Nỗi ám ảnh mang tên vàng sa khoáng

Nỗi ám ảnh mang tên vàng sa khoáng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Thôn Cốc Táy (xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) mấy chục năm qua vẫn là lãnh địa của "vàng thổ phỉ". Con suối đầu nguồn bị ô nhiễm nặng đã tố cáo nạn khai thác vàng trái phép ở nơi đây.

Đến trâu, bò cũng không dám uống nước?!

Trên chú "Min - khờ" đậm chất núi đồi, gã xe ôm kém tôi đến gần chục tuổi nhưng lại vác khuôn mặt mới gặp ngỡ đã bốn "xịch", như thể hơn tôi gần chục tuổi thao thao kể: Hàng chục năm qua, từ khi các hang vàng trong lòng núi được đào đãi khiến dòng suối bị ô nhiễm nặng.

Càng khủng khiếp hơn khi những năm gần đây các chủ vàng dùng hóa chất để cô vàng, cộng thêm việc người dân tự ý bới tung ruộng vườn nhà mình để tìm vận may khiến dòng suối càng trở nên đặc quánh, nhầy nhụa bùn đất. Dưới chân núi là hàng chục máy nổ cùng sàn tuyển đang hoạt động hết công suất tàn phá thiên nhiên, trên núi, len lỏi giữa rừng già là lán trại của vàng tặc.

Để mục sở thị, tôi yêu cầu gã tài xế đánh vật gần 2 giờ đồng hồ trên những cung đường đồi núi hiểm trở tìm đến đại bản doanh của những bưởng vàng thổ phỉ cheo leo bên sườn núi. Thấy người lạ, lần lượt từng tốp người di tản, để trơ lại cảnh tượng hoang tàn, cây cối bật tung gốc, dòng nước màu đục tuôn chảy..., trong khi khói bếp và tàn thuốc vẫn nghi ngút cháy.

Xã hội - Nỗi ám ảnh mang tên vàng sa khoáng

Cuộc sống của người dân xóm 135 Nhật Tân đang bình yên bỗng chốc bị đảo lộn vì vàng

Đi tới hàng chục hang vàng sâu hun hút vào lòng núi không một bóng người, lúc này, gã xe ôm mới lắc đầu nói: "Do địa hình, họ (người khai thác vàng) ở trên cao có thể quan sát được mọi hoạt động bên dưới nên khi thấy người lạ là họ sẽ rút hết vào rừng. Lán của họ đều là lán dã chiến nên chỉ mất vài phút có thể thu dọn xong, với lại vùng này, sóng điện thoại phủ mọi nơi...".

Đầu giờ chiều, chúng tôi xuống núi và đem những câu chuyện ghi nhận được tìm gặp trưởng thôn Cốc Táy là ông Tho Văn Bộ để trao đổi. Anh cho biết: "Thôn Cốc Táy hiện có 58 hộ, 248 khẩu, 37 hộ nghèo, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Kinh, Hoa. Tình trạng khai thác trên núi chủ yếu là người tứ xứ dặt dẹo về làm, chúng tôi không nắm được có bao nhiêu người. Ngày xưa dùng máng đãi vàng chứ bây giờ dùng máy hút nên ảnh hưởng lớn đến môi trường. Hiện tại ở đầu thôn có mấy anh em ông Hiền, ông Hòa (con ông Hoàng Văn Bộ) đang khai thác vàng trái phép gây ô nhiễm môi trường".

Ông Tho Văn Bộ cho biết thêm: Nước từ thôn Cốc Táy chảy ra phục vụ 9,3 hecta ruộng của thôn và cho tất cả các thôn gần Cốc Táy, việc khai thác vàng khiến nước đục quanh năm, cả trâu bò cũng không dám uống. Từ những năm 1999 - 2000 tệ nạn xã hội không còn nữa (trước đó thôn có hàng chục người bị nghiện ma túy).

"Riêng năm ngoái xảy ra vụ sập hầm khiến 3 người chết thuộc khu vực hang Hồ. Tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên cần có biện pháp để ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép. Vì sau khai thác cát sỏi trôi xuống ruộng của bà con. Chăn nuôi không ổn định do nguồn nước ô nhiễm, năng suất lúa, ngô giảm mạnh", ông Bộ bức xúc.

Đi đến đâu, "lốc vàng" cuốn đến đó

Trở lại câu chuyện khoảng 12 năm về trước, năm 1999, thực hiện Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ, 30 hộ dân chủ yếu là tộc Dao sống ở thôn Cốc Táy, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã hạ sơn về xóm 1 thôn Nhật Tân (cùng xã) hay còn gọi là xóm 135 Nhật Tân để an cư lập nghiệp, tránh xa cơn lốc vàng sa khoáng hoành hành.

Những tưởng cuộc sống của người dân được yên bình từ đó. Thế nhưng, không chỉ những người ở lại luôn bị ảnh hưởng bởi nạn khai thác vàng trái phép mà những người ra đi cũng chẳng được bình yên, một lần nữa cuộc sống của họ bị xáo trộn, và nguyên nhân lại mang tên... vàng sa khoáng.

Cuộc sống của bà con xóm 135 (cái tên gắn với Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ) cứ im ắng bình yên theo năm tháng. Bỗng một ngày, nhiều máy xúc, giàn tuyển vàng từ đâu đổ bộ vào làng, chúng ầm ầm đào xới cánh đồng ngô xanh tốt của bà con trong xóm. Theo lời kể lại từ những người dân, vào những ngày tháng 10/2011, đùng một lúc 6 giàn tuyển vàng được huy động tới dọc con suối Khuổi Luông chảy qua xóm 135 Nhật Tân để khai thác vàng trái phép. Chẳng mấy chốc bãi soi rộng vài hecta của bà con bao năm canh tác trở thành bãi đất hoang trước sự ngỡ ngàng và hoang mang của bao người.

Những ngày cuối tháng 10/2012, khi chúng tôi có mặt tại thôn Nhật Tân thì cánh đồng trước đây đã không còn, theo bà con thì ruộng, ngô của họ không những không được đền bù mà người khai thác vàng còn ngang nhiên dùng máy xúc cả ngô, lúa của họ lên giàn tuyển mặc sự phản đối quyết liệt và nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện của người dân nhưng chẳng cấp nào đến giải quyết. Khu vực bị xúc xới nham nhở nhất là ven suối Khuổi Luông dài khoảng 2km qua thôn Nhật Tân.

Theo người dân thôn Nhật Tân cho biết, máy móc và các thiết bị khai thác vàng là của một người tên Nguyễn Tiến Vinh huy động từ ngoài thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) vào khai thác, với vỏ bọc là nắn dòng chảy để tăng thêm diện tích đất canh tác cho bà con, nhưng thực chất những việc mà ông Vinh làm là khai thác vàng trái phép.

Việc làm của ông Vinh đã bị bà con còn dùng cả điện thoại, máy ảnh chụp và quay phim lại để làm bằng chứng kiến nghị lên cấp trên. Ấy vậy mà một năm đã trôi qua, "bờ xôi ruộng mật" của xóm đã thành ao hồ, bãi đá nhân tạo ngổn ngang không thể canh tác được nằm chình ình trước mắt chính quyền xã mà chẳng ai nhìn thấy.

Ông Phùng Xuân Nhất, Phó trưởng thôn Nhật Tân bức xúc: "Dân chúng tôi đã vô cùng bức xúc và kiến nghị nhiều lần mà không thấy ai giải quyết, cả xóm giờ đã lên đến 41 hộ dân đều sống dựa vào cây ngô trên đất soi bãi là chính, bây giờ họ làm vàng đã đào rửa hết đất màu, trơ lại sỏi đá và không thể trồng nổi cây gì, bãi soi đó được dân chúng tôi coi là bồ thóc của cả xóm. Vậy mà muốn làm bãi chăn trâu cũng không có cỏ".

Biết chúng tôi là nhà báo, nhiều người dân xóm 135 Nhật Tân tất tưởi bỏ bê công việc tới trò chuyện. Họ cho biết: "Dân chúng tôi khổ lắm, trước đây đã khổ, cứ tưởng chuyển đến nơi ở mới sẽ bớt khổ, có đất canh tác cho mùa màng tốt tươi. Thế mà, các chú thấy đó, ruộng chẳng còn, bãi ngô đã thành bãi vàng. Ra xã kiến nghị thì không ai vào ngó nghiêng, ai kêu nhiều thì được chính quyền xã mời ra nói chuyện, thậm chí có người còn bị dọa sẽ bắt đi tù nếu như không để tàu khai thác vàng nắn dòng chảy, kè bờ suối Khuổi Luông". Vì thế, nhiều người dân sau khi chia sẻ nỗi khổ với chúng tôi không quên dặn: "Đừng cho tên chúng tôi lên báo"!?

Ông Nhất - Phó trưởng thôn Nhật Tân còn cho biết thêm: "Toàn bộ số đất bãi soi bà con trồng ngô bị biến thành bãi thải sau khai thác vàng rộng gần 3 hecta nhưng không hộ gia đình nào được đền bù, nhiều bãi của dân đang canh tác cũng phải phá đi dành cho họ khai thác vàng. Ban đầu huyện, xã vào triển khai tuyên truyền với dân là cho đơn vị vào nắn dòng, kè chân soi. Nhưng đến thời điểm này cũng như suốt thời gian qua, chúng tôi chỉ thấy đơn vị thi công khai thác vàng chứ không phải nắn dòng hay kè gì cả".

Trần Quyết