Nhiều người nhập viện vì ngộ độc trà

Nhiều người nhập viện vì ngộ độc trà

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Theo một số chuyên gia, trà thảo dược có tác dụng ngừa bệnh hơn chữa bệnh, dùng không đúng cách sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn

Trà thảo dược hầu hết được làm từ lá, hoa quả, củ trong thiên nhiên là chính. Trà thảo dược có 2 loại: Trà giải khát và trà chữa bệnh. Trà giải khát giúp thanh nhiệt như mã đề, rễ tranh, mía lau, râu bắp... Trà chữa bệnh có rất nhiều loại, có thể độc vị hoặc nhiều vị, chia ra nhiều nhóm như: Trà lợi tiểu, an thần, tiêu độc, kháng đường, nhuận gan... và có công dụng ngừa bệnh hơn là chữa bệnh. Một số chuyên gia về đông y cho rằng, dùng trà thảo dược thường xuyên không có chỉ định của bác sĩ, người dùng có thể bị số hiện tượng như tăng hưng phấn, đau đầu, cồn cào ruột, khó ngủ, tụt huyết áp, tiêu chảy… Nhiều người bị cảm khi dùng trà giải cảm có thể bị ra nhiều mồ hôi, nóng mặt. Trường hợp như vậy sẽ khiến cho người cảm sốt cao và bệnh ngày càng nặng thêm. Nhưng trong thời gian qua, có không ít người bệnh vì quá tin vào công dụng của các loại mà bỏ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, làm cho bệnh trầm trọng thêm, có trường hợp còn nguy hiểm đến tính mạng.

Xã hội - Nhiều người nhập viện vì ngộ độc trà

Trà thảo dược được ưa chuộng vì nhiều người cho rằng có thể chữa bách bệnh

Chị Trương Hoài Thương, ngụ tại đường Nguyễn Cảnh Chân (quận 1) cho biết: "Thời gian trước tôi bị nổi nhiều mụn, trong người nóng rất khó chịu. Nghe lời bạn bè, tôi mua trà nhuận gan về dùng thử, mới đầu thấy dễ chịu, nhưng một thời gian sau tôi thấy đau vùng ngực, mụn nổi càng nhiều và to… Quá lo lắng, tôi đi khám thì được kết luận là suy gan nặng".

Ông Cao Xuân Liệu, bệnh nhân đang khám bệnh tại Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM cho hay: "Những lúc căng thẳng hay quá mệt mỏi do không ăn được tôi thường bị cao huyết áp, đau đầu, chóng mặt và phải dùng lá chè xanh nấu lấy nước rồi pha với đường uống. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có sẵn nước chè xanh nên tôi mua trà chữa huyết áp về uống. Nhưng dùng trong một thời gian dài, tôi lại bị hạ huyết áp đột ngột, rất dễ nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ khuyên không nên sử dụng loại trà đó nữa và phải đi khám ngay tại bệnh viện".

Dược sĩ Phạm Thị Liền, phó Khoa Dược Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM: "Mỗi loại trà có tác dụng ngừa, chữa bệnh khác nhau. Cùng một lúc có thể dùng nhiều loại trà vì đặc tính của Đông y là ít kỵ nhau. Tuy nhiên khi dùng trà thảo dược để chữa bệnh, bệnh nhân nên đến các phòng khám Đông y hoặc bệnh viện để được khám và tư vấn, không nên sử dụng tùy tiện vì rất dễ gây bệnh và làm cho bệnh trầm trọng thêm".

Ths. Bác sĩ Lê Anh Tuấn, chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: "Theo báo cáo của phòng nghiệp vụ Sở Y tế thành phố, thời gian qua đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc do tùy tiện sử dụng trà thảo dược để chữa bệnh. Con số này ngày càng tăng. Trong thời gian tới, sở sẽ có những chỉ đạo nhằm giảm bớt những ca ngộ độc đáng tiếc do uống trà thảo dược chữa bệnh".

Các bác sĩ Đông y khuyến cáo, người sử dụng nên mua trà ở những cơ sở uy tín, các phòng mạch đông y hoặc tại các bệnh viện. Các loại trà, trên bao bì phải có đủ thành phần, số đăng ký, lô sản xuất, chỉ định và chống chỉ định... Không nên dùng trà không rõ nguồn gốc, không chỉ định sử dụng cụ thể vì nếu dùng sai sẽ gây các tác dụng phụ rất nguy hiểm.

Nguy hiểm khi dùng chung với thịt chó

Theo bác sĩ Phạm Thị Liền thì trà thảo dược có tính hàn. Vì vậy, khi dùng chung với các loại thực phẩm cũng có tính hàn như thịt chó thì rất dễ gây ra tiêu chảy, mất nước, nguy hiểm đến tính mạng nếu tiêu chảy kéo dài.

Thư Nam