Những kỳ tích trên chiến trường Quảng Trị

Những kỳ tích trên chiến trường Quảng Trị

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Năm nào Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng về thăm lại chiến trường Quảng Trị 2 3 lần. Trong cốp xe thường chứa đầy hoa, tiền vàng mã mong sẻ chia với anh linh những đồng đội đã ngã xuống.

Lần nào về Quảng Trị ông cũng nghẹn ngào với những hoài niệm, những kỷ niệm của một thời hoa lửa.

Tướng Hiệu (người đứng thứ 5 từ trái sang) thăm hạm đội ô-đét-xa của Liên Xô cũ năm 1977

Đêm vượt sông nhớ đời

Tướng Hiệu kể lại, hồi ức của ông về chiến trường Quảng Trị là những năm tháng bi hùng: Chiến trường ác liệt nhất trong những năm tháng quyết định thế thắng - bại giữa ta - địch. Ông tham gia chiến trường Quảng Trị từ Mậu Thân 1968. Thời điểm ấy, Quảng Trị là "rốn bom", khói lửa bao trùm, khét lẹt mùi thuốc súng.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết: "Đêm vượt sông vào chiến trường Quảng Trị, đại bộ phận Trung đoàn vượt sông ở thượng nguồn. Tiểu đoàn 3 và các Đại đội trực thuộc vượt sông bằng những chiếc đò của du kích xã Vĩnh Giang và bằng tất cả những phương tiện có thể. Trời mưa dầm dề, máy bay địch vẫn quần lượn thả pháo sáng, ném bom những khu vực chúng nghi có bến vượt của quân ta. Pháo địch từ căn cứ Dốc Miếu, Quán Ngang, ái Tử, Đông Hà... bắn dọc bờ ngăn chặn quân ta vượt sông".

"Quân địch đã phát hiện ra bến sông này nhưng chúng vẫn không tài nào ngăn nổi những chuyến đò đưa bộ đội qua sông. Máy bay Mỹ thả bom từ trường, bom nổ chậm nhưng với những chiếc xuồng cao su của các đơn vị công binh Mặt trận B5, những mảng chuối, chiếc thuyền nan của bộ đội và dân quân xã Vĩnh Giang chúng tôi đã luồn lách vượt sông Bến Hải".

Sau 2 đêm vượt sông, cả Trung đoàn đã vào chiến trường Quảng Trị với mệnh lệnh chiến đấu càng sớm càng tốt, vừa đánh địch vừa đưa dần đội hình vào căn cứ Cồn Tiên.

52 ngày vây hãm Cồn Tiên

Đến thời điểm đầu tháng 5/1968, Nguyễn Huy Hiệu đảm nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng. Ngày 1/5/1968, Bộ Tư lệnh mặt trận B5 ra lệnh cho Trung đoàn 27 quay lại vây hãm căn cứ Cồn Tiên. Trước đấy, quân ta cũng đã từng vây căn cứ này theo tây và tây bắc và đã bị lộ nên phải rút.

Trung đội 25 người gồm cả tổ thông tin vô tuyến điện được giao nhiệm vụ thực hành vây ép Cồn Tiên. Sau khi xây dựng công sự, hầm hào chiến đấu thực hành vây ép, trên sẽ tăng cường một tổ bắn tỉa từ Hà Nội vào, ngày nào cũng phải nổ súng.

Trong chiến tranh, Cồn Tiên là cao điểm có độ cao 158 mét so với mặt nước biển. Mặt đồi khá bằng phẳng. Đứng ở Cồn Tiên có thể quan sát được một khu vực rộng lớn, thậm chí nhìn ra được bắc sông Bến Hải.

Do vị trí quan trọng, nên Mỹ đã xây dựng Cồn Tiên thành căn cứ quân sự mạnh, có lô cốt bê tông cốt thép, xen lẫn hầm lát bằng những tấm ghi và xếp những bao cát. Trong căn cứ có một Tiểu đoàn lính Mỹ và một đại đội pháo 105 ly. Quanh căn cứ của chúng bố trí 9 hàng rào dây kẽm gai, với nhiều loại mìn có khả năng sát thương lớn giữa các hàng rào.

Tối ngày 8/5/1968, Trung đội nhận được lệnh xuất kích các chiến sĩ được trang bị súng đạn, gạo, lương khô, bông băng cá nhân, mìn định hướng, bộc phá, cuốc, xẻng... khoảng 21h ngày 9/5/1968 thì đến Cồn Tiên

"…Chúng tôi cứ ba người đào một hầm khoét xuống lòng đất rồi đào hàm ếch vào sâu bên trong đủ rộng để nằm nghỉ trong đó…"

Khi đã hoàn thành công sự, Trung đội trưởng Hiệu báo cáo để đưa đội bắn tỉa vào chiến đấu. Xung quanh công sự không còn một cây cỏ, bộ đội ta phải lợi dụng những bụi tre bị bom đạn cháy rụi để đào công sự dưới đó. Nhiều điểm bắn được đào để tổ bắn tỉa thay đổi điểm bắn. Ngày đầu tổ bắn tỉa chiến đấu đã thu được thắng lợi. Gần chục tên Mỹ trúng đạn. Địch không biết đạn từ đâu bay tới, hoang mang bắn vãi đạn ra bên ngoài.

Bốn ngày sau, Trung đội của Nguyễn Huy Hiệu đã tiến vào hàng rào thứ 5. Ở hàng rào này, địch thả nhiều dù pháo sáng có trắng, có đỏ. Các chiến sĩ lấy luôn dù của địch để ngụy trang. Quân thám báo địch hàng ngày vẫn tuần tiễu mà không hay quân giải phóng nằm ngay trong hàng rào của chúng.

Tính đến ngày nhận lệnh rút, Trung đội của Nguyễn Huy Hiệu đã vây hãm Cồn Tiên 52 ngày, khiến cho chúng căng thẳng thần kinh, tinh thần bạc nhược. Điều này khiến Mỹ- ngụỵ không thể tập trung quân lớn để giải tỏa hướng Khe Sanh, Làng Vây.

Người chỉ huy mưu trí

Đánh địch liên tục ngày đêm trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt: ăn uống thiếu thốn (chủ yếu là nước lã, lương khô và gạo rang); Không tắm rửa, không giặt giũ... Đến giờ, tướng Hiệu vẫn băn khoăn: "Không hiểu vì sao ngày ấy chúng tôi lại làm được điều kỳ diệu ấy!”

Đêm rút ra ngoài, Trung đội chạm trán với trung đội Mỹ phục kích bên ngoài đường. "Sau 15 phút chiến đấu, chúng tôi tiêu diệt hoàn toàn trung đội Mỹ bắn cháy 3 xe tăng M113. Cả Trung đội tôi an toàn", tướng Hiệu nhớ lại.

Sau gần hai tháng vây địch tại Cồn Tiên, ông tiếp tục bám trụ chiến đấu tại mặt trận Bắc Quảng Trị. ông còn nhớ, một ngày cuối tháng 12/1968 khi dẫn một trung đội đi trinh sát khu vực Hồ Khê, nơi ta và địch đã chạm trán với nhau không dưới chục lần. Khi đến Đồi Dù, cách Hồ Khê chừng 500 mét thì phát hiện trung đội thám báo Mỹ. Trời về chiều, quân Mỹ đang đào công sự và ở lại qua đêm. "Bám địch, chờ nó ngủ say bất ngờ tập kích", Nguyễn Huy Hiệu (khi đó đã là Đại đội trưởng) ra quyết định.

Tướng Hiệu nhớ lại trận đánh bất ngờ đó: "Cả đêm hôm ấy tôi không ngủ, thi thoảng lại nhìn đồng hồ. 4h kém 15' tôi đánh thức anh em dậy chuẩn bị chiến đấu. ánh trăng hạ tuần đủ soi sáng những mái nhà bạt quân Mỹ dựng vội. Khi đội hình đã sẵn sàng, tôi lệnh chiến đấu. Đạn của ta đồng loạt bắn ra, nhà bạt của Mỹ bị cháy. Bị đánh bất ngờ, Mỹ trở tay không kịp, trung đội thám báo Mỹ bị tiêu diệt gọn"…

Chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Bắc Quảng Trị năm 1968 có sự đóng góp của các chiến sĩ Trung đoàn 27- Trung đoàn Đỏ Xô Viết- Nghệ tĩnh. Ngày đêm Trung đoàn bám đất, bám dân, bám địch tạo thế chiến trường, tích cực đánh địch hết mùa khô đến mùa mưa làm cho địch phải căng ra đối phó. Sau một năm chiến đấu, Trung đoàn 27 đã trưởng thành nhiều, xứng đáng với sự tin cậy của đồng bào và những đơn vị bạn cùng chiến đấu trên một chiến trường.

Vương Hà