Những cánh diều nâng ước mơ xa

Những cánh diều nâng ước mơ xa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Diều sáo là sự kết hợp tinh tế giữa hình dạng đơn sơ của cánh diều và tiếng sáo du dương giữa không trung. Đặc biệt những cánh diều còn in sâu trong kí ức tuổi thơ của những người được sinh ra và lớn lên ở các làng quê

Công phu chế sáo diều

Đối với người dân làng diều Hạ Vỹ, thả diều không chỉ là thú vui lúc nông nhàn, nó còn được coi là biểu tượng của sự thanh bình, khát vọng bay xa với ý nghĩa xua tan mọi xui xẻo, cầu mong thuận lợi trong công việc.

Từ trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam), mất khoảng 30 phút đi xe máy, chúng tôi tìm đến xóm 2, thôn Hạ Vỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Qua lời giới thiệu của người dân trong làng, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Mạnh Cung một "cây đại thụ" của nghệ thuật diều sáo Hạ Vỹ.

Người dân nơi đây vẫn truyền tụng, ông Cung chính là người có công khôi phục nghệ thuật chơi diều sáo và hiện đang là chủ nhiệm câu lạc bộ diều sáo xóm 2, thôn Hạ Vỹ. Rít hơi thuốc lào thật sâu, nhâm nhi cốc chè xanh, ông Cung kể lại, nghệ thuật chơi diều sáo đã có từ rất lâu đời ở làng, nhiều người cũng chẳng nhớ nổi. Từ ngày còn trèo me trèo sấu ông vẫn hay cùng lũ trẻ trong làng rong ruổi chạy theo cánh diều sáo trên khắp các cánh đồng làng.

Theo lời ông Cung, thôn Hạ Vỹ nằm ven cánh đồng thẳng cánh cò bay được coi là địa điểm lý tưởng để những cánh diều sáo thỏa sức bay lượn. Vào những ngày trời trong xanh, gió nhẹ, khắp trên các cánh đồng làng lại tràn ngập tiếng sáo diều. Tiếng sáo lúc trầm, lúc bổng làm cho con người như cảm thấy có sức sống hơn và xua tan đi không khí mệt mỏi, ảm đạm sau một ngày lao động vất vả. Cánh diều cũng mang theo mơ ước của người dân thôn quê, thể hiện mong muốn được "thuận buồm xuôi gió" trong cuộc sống.

Trở về làng từ năm 2007 với niềm trăn trở khôi phục lại bộ môn nghệ thuật diều sáo truyền thống, ông Cung tự mày mò sách báo, lên mạng tìm hiểu và đi nhiều nơi như: Hải Phòng, Nam Định... để trao đổi và học hỏi về kinh nghiệm làm diều sáo, từ đó cải tiến thêm cho cánh diều quê mình. Đến năm 2009 thì câu lạc bộ diều sáo xóm 2, thôn Hạ Vỹ được thành lập và ông Cung làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ hiện có 12 thành viên, người già nhất 80 tuổi, trẻ nhất là 20 tuổi.

Thú chơi diều tuy không tốn kém nhưng nó đòi hỏi người chơi phải có lòng đam mê. Để làm được một cây diều đạt tiêu chuẩn, đẹp thì phải rất công phu, có khi mất nửa tháng mới xong. Kích thước trung bình của mỗi cây diều sáo dài 3m, ngang 90cm. Khó nhất là phần khung diều. Tre làm khung phải là cây tre rất già không bị sâu kiến hoặc những cây tre bị chết khô thì mới đảm bảo cho khung diều được bền và chắc, tiếp đó công đoạn vót khung đòi hỏi phải đều và mềm mại để đảm bảo cho diều được cân đối. Áo diều thì phải là vải vinilon loại tốt, dày, dai và được dán hai, ba lớp bằng nhựa Cậy, loại cây mọc ở những bờ ao trong làng.

Nét đặc trưng của diều sáo chính là ở bộ sáo, thường thì mỗi cây diều có một bộ sáo từ 3 - 5 cây. Sáo phải ngân tiếng trong, vang xa, mỗi sáo vang một âm thanh khác nhau. Dây thả diều phải bền và chắc chắn, đặt mua từ các huyện vùng biển Thanh Hóa. Một dây diều sau khi làm ra, gìn giữ cẩn thận, có thể chơi được vài năm. Với những bộ dây đạt chuẩn, con diều lớn có thể bay cao ba, bốn trăm mét. Để làm được sáo cần tuyển chọn những tay diều chuyên nghiệp trong làng, thường là do những nghệ nhân cao tuổi đảm nhận.

Sự kiện - Những cánh diều nâng ước mơ xa

Các nghệ nhân làm diều sáo.

Ông Nguyễn Văn Nhan, một thành viên trong câu lạc bộ chia sẻ: "Linh hồn của cánh diều chính là ở bộ sáo, sáo lớn hay nhỏ phụ thuộc vào kích thước của diều. Sáo lớn thì âm thanh phát ra trầm và ấm, sáo nhỏ thì âm thanh phát ra thánh thót, vi vu". Để làm được một bộ sáo cho âm thanh hay, sáo phải được làm từ loại tre già hoặc gốc tre bị chết già ở giữa bụi. Sau khi chọn tre, công đoạn tiếp theo là khoét móc đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao, chính vì vậy người làm sáo đàn cho diều phải là người có kinh nghiệm lâu năm, có đôi bàn tay khéo léo và đặc biệt phải có một đôi tai nhạy cảm.

Một bộ sáo đàn thường có 3 loại tiếng là: Cồng, chiêng, còi hoặc có thể làm theo 5 nốt nhạc: Đồ, rê, mi, pha, son để các nốt nhạc hòa vào nhau tạo nên một hòa âm. Mỗi khi hoàn thành một cây diều sáo, cả làng sẽ cùng mang ra cánh đồng thả thử. Một nhóm các cụ cao niên trong câu lạc bộ sẽ gánh trách nhiệm duyệt, nếu chưa đạt hoặc gặp lỗi ở điểm nào sẽ phải làm lại từ đầu. Để con diều đạt được chuẩn mực đòi hỏi những người chế tác phải tỉ mỉ, chăm chút trong từng công đoạn, chỉ cần sai sót một chi tiết là công sức sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Mang theo mơ ước của người dân

Ngay từ xa xưa, cánh diều đã biểu trưng cho những ước mong, khát vọng của cư dân Việt, luôn muốn được bay cao, vươn xa hơn. Theo những người trong làng, thời khắc thả diều phải là những ngày trời quang, mây tạnh, cánh diều được đưa bởi ngọn gió nồm Nam mới lên cao, tiếng sáo mới vang xa.

Đại diện Câu lạc bộ diều sáo Hạ Vỹ cho biết: "Đối với người dân thôn Hạ Vỹ, thả diều không chỉ là thú vui lúc nông nhàn, nó còn được coi là biểu tượng của sự thanh bình, khát vọng bay xa với ý nghĩa xua tan mọi xui xẻo, cầu mong thuận lợi trong công việc. Chẳng lạ lùng khi người dân Hạ Vỹ, từ người già, trẻ nhỏ đều thành thạo chế diều, đua diều, coi đó như một nếp sống không thể thiếu".

Để thả được một cây diều phải có sự tham gia của 3 người, một người điều khiển giữ cuộn dây, một người thả dây và một người to khỏe cầm diều chạy và thả để cho diều có đà bay lên. Lúc diều xuống lại phải hai người bắt dây, một người cuốn dây về. Ông Cung kể có người "vác diều" bị diều gặp gió kéo bay qua cả cánh đồng thôn.

Mặc dù mới thành lập được hai năm nhưng Câu lạc bộ diều sáo xóm 2, thôn Hạ Vỹ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể địa phương. Hằng năm, mỗi khi trong tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa đều có sự tham gia của Câu lạc bộ diều sáo. Lần gần đây nhất, Câu lạc bộ đã tham gia thả diều tại Lễ hội đền Trần Thương và Lễ tưởng niệm 710 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo vào tháng 9/2010, tham gia liên hoan nghệ thuật diều được tổ chức tại Hà Nội, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long vào tháng 10/2010.

Đối với người dân thôn Hạ Vỹ thì diều sáo là một nét văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát triển từ các thế hệ cha ông đi trước. Ngày nay, hầu hết gia đình nào trong thôn cũng sở hữu vài ba con diều sáo do chính mình làm ra. Nét văn hóa này được lưu truyền từ đời này qua đời khác, có gia đình đã có tới ba thế hệ chơi diều sáo. Thú chơi diều sáo đã trở thành một "món ăn" tinh thần không thể thiếu đối với đời sống của người dân nơi đây.

Đức Anh