Những vũ sư nghèo đắm say vũ điệu cầu lộc cho đời

Những vũ sư nghèo đắm say vũ điệu cầu lộc cho đời

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Vào dịp khai trương lễ hội, ai ai cũng được chứng kiến những màn múa, những tiết mục đặc sắc có sử dụng các con vật như lân sư tử rồng một cách bay bổng, uốn lượn nhằm mang lại niềm vui, đều chúc phúc hay cầu lộc cho đời.

Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến mới thấy hết những khó khăn, vất vả của người luyện tập. Càng đặc biệt hơn, khi chia sẻ về nghề, phần lớn các "vũ công" lại cho rằng, đã trót theo nghiệp thì không thể bỏ được, dù công sức tập luyện hàng năm trời nhưng chỉ sử dụng trong vài ba ngày tết hoặc mỗi khi có lời mời.

Lạ & Cười - Những vũ sư nghèo đắm say vũ điệu cầu lộc cho đời

Những vũ điệu lân - sư - rồng ngày xuân

Ăn cơm nhà cầu lộc cho thiên hạ

Không ai có thể biết đích xác nghề múa Lân - Sư - Rồng (LSR) có tự bao giờ, mà chỉ biết rằng nghề này có nguồn gốc từ Trung Hoa được du nhập vào Việt Nam và được các "vũ công" hoặc các vận động viên biểu diễn vào những dịp lễ, hội. Mới đầu chỉ lác đác vài ba nhóm, sau này phát triển với hàng chục, thậm chí hàng trăm đoàn chuyên múa LSR. Để có thể trở thành những "vũ công" chuyên nghiệp, đòi hỏi người tập phải dành rất nhiều thời gian, công sức tập luyện mới có thể biểu diễn được những tiết mục đặc sắc, say đắm lòng người.

Một võ sư dày dạn trong nghề chia sẻ: "Đến với nghề múa LSR, điều bắt buộc là mỗi người phải có sức khỏe dẻo dai, bản lĩnh, tính kiên trì. Họ phải học, luyện võ thuật để có thể nhảy múa, thực hiện những động tác trèo múa trên cây cao, múa trên mai hoa thung (trên các trụ sắt cao từ 2,2m đến 3m)... Lứa tuổi bắt đầu đến với nghề múa LSR thường từ 8 đến 9 tuổi. Thông thường các em này rất gan dạ, chịu khó tập luyện, có năng khiếu.

Trong các buổi biểu diễn, đội múa LSR phải điều khiển con lân, rồng từ một thể khô cứng, vô tri, vô giác trở thành sống động, có hồn. Con vật vô tri, vô giác ấy phải thể hiện khá nhiều động tác hỷ, nộ, ái, ố... với những tư thế nhảy, vồ, cắn nuốt, thở, lăn vòng, vặn mình, ngồi, nằm, đứng, tiến, lùi cảnh giác, dò xét...

Vũ công Nguyễn Văn Tân theo nghiệp múa LSR từ khi còn là sinh viên khoa chèo của trường Đại học Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ: "Mình vào nghiệp diễn này cũng rất tự nhiên. Vốn thành thạo tiếng trống chèo nên khi có một đoàn múa lân nhờ đánh trống trong các buổi diễn lân rồng rồi nghiền lúc nào không hay. Diễn lân rồng có nhiều bài, như "Mai hoa thung", "Giao long tranh ngọc", "Độc chiếm ngao đầu", "Song hỉ", "Tam Tinh", "Tam Anh", "Tứ Quý hưng long" ... Tùy theo mục đích buổi diễn ấy là khai trương, mừng xuân, chúc phúc, cầu tài... sẽ có bài múa riêng và bài trống đánh cho phù hợp.

Tuy nhiên khó nhất phải kể đến việc múa rồng với những hình rồng dài cả trăm mét. Khi thực hiện các thao tác điều khiển các hình rồng trường long đòi hỏi các vận động viên hoặc "vũ công" phải phối hợp thật nhịp nhàng, ăn khớp với nhau khi thực hiện các động tác uốn lượn của rồng. Nếu các vận động viên phía trước thực hiện không đúng động tác thì những vận động viên phía sau sẽ bị vấp ngã hàng loạt...

Tóm lại, để có thể biểu diễn điêu luyện đòi hỏi người tập phải bỏ công sức, thời gian mới có thể thành công được. Trong khi đóỏ, nghề này lại không thể cho thu nhập cao như một số nghề khác mà đa phần người tham gia các đoàn múa LSR đều gắn bó với nghề bằng niềm đam mê. Phần lớn họ đều ở dạng ăn cơm nhà để cầu lộc cho thiên hạ".

Cũng theo Tân, trong màn trình diễn múa LSR không thể thiếu ông Địa, một người bụng phệ (do độn vải) mặc áo dài đen, tay cầm quạt giấy to phe phẩy, mang mặt nạ ông địa đầu hói tròn cười toe toét đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa hoặc mua vui cho gia chủ. Ông Địa được coi là hiện thân của Đức Di Lặc, một vị Phật lúc nào cũng tươi vui. Ông Địa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào.

Sau này, người có tiền thường treo giải bằng tiền buộc trong một miếng vải đỏ, treo cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được "thức ăn" này. Tất nhiên, ông Địa không cùng trèo với lân mà chỉ cùng lân múa, phe phẩy chiếc quạt to, ru lân ngủ hoặc đánh thức lân dậy. Cảnh ông Địa vuốt ve lân và lân mơn trớn ông Địa, thể hiện được tình cảm và sự hòa hợp sâu sắc giữa loài vật và loài người trong một bầu không khí thanh bình, hoan lạc.

Nghiệp khó bỏ

Hiện nay các đoàn LSR cạnh tranh nhau cũng rất khốc liệt, tồn tại hay không tồn tại dựa vào tên tuổi, lịch sử truyền thống của đoàn và đặc biệt là lực lượng diễn viên, càng nhỏ tuổi mà diễn hay thì khán giả càng khoái. Chính vì thế, các đoàn luôn tuyển mộ các thành viên nhí để đào tạo, thường là dạy miễn phí. Khi các em diễn được, tham gia các suất diễn sẽ được trả cát- xê 50.000 đồng - 100.000 đồng /suất và mấy ngày Tết cát - xê cao hơn một chút. Ngoài ra còn có tiền thưởng, lì xì của các gia chủ, nơi đoàn đến diễn.

Tuy nhiên, thành viên của hầu hết những đoàn LSR đến với nghề này không phải bởi cát - xê mà chủ yếu ham vui, mê tiếng trống tùng thình, tùng thình, tùng thình và tiếng chập chã. Khi đã vào nghề thì múa LSR gần như đã trở thành cái nghiệp không thể rời xa...

Lạ & Cười - Những vũ sư nghèo đắm say vũ điệu cầu lộc cho đời (Hình 2).

Nhiều vũ công gắn bó với nghề bằng niềm đam mê

Em Đào Đức Long, thành viên đoàn LSR Tuấn Long Đường (Hà Nội) thường xuyên tập luyện tại nhà văn hóa gần trường Đại học Công nghiệp cho biết: "Nghề này tập luyện vất vả lắm, bị té, trật khớp tay, trầy xước mình mẩy là chuyện thường. Nhưng không mấy ai nản chí, bỏ luyện tập bởi cứ ngã thì tiếng chiêng, trống giục giã lại chồm dậy tập tiếp. Nhữọng ai đã chọn nghề rồi thì không muốn nghỉ, thậm chí có lúc diễn không cát - xê cũng đi.

Võ sư Dương Nhất Kỷ - cha đẻ của đoàn múa LSR Nhất Đường (tỉnh Ninh Bình) đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, vẫn xốn xang mỗi khi kể về nghiệp múa LSR. ông tâm sự: "Tôi theo nghiệp múa LSR từ hồi còn nhỏ khoảng 8-9 tuổi. Khi ấy tôi theo cha mãi võ khắp Bắc - Trung - Nam kiếm tiền. Tôi say nghiệp này ngay từ lần đầu tiên được xem một đội LSR biểu diễn chúc thọ tại một gia đình người Hoa giàu có ở Châu Đốc (tỉnh Long An)". Những vũ điệu điêu luyện của những "vũ công" điều khiển đầu lân, đầu rồng cùng tiếng chập chình, chập chã của các đạo cụ đeo đuổi theo ông tới lúc trưởng thành. Khi đã có chút vốn liếng, ông đặt làm một đầu rồng lớn với chiều dài 99m, cùng 4 đôi lân và mở lò luyện võ cùng môn sinh tập luyện các bài múa lân, rồng.

Nhìn lại giờ đã theo nghiệp ngót nửa thế kỷ, đào tạo bao thế hệ võ sinh, nhiều người giờ đã tạo lập được võ đường riêng, trong đó không thiếu món múa LSR, võ sư Nhất Kỷ cũng tâm sự thêm: "Nghề này thực tế không phải là một nghề kinh doanh nhằm thu lãi. Song đã vào nghề thì khó bỏ vì khi tham gia biểu diễn, các vũ công không chỉ đem niềm vui, cầu may mắn, cầu lộc, cầu tài cho mọi người mà qua những vũ đạo LSR bản lĩnh, cái tôi cá nhân và tinh thần thượng võ được thể hiện cao độ”.

Văn Hoàng