Những giai nhân đi qua cuộc đời nhạc sĩ Ngọc Đại

Những giai nhân đi qua cuộc đời nhạc sĩ Ngọc Đại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Ngọc Đại bảo khi ông dạy nhạc cho Hồ Quỳnh Hương, cô ca sỹ đình đám bây giờ thậm chí còn chưa biết đến Hà Dũng.

Ngọc Đại vẫn tự hào chưa có một thế hệ ca sĩ nào ở Hà Nội chưa từng qua tay ông dìu dắt. Nhưng giai nhân khiến ông hâm mộ, khâm phục và đọng lại nhiều kỷ niệm tuyệt vời thì chỉ có Trà Giang – nữ diễn viên gạo cội một thời của điện ảnh Việt.

Xã hội - Những giai nhân đi qua cuộc đời nhạc sĩ Ngọc Đại

Sự kết hợp kỳ quái giữa nhạc sỹ Ngọc Đại và ca sỹ Linh Dung (trái), Thanh Lâm (phải)

Từng yêu thầm Trà Giang

Có lẽ, sự tự tin đã làm nên những nét tính cách rất riêng của Ngọc Đại. Ông bỗ bã tâm sự: “Ái Vân, Lệ Quyên ngày xưa vẫn đi diễn với tôi luôn. Anh em chơi thân với nhau đến mức độ có thể nói là xuề xòa ấy chứ. Nhưng mà vui. Còn Thanh Lam thì nhiều kỉ niệm lắm. Sau này anh em ít chơi với nhau vì mấy lần gặp nhau, tôi nói chuyện thẳng thắn quá khiến cô ấy giận, mấy năm liền không thèm nhìn mặt ông anh. Tôi nói với cô ấy: “Em xem lại mình đi. Hôm nay em hát nhạc Dương Thụ, ngày mai lại hát Thanh Tùng. Em đang tự đánh mất mình và không biết mình là ai”. “Khi tôi dạy nhạc cho Hồ Quỳnh Hương, cô ấy còn chưa biết Hà Dũng là ai …

Ngọc Đại nói vậy, dường như ông “quay quắt” với những giai nhân và thổn thức với những kỉ niệm xa xôi nào đó trong quá khứ. Tôi hỏi vui Ngọc Đại về người đàn bà mà ông cho là đẹp nhất Việt Nam. Kì nhân trong làng nhạc không ngần ngại trả lời ngay: “Chỉ có thể là Trà Giang. Cô ấy là hiện thân của vẻ đẹp thuần Việt, nhân hậu, thủy chung, trong sáng và thánh thiện. Hồi còn trẻ, tôi hay chơi với chồng của cô ấy. Còn nhớ, rất nhiều lần đi quay phim về, Trà Giang thường qua trường âm nhạc (Học viên âm nhạc quốc gia bây giờ - PV) thăm anh em chúng tôi. Mỗi lần qua, chị ấy đều khiến cánh thanh niên mê mẩn. Cũng đúng thôi, làm sao mà không yêu thầm nhớ trộm một người con gái như thế được?”.

Đồng cảm với Hà Trần

“Phụ nữ đến với tôi có lẽ trước hết vì âm nhạc. Những người sau này như Hà Trần, Hà Linh, Khánh Linh, Thanh Lâm, Linh Dung hoàn toàn đều như thế cả. Khi Hà Trần làm Nhật Thực, cô ấy đã từng khóc rất nhiều. Khóc vì sự hóa thân và cũng có lúc khóc vì sự quái đản đến kinh khủng của tôi. Hà đã có độ “quái” sẵn rồi nhưng phải nói thật rằng, chỉ đến lúc Nhật Thực ra đời, cô ấy mới thực sự bùng cháy dữ dội để thăng hoa cùng âm nhạc. Tôi nhớ Nhật Thực, nhớ những khoảnh khắc đẹp ấy mỗi ngày”, Ngọc Đại nói vậy. Trong tiếng giọng của ông có chút gì ngậm ngùi, nuối tiếc.

Trước khi hát Dệt tầm gai, Hà Trần đã hát rất nhiều bài hát và loại nhạc khác nhau. Nhưng như Ngọc Đại đã nói, Nhật Thực vẫn là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và nữ nghiệp của cô. Hà Trần, Ngọc Đại và Nhật Thực, sự đồng điệu ấy có được là nhờ âm nhạc. Nhật Thực đã đến với công chúng như một món ăn lạ biết mang tới đúng lúc.

“Hồi đó, chúng tôi từng dốc hết tận cùng sức lực, tiền của để làm, đưa nó vượt qua được những khó khăn nhất để đến với công chúng. Album in ra hết năm mươi nghìn một đĩa nhưng tôi chỉ bán chỉ với giá năm nghìn. Tôi hướng đến sinh viên vì chính họ là đối tượng khán giả chúng tôi kì vọng. Thành công của Nhật Thực đã khiến mọi người rất vui. Nhưng đừng ai chờ đợi sự trở lại của nó. Rất khó để làm điều đó trong hoàn cảnh hiện nay. Mỗi ngày, tôi đều có những bài hát mới”-Ngọc Đại nói thế rồi hướng mắt nhìn xa xăm.

Những người hát nhạc Ngọc Đại mỗi ngày càng thưa thớt. Họ có đến nhưng rồi lại lặng lẽ đi không một lời từ biệt.

Ngọc Đại bảo cái “điên” của ông khiến nhiều người ghét nhưng cũng khiến không ít người say mê và tìm đến. Lê Cát Trọng Lý là một trong số đó. Có lẽ, sự đồng điệu trong âm nhạc đã giúp họ tìm thấy nhau. “Lý là một hình mẫu nghệ sĩ đang được cả thế giới ưa chuộng: Tự sáng tác, tự chơi đàn và tự hát. Ở nước ngoài, ca sĩ hát nhạc của người khác dường như đã là một nỗi nhục”.

B.Đ