đều đưa ra các lý do xem ra khá thuyết phục như giá viện phí cũ đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và mức sống của người dân. Hơn nữa, tăng viện phí cao do giá thuốc, giá vật tư tiêu hao được đấu thầu với giá cao, đẩy giá chung lên cao. Đặc biệt, tăng viện phí sẽ giúp cho bệnh viện có thêm nguồn kinh phí để đầu tư vào cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn, trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) lại cho rằng, nhiều bệnh viện đua nhau xây dựng khung giá viện phí cao chưa theo đúng mục tiêu mà liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành trong Thông tư 04. Nhiều địa phương còn có tư tưởng nâng mức dịch vụ y tế lên thật cao để tăng nguồn thu cho bệnh viện từ Quỹ BHYT. Theo đó, một số bệnh viện thường chia nhóm các dịch vụ kỹ thuật, trong đó dịch vụ kỹ thuật nào có tần suất sử dụng cao, với số người sử dụng nhiều như khám bệnh, giường bệnh, xét nghiệm, chiếu chụp... thì đề xuất ở mức rất cao, còn những dịch vụ kỹ thuật ít được bệnh nhân sử dụng thì đề xuất ở mức thấp nhằm đưa ra khung giá viện phí chung ở mức phù hợp. Nhưng thực tế thì bệnh viện vẫn thu lợi nhiều nhất trên sự thiệt thòi và gánh nặng của người bệnh.

Khung giá viện phí mới được phép điều chỉnh gồm 447 dịch vụ y tế, chiếm khoảng 15% trong tổng số 3.000 dịch vụ y tế. Tuy nhiên, phần lớn các dịch vụ y tế được điều chỉnh lại rơi vào nhóm dịch vụ thường được người bệnh sử dụng nhiều nhất.

Một số mức tăng thấy rõ như hiện tại giá khám bệnh có điều hòa là 20.000 đồng, không có điều hòa là 18.000 đồng, trong khi giá khám cũ chỉ có 3.000 đồng. Tương tự, giá một ngày nằm gường hồi sức cấp cứu, chống độc là 150.000 đồng có điều hòa và 145.000 đồng không có điều hòa (chưa tính chi phí máy thở) trong khi trước đây chỉ có tối đa là 12.000 đồng. Tại BV Bạch Mai, giá khám bệnh được thu ở mức tối đa là 20.000 đồng/lần, tiền giường 70.000 đồng/ngày/người. Ngoài hai bệnh viện lớn là Bạch Mai và Việt Đức, ba cơ sở y tế lớn khác cũng trực thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện K, Huyết học và Truyền máu Trung ương, Việt Nam - Thụy Điển ở Uông Bí (Quảng Ninh) đều đã chính thức áp dụng khung giá viện phí mới.

Cao Tuân