Những vai diễn để đời của NSND Đàm Liên

Những vai diễn để đời của NSND Đàm Liên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Có hai vai diễn mà trong suốt sự nghiệp của mình NSND Đàm Liên diễn nhiều nhất là vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo và Ông già cõng vợ đi xem hội.

Mỗi trình thức là một sự thăng hoa và sáng tạo của nghệ sĩ

Bà tự hào, là nghệ sĩ thì ít người kiếm tiền, xây nhà được, vậy mà ngôi nhà khang trang của bà trên phố Chùa Hà toàn là do tiền bà đi diễn mà kiếm được.

Sự kiện - Những vai diễn để đời của NSND Đàm Liên

Vở "Ông già cõng vợ đi xem hội" là một trong những đỉnh cao trong nghiệp diễn của NSND Đàm Liên

Nhất là vở Ông già đi xem hội, diễn đến 2.000 lần. Có khi phải từ chối bằng cách "hét giá" lên mà vẫn không chối được. Bà nhớ, có lần đang mùa World Cup, mà Đàm Liên thì mê bóng lắm, muốn ở nhà xem truyền hình nhưng có lịch diễn, vì nhiều lý do không từ chối được vẫn phải diễn. Miệng cười, miệng hát, chân run trên sân khấu mà trong bụng thì lẩm bẩm: "Sao họ không về xem bóng đá, ngồi đây làm gì chứ". Bà mê bóng đá, thích xem phim Hàn Quốc, đến đoạn nào xúc động cũng sụt sùi theo.

Người ta đặt cho bà cái tên "sầu nữ tình yêu" cũng là một cách để định danh những thành công với nghề. Vai diễn Hồ Nguyệt Cô trong vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo trong chuyến đi lưu diễn nước ngoài năm 1984 là một bước thăng hoa của nghề. Trong chuyến lưu diễn tại Paris năm đó, bà đồng thời cùng đảm nhận hai vở: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo và ông già đi xem hội.

Ở mỗi vai diễn bà đều cố gắng hết sức mình để diễn tả nhân vật toát lên "chất người" nhất. Nhưng khi so sánh, bà thấy một điều: Hồ Nguyệt Cô là nhân vật của bi kịch, ông già cõng vợ đi xem hội cũng có thể gọi là hài kịch dân gian, vậy mà cả hai vở đều có sức hút lớn. Sự đánh giá được thể hiện ở chính những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Mỗi khi cô gái trẻ xòe quạt ra hay Hồ Nguyệt cô đưa bàn tay xù xì đau đớn ra trước mặt cũng là những lúc khán giả cổ vũ nhiệt tình nhất.

Một thắc mắc nữa của bà là: "Tại sao ông già chỉ xuất hiện trên sân khấu 2 phút đã làm náo động cả khán trường mà Hồ Nguyệt Cô - đỉnh cao của bi kịch tình yêu phải đến phút cuối mới làm người ta thoát khỏi sự bất động của cảm xúc bị đông cứng?". Diễn đến đêm thứ 15 rồi, câu hỏi này vẫn ám ảnh trong lòng Đàm Liên. Đến những đêm diễn sau thì bản năng của Hồ Nguyệt Cô đã đánh thức trong bà. Bà diễn không nhiều, không lăn lộn như trước mà "buông" mình ra theo cảm xúc. Điều này thực sự khó bởi tuồng vốn diễn cứng và lên gân.

Khi đưa bàn tay ra, chỉ còn ánh mắt của Hồ Nguyệt Cô soi vào đám lông lá mới mọc đầy, tự nhiên trong họng nấc lên tiếng khóc. Không khóc được nữa thì lại bật ra tiếng cười. Khi tiếng cười không dứt thì cũng là lúc đồng loạt khán giả đứng lên vì xúc động. Đàm Liên không còn biết mình là Đàm Liên hay chính là Hồ Nguyệt Cô nữa.

Sự kiện - Những vai diễn để đời của NSND Đàm Liên (Hình 2).

Một số sắc thái “diễn” của NSND Đàm Liên

Đàm Liên tâm sự: “Không phải khán giả không còn ưu ái với nghệ thuật tuồng nữa mà bởi chính nghệ sĩ không thuyết phục được khán giả đến với mình”. Nhiều người, chỉ cốt hát cho hay còn về trình thức diễn thì người ta vẫn chưa thể nắm được. Tuồng cổ thường có những trình thức có sẵn, diễn viên chỉ việc áp dụng theo mà diễn, nhưng để hay thì phải phả hồn mình vào đó.

Khi diễn "Ông già cõng vợ đi xem hội", chỉ có một mảnh giấy với những gạch đầu dòng cơ bản, bà thực sự cảm thấy khó vì không biết diễn như thế nào? Cứ lần lượt hàng tháng trời luyện tập, được tiếng cười, tiếng nói rồi nhưng diễn sao để cùng lúc lột được cái thần của nhân vật thì khó quá. Vừa là ông già, thoắt cái đã lại là cô gái rồi. Nhờ sự hậu thuẫn của mẹ và chồng, một cách vô tình bà đã tìm ra bí kíp để đời.

Chính ở đôi bàn chân run run của ông lão đang phải cố gắng tỏ ra uy thế với những tình địch trẻ tuổi, cú đá hậu hiểm hóc,... mỗi thứ gộp lại mà tạo nên tiếng cười. Không chỉ ở bề ngoài mà cái tình, cái lúng liếng của cô gái cũng quan trọng không kém. Vừa chế giễu, vừa yêu thương. Đàm Liên nhắc lại tình cảnh của mình lúc bấy giờ, đã có lúc tưởng bị lỡm vì lấy chồng già, bà toan bỏ vai. Nhưng về sau, thấy hóa ra lại là một cách để tỏ rõ tình cảm với chồng là nhạc sĩ Vĩnh An. Đến giờ, nhiều lúc ngậm ngùi "Chàng ơi, rồi đây mỗi ngày hội xuân, ai đưa thiếp đi xem hội nữa chàng?".

Cuộc vui khép lại, ánh đèn đã tắt, chỉ còn lại Hồ Nguyệt Cô đau đớn và cô đơn với trái tim của Đàm Liên rướm máu. Có phải cái đa đoan của kiếp đa tình, lại thêm cái tài nữa đã ám vào cuộc đời người nghệ sĩ tài danh, đến cuối đời ngậm ngùi hát "Một mảnh tình riêng ta với ta".

Thiên Vũ