Nhiều công chức địa phương

Nhiều công chức địa phương "mù" vi tính

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Trên thực tế, một số địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo tin học cho cán bộ cấp phường, xã. Tuy nhiên, nội dung chương trình đào tạo mỗi nơi một kiểu nên đến nay vẫn chưa được phổ cập toàn diện

Hiện nay, phần đông cán bộ cấp xã không có kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, máy tính, internet mà vẫn chỉ làm việc theo phương thức hành chính giấy tờ truyền thống. Mới đây, qua khảo sát của bộ Nội vụ cho thấy, tại nhiều xã trong tỉnh Thái Nguyên, mỗi lần cần soạn thảo văn bản, lãnh đạo xã phải thuê một cháu mới học xong lớp 9 về gõ phím theo kiểu "mổ cò" để làm văn bản.

Lúng túng trước tin học

Theo bộ Nội vụ, không ít nơi, công chức văn phòng - thống kê cấp xã khi được giao phụ trách công tác một cửa rất lúng túng. Quy định hiện nay, công chức xã là những người làm nghiệp vụ văn phòng, văn hóa xã hội, tư pháp, tài chính, địa chính... Còn cán bộ xã là những người ở vị trí lãnh đạo, trưởng và phó chính quyền, đảng ủy, các đoàn thể.

Xã hội - Nhiều công chức địa phương 'mù' vi tính

Đào tạo Tin học cho cán bộ, công chức xã còn gặp nhiều khó khăn

Công chức không có chuyên môn nghiệp vụ thì không tham mưu được cho cán bộ xã thực hiện công tác quản lý Nhà nước đúng thủ tục, quy trình. Trong lúc, nhiều cán bộ xã cũng chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Theo khảo sát cho thấy, tại TP.Cần Thơ, chuyên môn của cán bộ chủ chốt xã, có 25,6% chưa được đào tạo hoặc mới trình độ sơ cấp. Trình độ chuyên môn ở TP.Hải Phòng là 34,6% và tỉnh Kon Tum lên đến 47,6%. Đặc biệt, cán bộ và công chức xã còn rất ít người được đào tạo về quản lý hành chính Nhà nước. Thống kê của sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long, xấp xỉ 90% cán bộ và công chức xã chưa được đào tạo quản lý hành chính Nhà nước.

Đặc biệt, Đà Nẵng tiếp nhận 119 sinh viên mới tốt nghiệp đại học đưa về làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã. Tích cực như vậy nhưng đến nay, Đà Nẵng vẫn còn 31,2% cán bộ và công chức xã chưa được đào tạo hoặc mới có trình độ chuyên môn sơ cấp. Để đào tạo cán bộ chủ chốt xã, Đà Nẵng tuyển chọn những người đã tốt nghiệp đại học, được 139 người cử tham gia khóa học quản lý Nhà nước một năm, sau đó phân công về các xã, phường.

Bên cạnh đó, trình độ văn hóa của cán bộ, công chức xã lại thấp nên việc đào tạo chuyên môn quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Kon Tum còn 34,7% cán bộ và 13% công chức xã mới học tiểu học hoặc THCS. Đây đó vẫn còn tình trạng Chủ tịch xã bỏ con dấu của Ủy ban vào túi quần, túi xách, gặp đâu đóng dấu ở đó, khi đóng dấu vào văn bản nào đấy.

Khắc phục đơn l

Tiêu chí số 18 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới quy định về công tác chuẩn hóa cán bộ, trong đó phải chú trọng công tác đào tạo cán bộ đạt chuẩn theo quy định của bộ Nội vụ; phải ban hành chính sách khuyến khích thu hút cán bộ trẻ đã được đào tạo, đủ tiêu chuẩn về công tác ở xã, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số địa phương miền núi, đây là điều không hề đơn giản. Vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt do vấn đề tồn tại từ trước nên lộ trình chuẩn hóa cán bộ hầu như không thể đáp ứng theo yêu cầu đặt ra.

Ngoài số cán bộ được tuyển theo chính sách thu hút nhân tài, phần lớn con số đạt chuẩn chủ yếu cũng từ các chương trình đào tạo tại chức, từ xa, các chương trình liên kết bồi dưỡng, đào tạo tại các trung tâm. Và phấn đấu được điều này cũng không phải dễ dàng bởi không thể một lúc tất cả các bộ chưa đạt chuẩn đều đi học được. Cái khó nhất, trăn trở nhất ở đây cũng là việc rơi vào những cán bộ đã quá tuổi, không thể đào tạo tiếp.

Theo các chuyên gia công tác trong ngành giáo dục, qua thống kê năm 2008 cho thấy: Tỉnh, thành nào cũng còn một số cán bộ có trình độ văn hóa tiểu học và chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ (cả nước còn hơn 3% cán bộ ở cơ sở có trình độ tiểu học hoặc không biết chữ; 48,74% số cán bộ chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ). Khoảng 90% cán bộ xã phường trên phạm vi cả nước chưa được đào tạo về tin học, ngoại ngữ. Có xã tại tỉnh Thái Nguyên mỗi lần cần soạn thảo văn bản, lãnh đạo xã phải thuê một cháu mới học xong lớp 9 về gõ phím “mổ cò” để làm văn bản thì quả đáng buồn. Bởi yêu cầu tối thiểu của cán bộ xã, phường, thị trấn là phải tốt nghiệp trung cấp về chuyên môn và trung cấp về chính trị. Tuy nhiên vẫn có hơn 50% cán bộ xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn này bởi chế độ đãi ngộ, đào tạo tại các địa phương còn thấp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Bình, bộ trưởng bộ Nội vụ, chế độ đãi ngộ không phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở (CBCS) thấp. Bộ trưởng Bình khẳng định: "Chúng ta phải nhìn một cách tổng thể, khách quan, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từ cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ, đến thực trạng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở hiện nay. Do đó không thể nói nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ này thấp là do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng".

Chất lượng phục vụ chưa cao

"Nguyên nhân dẫn tới chất lượng của đội ngũ CBCS chưa cao là bởi đội ngũ này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và từ nhiều thời kỳ khác nhau. Vấn đề tiêu chuẩn hóa hay thay thế đều đòi hỏi phải có quá trình và thời gian nhất định. Theo thống kê, tính đến nay cả nước còn hơn 6% công chức của xã, phường, thị trấn chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, tỉ lệ này còn cao hơn, cá biệt có nơi lên tới hơn 30%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCS chưa cao, chưa đáp ứng được nguyện vọng mong muốn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân của từng địa phương", bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết.

Nhật Tân