Những mánh ăn cắp tiền trong thẻ ATM

Những mánh ăn cắp tiền trong thẻ ATM

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Bọn tội phạm lắp camera theo dõi, dán bàn phím giả đè lên bàn phím thật của máy ATM, đột nhập hệ thống thanh toán qua mạng của ngân hàng lấy cắp thông tin...

Để lấy được tiền trong thẻ ATM, bọn tội phạm sử dụng những kỹ thuật tiên tiến trong công nghệ thông tin mà cụ thể là một thiết bị được cài đặt vào khe nhận thẻ trên máy ATM. Do nghiên cứu từ trước nên thiết bị ấy có hình dạng và màu sắc rất giống với máy nên khó bị phát hiện. Khi chủ thẻ nhét thẻ vào máy để nạp tiền, rút tiền, xem số dư tài khoản hoặc chuyển khoản, thiết bị sẽ tự động sao chép các dữ liệu của thẻ.

Bên cạnh đó, bọn tội phạm cũng bí mật đặt thêm một camera quay thẳng xuống bàn phím máy ATM để lấy mật khẩu (password) của nạn nhân. Việc lắp đặt thiết bị chỉ mất từ 15 - 20 phút. Chúng thường chọn những máy ATM nằm ở những nơi đông đúc, nơi có nhiều khách hàng sử dụng, nhất là sử dụng vào buổi chiều, tối, sau giờ làm việc của ngân hàng.

Khi đã lắp đặt xong các thiết bị ăn trộm dữ liệu trên máy ATM, bọn tội phạm đứng gần đó quan sát. Nếu thấy khách hàng giao dịch nhiều, số lượng thông tin đánh cắp đã đủ, chúng sẽ vờ như vào rút tiền để tháo các thiết bị ra. Những thông tin ấy sau đó sẽ được nạp vào một thẻ ATM giả và chúng ung dung đến một máy ATM nào đó, rút tiền.

Công nghệ - Những mánh ăn cắp tiền trong thẻ ATMMột số thẻ giả nhà chức trách thu được. Ảnh: Hà Anh.

Với hành vi này, công an Việt Nam xác định 2 tên nghi phạm đến từ Malaysia là Wan (26 tuổi) và Koey (40 tuổi) khi họ dùng thẻ ATM giả mua hàng giá trị cao với số lượng lớn. Bị phát hiện tại TP HCM, nhóm này chuyển ra Hà Nội và bị bắt quả tang tại đây.

Theo Wan và Loey, việc trộm cắp tiền trong thẻ ATM được sự chỉ đạo của một ông trùm chuyên cung cấp "phôi" ATM giả từ Malaysia. Sau khi vào Việt Nam, bằng cách sử dụng các thiết bị chuyên dùng để lấy cắp thông tin từ những thẻ ATM thật, bọn chúng sao chép sang thẻ giả rồi thuê mướn những người sống lang thang, không nghề nghiệp, đến máy ATM rút tiền, ăn chia theo thỏa thuận, hoặc đặt mua máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động cao cấp trên Internet rồi thanh toán bằng thẻ giả rồi đưa ra thị trường bán lại với giả rẻ chỉ bằng 50 - 60%. Khi bắt giữ nhóm tội phạm, cơ quan công an đã thu được 40 thẻ ATM, thẻ tín dụng, máy in lên thẻ ATM, dụng cụ đọc thẻ, làm giả thẻ.

Chúng thường hoạt động vào khoảng 12 -17 giờ và 20 - 23 giờ hàng ngày, mỗi giao dịch cách nhau 20 - 30 giây.

Cuối năm 2011, Lovelyn Delos Santos Galang (người Philippines) đến các trung tâm thương mại và các cửa hàng cao cấp tại TP HCM để mua nhiều vật dụng đắt tiền như điện thoại, nữ trang, máy chụp hình, máy tính xách tay rồi thanh toán bằng thẻ tín dụng giả. Sau đó, Lovelyn đem bán lại cho những cửa hàng khác, lấy tiền mặt với giá rẻ hơn 30 - 50%.

Trong một lần "cà thẻ", Lovelyn bị phát hiện và bị bắt. Lovelyn bị TAND TP HCM tuyên phạt 10 năm tù vì tội Lưu hành giấy tờ có giá giả.

Một thủ đoạn khác cũng được bọn tội phạm sử dụng là dán một bàn phím giả đè lên bàn phím thật của máy ATM. Bàn phím này rất mỏng, khó phân biệt, kết nối bluetooth với điện thoại di động hoặc máy tính xách tay. Khi nạn nhân tiến hành giao dịch, tất cả mọi thông tin sẽ được truyền ngay về cho chúng.

Cao cấp hơn, chúng còn đột nhập vào hệ thống thanh toán qua mạng của ngân hàng để lấy cắp thông tin khách hàng rồi giả danh ngân hàng gửi e-mail cho chủ thẻ ATM, đề nghị cung cấp lại những thông tin về chủ thẻ với lý do "bảo đảm an toàn cho khách hàng". Trong e-mail ấy, chúng đã cài sẵn phần mềm gián điệp chiếm quyền điều khiển máy tính. Khi khách hàng nhập thông tin của mình vào máy tính, nó sẽ được chuyển ngay cho bọn tội phạm. Từ đó, hàng loạt thẻ giả ra đời.

Với chiêu này, một số người Việt Nam đã đột nhập hệ thống mạng của một công ty Anh quốc để lấy trộm 100.000 thông tin thẻ tín dụng, trị giá 6 triệu bảng. Công an Việt Nam xác định đó là Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Ngọc Thanh, Lê Đăng Khoa và Nguyễn Ngọc Lâm ở TPHCM và Hà Nội. Tất cả đều ở độ tuổi ngoài 20, có trình độ cao về công nghệ thông tin.

Theo lời khai, sau khi xâm nhập vào máy chủ, họ vô hiệu hóa mã khóa rồi lấy cắp thông tin thẻ tín dụng. Tiếp theo, chúng dùng những thông tin trộm cắp được để mua sắm nhiều thứ hàng có giá trị cao trên mạng Internet bằng cách thanh toán từ thẻ tín dụng của những người bị họ lấy cắp thông tin thẻ. Toàn bộ số tiền kiếm được chúng chuyển vào tài khoản cá nhân rồi thuê người đến những điểm giao dịch tiền tệ làm thủ tục rút tiền.

Công nghệ - Những mánh ăn cắp tiền trong thẻ ATM (Hình 2).Những người có liên quan đường dây tiêu thụ vé máy bay bằng thẻ
tín dụng giả. Ảnh: Hà Anh.

Có nhóm tội phạm công nghệ cao còn dùng thẻ giả để mua vé máy bay. Dương Văn Bách (22 tuổi ở Vĩnh Phúc), Nguyễn Thái Thông (sinh viên công nghệ thông tin ở TP HCM) được xác định là kẻ cầm đầu đường dây này.

Trong quá trình điều tra, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao còn phát hiện hành vi phạm tội của một số nhóm khác, hoạt động rất khôn ngoan. Nhằm tránh bị phát hiện, mỗi lần rút tiền, họ chỉ rút ra rất ít, khoảng cách giữa hai lần rút cũng khá xa để chủ thẻ dù có biết, cũng chỉ nghi là có sự nhầm lẫn.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức thanh toán thẻ có biện pháp rà soát lại những giao dịch thanh toán đáng ngờ qua POS, trong đó cần chú ý đến những đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ có số lượng giao dịch liên tục với nhiều thẻ khác nhau vào thời gian bất thường trong ngày, hoặc trường hợp doanh số tăng đột biến và thiếu chứng từ chứng minh cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp lệ...

Một cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cho biết dù sử dụng hình thức nào bọn tội phạm vẫn để lại dấu vết. Lý Bằng, Lý Tất Trung và Lầu Thiên Cầm (Trung Quốc) là ví dụ điển hình khi họ mang máy tính, thiết bị đọc, in thẻ tín dụng vào Việt Nam để thực hiện việc ăn cắp tiền.

Theo An ninh Thế giới