Những con thiêu thân không cần ngày mai

Những con thiêu thân không cần ngày mai

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Xưa rồi trò "sắm hàng hiệu tiêu tiền triệu", đẳng cấp dân chơi bây giờ là lên bar để... bay và săn "hàng".

Lên bar để… bay và săn hàng

Bar Zero tuy mới mở được vài năm nhưng đã thu hút khá đông những tín đồ “đi bar về pub” của Hà Nội bởi độ “bốc” của DJ lần phong cách phục vụ “thượng đế”. Ngăn cách giữ trung tâm bar là phòng chờ có nhiệm vụ cách âm, cũng là nơi “săn hàng” của khách.

Trong hàng trăm “thượng đế” đến đây hàng đêm, không phải bất kỳ ai cũng đến để xả stress, vui chơi với bạn bè, có những người chỉ “lượn” đến để tìm mối hoặc ngồi tại phòng chờ “câu khách”.

Với “đẳng cấp” như Zero Club thì mỗi hóa đơn tại mỗi bàn khoảng từ 6-10 triệu, có những tiệc sinh nhật thì hóa đơn lên đến hàng chục triệu đồng. Có tiếng tức… có tiền, chỉ mới hơn 9h tối tại đây đã đông nghịt khách. Dúi cho cậu tiếp viên tờ 100 ngàn, chúng tôi được dẫn đến một bàn có vị trí khá đẹp ngay cạnh sân khấu. Lúc này DJ đang “phang” nhạc khá “bốc”, ai cũng hưng phấn, uốn éo, lắc lư theo “dòng chảy” thứ âm thanh chát chúa…

Nhạc mạnh, rượu và thuốc là những thứ không thể thiếu tại các quán bar. Nếu chịu khó nán lại đến giờ cao điểm có thể mục sở thị cảnh các cặp quấn lấy nhau với đủ trò chỉ họ mới biết. Đây cũng là thời điểm bức màn nhung của các vũ trường vén lên để lộ những mảng tối đáng sợ.

Khi các quán bar biến tướng thành vũ trường thì… gái là thứ đặc sản nổi tiếng tại đây. Vừa êm chỗ tại bàn, anh bạn tôi cười: “Cậu nhìn bàn bên cạnh kìa, mấy con bé đang lắc lư và mặc juyp giống nhau đều là “gà” của quán đấy, lịch sự hơn thì gọi là tiếp viên, căn bản bọn nó đều là “gái”. Trông thế thôi chứ cũng tầm tuổi học cấp 3 hoặc đại học là cùng, chỗ này không chứa chấp mấy loại lởm khởm nên bọn trẻ cũng thích “săn hàng” tại đây”.

Các tiếp viên ngoài phục vụ tại bàn còn kiêm luôn tiếp rượu với khách. Tại phòng đợi phía ngoài cũng có vô số “hàng” đang đợi những lời mời của khách, chỉ cần “bo” đẹp là có “hàng” chơi nhiệt tình tại bàn ngay. Nhiều nhóm còn nghĩ ra nhừng trò “độc”.

Ảnh minh họa

Trung, anh bạn tôi vừa ngó sang bàn bên cạnh vừa nói: “Bọn này đang chơi trò “châm tửu” để chuốc rượu mấy em “hàng họ” đấy. Những người đứng chung một bàn phải tham gia trò chơi với quy tắc khá đơn giản, một cốc rượu đầy được bọc phía miệng cốc một tờ giấy mỏng, trên đó đặt một quarnho hoặc miếng thịt bò. Những người chơi tay cầm điếu thuốc rít mạnh, sau đó châm vào miệng cốc. Ai làm rơi quả nho thì phải uống cạn cốc rượu”. Sau màn nhảy nhót hàng tiếng đồng hồ, bến cuối của những cuộc chơi bao giờ cũng là nhà nghỉ.

Về đêm, khi khách đến bar càng đông, nhạc “bốc” dần lên cũng là lúc bắt đầu tiết mục múa cột. Ngay khi ba vũ nữ leo lên sàn, họ uốn éo, quấn vào nhau, bám vào cột thể hiện những động tác mơn trớn, khiêu khích.

Trung kể: “Bọn này cơ bản là “gái” cao cấp hơn tiếp viên vì nó có “nghề”, hầu hết đều đang là sinh viên tại các trường múa ra đây làm thêm, show hàng và tím các “đại gia trẻ” để cặp. Để giữ giá nên bọn nó ít tiếp khách. Đối với thể loại này, dân chơi sành chỉ thích ngắm chứ không thích “dong”, đại đa số thích “vợt” bọn “đú” ngoài kia, đạt đủ tiêu chí: dễ đong, dễ chơi, dễ giải tán”.

Nơi dễ xảy ra những cuộc hỗn chiến

Là điểm hẹn của các “tay” ăn chơi sánh điệu nên không ít cậu ấm, cô chiêu thích thể hiện mình. Những vụ đánh nhau, rút dao chém ngay tại quán để “dằn mặt” nhau không phải ít.

Nhớ lại vụ chém nhau ở bar “Fake…”, Trung không khỏi rùng mình: “Lần đó đúng lúc DJ đang đánh “sung” thì có vài thanh niên bê “hàng” lên bục nhảy múa.Ngay lập tức Sercurity (SCR) chạy lên nhắc nhở thì có thêm tầm 10 người xông đến tát SCR. Trước khi về bàn, một người còn cầm cốc ném thẳng xuống dưới. Ngay lập túc cuộc chiến nổ ra, cốc chai bay khắp quán, âm thanh loảng xoảng khiến toàn bộ khách và nhân viên chạy toán loạn.

Ra đến ngoài cửa mới thấy may khi một số khách bên trong “dính đạn” oan. Bên ngoài, nằm dưới bục cửa là một thanh niên người bê bết máu, phía bên đường một nhóm khoảng 20-30 thanh niên hùng hổ vác mã tấu vào quán. Lúc đó sợ bị đánh oan nên tôi dìu mấy thằng bạn chạy thẳng, không dám ngoái lại, mãi đến sáng hôm sau mới quay lại lấy xe. Nghe đâu cuộc chiến còn tiếp tục ở bệnh viên Thanh Nhàn. Bởi thế giờ lên bar, ngoài việc nghe nhạc và… ngắm gái thì bạn cũng cần phải biết “mình là ai” để tránh những cuộc xô xát vô nghĩa”.

Với các hoạt động thâu đêm suốt sáng, chỉ nhìn qua cũng thấy nguồn lợi nhuận khổng lồ. Những tụ điểm dịch vụ này đang biến thành những ổ tệ nạn phức tạp. Các quán bar vũ trường vãn dang “xé rào” mở của phục vụ đến sáng.

Khi chúng tôi ra về, nhìn đồng hồ đã hơn 2 giờ sáng mà quán vẫn nhộn nhịp, hàng trăm người đang say sưa, gật gù trong men rượu. Và các thượng đế ngủ ngày cày đêm đang biến mình thành những con thiêu thân không cần có ngày mai.

Theo Nhà báo & Công luận