Những “chiêu trò” khuyến mại lừa người tiêu dùng

Những “chiêu trò” khuyến mại lừa người tiêu dùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Nhiều người hăm hở tìm đến các trung tâm thương mại để mua hàng khuyến mại lại chưng hửng, bởi mức giảm giá sốc nhất áp dụng là lọ... muối ớt.

Những ngày cuối cùng của "Tháng khuyến mại Hà Nội", đăc biệt vào dịp thứ 7, chủ nhật được gọi là "ngày vàng", lượng người đổ về các siêu thị, trung tâm thương mại đông hơn hẳn ngày thường, bất chấp trận rét đầu đông đang mặc sức hoành hành.

Các nhóm hàng chính được áp giá khuyến mại "khủng" trong tháng 11 này bao gồm điện máy, hàng tổng hợp và thực phẩm ăn uống, giảm giá từ 20% đến 50%. Mặc dù đã được cảnh báo trước về những chiêu trò núp bóng khuyến mại, không ít người vẫn hăng hái nhập cuộc săn hàng để rồi chưng hửng bởi vừa mất thời gian "ngụp lặn" trong đống hàng khuyến mại kém tên tuổi vừa thu kết quả là chiêu "khuyến mại ảo".

Ép giá núp bóng "quà tặng"

Dạo qua một vài trung tâm điện máy, siêu thị có thể thấy chương trình tháng khuyến mại lần này được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, áp dụng hầu hết các mặt hàng. Đại diện siêu thị điện máy Pico (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tại đây đang thực hiện giảm giá 15% - 50% cho các mặt hàng. Trong đó, chương trình ưu đãi "khủng" nhất mang tên "7 ngày đại hạ giá" kéo dài từ ngày 23/11 - 29/11.

Khảo sát một vòng các sản phẩm treo giá khuyến mại tại địa điểm này, PV ghi nhận hầu hết các mặt hàng đều có mức giảm trung bình từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng và kèm quà tặng khuyến mại. Những mặt hàng có thương hiệu uy tín như: Sony, Sharp..., mức khuyến mại 5% - 30%. Trong khi đó, quà tặng kèm theo lại là những sản phẩm nhập nhèm về thương hiệu như nồi cơm điện, quạt cây...

Xã hội - Những “chiêu trò” khuyến mại lừa người tiêu dùng

Một góc gian hàng khuyến mại của siêu thị điện máy Pico (Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội)

Hầu hết các sản phẩm quà tặng đều được gắn thêm mác "cao cấp" để tăng giá trị cho sản phẩm. Cụ thể, dòng ti vi siêu mỏng Led Sharp 60 inch, mode LC 60LED630M giảm giá 30%, kèm theo quà tặng là bộ ấm trà cao cấp. Được biết, quà tặng này chỉ là loại gốm men Bát Tràng phổ biến ngoài thị trường với giá vài chục ngàn đồng/bộ. Hay sản phẩm nồi cơm điện Kangaroo được thông báo với số lượng khủng hơn 2.000 chiếc dùng để làm quà tặng cho những khách hàng mua những sản phẩm có giá trị lớn, từ 5 triệu đồng trở lên cũng chỉ có giá... 300.000 đồng.

Khi PV thắc mắc về giá nồi cơm điện này khá mềm, trong khi sản phẩm này của các hãng khác có giá không dưới 800.000 đồng/chiếc thì cô nhân viên bán hàng đeo biển tên Ngọc Anh cho biết, đây là sản phẩm chính hãng nhưng được sản xuất tại Trung Quốc nên giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, khách hàng khi nhận sản phẩm quà tặng này lại bày tỏ rõ sự băn khoăn, bởi tâm lý ngày càng nhiều người dân cảnh giác với những mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

Qua khảo sát thêm các cửa hàng điện máy, một số mặt hàng sau khi khuyến mại tại các siêu thị nhưng giá vẫn ngang bằng, thậm chí còn cao hơn so với giá ngoài thị trường. Cụ thể, một chiếc máy giặt chính hãng Electrolux, model EWF85661 tại các cửa hàng điện tử có giá bán khoảng 8 triệu đồng/chiếc. Song, tại siêu thị điện máy Media Mart, trên tờ rơi quảng cáo, chiếc máy giặt trên có giá gần 8,9 triệu đồng/chiếc (giá có khuyến mại) cùng quà tặng là máy hút bụi cao cấp nhưng không ghi rõ giá cả và thông số. Sau khi đến tận nơi tìm hiểu, PV được biết chiếc máy hút bụi này giá bán ngoài thị trường là 750.000 - 800.000 đồng/chiếc.

Anh Tuấn Tú (Cầu Giấy - Hà Nội) vừa làm phép tính nhẩm vừa "bóc mẽ" chiêu trò của siêu thị: "Siêu thị làm ăn thế này chẳng khác nào ép khách hàng vừa mua máy giặt, vừa mua máy hút bụi, bởi mức giá đội lên so với thị trường nằm trong giá của sản phẩm tặng kèm rồi. Như thế, mác khuyến mại của siêu thị khác gì chiêu làm giá để lừa người tiêu dùng?".

Giảm giá sốc với sản phẩm "bèo"

Nếu như các đấng mày râu tìm đến siêu thị điện máy nhằm săn đồ điện tử giá "sốc" thì các bà nội trợ lại tìm đến để ôm những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho sinh hoạt gia đình. Trên thưc tế, tại một số siêu thị ở Hà Nội, các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu đang được áp dụng, nhưng chủ yếu cho các mặt hàng có thương hiệu kém hơn.

Khảo sát tại chi nhánh một siêu thị có tiếng trên tầng 3 tòa nhà Indochina (Cầu Giấy - Hà Nội), gian hàng dầu ăn khuyến mại thườn là Tường An, Vạn Thọ hay Namzang, Pamela... Đối với các mặt hàng thương hiệu lớn như Neptune hay Simply, thậm chí giá bán còn tăng hơn tháng trước 2.000 - 4000 đồng/lít.

Xã hội - Những “chiêu trò” khuyến mại lừa người tiêu dùng (Hình 2).

Một mẫu tờ rơi quảng cáo khuyến mại của siêu thị điện máy Pico

Tương tự, tại siêu thị Big C Thăng Long, mặt hàng quần áo chiếm một diện tích khá lớn và thu hút nhiều người tìm mua. Mặc dù mới bước vào đợt rét đầu tiên của mùa đông năm nay nhưng các mặt hàng áo khoác, áo len, đồ ngủ ở nhà... đã ăn theo tháng khuyến mại giảm giá vô tội vạ, với nhiều cái tên Z., G.K...

Qua tìm hiểu, được biết, đây là những mặt hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng Winny, Gia Hội nên nhiều người tiêu dùng nếu không tinh mắt rất dễ bị mua nhầm. Trong khi đó, các thương hiệu được nhều người biết đến từ trung bình đến cao cấp như: Wow, Winny, Wonderful, Gia Hội... hầu như đứng giá hoặc chỉ khuyến mãi với mức giá khiêm tốn 5% - 10% và chỉ áp dụng đối với những mặt hàng thiếu size, hết size hoặc trái mùa.

Theo chân chị Hà Lan (Trần Duy Hưng, Hà Nội) đi mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long, chúng tôi thấy hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như: Bột giặt, nước xả quần áo, dầu gội đầu, nước mắm, thực phẩm... chỉ giảm giá ở các sản phẩm không có thứ hạng cao.

Một chiêu trò nữa khiến không ít người tiêu dùng tỏ ra thất vọng khi các mặt hàng giảm sâu thường rất nhỏ lẻ, giá trị thấp. Thậm chí, nhiều người hào hứng tìm đến siêu thị mong được hưởng giá sốc tới 50% không khỏi chưng hửng, bởi sản phẩm đó chỉ là chai dấm gạo, nước tương, xì dầu... hay lọ muối ớt Hằng Hải.

Hơn nữa, các mặt hàng của thương hiệu lớn lại có xu hướng "bình chân như vại" trước cơn lốc giảm giá trong tháng khuyến mại. Tìm hiểu tại một cửa hàng chuyên bán đồ lót Triump (143 - Xuân Thủy - Cầu Giấy), PV ghi nhận những mặt hàng hè - thu vẫn còn khá nhiều và được bày ở phía trong của gian hàng. Chị Thu Anh (chủ cửa hàng) cho biết, giá của những bộ đồ này năm nay nhỉnh hơn so với năm ngoái 50.000 - 70.000 đồng/bộ, chứ không hề giảm... một xu, ngay cả trong tháng khuyến mại.

Chị Thu Anh cho biết thêm, chị cũng như nhiều nhà phân phối khác đã phản ánh thắc mắc của khách hàng trực tiếp lên hãng nhưng câu trả lời của vị đại diện hãng này là không thể khuyến mại tràn lan, bởi điều đó có thể hạ thấp thương hiệu của sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ đặt ra nghi vấn về chất lượng hàng hóa hoặc nếu người mua ồ ạt sẽ gây thất thu cho doanh nghiệp. Trên thực tế, những mặt hàng khuyến mại của cửa hàng cũng chỉ khiêm tốn dừng ở mức 10% - 20%, áp dụng cho các mặt hàng thiếu size hay lỗi mốt.

Nghịch lý này khiến không ít người tiêu dùng thất vọng, bởi ki cóp cả tháng đến khi đi mua hàng thì các mặt hàng mình cần lại không áp dụng khuyến mại hoặc nếu có đi thì mức khuyến mại cũng "nhỏ giọt". Chị Hà Lan than thở: "Khuyến mại ồ ạt nhưng tôi vẫn tiếp tục bài ca thắt chặt chi tiêu, bởi mua những mặt hàng không tên tuổi rất dễ bị trà trộn hàng giả, hàng nhái. Chưa kể đến việc những mặt hàng có uy tín chỉ vài ngày sau chiến dịch giảm giá đã hết veo, bởi những nhà phân phối tranh thủ ôm hàng để trục lợi. Cứ khuyến mại kiểu này, người tiêu dùng sẽ dần mất niềm tin cũng như sự hào hứng chào đón khuyến mại".

Uy tín nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đang bị đe dọa

Ông Vũ Vinh Phú - đại điện Hội siêu thị Hà Nội cho rằng: "Nếu các doanh nghiệp áp dụng chiêu khuyến mại vô tội vạ, song thực chất giá vẫn cao hơn so với mặt bằng giá chung thì người tiêu dùng sẽ mất lòng tin, bởi cảm giác mình bị móc túi một cách trắng trợn. Nguy hại hơn, điều này sẽ khiến cho nhiều cửa hàng, doanh nghiệp chân chính đưa ra chương trình giảm giá kích cầu thực sự bị ảnh hưởng uy tín một cách nghiêm trọng".

Linh Nhi