Những điều chưa biết về mảnh đất bị gắn tên...

Những điều chưa biết về mảnh đất bị gắn tên... "đảo vượt biên"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Nổi tiếng là mảnh đất của những con người dũng cảm, cần cù nhưng Thạnh An cũng bị mang tiếng là “đảo của những người vượt biên”.

Chúng tôi đến xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) vào một buổi sáng trời lặng gió. Từ thị trấn Cần Thạnh, trên chiếc thuyền cũ kĩ, vài chục con người ngồi im lặng trong khoang ngắm nhìn biển nước mênh mông và bạt ngàn rừng đước, nghe tiếng nổ nhịp nhàng của máy, tiếng nước chảy xiết từ mui thuyền. Sau gần một giờ giữa biển khơi, cuối cùng con thuyền cũng đưa chúng tôi tới với "khúc ruột" xa nhất TP.HCM.

Xã hội - Những điều chưa biết về mảnh đất bị gắn tên... 'đảo vượt biên'

Bến đò xã đảo Thạnh An (ảnh lớn).Ông Hồ Xuân Cảnh đầy tự hào khi về mảnh đất Thạnh An (ảnh nhỏ)

Vùng đất thấm đẫm mồ hôi và máu

Cách trung tâm TP.HCM hơn 100 km về phía Đông, xã đảo Thạnh An (với diện tích khoảng 131 km vuông và 4.627 dân) nằm hoàn toàn cô lập với huyện Cần Giờ và phần còn lại của TP.HCM. Do cách trở về mặt địa lý nên cuộc sống nơi đây còn vô vàn khó khăn. Người dân xã đảo nghèo này vẫn phải sống dựa hoàn toàn vào nghề đánh bắt. Thạnh An được xem như cửa ngõ trọng yếu của Sài Gòn - Gia Định năm xưa, nằm giữa 2 con sông lớn: Sông Thị Vải và sông Lòng Tàu. Nơi đây cũng chính là vùng hậu cần của Đoàn đặc công 10 Rừng Sác năm xưa. Mặc dù chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ trên bản đồ đất nước nhưng Thạnh An đã chứng kiến biết bao đổi thay của lịch sử dân tộc với nhiều câu chuyện li kì, cảm động.

Năm 1859, thực dân Pháp đánh phá khu vực thuộc vịnh Gành Rái (Đồng Nai) theo sông Lòng Tàu đánh chiếm thành Gia Định, mở đầu cuộc chiến xâm chiếm, cai trị nước ta. Trong cuộc đấu tranh ấy, biết bao người đã ngã xuống tại "con kênh Năm Mươi, Ngọn Bắt Trọn" (tên gọi bây giờ) của xã đảo Thạnh An.

Theo lời kể của ông Ba Cảnh, một người lính trên đảo Thạnh An năm xưa thì năm ấy ở vùng đất này có một cái rạch mà thực dân Pháp gọi là rạch Techen hay bến Techen. Quân Nhật chọn điểm này làm bến và thực dân Pháp khi đi tuần qua đây cũng nhăm nhe chiếm lấy vị trí trên. Trên đường tiến đánh thành Gia Định, quân Pháp tàn phá Lại Sơn, Cần Giờ và dải đất Phú Lợi. Chúng neo lại một số quân lính chiếm giữ rạch Techen. Ngư dân Phú Lợi bí mật giết chết hai tên lính Pháp, bọn giặc lồng lộn trả thù, tàn sát 50 hộ dân trên con kênh Ngay. Sau sự kiện này, con kênh được đổi tên là "Kênh Năm Mươi, Ngọn Bắt Trọn", gọi chung là "Năm Mươi, Bắt Trọn". Có thể nói, đây là một trong những nơi "nghĩa dân" nổi lên chống giặc Tây đầu tiên ở Nam Bộ.

Sau cách mạng tháng 8/1945, Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Trong năm 1946, chúng đã hai lần đốt xóm làng Thạnh An khiến nhân dân nơi đây phải tản cư sang Cần Thạnh và Cát Lở (Vũng Tàu). Khi đã tạm thời kiểm soát được tình hình ở Sài Gòn, thực dân Pháp siết chặt cai trị các vùng hiểm yếu. Chúng lập ra vùng vành đai trắng tại Thạnh An để bảo vệ tuyến đường thủy quốc tế vào cảng Sài Gòn. Trong giai đoạn gian khổ đó, lực lượng vũ trang của xã đã được thành lập chỉ đạo nhân dân Thạnh An chiến đấu mãnh liệt khiến thực dân Pháp chưa kịp xoay sở đã bị quân ta đánh tan tành.

Năm 1948, quân Pháp tàn sát và đốt xã Thạnh An. Quân dân nơi đây phải sơ tán vào rừng Sác, tổ chức lại Vệ quốc đoàn, phối hợp với các lực lượng khác kiên trì đánh giặc. Tháng 2/1948, trên dòng kênh Năm Mươi, du kích của ta đã giết chết 3 tên sĩ quan người Pháp. Sau đó, bọn Pháp đã trả thù man rợ bằng cách thảm sát hàng loạt người dân từ Thạnh An về đến Thiềng Liềng.

Mảnh đất này cũng là nơi ghi dấu những trận đánh lớn của quân và dân ta. Ngày 26/5/1950, từ phía Cần Giờ xuất hiện tàu hải quân của Pháp mang tên Saint Loubert - bíe, trọng tải 7.000 tấn hướng vào cảng Sài Gòn. Nhận được tín hiệu chiến đấu, các chiến sĩ biệt đội đánh tàu thuộc tiểu đoàn 300 (Trung đoàn 300 trước đây) đã dàn trận địa, mai phục chờ giặc tới. Khi tàu Pháp vào tới trận địa thủy lôi, một tiếng nổ long trời, chiếc tàu chìm lỉm cùng một trung đội lính thủy và hàng ngàn tấn hàng hóa. Đây là trận đánh lớn nhất của lực lượng vũ trang rừng Sác trên vùng sông nước Thạnh An trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng trên địa bàn Cần Giờ, Đặc khu rừng Sác được thành lập. Trong đó, Đoàn 10 là quân chủ lực hoạt động trên địa bàn 10 xã trong đó có Thạnh An. Đặc công đoàn 10 đã gài một trận địa thủy lôi ở ngã ba sông Ngã Bảy thuộc Thạnh An đánh chìm tàu Ruve Victory trọng tải 10.000 tấn nhấn chìm 100 xe tăng, 10 máy bay phản lực, hàng trăm khẩu pháo và vô số lương thực trên tàu.

Qua trận đánh này, sông Lòng Tàu đã bị ách tắc trong 17 ngày liền. Nhưng sau trận đánh này, người dân nơi đây đã phải hứng chịu sự tàn phá ghê gớm của bom B52, chất độc màu da cam, cùng trận càn "năm mũi tên" của chính quyền Sài Gòn cũ... Với ý chí kiên cường vốn có, người dân Thạnh An vẫn kiên cường bám cơ sở chiến đấu cho đến ngày giành chiến thắng cuối cùng.

Đằng sau lời đồn về "đảo Việt Kiều"

Nhiều người rỉ tai nhau, Thạnh An là xã duy nhất của cả nước mà gia đình nào cũng có Việt Kiều. Mới đây, trong dịp đến thăm xã đảo hai ngày, chúng tôi có cơ hội được lắng nghe lời trần tình xung quanh những tin đồn nêu trên.

Đại diện chính quyền ở đây cho biết vào đầu những năm 1979 -1981, do cuộc sống quá khó khăn nên một số người dân đã có ý định vượt biên trái phép sang các nước khác để làm ăn. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền, vào thời điểm đó có khoảng 40 người vượt biên. Trong đó, một số người có kế hoạch tưầ trước, còn lại hầu hết là dân nghèo đi đốn củi, ra đến bờ sông, bờ biển, gặp cánh vượt biên, liền bị dụ dỗ đi theo phụ việc để lấy tiền công. Thế nhưng, khi đến địa phận của các nước khác, những người vượt biên dọa, nếu quay trở lại sẽ bị bắt đi tù. Vì sợ, vì thiếu hiểu biết những ngư dân này đành ở lại sinh sống, kiếm việc làm. Sau vụ việc đó, không ít người đã gắn ghép cho Thạnh An cái tên là đảo Rado, đảo của những người vượt biên.

Những gia đình có người thân sa cơ lỡ bước luôn cảm thấy xấu hổ và co mình lại không dám giao tiếp với ai. Việc vượt biên lúc đó cũng khiến cho Thạnh An mất đi một lực lượng lao động trẻ làm kinh tế. "Sau khi xã hội có cái nhìn bớt khắt khe hơn, những người vượt biên năm xưa cũng chịu khó làm ăn, tích cóp, gửi tiền về cho gia đình để cải thiện cuộc sống", đại diện chính quyền xã Thạnh An cho biết.

Thơ Trịnh