Nhục hình khi hỏi cung: Nên có chế tài giám sát

Nhục hình khi hỏi cung: Nên có chế tài giám sát

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Một số ý kiến cho rằng, việc hỏi cung, lấy lời khai nên thực hiện trong phòng có gắn camera...

Trong khi dư luận chưa hết bức xúc về sự việc ngày 30/8, 4 công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội đánh đập, hành hung gây nên cái chết thương tâm của ông Nguyễn Mậu T. (SN 1958) tại trụ sở công an xã thì ngày 6/9 vừa qua, một vụ việc tương tự đã xảy ra tại trụ sở công an phường Ngô Quyền (TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Thanh H. (SN 1969, trú tại khu hành chính số 3 Tô Hiệu, phường Ngô Quyền).

Xã hội - Nhục hình khi hỏi cung: Nên có chế tài giám sát

Những vụ việc công an “lỡ tay” với các nạn nhân có thể châm ngòi cho những phản ứng phức tạp, khó lường

Một tháng hai vụ "lùm xùm"

Như Người đưa tin đã đăng tải, những vụ việc nêu trên chỉ là hai trong số các vụ việc đáng tiếc đã từng xảy ra từ trước đến nay mà nguyên nhân đều bắt nguồn từ những hành động "quá tay" của lực lượng công an khi tiến hành các biện pháp nghiệp vụ đối với các đối tượng đang bị giam giữ tại trụ sở. Trong khi vụ vụ việc xảy ra ở Vĩnh Phúc vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì vụ án xảy ra ở Đông Anh đã có kết quả. Theo đó, 4 công an viên của xã Kim Nỗ đã bị bắt giữ, khởi tố về tội "cố ý gây thương tích" chỉ sau 2 ngày để xảy ra án mạng đau lòng. Bốn nghi phạm trong vụ án gồm Hoàng Ngọc Tuyên (32 tuổi), phó ban Công an xã Kim Nỗ; Nguyễn Trọng Kiên (21 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (29 tuổi), Hoàng Ngọc Thức (24 tuổi), đều là công an viên xã Kim Nỗ.

Trước đó, khoảng đầu giờ chiều ngày 30/8, do để xảy ra xô xát với hàng xóm nên ông Nguyễn Mậu T. đã bị gọi lên trụ sở công an xã để lập biên bản lời khai. Tại đây, các công an viên Nguyễn Trọng Kiên, Hoàng Ngọc Thức và Đoàn Văn Tuyến đã sử dụng còng số 8 khóa tay ông T. ra phía sau rồi đưa vào ngồi ghế gỗ trong phòng làm việc. Các công viên nói rằng, ông T. đã có hành vi chửi bới, lăng mạ và đe dọa lực lượng công an nên họ mới dùng bốn còng số 8 khóa hai chân, hai tay vào chân ghế. Sau đó Nguyễn Trọng Kiên và Hoàng Ngọc Tuyên dùng dùi cui cao su đánh liên tiếp vào đùi phải và đùi trái ông T. Tuy nhiên, trước thái độ bất hợp tác của người đàn ông 54 tuổi, các công an viên trên tiếp tục dùng nhiều "chiêu trò" khác để đánh đập nạn nhân...

Đến khoảng 16h cùng ngày, thấy ông T. có biểu hiện khó thở, các công an viên này mới tháo còng cho ông T. nằm lên giường trong phòng làm việc, dùng tay ép lồng ngực hô hấp nhân tạo cho ông T., đồng thời gọi điện cho Trạm y tế xã Kim Nỗ đến cấp cứu. Sau khi khám, trưởng Trạm y tế Kim Nỗ Nguyễn Thị Hạnh yêu cầu đưa ông T. đến Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh viện Đa khoa Đông Anh cho biết ông Nguyễn Mậu T. được đưa vào viện lúc 16h45' đã tử vong. Qua khám nghiệm pháp y xác định nạn nhân bị gãy xương sườn số 6, 7, 8 bên trái.

Còn trong vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với anh Nguyễn Thanh H. (SN 1969, trú tại khu hành chính số 3 Tô Hiệu, phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), nạn nhân được xác định bị chấn thương sọ não, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím nghi bị dùi cui điện chích vào. Nhiều người thân trong gia đình H. xác nhận anh này hoàn toàn khỏe mạnh trước khi tự mình điều khiển xe máy đến trụ sở công an phường Ngô Quyền để làm rõ những mâu thuẫn giữa anh và người cháu ruột. Đến trụ sở công an vào lúc 19h30', 2 tiếng sau, người nhà nạn nhân lên thăm thì thấy anh H. có những biểu hiện rất rất khác thường và mệt mỏi. Ngay lập tức, họ đã đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu nhưng anh H. đã không thể qua khỏi vì các vết thương quá nặng. Trả lời trước cơ quan báo chí, mặc dù ông Nguyễn Văn Minh (Trưởng công an phường Ngô Quyền) khẳng định rằng họ không sử dụng bất cứ dụng cụ gì tác động đến thân thể anh H. nhưng khi được hỏi về các dấu vết lạ trên cơ thể nạn nhân, vị trung tá này đã từ chối đưa ra bình luận.

Xã hội - Nhục hình khi hỏi cung: Nên có chế tài giám sát (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu

"Phần nổi của tảng băng chìm"

Hai vụ việc đáng buồn nêu trên khiến dư luận thêm một lần "dậy sóng". Hàng ngàn phản hồi giận dữ để lại dưới mỗi bài báo đã nói lên điều đó. Trên nhiều diễn đàn mạng uy tín, các bài báo này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Hầu như không thể kiếm được ý kiến cảm thông nào từ phía độc giả. Một vài người thậm chí còn "hiến kế" nên có những cơ chế tốt hơn để bảo vệ quyền lợi cho những người bị coi là "nghi phạm" trong các vụ án ở cấp cơ sở. "Cần phải xét xử thật nghiêm minh những người vi phạm trên trước pháp luật. Họ là công bộc, là người bảo vệ dân mà lại hành dân thì không thể chấp nhận được. Nếu không làm nghiêm, chắc chắn sẽ còn những chuyện đau lòng tương tự xảy ra", một độc giả viết.

Anh Trần Ngọc Hùng (Cầu Giấy - Hà Nội) gửi phản hồi trên báo điện tử Nguoiduatin.vn với nội dung: "Đã đến lúc phải có biện pháp bảo vệ người bị coi là "nghi can" hoặc đương sự của các vụ tranh chấp, ẩu đả. Theo tôi, chúng ta cần phải học tập nước ngoài về điều này. Như trước khi lấy thông tin gì, cũng nên cho người ta mời luật sư giám hộ. Để đảm bảo an toàn cho người liên quan, việc khi lấy khẩu cung hoặc lời khai phải được thực hiện ở phòng có gắn camera theo dõi. Điều này sẽ tránh được tình trạng "ép cung". Người hành pháp phải làm sao để nhân dân tin tưởng. Khi có chuyện xảy ra không thể dùng lý do chung chung để biện minh như: "Chúng tôi đã làm đúng phận sự của cơ quan chức năng". Ý kiến của anh Hùng được cho là comment sáng giá, nhận được gần 1000 sự đồng ý từ các độc giả khác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại rằng những gì anh Hùng đề xuất chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Cái quan trọng nhất cần được lưu tâm chính là kiến thức, nghiệp vụ lẫn ý thức của các công an cấp cơ sở, cụ thể là công an viên cấp xã và phường.

Độc giả Phạm Khánh Sơn (Đông Triều - Quảng Ninh) bày tỏ: "Hầu hết những vụ chết người hoặc xô xát với dân đều xảy ra ở lực lượng công an xã, phường. Về quy mô, công an xã là cấp nhỏ nhất nên có thể họ không được đầu tư đào tạo nghiệp vụ kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy, đội ngũ công an xã chủ yếu là các thành phần nằm ngoài biên chế (trừ trưởng công an xã), không có lượng mà chỉ có trợ cấp vài trăm nghìn/tháng nên rất khó đòi hỏi sự chuyên nghiệp ở họ. Họ hầu hết là những nông dân, làm công an viên với tâm lý làm thêm. Chính vì vậy, theo tôi, việc cần thiết nhất là phải xem xét lại chế độ cho những người người tham gia lực lượng này và có chương trình đào tạo bài bản để đạt tiêu chuẩn "người công an nhân dân". Nếu không làm được từ gốc, hậu quả đau lòng vẫn còn có thể xảy ra bất cứ lúc nào".

Tiểu Long