Những nhà văn nổi tiếng qua lời kể của “chứng nhân đặc biệt”

Những nhà văn nổi tiếng qua lời kể của “chứng nhân đặc biệt”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Không chỉ là nhân chứng của thời kỳ biến động những năm 30 40 của thế kỷ XX, cụ còn có mối thâm giao đặc biệt với các bậc tài danh thời tiền chiến. Đó là cụ Phạm Thị Minh Mỵ (93 tuổi, Trung HòaNhân Chính, Hà Nội). Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ với các bậc tài danh thời tiền chiến luôn đọng mãi trong lòng cụ.

Nên duyên bạn bè nhờ... thơ văn

Chúng tôi đến thăm cụ Minh Mỵ vào một chiều thu Hà Nội với gió heo may và nắng vàng. Vừa bước vào phòng khách, đập vào mắt chúng tôi là bàn làm việc với đầy những sách của gia đình cụ. Trong căn nhà chung cư chừng trăm mét vuông và đặc biệt trong phòng của cụ Minh Mỵ, chỗ nào cũng là những tủ sách lớn, nhỏ, được kê rất khoa học, tiện cho người sử dụng.

Thấy có khách đến nhà, dù mới ốm dậy được vài hôm nhưng cụ chẳng ngại mệt ra trò chuyện với khách. Vừa ngồi xuống ghế, cụ Minh Mỵ đã vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về những chuyện văn chương. Sau một hồi nói chuyện, cụ Minh Mỵ quay sang chúng tôi: "Các cháu đến chơi với bà là quý lắm rồi. Giờ bà cũng yếu nên không đi ra ngoài được, ngồi ở nhà nhiều khi cũng buồn chỉ mong có người đến nhà chơi để nói chuyện...".

Xã hội - Những nhà văn nổi tiếng qua lời kể của “chứng nhân đặc biệt”

Cụ Minh Mỵ đang ngồi đọc sách

Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng những người bạn chung. Đó là những người yêu mến văn chương, những nhà sưu tầm sách và những người yêu mến cụ... Với họ, cụ Minh Mỵ không chỉ là một người bà, người bạn mà còn là một con người đáng kính, hiểu biết và rất đỗi thân thiết. Trong mắt họ, cụ là nhân chứng lịch sử của một thời đầy biến động về đời sống chính trị, kinh tế, tập quán xã hội... những năm 30- 40 của thế kỷ XX.

Nhờ "salon văn học Tuyết Chi" và mối thâm giao với các bậc tài danh, cuốn "Thao thức" (NXB Lao động, Hà Nội, 2009) - cụ Minh Mỵ - đã khắc họa lại chân dung rất đời thường của Lan Khai, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Thanh Châu, Ngọc Giao, Hồ Dzếnh, Song Kim, Huy Cận, Xuân Diệu... hay kể về những người thân trong họ tộc như bà Bính (chị họ - vợ cố GS. Hoàng Xuân Hãn), bà Khuê (cháu ruột - vợ cố thi sĩ Trần Dần) bằng những mẩu chuyện có lẽ chưa từng có trong văn học lịch sử...

Mỗi khi có ai hỏi duyên nào khiến cụ trở thành chỗ thâm giao với các bậc danh tài thời tiền chiến, cụ Minh Mỵ chỉ cười nhớ về thời gian đẹp đẽ ấy. Có lẽ chính niềm yêu thích văn chương từ nhỏ đã đưa cụ đến với "salon văn học" Tuyết Chi, đến với các nhà văn tiền chiến. Ngày ấy, khi chuyển lên vùng núi Tạ Chan (Sơn La) cùng gia đình, toàn bộ thời gian rảnh cô gái nhỏ Minh Mỵ chuyên tâm đọc sách báo.

"Mới 12 tuổi, tôi đã đọc hết Tứ đại thư của Trung Quốc: Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Tây Du Kí và nhiều tiểu thuyết khác. Tôi cũng hay đọc báo để biết tin tức đời sống xã hội: Báo Nam Phong của Phạm Quỳnh, báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu, tạp chí Tao Đàn... Mỗi lần từ Tạ Chan về dưới Hà Nội, tôi lại hỏi những người họ hàng của mình về sách báo để đọc... Vì được tiếp xúc với thơ văn từ nhỏ nên tôi không cảm thấy cô đơn, lạc lõng trên vùng Tây Bắc, trái lại khung cảnh sông núi ở đây lại khiến tôi say mê", cụ Minh Mỵ nhớ lại.

Yêu văn chương, ham mê đọc sách thế nên qua người chị họ ở Hà Nội, cụ đã kết bạn với bà Tuyết Chi - chủ nhân “salon văn học Tuyết Chi”. Bà Tuyết Chi hơn cụ Mỵ 3 tuổi. Từ ngày quen nhau, hai người thường trao đổi với nhau về văn chương mỗi lần cụ từ Sơn La về. Xét về sự hiểu biết cũng như đọc sách, hai cụ không ai kém ai. Mỗi lần có cuốn sách gì mới, cụ Tuyết Chi liền giới thiệu cho cụ Mỵ đọc.

Cái tên "salon văn học Tuyết Chi” là cái tên do chính cụ Minh Mỵ đặt, đây cũng là nơi lần đầu cụ gặp các nhà văn, nhà thơ như Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Huy Cận... Mối thâm giao với một số nhà văn tiền chiến thời đó còn mãi đến sau này. Như trong kháng chiến chống Pháp, tình cờ cô gái trẻ tên Mỵ gặp Xuân Diệu ở Bờ Dậu, Bắc Sơn, hai người mừng rỡ hàn huyên một hồi, sau đó mỗi người đi một đường, chỉ đến khi hòa bình mới gặp lại.

Chân dung đời thường của các bậc tài danh

Trong mắt những người đương thời, văn nhân là những người chỉ biết ăn chơi, nghiện thuốc phiện này nọ... nhưng khi kết thân với họ, cụ mới biết mọi quan niệm, định kiến ấy là sai lầm, phiến diện. Thực chất, các nhà văn, nhà thơ sống vô cùng mực thước, tình cảm, sống với nhau rất thân thiết. Tuy nhiên, họ có nhược điểm có lúc vì bạn bè mà "quên" mất gia đình.

Cụ nhớ mãi chuyện nhà thơ Lưu Trọng Lư với chứng bệnh hay quên. Giới văn nhân vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện hài hước "nhìn thấy bạn là quên mất gia đình" của ông. Ngày ấy, Lưu Trọng Lư cùng vợ con lên tàu về Thanh Hóa. Đang đứng trên tàu, ngoảnh mặt sang tàu bên cạnh thấy bạn - nhà văn Vũ Trọng Can - chẳng ngần ngại, ông nhảy phắt xuống chạy sang nói chuyện với bạn. Mải nói chuyện tới nỗi tàu chạy lúc nào chẳng biết, chỉ đến khi Vũ Trọng Can hỏi anh đi đâu, nhà thơ mới ngớ người.

Đã lỡ rồi cho lỡ luôn, nhà thơ đi cùng bạn trở ngược về Hà Nội, ở liền cả tháng, đến một ngày bỗng chợt nhớ vợ con về Thanh Hóa từ ngày đó không biết tình hình ra sao, thế là nhà thơ mới vội vã ra ga lấy vé về Thanh Hóa thăm vợ con. Chuyện này bà Lưu Trọng Lư kể với bà Tuyết Chi, còn cười ngặt nghẽo nói: "Mình quen với cái tính đãng trí của ông ấy rồi!".

Nghe chuyện, cụ Minh Mỵ đặt cho nhà thơ Lưu Trong Lư biệt danh "tổ sư đãng trí". Quả vậy, nhà thơ mắc phải chứng hay quên, vừa nói xong đã quên, ngay cả tên con của mình cũng quên. Đem con đi khám bệnh, bác sỹ hỏi con anh tên là gì, ông quay lại nhìn con rồi hỏi "mi tên chi"...

Trong nhóm Tự lực văn đoàn, Thạch Lam là người mà cụ Mỵ yêu mến nhất. Văn phong của Thạch Lam tả như thật, vô cùng sinh động, hấp dẫn... Không những vậy, Thạch Lam còn có tài năng phát hiện tài năng. Cụ yêu mến cái văn phong nhẹ nhàng, chân thật cùng cách sống giản dị của ông. Ngày ấy, mỗi lần ghé qua tòa soạn, nơi Thạch Lam đang làm việc, dù rất muốn nói chuyện với nhà văn nhưng cô gái Minh Mỵ lại sợ làm phiền nhà văn nên thi thoảng mới dám nói vài câu. Thảo luận văn chương với mọi người nên chẳng mấy chốc, cô trở nên thân thiết, có đôi lần cô đến nhà Thạch Lam trên Hồ Tây chơi.

Cụ Minh Mỵ cho biết: "Thạch Lam sống nghèo khổ nhưng giàu tình cảm lắm. Ông luôn quan tâm tới bạn bè, chỉ đến khi mắc bệnh lao, ông mới không cho bạn bè tới nhà, có đến ông cũng không tiếp vì sợ bạn bè bị lây. Tôi nhớ mãi câu nói "hoài bão còn nhiều nhưng sức khỏe thì cạn kiệt" của ông. Được cái Thạch Lam có một người vợ vô cùng chu đáo, mỗi khi anh em, bạn bè của nhà văn đến, chị ấy luôn đón tiếp nhiệt tình, tử tế. Mỗi lần nói về vợ Thạch Lam, không riêng gì bà, bà Tuyết Chi cũng luôn dùng những lời khen ngợi. Trong nhóm Tự lực văn đoàn ấy, chỉ có vợ của Khái Hưng là ít giao du với bạn bè mà thôi".

Không riêng gì Thạch Lam, nhà thơ Nguyễn Bính cũng có cuộc sống vô cùng nghèo khổ. Ngày ấy, khi còn ở số 5 Nguyễn Du, đối diện với nhà Trần Huyền Trân (Nguyễn Bính hay đến nhà Trần Huyền Trân chơi), thi thoảng ra hè thấy Nguyễn Bính đến, bà lại cất giọng mời nhà thơ sang nhà chơi (trước Cách mạng, bà đã quen Nguyễn Bính, sau kháng chiến, mỗi người một nơi, hòa bình mới gặp lại nhau). Nguyễn Bính nghèo tới nỗi có lần phải nhịn ăn. Chỉ đến khi có mấy người bạn đến nhà chơi, ông mới vội vàng hỏi họ xem trong túi còn tiền không, ra ngoài mua hộ cái bánh giò, "từ hôm qua tới giờ, chưa có cái gì vào bụng cả".

Trong ký ức của cụ Minh Mỵ, các bậc văn nhân thời tiền chiến không chỉ là người bạn mà còn là người cho cụ những kinh nghiệm quý báu về kiến thức văn chương. Chẳng gặp nhau nhiều nhưng rất đỗi thân quen, bất kể chuyện gì, dù là nhỏ nhất nhưng cụ vẫn luôn nhớ như in trong lòng. Đó là những ký ức đẹp đẽ không bao giờ cụ quên.

Hồng Mây