Những

Những "bất thường" trong giá xăng dầu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Theo nhận định của các chuyên gia, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua có những "bất thường", thiếu minh bạch khiến dư luận bức xúc. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội.

Các bộ cần phối hợp trong điều hành giá xăng dầu

Kể từ khi Nhà nước cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự điều chỉnh giá đã xảy ra trường hợp các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá, giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Liệu có điều gì bất thường trong đó không, thưa ông?

Trong kinh doanh, thị trường là cái quyết định giá thay đổi hay không. "Anh" nào nắm giữ thế chủ đạo ở một mặt hàng nào đó thì có khả năng chi phối và có quyền quyết định về giá mặt hàng đó. Mặt hàng xăng dầu hiện Nhà nước đang độc quyền nên khi đưa ra các văn bản quy định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được định giá thì đây lại là vấn đề cần bàn. Thực tế đã chứng minh chỉ trong vòng 1 tháng có đến 2 lần xăng dầu bị điều chỉnh tăng giá. Đây là vấn đề cần xem xét lại.

Theo lộ trình, nền kinh tế của ta đang từng bước tiến tới tiếp cận thị trường. Nhưng xăng dầu vẫn do Nhà nước nắm quyền điều tiết, nên việc này liên quan đến các cơ quan chịu trách nhiệm điều chỉnh giá. Bên bộ Tài chính có Cục quản lý giá để điều tiết giá những mặt hàng do Nhà nước điều tiết. Tuy nhiên, xăng dầu còn liên quan đến xuất nhập khẩu nên còn có thêm bộ Công thương quản lý.

Chúng ta đã từng chứng kiến 2 bộ này có những quan điểm chưa thống nhất trong điều hành giá xăng dầu. Theo tôi, hai bên phải phối hợp với nhau chặt chẽ, không thể để mỗi bên chỉ làm theo đúng chức trách của mình là thôi. Về việc điều chỉnh giá xăng dầu Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm.

Xã hội - Những 'bất thường' trong giá xăng dầu

TS. Đinh Xuân Thảo.

Vậy theo ông có nên giảm thuế suất và các khoản phí trong lĩnh vực xăng dầu để hạ giá bán hiện nay xuống hay không?

Thực ra, trong khuôn khổ điều hành thường xuyên của mình, Chính phủ phải chủ động làm việc này nếu thấy cần thiết. Trong trường hợp quá thẩm quyền của Chính phủ thì phải xin ý kiến Quốc hội để Quốc hội giao cho UBTVQH quyết định. Nền kinh tế nước ta mới bắt đầu đi vào thị trường nên còn nhiều cái mới lạ, chưa quen. Do vậy, từ kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, cần có sự chỉnh sửa các văn bản pháp luật cho phù hợp. Theo tôi Chính phủ nên xem lại việc áp dụng thuế suất xăng dầu để thu ở mức bao nhiêu cho hợp lý.

Có việc thống lĩnh thị trường trong kinh doanh xăng dầu khi doanh nghiệp được quyền tự điều chỉnh giá không thưa ông?

Như tôi đã nói, trong thị trường anh nào nắm lượng hàng hóa chi phối thì quyền định giá mặt hàng đó thuộc về anh ta. Việc tiếp cận thị trường theo hướng cho doanh nghiệp tự định giá cần phải xem lại lộ trình. Trên thực tế, chúng ta chưa giám sát tốt nhóm doanh nghiệp này nhưng lại trao cho họ thẩm quyền điều chỉnh giá thì khó có thể bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tốt được.

Còn một mối lo của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nợ xấu và tồn kho. Những khó khăn này càng nặng hơn khi người dân và doanh nghiệp ngoài ngành xăng dầu phải chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu?

Đúng. Đây đang là vấn đề của nền kinh tế nước ta và rất cần sự hỗ trợ ngân sách Nhà nước. Theo tôi, giải quyết vấn đề chủ yếu là ở cách làm, như vấn đề nợ xấu chẳng hạn. Tôi ví dụ như chuyện Vinashin, Vinalines thì vấn đề là làm sao thu về cho ngân sách được. Các ngân hàng cần xem lại thực chất mức nợ xấu của mình là bao nhiêu, cơ cấu nợ như thế nào để cùng có phương án giải quyết tốt nhất.

Về cơ bản, để giải quyết tình trạng nợ xấu, cần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Những năm qua, số lượng các ngân hàng của Việt Nam đã tăng quá nóng trong khi chất lượng một số ngân hàng không đảm bảo. Điều đó đã được bộc lộ khi nền kinh tế gặp khó khăn. Tái cấu trúc là để thanh lọc ngân hàng yếu, thậm chí cho phá sản để nền kinh tế mạnh hơn.

Doanh nghiệp bắt tay nhau, người tiêu dùng chịu thiệt

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường xăng dầu đang bị chi phối bởi lợi ích nhóm, ông nghĩ sao về điều này?

Những điều xảy ra trên thực tế thị trường xăng dầu thời gian vừa qua cho thấy có dấu hiệu nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Điều này đã vi phạm Luật Cạnh tranh về cấm thỏa thuận ấn định giá làm hạn chế cạnh tranh. Không có thỏa thuận ấn định giá thì làm sao có sự trùng hợp khi các doanh nghiệp xăng dầu cùng điều chỉnh tăng giá trong cùng một thời điểm và cùng một mức giá giống nhau.

Vậy theo ông, cần làm gì để minh bạch thị trường xăng dầu?

Hành lang pháp lý kinh doanh xăng dầu rất yếu và thiếu, chưa đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải minh bạch cũng như đề cao trách nhiệm giải trình của các bên. Ngoài ra, việc giám sát thi hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu cũng chưa chặt chẽ để bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng. Còn thực tế, nếu các doanh nghiệp đầu mối và đại lý bắt tay nhau để thống nhất tăng giá hưởng lợi thì sự cạnh tranh bị triệt tiêu và người tiêu dùng chịu thiệt.

Theo tôi, Bộ Công thương cần nhanh chóng kiến nghị Chính phủ tăng khung xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này. Cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong nước, kịp thời phát hiện những hành vi gian lận pha trộn xăng, dầu không đảm bảo chất lượng và phải xử lý nghiêm.

Xin cảm ơn ông!

Hương Lan (thực hiện)