Những “cuộc đua” lên mạng khoe con

Những “cuộc đua” lên mạng khoe con

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Những đứa trẻ hát, nhảy, đi vệ sinh, thậm chí đang "luyện" "chửi chồng" thay mẹ cũng được các bậc phụ huynh ào ạt đưa lên mạng chia sẻ.

Ít cha mẹ nào để tâm những clip phản cảm của con họ nếu bị tẩy chay vì sự quá đà của bố mẹ khi biến con thành "diễn viên" vừa thiếu văn hóa, vừa khó coi sau này sẽ nghĩ gì về bố mẹ và chúng sẽ phát triển ra sao trong cách nuôi dạy đó?

Sự kiện - Những “cuộc đua” lên mạng khoe con

Cô bé "chửi chồng" diễn cho mẹ quay phim

Những diễn viên... bất đắc dĩ

Không phải mất tiền, không tốn thời gian, nhiều cha mẹ chọn internet làm kênh để khoe chiến tích dạy, nuôi con của mình. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ biến con thành những "diễn viên" bất đắc dĩ với những ý tưởng điên rồ và ảo tưởng rằng con có thể thành ngôi sao sau ít phút mà ít lường trước sự phản cảm trong vai diễn của con.

Những thông tin về đoạn video Charlie bit my finger trong đó cậu bé Harry 3 tuổi (người Anh) nhăn nhó vì bị em trai cắn ngón tay là một trong những clip thu hút đông người xem nhất thế giới (360 triệu lượt người truy cập). Bố mẹ của hai cậu bé đã nhận được thù lao 160.000 USD từ Google. Những điều đó làm không ít bậc cha mẹ thầm nuôi hy vọng. Tuy nhiên, thay vì chộp những cảnh quay độc đáo của con thì một số cha mẹ người Việt ta sẵn và tiện gì quay đó. Bất chấp con họ đang mặc đồ lót, hay "trần như nhộng" đang hát thậm chí là đưa thuốc lá cho đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi hút phì phèo.

Không chỉ các ngôi sao trong giới showbiz khoe các "thiên thần" của mình mà cộng đồng mạng còn săn những clip được gọi là "thần đồng" thế hệ 10X. Những clip em bé chỉ mới 3- 4 tuổi cầm micro nhắm mắt, nhắm mũi gào thét: "Em trở lại, hỡi thời gian trở lại/ Hỡi cô bé thơ ngây ngày ấy / Hỡi đôi mắt năm xưa nhìn anh / Hỡi đôi môi với nụ cười lặng lẽ / Em đang nghĩ gì?.....đang nghĩ gì?.....đang nghĩ gì?/ Anh van em..... van em... nói ra đi...." được nhiều người tung hô là tài năng thế hệ trẻ?!. Không rõ em bé này tài năng đến đâu nhưng nhìn cách cha mẹ cho em ăn mặc đầu quấn khăn theo kiểu hip hop gằn giọng để hét khiến không ít người hiểu biết về âm nhạc, bác sỹ tai mũi họng bỗng thương cho cổ họng của các em.

Đặc biệt, cộng đồng mạng còn shock hơn khi có bà mẹ đăng clip "dạy con" gái "chửi chồng" như hát hay. Bộ mặt vênh váo, ngôn từ chua chát: "Anh hỏi nó làm gì. Anh có thèm quan tâm đến nó đâu. Bây giờ em sẽ ở với chồng khác mà không thèm quan tâm đến anh nữa!". Khó ai có thể nghĩ nó được phát ra từ một em bé 4 tuổi. Cô con gái còn được bà mẹ đứng đằng sau cánh gà "cổ vũ" "nhắc vở": "Gọi cho chồng mới đi. Gọi cho chồng kia bảo anh ơi em chán lắm rồi để mẹ quay phim" làm người xem choáng.

Chị Nguyễn Thu Giang, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội chia sẻ: "Hiện nay, bất cứ cha mẹ nào cũng không tốn quá nhiều công sức để lưu giữ kỷ niệm của con họ. Một chiếc điện thoại có chức năng quay phim, chụp ảnh và một chiếc máy tính có kết nối mạng sẽ cho con em họ được tất cả mọi người biết đến. Tôi vẫn chọn facebook làm nơi đăng tải những hình ảnh và clip về đứa con gái yêu của mình. Tôi nghĩ đó là cách chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, người thân những hình ảnh, câu chuyện dễ thương của con, đồng thời cập nhật thông tin chuyện con cái của bạn bè. Tuy nhiên, tôi không đồng tình việc cha mẹ quay clip với những kiểu bắt bé là "diễn viên" cho "bộ phim" do họ đạo diễn. Chính cha mẹ phải dạy con gái trân trọng và giữ gìn thân thể của mình từ lúc nhỏ, cũng như phải uốn nắn những suy nghĩ, những câu nói sai ngay lập tức".

Gây sự ảo tưởng không tốt với trẻ

Chị Nguyễn Phương Lan, Linh Đàm, Hà Nội cho rằng: "Cha mẹ nào cũng muốn con mình là nhất. Bởi con cái là sản phẩm nuôi dạy của các bậc cha mẹ, đó là tâm lý chung. Tuy nhiên, việc cha mẹ quay clip dù chỉ là vui nhưng cũng phải có văn hóa, không thể bạ đâu quay đó. Chắc chắn sau nay lớn lên, chúng sẽ "trăn trở" về những clip này nhiều hơn khi cha mẹ quay con mình "diễn" theo ý họ".

Đặc biệt, sau sự kiện phụ huynh của một thí sinh Vietnam's Got Talent đưa ra một loạt ý kiến cho con mình là "thiên tài", là "giọng ca trời phú", nhiều chuyên gia tâm lý lo ngại sự "ảo tưởng", bắt con làm những điều cha mẹ ước muốn hơn là để chúng làm những việc mà chúng có thể làm tốt hơn là "diễn" vai của bố mẹ giao cho.

Chị Trần Thùy Linh, giáo viên một trường mầm non ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: "Ở các lớp mầm non, chúng tôi phải lựa chọn rất kỹ bộ phim, hình ảnh, bài hát trước khi cho các em xem. Ở trường cố gắng gạn lọc bao nhiêu thì về nhà phụ huynh lại tùy tiện bấy nhiêu. Cho các em xem, hát theo những bài của người lớn đầy ủ ê. Nhiều phụ huynh có cách nghĩ rất ngây thơ về tài năng. Thấy con em mình có chút vượt trội hơn những trẻ em khác thì nghĩ rằng nó là thiên tài hay thần đồng. Và vô tình ép con mình làm những việc vượt quá khả năng, thậm chí là những việc làm kì cục. Những hành động “tự sướng” của các phụ huynh sẽ làm cho con em mình có những suy nghĩ lệch lạc. Những đứa trẻ như vậy thường rất khó bảo".

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Chính cho rằng, tiện ích của công nghệ là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khoe con đến đâu, quay clip và đẩy lên chia sẻ những gì lại là điều không phải cha mẹ nào cũng nhận thức được. Khoe con mà đem lại tác dụng ngược chắc chắn là điều không cha mẹ nào muốn. Vấn đề còn lại, chính người làm cha mẹ biết cái gì tốt cho con, mà muốn vậy, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải luôn học hỏi kinh nghiệm và tự uốn nắn bản thân để xứng ở vai nuôi dạy con cái.

Nếp sống và quan niệm quyết định sự tử tế

"Tâm lý thích khoe con của cha mẹ là điều hết sức bình thường. Chắc chắn một đứa trẻ cũng chỉ có thể làm theo, bắt chước sự hướng dẫn của cha mẹ là chính. Những clip đó phần nào thể hiện cách nuôi dạy con của phụ huynh. Căn cốt của mọi việc có lẽ còn nằm trong quan điểm sống của từng người, trong nếp sống của từng gia đình để nhận biết cách dạy con thế nào là tử tế, khoe con thế nào vừa phải". Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Chính, công ty tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống (Share).

Hoàng Mai