Những chuyện xúc động của ngành giáo dục năm 2011

Những chuyện xúc động của ngành giáo dục năm 2011

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
– Trong một năm qua nhiều câu chuyện xúc động đến chảy nước mắt trong ngành giáo dục, cậu học trò nghèo trường Ams với bài văn lạ, 2.000 đồng để bữa cơm có thịt, một học sinh lớp 8 cứu 3 thanh niên, cụ già cõng cháu lội sông đến trường.

Cậu trò nghèo trường Ams và bài văn "lạ"

Bài văn “lạ” của Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên lý, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam xuất hiện trên các trang báo hồi đầu tháng 11 vừa qua khiến dư luận vô cùng xúc động.

Xã hội - Những chuyện xúc động của ngành giáo dục năm 2011

Nguyễn Trung Hiếu

Sở dĩ người ta gọi đây là "bài văn lạ" là bởi đề bài văn nghị luận cô giáo đưa ra là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã lấy ngay câu chuyện thật gia đình mình đang phải trải qua để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.

Bài văn của Hiếu đã "lật tung" quan niệm bấy lâu nay của nhiều người coi trường Ams là trường “của con nhà giàu”. Nhìn cách tiêu xài hay xe cộ sử dụng để đến trường của một bộ phận học sinh trường Ams, rất nhiều người đã nhầm tưởng như vậy.

Gia đình Hiếu rất khó khăn: mẹ Hiếu bị suy thận mãn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm, bố Hiếu trí nhớ và sức khỏe kém, không có khả năng lao động, bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …Và cuối tháng 11 vừa qua, ông nội Hiếu đã qua đời, khó khăn của Hiếu và gia đình thêm chồng chất.

Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau khi bài văn được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hiếu đã nhận được rất nhiều những sự sẻ chia giúp đỡ. Nhưng vượt lên trên tất cả, điều mà Hiếu đã đem lại cho nhiều người, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ một cách nhìn ý nghĩa và sâu sắc về đồng tiền.

2.000 đồng để bữa cơm có thịt

Mới đây, ông Trần Đăng Tuấn, tổng giám đốc Công ty Nghe nhìn Toàn cầu đã mở một trang blog cá nhân để vận động ủng hộ “bữa cơm có thịt” cho học sinh dân tộc nội trú.

Xã hội - Những chuyện xúc động của ngành giáo dục năm 2011 (Hình 2).

Học sinh vùng cao háo hức với bữa cơm có thịt

Trong bài viết đầu tiên trên blog, vị nguyên ông Tuấn đã chia sẻ về chuyến đi của ông và một số người bạn lên xã vùng cao Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) để “ngắm mấy cây chè cổ thụ”.

Tại Suối Giàng, tác giả được chứng kiến cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn của 80 học sinh tiểu học và 45 học sinh cấp 2 trong “khu nội trú dân nuôi”.

Chia sẻ với các em học sinh dân tộc nội trú, khi trở về, ông Tuấn đã lập blog cá nhân kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và mọi người xung quanh để các học sinh dân tộc vùng cao có thêm nhiều bữa cơm có thịt.

Ngay sau khi trải lòng trên blog, ngay lập tức đã có rất nhiều bạn bè, độc giả ủng hộ dự án này của ông và 9 triệu đồng đầu tiên đã đến với những cô bé, cậu bé trường nội trú dân nuôi Suối Giàng.

Học sinh lớp 8 cứu 3 thanh niên

Câu chuyện xảy ra vào đầu tháng 7 năm nay. Hôm đó khoảng 8h, Phạm Văn Phong học sinh lớp 8A, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đang bắt ốc ở gần bờ trong đầm Ô Loan thì nghe có tiếng người kêu cứu, vội nhìn ra thì thấy có người đang vùng vẫy trong dòng nước siết. Đó là ba thanh niên 20 tuổi, người cùng làng với Phong.

Xã hội - Những chuyện xúc động của ngành giáo dục năm 2011 (Hình 3).

Nhiều em nhỏ đã cứu sống được không ít người trong cơn nguy kịch (Ảnh: minh họa)

Chẳng nghĩ đến chuyện mình không biết bơi, Phong liền dốc sức chèo sõng thật nhanh để cứu 3 anh. Vật lộn một hồi lâu cuối cùng Phong đã đưa được 3 người vào bờ an toàn.

Ngày 11/11, tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhà trường cũng đã tuyên dương em Nguyễn Hữu Thịnh (học sinh lớp 9/6) đã dũng cảm nhanh trí cứu 4 người thoát chết trong ngày lũ lớn.

Sự việc xảy ra lúc 15h ngày 8/11, tại thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn. Khi Thịnh đang cùng người nhà bơi thuyền nan chuyển đồ đạc tránh lũ bỗng nghe nhiều tiếng kêu cứu thất thanh. Nhìn ra cánh đồng phía trước, Thịnh thấy những cánh tay đang giơ lên lúc được lúc mất giữa biển nước. Không ngần ngại, Thịnh giục chú và anh lao thuyền ra giữa vùng nước xoáy, nơi có 4 người (3 nam, 1 nữ) đang níu một bè chuối nhỏ. Thịnh nhanh tay vứt những vật dụng không cần thiết để nhẹ thuyền, rồi cùng chú và anh vừa đưa tay cố giữ 4 người khỏi bị lũ nhấn chìm cuốn trôi. Sau 15 phút vật với nước lũ, cả 4 nạn nhân đã được đưa lên thuyền an toàn.

Cụ già cõng cháu lội sông đến trường

Do thiếu những cây cầu nên hiện nay học sinh ở nhiều huyện vùng sâu vẫn phải lội sông hoặc ngồi trên lưng cha mẹ để đến trường.

Xã hội - Những chuyện xúc động của ngành giáo dục năm 2011 (Hình 4).

Cõng cháu qua sông đến trường

Tại bờ đoạn sông Bùng, thôn Bồng Lai (Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) hằng ngày diễn ra cảnh những người mẹ, người cha cõng con, ông bà cõng cháu trên lưng, hay ẵm ngang hông để vượt qua dòng sông Bùng đến trường.

Rất nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân ở xã Tam Sơn (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cũng luôn sống trong thấp thỏm âu lo bởi hầu như năm nào cũng có ít nhất một người chết đuối trên dòng sông Mùi chảy qua địa phận xã. Trong đó, 90% người chết đuối ở sông Mùi là học sinh. Người dân nơi đây vẫn đang khắc khoải chờ có một cây cầu để thôi không còn thấy những đám tang nghẹn ngào.

Những giáo viên dạy không lương

Dù bị liệt hai chân, thầy Chàm To Hiết ở ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh vẫn dốc hết tâm trí, sức lực để duy trì vốn chữ Chăm cho trẻ em người dân tộc.

Xã hội - Những chuyện xúc động của ngành giáo dục năm 2011 (Hình 5).

Những giáo viên dạy không lương

Thầy Chàm To Hiết bị bệnh teo chân từ nhỏ, không tự đi đứng được. Trước đây, thầy theo cha mẹ sống ở Campuchia ven biên giới với Việt Nam mở lớp dạy tiếng Chăm. Một số trẻ em người dân tộc Chăm ở Tây Ninh nghe tiếng đã sang đó học với thầy. Trong một lần về nhà học trò ở Tây Ninh chơi, thầy “bị” các già làng “bắt cóc” giữ lại cưới vợ cho và làm thầy giáo ở ấp Chăm từ đó đến nay.

Nhà thầy Chàm To Hiết ở sát mé trường, cứ đến giờ, thầy đẩy xe lăn vào lớp, ngồi trên bàn vừa viết chữ lên mặt bảng, vừa dạy phát âm từng chữ một. Học trò bên dưới cả mấy chục em bi bô đọc theo.

Ở thôn Đông, xã Hồng Việt, tỉnh Thái Bình cũng có một thầy giáo 20 năm nay dạy ôn thi ĐH miễn phí. Đó là ông giáo làng Lương Văn Trưng. Ông vốn là giảng viên của trường Nghiệp vụ công nghiệp địa phương Nam Hà, về hưu từ năm 1980.

Nhưng mỗi năm, ông cũng chỉ nhận dạy 5 - 6 học sinh, mà phải là học sinh có sức học khá, chăm ngoan, con em thương binh, liệt sĩ hoặc con nhà nghèo. Những học sinh này hầu hết đều đỗ cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm.

Sinh viên tí hon nghị lực

Ở ĐH Khoa học Huế ai cũng biết đến Lê Hải Trung - sinh viên năm thứ nhất Khoa Tin học. Trung chỉ cao 1m nặng 18 kg nhưng phía sau thân hình tí hon đó chứa một nghị lực phi thường.

Xã hội - Những chuyện xúc động của ngành giáo dục năm 2011 (Hình 6).

Sinh viên tí hon đầy nghị lực

Trung sinh năm 1991, tại miền quê nghèo của xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế). Khi ra đời, Trung vốn là một đứa bé khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng năm 2 tuổi, do một lần bố mẹ bất cẩn nên Trung bị ngã vào nồi nước sôi, khiến toàn thân bỏng nặng. Gia đình đã đưa Trung đi chữa trị ở khắp nơi may mắn nên mới giữ được tính mạng. Tuy nhiên, sau khi tai nạn xảy ra cơ thể Trung phát triển rất chậm và sức khỏe thì rất yếu.

Với thân hình “thấp bé nhẹ cân” (hiện nay trung chỉ nặng 18 kg), sức khỏe yếu, việc học của Trung cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày ở giảng đường là một lần thử thách sức chịu đựng đối với Trung. Chiều cao quá khiêm tốn trong khi bàn học lại cao nên suốt buổi học Trung phải đứng mới chép được bài giảng. Nhiều khi đôi chân yếu ớt bị tê buốt vì mỏi khiến Trung có cảm giác như không còn chịu đựng nổi. Nhưng với Trung điều làm Trung buồn nhất đó là ánh mắt của những người lạ, đôi lúc đi kèm với những lời chọc ghẹo ác ý. Dù vậy Trung vẫn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi ước mơ của mình.

Tương tự, với chiều cao chưa tới 80 cm, cân nặng chỉ bằng đứa trẻ 5-6 tuổi nhưng cô gái Lê Thị Vi ở xã Bình Phục (Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn không từ bỏ ước mơ được đi học, làm người có ích.

Ngay từ khi sinh ra, Lê Thị Vi đã bị dị tật bẩm sinh nên giờ dù đã 20 tuổi Vi vẫn mang hình dáng của một đứa bé mới chập chững biết đi. Thế nhưng nghị lực của Vi thật phi thường. Suốt thời kỳ đi học từ lớp 1 cho đến hết lớp 12, lúc nào Vi cũng có học lực khá giỏi.

Hiện tại Vi đang là sinh viên năm thứ 3 lớp Công nghệ thông tin của Trường Đại học Quảng Nam và liên tục nhận được học bổng vì thành tích học tập tốt và nghị lực vượt khó vươn lên.

Phan Chính (tổng hợp)