Những phận người lặn ngụp ở đáy sông

Những phận người lặn ngụp ở đáy sông

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Anh Tý cho biết, nghề đãi trùn chỉ, ngoài việc ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt, ô nhiễm nặng về lâu dài có thể bị teo cơ chân, tay, phổi có nước trong lúc lặn ngụp dưới đáy sông.

Không ai thống kê được ở TP. Hồ Chí Minh có bao nhiêu điểm bán cá cảnh. Nhưng chắc chắn rằng, nhờ có nghề bán cá cảnh, trong đó loại cá sang trọng sống mạnh, tăng màu sắc đẹp mắt nhờ ăn trùn chỉ (một loại sinh vật sống dưới bùn, sình, nhỏ như sợi chỉ, có màu đỏ hồng) là cá dĩa, nên xuất hiện thương lái chuyên thu mua trùn chỉ cung cấp cho người bán cá. Vậy là một đội ngũ lao động giản đơn nhưng khá vất vả được hình thành. Họ làm một nghề "không giống ai", nhưng lại góp phần làm sinh động cho một thú chơi tao nhã.

Đối mặt với hiểm nguy, bệnh tật

Bình Thạnh là quận nội ô, giáp với quận 1, sát với trung tâm thành phố. Nhưng ít ai hình dung ra được ở phía bên kia khu nhà cao cấp The Manor gồm những hộ dân sang trọng thuộc địa bàn P15 Bình Thạnh lại là một xóm nghèo với những căn nhà không thể gọi là nhà. Bởi lẽ, diện tích mỗi căn không hơn 10m2, vật liệu tạm bợ, nằm chông chênh dọc theo bờ kênh, không thành hàng lối, căn nhô ra, căn thụt vào, "nương tựa" lẫn nhau để thành "xóm trùn chỉ". Được biết, ngày xưa nơi đây còn có tên gọi là xóm Cầu Đò, chắc hẳn đã từng có một bến đò ngang đưa người qua lại con kênh này.

Sự kiện - Những phận người lặn ngụp ở đáy sông

Ảnh minh họa

Xóm có khoảng 30 hộ dân, phần lớn gốc gác từ Bến Tre, Long An. Trong số 30 người đàn ông trụ cột của gia đình thì có đến 20 người chọn nghề đãi trùn chỉ làm phương tiện sinh nhai. Phương tiện của dân "đãi trùn chỉ" cũng rất đơn giản, không phải đầu tư vốn nhiều nên hầu như ai có sức khỏe, chịu cực khổ, kiên gan, bền chí là theo nghề được. Một chiếc xuống chèo, hay khá hơn là chạy máy, chiếc vợt lưới nhỏ, vài ba cái thau nhựa là có thể gia nhập vào đội ngũ đãi trùn chỉ.

Ở xóm trùn chỉ Cầu Đò, Phường 15, quận Bình Thạnh có lẽ anh Tý là người có thâm niên đồng thời cũng là người có nhiều kinh nghiệm đãi trùn chỉ nhất. Anh Tý 39 tuổi, người thấp đậm, chân tay vạm vỡ, hớt đầu đinh, mình trần rám nắng, mặt mũi hơi "ngầu" nhưng nụ cười rất hiền lành kể về quá trình theo nghề "lặn ngụp ở đáy sông" của mình.

Anh theo nghề này từ năm 1982. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, cứ canh con nước lớn ròng mà chèo chiếc ghe nhỏ ra sông lặn đãi trùn. Nếu con nước ròng vào ban ngày còn đỡ, nhưng nước ròng vào ban đêm, lúc chập tối hay nửa đêm cũng phải lặn xuống đáy sông hành nghề nên anh Tý và những người thợ đãi trùn khác trong xóm không có khái niệm nghỉ xả hơi, trừ khi bệnh hoạn hoặc gặp tai nạn nghề nghiệp.

Anh Tý cho biết, nghề đãi trùn chỉ, ngoài việc ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt, ô nhiễm nặng về lâu dài có thể bị teo cơ chân, tay, phổi có nước trong lúc lặn ngụp dưới đáy sông. Đôi chân trần bất cứ lúc nào cũng có thể đạp nhằm mảnh chai mang thương tật. Chính anh đã nhiều lần đạp mảnh chai, cây sắt nhọn và suýt chết vì bị chuột rút. Bạn bè anh cũng thế. Nhưng do văn hóa thấp, không nghề nghiệp đành phải bám theo nghề đãi trùn chỉ để sinh sống, nuôi vợ con. Thoắt đó mà đã 30 năm theo cái nghề không giống ai này.

Anh Trường, bạn anh Tý cũng có thâm niên theo nghề giống anh. Địa bàn của anh Tý, anh Trường và những người thợ đánh trùn chỉ cùng xóm là đoạn sông Sài Gòn từ khu vực Ba Son đến khu Him Lam, Sai Gon Pearl. Nhiều khi hiếm trùn, các anh còn phải ra tận cầu Tân Thuận hoặc tới đoạn ngã ba sông để "săn". Trước đây, mỗi con nước các anh có thể kiếm được 70.000-100.000 đồng/ngày, bây giờ trùn hiếm, thu nhập từ việc lặn ngụp này ít đi và nhiều lúc các anh cũng định bỏ nghề vì quá cơ cực.

Người đông của hiếm

Quận Gò Vấp nằm giữa quận 12 và quận Bình Thạnh, nơi xa nhất là phường 17, nơi có con sông Vàm Thuật nổi tiếng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt lẫn nước thải công nghiệp. Xóm trùn chỉ thuộc khu giáo xứ Tử Đình nằm bên bờ sông Vàm Thuật. có hàng chục người mưu sinh ở đáy sông với chiếc ghe nhỏ, chiếc vợt lưới và vài thau nhựa vói nghề "đánh trùn".

Anh Hiệp, một dân kỳ cựu theo nghề "đánh trùn" có thâm niên trên 12 năm. Anh có vợ và 4 đứa con, trong đó Thuận, đứa con trai lớn năm nay 17 tuổi cũng đang theo nghề đãi trùn. Cái gia đình 6 miệng ăn chủ yếu dựa vào thu nhập từ cuộc mưu sinh ở đáy sông mỗi ngày của hai cha con anh Hiệp.

Xóm trùn chỉ của anh Hiệp có điểm đặc biệt là cư dân vừa ở dưới nước, vừa ở trên bờ. Nếu ai may mắn có được căn nhà nhỏ, tạm bợ bên bờ sông Vàm Thuật thì khỏi phải chòng chành sống trên ghe và cái xóm "trên bến dưới ghe" này là những cư dân rất đặc biệt của giáo xứ Tử Đình, họ chỉ nghe tiếng chuông nhà thờ đổ khi đã ra đáy sông đãi trùn và có khi trở về vào lúc nửa đêm.

Anh Hiệp cho biết, cũng như những xóm trùn chỉ khác, cư dân ở đây xuất hành theo con nước sớm từ lúc 6h sáng. Người sống trên bờ hay dưới ghe đều tranh thủ theo con nước đổ đi hành nghề và do "người đông của ít" nên ai có ghe mà sắm cho mình thêm cái máy "đuôi tôm" thì việc tranh giành "địa bàn" đánh bắt trùn hiệu quả hơn. Bởi lẽ ghe máy chạy một vèo là tới, người đạp chèo chậm chạp ở phía sau nguy cơ "đi không rồi lại về không" luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi cho người đánh trùn chỉ chậm chân.

Từ bến đậu của những chiếc ghe đánh trùn gọi là chân cầu Bến Vân, người săn tìm trùn chỉ phải đi một đoạn sông dài khoảng 20km tới khu Miếu Nổi rồi tới rạch Lăng. Chỗ này nguồn nước chưa ô nhiễm nặng, đôi chỗ còn trong nên trùn chỉ tập trung sống ở đây. Muốn biết mật độ trùn nhiều hay ít, chỉ việc cầm mái chèo thọc sâu xuống lòng con rạch lấy lên một ít bùn. Nếu thấy trùn chỉ bám vào nhiều thì quyết định dừng lại lặn xuống đãi. Mỗi buổi như thế, ca ngày từ 6-15h, ca đêm từ 16h -23h.

Dân chuyên nghiệp ngày trước không cần đi xa mỗi ca cũng đánh được khoảng 100 lon hay hơn thế nữa, còn bây giờ trùn hiếm, nước sông ô nhiễm nặng nên vừa phải đi xa, vừa đánh được ít hơn, dân "thiện chiến" cũng chỉ đánh được khoảng 50 - 60 lon là cùng. Và như thế thu nhập của người đánh trùn ít hơn mà nỗi gian nan, cơ cực ngày càng chồng chất dù rằng giá bán trùn liên tục tăng. Trước năm 2008, giá chỉ 1.000 đồng tới 2.000 đồng/lon, còn hiện nay đã 3.500 -4000 đồng/lon.

Lênh đênh một phía sông dài

Ở quận 8 có hai xóm trùn chỉ nổi danh, đó là xóm trùn chỉ Phú Định và xóm trùn chỉ Mễ Cốc. Đặc điểm của hai xóm này là toàn dân xứ Bắc vào hành nghề, nếu xóm Phú Định toàn dân thợ Thái Bình thì xóm Mễ Cốc toàn dân thợ Hải Phòng. Một đặc điểm nữa là, thợ đánh trùn ở đây làm việc và bán "sản phẩm" độc quyền cho "một lái" chứ không được bán cho "lái" khác hay bán trôi nổi. Trước kia, vào thời cực thịnh, mỗi bến có tới 40-50 xuồng đánh trùn, nghĩa là cũng có chừng ấy người theo nghề này và hầu như đều là dân miền Tây lên, xuồng đánh trùn đậu chật kính kênh Tàu Hủ. Nhưng những năm gần đây, có lẽ dân miền Tây không trụ nổi với cái nghề quá cơ cực mà trùn ngày càng ít nên dân đánh trùn xứ Bắc vào thay thế. Hiện xóm Phú Định và xóm Mễ Cốc chỉ còn khoảng 20 xuồng đánh trùn, mỗi xuồng có 2 thợ.

Trên sông Bến Lức bây giờ, có hàng chục xuồng đánh trùn tấp nập ngược xuôi. Họ gọi nhau í ới và cũng tranh nhau chọn bãi, người khỏe thì chọn bãi sâu, người yếu thì chọn bãi cạn. Nếu chọn bãi sâu, người đãi trùn phải lặn xuống độ sâu 3-4m, vất vả hơn nhưng thu hoạch cũng nhiều hơn. Nhưng dù khỏe và lặn giỏi như anh Công, sau 3 - 4 tiếng đồng hồ lặn ngụp, cũng chỉ đãi được khoảng 30 lon trùn, bán được khoảng 100.000 đồng, trừ chi phí còn lại khoảng 50.000 đồng. Với thu nhập này, so với công sức bỏ ra kể cả đánh đu mạng sống của mình thì người đãi trùn cực chẳng đã mới chọn cái nghề hạ bạc.

Hơn ai hết, người cảm nhận được nghề này là anh Hòa, một thợ thâm niên khai sinh ra nghề đãi trùn. Gia đình anh Hòa có 4 anh em làm nghề đãi trùn chỉ và chính anh, cách đây 15 năm đã thử đem trùn chỉ ra chợ cá cảnh ở quận 5 "chào hàng". Anh là người có công đưa con trùn chỉ từ dưới đáy sông, từ chỗ chẳng ai biết, cũng chẳng có giá trị gì trở thành một thứ sản phẩm không thể thiếu trên thị trường cá cảnh ngày được phát triển, mở rộng. Nhưng chính anh cũng nhận thấy nghề này quá vất vả, hạ bạc. Và khi chứng kiến cái chết của một bạn nghề bị chìm dưới đáy sông, nhiều người khác bị thương tật, sức khỏe không còn sau những năm tháng lặn ngụp trong dòng nước lạnh buốt, ô nhiễm nặng nề, anh quyết bỏ nghề.

Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng cứ nghĩ, mai này không còn ai lặn ngụp dưới đáy sông săn tìm những con trùn chỉ để cung cấp cho thị trường cá cảnh thì một thú chơi tao nhã của người Sài Gòn sẽ ra sao?

Từ Kế Tường