Nỗi buồn làng huấn luyện chiến mã lẫy lừng một thuở

Nỗi buồn làng huấn luyện chiến mã lẫy lừng một thuở

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Trở lại Bình Thủy trong những ngày này, không còn thấy bóng dáng của dấu chân ngựa. Những bãi cỏ trên cánh đồng ngày xưa giờ đây được thay bằng lúa, ngô. Không khí lao động yên ả và trầm lắng của các lão nông một thời là những mã sư nổi tiếng khắp vùng dường như cũng lặng lẽ.

Ấp Bình Thủy, xã Hòa Phú Đôn, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là nơi sản sinh ra những chiến mã lừng danh thiên hạ. Cách đây chưa đầy một năm, khi trường đua Phú Thọ còn hoạt động, người dân ấp Bình Thủy sống bằng nghề nuôi ngựa chiến. Nhà nhà, người người đều mê ngựa và dành hết công sức, thời gian cho việc chăm sóc, huấn luyện những chú tuấn mã chiến.

Sự kiện - Nỗi buồn làng huấn luyện chiến mã lẫy lừng một thuở

Ông Trâm bên chú ngựa Trang Thanh những ngày dã từ đường đua.

Danh bất hư truyền

Chỉ cách đây chưa đầy một năm thôi, khi trường đua Phú Thọ còn hoạt động, ấp Bình Thủy là tâm điểm để cho những bậc mã sư khi trà dư tửu hậu trò chuyện bất tận về những chiến mã. Ông Nhan Văn Trâm, một cái tên đã đi vào huyền thoại trên mỗi đường đua kể lại: "Cứ mỗi buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 5 là hầu như mọi người dân quanh ấp kéo đến quán cà phê trước nhà tôi để xem thông báo và bình luận về những con chiến mã chuẩn bị vào đường đua. Thứ 6 là thời gian cho các ông chủ chăm sóc, dặn dò chiến mã của mình. Buổi tối hôm đó hoặc sáng sớm hôm sau là đưa ngựa lên xe ôtô tới trường đua Phú Thọ trên Sài Gòn. Vui lắm, dân làng chúng tôi háo hức như đi trẩy hội ấy".

Truyền thống nuôi ngựa chiến có ở huyện Đức Hòa nói chung và ấp Bình Thủy nói riêng từ thời Pháp thuộc, đặc biệt phát triển mạnh từ khi người Pháp xây dựng trường đua Phú Thọ năm 1936. Riêng ấp Bình Thủy lúc nào cũng có hơn một ngàn con ngựa chiến hầu như không bỏ sót một trận đua nào. Qua nhiều năm gắn bó và đam mê với ngựa đua, người dân Đức Hòa đã phát hiện ra một phương pháp lai giống ngựa mà không mất đi gene thuần túy của ngựa Việt Nam. Ngựa châu Âu to, khỏe, có sức bật tốt còn ngựa Việt Nam tuy nhỏ nhắn nhưng lại dẻo dai, bền bỉ vì bản chất là ngựa dùng để kéo xe, chở hàng. Một con chiến mã ra đời mang đầy đủ những nét tinh hoa, thuần túy và trội nhất của dòng lai F1 sẽ trở thành ngựa đua bất khả chiến bại.

70 tuổi đời và cũng gần ngần ấy thời gian ông hai Trâm gắn bó với nghề huấn luyện ngựa. Gia tộc ông tính đến thời điểm con trai của ông là 4 đời theo nghiệp ngựa đua. Bản thân ông Trâm là một mã sư nổi tiếng khắp vùng, được người dân tín nhiệm giao giữ chức hội trưởng hội đua ngựa và nằm trong ban tổ chức thường trực của hội đua ngựa của TP. HCM. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc ngựa chiến của mình, ông hai Trâm còn có nhiệm vụ truyền đạt thông tin từ ban tổ chức trường đua tới những ông chủ.

Ngoài ra, ông còn làm việc kê khai làm giấy khai sinh cho những chú ngựa vừa chào đời. Ông giải thích: "Một con ngựa con được sinh ra đời phải mất 11 tháng rưỡi. Việc phối giống cho ngựa không phải đơn giản, có khi mất cả chục triệu cho việc thụ tinh và không phải một lần là được. Vì thế, ngựa con sinh ra quý vô cùng. Là ngựa chiến thì bắt buộc phải làm giấy khai sinh, cung cấp thông tin đầy đủ về chiều cao, cân nặng, chủng, loài, tên họ và chủ nhân cho Hội. Nhận dạng chi tiết nổi bật nhất để đăng kí trong giấy khai sinh mục đích là để phòng tránh trường hợp đánh tráo ngựa". Một chú ngựa con sau khi sinh được chăm sóc cực kì cẩn thận đến khi được 2 tuổi mới bắt đầu được huấn luyện rồi mang đi đăng kí dự thi.

Có 9 nhóm phân loại ngựa dự thi đánh số thứ tự từ nhỏ đến lớn. Đăng kí nhóm dự thi xong, chủ sẽ đưa ngựa về nhà huấn luyện thêm khoảng 3 tháng nữa mới đưa vào trường đua. Theo ông Trâm, một con ngựa được đánh giá tốt có khả năng thắng cao khi con ngựa ấy có đôi mắt to, đôi tai xốc thẳng, cổ dài, chân gân guốc, mình tròn, mông to. Những đặc điểm này chỉ có người trong nghề mới nhận biết được và họ luôn luôn có một niềm tin tuyệt đối vào ngựa của mình. Một chú ngựa chỉ tham gia đua một lần sau đó cho về nghỉ ngơi, bồi bổ đến khoảng thời gian mà chủ thấy ngựa mình đủ sức khỏe, có thể trở lại đường đua sẽ tung ra thi đấu. ấp Thủy Bình nổi tiếng trong các cuộc thi và luôn ẵm nhiều giải thưởng lớn vì có những con chiến mã có khả năng phi nước đại tuyệt vời.

Nỗi buồn của đệ nhất mã sư

Nếu không dính đến chuyện cá ngựa, đánh bạc thì đua ngựa là một môn thể thao, một thú chơi vô cùng thú vị dành cho những người yêu ngựa. Một thời, thú vui ấy đã trở thành cái nghiệp đối với những người nuôi ngựa. Cứ cuối tuần là hầu như cả làng lại kéo nhau lên thành phố dự đua và cổ vũ cho ngựa nhà. Niềm đam mê đua ngựa không dừng lại ở việc thắng thua mà nó còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bằng việc giật giải hoặc bán chiến mã. Mỗi giải có thể lên tới hàng chục triệu đồng, một con chiến mã giỏi bán tới vài trăm triệu.

Sự kiện - Nỗi buồn làng huấn luyện chiến mã lẫy lừng một thuở (Hình 2).

Những chiếc cúp do ngựa chiến mang về đã làm rạng rỡ chủ nhân của nó.

Vậy nhưng thời đại hoàng kim của ngựa đua nay không còn nữa, trường đua Phú Thọ tạm ngừng hoạt động khiến các mã sư lao đao, khốn khổ. Ngựa một thời là những chiến binh quả cảm, lao vun vút như gió trên đường đua nay phải tháo dây cương đi kéo xe hoặc bi đát hơn là bị bán cho các... lò mổ với giá vài triệu đồng. Gần chục gian chuồng ngựa nhà ông Trâm nay trở nên trống vắng thênh thang.

Ông Trâm cho biết: "Từ khi không còn đua ngựa nữa, dân chúng tôi phải bán hết ngựa cho các lái buôn. Nuôi ngựa để đua còn không đua nữa thì không để làm gì cả. Tuy nhiên, mỗi nhà vẫn còn giữ lại một con để những lúc buồn, những lúc nhớ còn có cái để mà ngắm".

Vị mã sư một thời tung hoành trên các đấu trường nay ngồi cô quạnh ở nhà làm bạn với đàn cháu nội, ngoại. Cái quán nước rợp bóng cây xanh trước nhà ông trở nên vắng vẻ, chỉ mở cửa vào buổi chiều. ông Trâm buồn lắm. Nỗi buồn ở đây không phải là mất đi nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình từ việc đua ngựa mà buồn vì thú đam mê với môn thể thao đã lụi tàn, bây giờ hết thời rồi. Cả đời ông gắn bó và yêu ngựa như thế nay bỗng phải từ giã giống như mất mát một điều gì đó lớn lao trong cuộc đời.

Ông nói, ngựa là con vật rất thông minh. Chúng biết và cảm nhận được tình cảm của người chủ dành cho chúng. Trong nhà, hễ có ai không may khuất núi, ngựa cũng chảy nước mắt và mình phải cho nó đội khăn tang. Không riêng gì ông Trâm mà tất cả người dân trong ấp đều có cảm giác chơi vơi, hụt hẫng. Vốn bản chất nông dân, nên người dân ấp Bình Thủy nhanh chóng thay đổi mô hình kinh tế. Trên những cánh đồng cỏ ngày xưa, họ trồng hoa màu chăn nuôi dần khôi phục lại hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cái khoảng trống mất mát ở đây là nghề huấn luyện chiến mã là nghề truyền thống và quan trọng hơn họ yêu ngựa.

Trong nhà ông Trâm hiện còn nuôi một con ngựa mà ông thân thương lấy tên của hai người con mình đặt cho nóT: Trang Thanh. Trang Thanh là con của Phụng Hoàng, một chiến mã đã mang về cho ông Trâm rất nhiều chiến thắng và danh dự để đời. Phụng Hoàng mới chết cách đây ít lâu do già yếu. Những buổi chiều tàn, ông Trâm thường ra chiếc ghế ngay dưới cây xanh cổ thụ lặng lẽ nhìn hoàng hôn buông xuống. Đôi mắt ông xa xăm hướng ra phía cánh đồng bạt ngàn lúa, nơi ngày xưa có những đàn ngựa thung thăng gặm cỏ.

"Bây giờ còn đỡ rồi chứ mới đầu chia tay với trường đua, tôi không ăn không ngủ được. Trong lòng có một khoảng trống vô tận, một nỗi buồn mênh mang cùng nỗi nhớ da diết những chú ngựa. Hôm nào cũng có người tới hỏi tôi là có nghe nói thông tin gì về trường đua không? Tôi có nghe phong thanh là đang lập dự án gì đó ở ngoại thành và chờ thêm thời gian nữa. Nghe người ta nói thế thôi chứ đến lúc có trường đua thì nghề đã mai một rồi và biết mình có còn sống trên đời nữa không", ông trải lòng.

Hoa Nguyên