Nhìn từ Lễ khai ấn đền Trần: “Ân mới” và “Ấn cũ”...

Nhìn từ Lễ khai ấn đền Trần: “Ân mới” và “Ấn cũ”...

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Theo lời của một lãnh đạo tỉnh Nam Định, Quốc ấn năm nay được đóng trên giấy chứ không phải trên lụa như bán tại đây. Theo tìm hiểu của PV Nguoiduatin.vn: Tất cả Quốc ấn mà chất liệu bằng lụa có thể là ấn năm trước. Vì chưa phát hết nên năm nay được tuồn ra ngoài…

Một vấn đề quan trọng trong Lễ hội Khai ấn năm nay được thay đổi là: Quốc ấn và thời gian phát Quốc ấn. Thay vì phát Quốc ấn ngay sau khi Khai ấn, năm nay BTC Lễ hội Khai ấn phát Quốc ấn vào 7h ngày 6/2 (tức sáng ngày 15 tháng Giêng). Bên cạnh đó, việc thay đổi chất liệu Quốc ấn từ lụa thành giấy được hầu hết người dân hưởng ứng. Việc thay đổi thời gian phát ấn đã hạn chế tối đa được lượng người đổ về khu di tích đền Trần đêm Khai ấn (5/2).

Nhịp sống - Nhìn từ Lễ khai ấn đền Trần: “Ân mới” và “Ấn cũ”...

Ngày Khai ấn của Lễ hội đền Trần

Vấn đề "đau đầu" nhất được giải quyết

Lễ hội Khai ấn được UBND TP. Nam Định thực hiện trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, phù hợp với các quy chế tổ chức lễ hội. "Vấn đề làm đau đầu những người có trách nhiệm cũng đã được giải quyết, bởi những năm trước nạn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc tại sân đền Thiên Trường khiến nhiều người bị ngất và phải cấp cứu tại chỗ đã xảy ra. Cũng như việc thay đổi chất liệu Quốc ấn cũng đã tiết kiệm cho ngân sách của tỉnh một lượng tiền đáng kể", ông Nguyễn Minh Thắng - chánh văn phòng UBND TP. Nam Định cho biết. Ông Thắng còn cho biết thêm, UNND TP. Nam Định sẽ kiên quyết không để tình trạng ấn giả cũng như việc bán Quốc ấn xảy ra trong khu vực Lễ hội.

Có mặt từ chiều ngày 5/2 (tức chiều 14 tháng Giêng) tại khu di tích đền Trần, PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc thị sát. Tại đây, công tác an ninh trật tự được hoàn toàn đảm bảo, nhất là trật tự an toàn giao thông. Tại khu vực diễn ra Lễ hội, hàng rào bảo vệ được các cơ quan chức năng lập thành 2 vòng.

Làm việc tại chốt chỉ huy vào đền Thiên Trường, ông Trịnh Duy Dương - phó trưởng phòng CSGT tỉnh Nam Định cho biết: "Chúng tôi đã có kế hoạch phân luồng giao thông cụ thể cho từng tuyến đường, nhất là đối với những tuyến đường tiến về khu di tích đền Trần, quyết tâm sẽ không để xảy ra tình trạng tắc đường như những năm trước. Công tác chuẩn bị cho việc dẫn các đoàn khách Đảng, Nhà nước cũng được lập chi tiết. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm các vi phạm giao thông trên địa bàn TP. Nam Định nói riêng cũng như tỉnh Nam Định nói chung trong thời gian trước và sau Lễ hội".

Công tác vệ sinh, cảnh quan môi trường tạo được ấn tượng tốt đẹp với nhân dân, khách thập phương. Các quán, hàng rong trước cửa đền Thiên Trường hầu như không còn. Các hoạt động cờ bạc dưới các hình thức trò chơi tại khu vực Lễ hội cũng bị kiểm soát chặt chẽ, đồng thời việc di chuyển những người hành khất tại khu vực Lễ hội cũng đã diễn ra triệt để.

Việc chuẩn bị cho Lễ rước ấn tại đền Cố Trạch sang sân đền Thiên Trường và khai ấn tại chính cung đền Thiên Trường cũng được chuẩn bị kỹ đến từng chi tiết. Dấu ấn cũng được Công an TP. Nam Định phối hợp cùng Ban quản lý khu di tích đền Trần quản lý tuyệt đối an toàn. Các hoạt động phòng chống cháy nổ cũng được thực hiện triệt để. Việc truyền dẫn thông tin liên lạc tại khu vực di tích đền Trần được diễn ra thông suốt, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, mất mạng.

UBND TP. Nam Định đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các cơ quan, ban, ngành có liên quan để kiểm tra các hoạt động dịch vụ Lễ hội, việc sử dụng vé, thu tiền trông coi phương tiện tại các bãi xe khu vực đền Trần, Chùa Tháp và trên tuyến Quốc lộ 10 (đoạn từ phường Lộc Hạ đến xã Lộc Hòa).

"Ấn cũ" vẫn gây nhộn nhạo

Trước đó, 14h ngày 5/2 PV Nguoiduatin.vn có mặt tại đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Tại đây, việc mua bán Quốc ấn diễn ra tấp nập hơn bao giờ hết. Từ cổng đền vào đến cửa Đền không chỗ nào là không có ấn. Kiot nào cũng có ấn. Dọc phía bên phải (từ cổng Đền đi vào) có khoảng 20 thầy chuyên viết sớ và bán ấn. Tại đây, các thầy còn căng bạt, mắc điện để phục vụ khách hành hương.

Tìm hiểu tại một bàn viết sớ và bán ấn ngay sân đền thì được biết: Một bộ ấn gồm có: Quốc ấn (Dấu ấn Trần triều) in trên lụa vàng và Lệnh. Khi hỏi Lệnh gồm có gì thì được biết có các loại như: Lệnh công danh, Lệnh tài lộc. Theo lời của một lãnh đạo tỉnh Nam Định, Quốc ấn năm Nhâm Thìn 2012 được đóng trên giấy chứ không phải trên lụa như bán tại đây. Tìm hiểu vấn đề này PV Nguoiduatin.vn được biết: Tất cả Quốc ấn mà chất liệu bằng lụa đang được bán tại đây và một số nơi khác có thể là ấn năm trước. Vì chưa phát hết nên năm nay được tuồn ra ngoài. Còn tại sao những chiếc Quốc ấn này có mặt tại đây thì chịu?! Hoặc đây là ấn giả?!

Vào đến sảnh chính của đền thì một cảnh tượng mà chắc chắn chưa một ngôi đền nào trên đất nước Việt Nam có: Các bà, các chị dọn bàn bán ấn ngay lối ra vào. Khách hành hương phải chen chúc nhau vì lối đi bé, xong lại phải tránh bởi nếu chạm vào bàn bán ấn thì lại thành... to chuyện. Quay ngược ra sân Đền, PV Nguoiduatin.vn không khỏi giật mình thêm lần nữa bởi tấm biển: "Thầy viết sớ, cấp quốc ấn" (!?). Quốc ấn là vật quý, cần trân trọng, vậy mà không hiểu tại sao một ông Thầy (khi tiếp xúc không có gì là thiện cảm cho lắm) ngồi bán ấn tại cửa đền lại có thể cấp?

Tri ân các bậc tiền nhân

Để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với vương triều Trần, với Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, ngày 5/02/2012 UBND TP. Nam Định trọng thể tổ chức lễ dâng hương: "Khai ấn đầu xuân Nhâm Thìn 2012" tại đền Trần (Phường Lộc Vượng, TP. Nam Định). Thượng tướng Trần Đại Quang, bộ trưởng Bộ Công an cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh ủy, UBND Tỉnh Nam Định, UBND TP. Nam Định trịnh trọng thực hiện nghi lễ dâng hương tại sân đền Thiên Trường, Khu di tích đền Trần. Đây là việc làm thể hiện giá trị văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa giáo dục lịch sử, nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của vương triều Trần đã có công dựng nước và giữ nước: Ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông.

Lê Tuấn