Nỗi đau ở xã có nhiều người điên nhất miền Trung

Nỗi đau ở xã có nhiều người điên nhất miền Trung

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Chỉ là một xã nghèo, dân số chưa đầy 3.340 nhân khẩu, nhưng nơi đây có đến gần 100 người bị mắc bệnh tâm thần.

Đó là cả một câu chuyện buồn của xã nghèo Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, (Hà Tĩnh). Trung bình, cứ mỗi xóm ít nhất cũng có tới 5 - 7 người tâm thần. Ở đây, cánh phụ nữ của xã mỗi khi ra đường đều nơm nớp lo sợ gặp phải người điên.

Xã hội - Nỗi đau ở xã có nhiều người điên nhất miền Trung

Chuyện gia đình có 3 người điên

Trên đường chúng tôi về xã Kỳ Tiến đang loay hoay hỏi đường vào trụ sở UBND xã, bất ngờ một thanh niên to cao, trắng trẻo, đẹp như sao Hàn, vừa đi, vừa chạy, miệng thét to: "H., ơi! Em ở mô? Nếu đời anh thiếu em thì anh sẽ...". Nói đoạn anh ta lại nằm vật vờ như con nghiện lâu năm.

Biết PV về xóm Kim Tiến, nơi có nhiều người bị căn bệnh trời không thấu, đất không dung, một số người dân của xã Kỳ Tiến cảnh báo: "Đến xóm đó nguy hiểm lắm, vì đi đâu cũng có thể gặp người tâm thần. Ông Lê Ngọc Phụng, một trong những phụ huynh bất hạnh nhất trong xã, vì gia đình ông có đến 3 người con gái thì cả 3 đều mắc bệnh tâm thần". Ông Phụng tâm sự: "Khi còn nhỏ 3 chị em nó ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành, làm việc nên cả xóm ai cùng khen ngợi gia đình ông hạnh phúc. Tuy nhiên, bất hạnh đã ập đến khi lần lượt từng đứa đến tuổi trưởng thành lại mắc bệnh tâm thần".

Nói đoạn, ông Phụng nghẹn ngào: "Các chú xem, ngày nào cũng nhìn thấy con, đứa thì đập phá, đứa thì đi lang thang cả tuần không về. Vợ chồng tui thường xuyên phải thẫn thờ đi tìm con từ xã này đến xã khác. Khi tìm được về thì lại đập phá, la hét. Trước đây, hy vọng các con học hành thành tài, kiếm được tấm chồng tử tế, nhưng nay chỉ dám mong chúng nó ngồi một chỗ ở nhà đừng đi lang thang, phá phách nữa là mừng lắm rồi". Gia đình ông hiện có cô con gái út đã khỏi bệnh đi làm công nhân may mặc ở miền Nam.

Không chỉ xóm Kim Tiến, xóm Nguyễn Bình cũng đầy những người mắc căn bệnh điên quái ác này. Điều lạ lùng là hầu hết các bệnh nhân đều phát bệnh khi trưởng thành. Nhìn cậu thanh niên cao to, đẹp trai, thoạt nghĩ gia đình nào có phúc sinh ra được cu cậu, nhưng buồn thay người đó lại là bệnh nhân tâm thần nặng Đặng Đình Dũng, con trai ông Đặng Đình Cần. Ông Cần kể: "Cháu Dũng bị tâm thần gần 8 năm rồi. Gia đình đã đưa đến 7 bệnh viện chữa trị mà không khỏi. Cách đây 2 tuần cháu điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh gần 3 tháng. Bây giờ tôi đã quá tuyệt vọng, chẳng biết kiếm đâu ra tiền chữa bệnh cho con. Sống với người tâm thần khổ lắm, nhiều hôm, nó cầm dao rượt đuổi mọi người trong nhà, rất nguy hiểm. May mắn thay thằng con tôi vẫn còn biết sợ các chú công an".

Người cha già buồn rầu cho hay: "Lúc mới sinh Dũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Mãi đến năm 2003, nó tròn 18 tuổi, sau khi trượt kỳ thi đại học, nó bắt đầu không muốn đến chỗ đông người, cứ nói nhảm và đưa xe đạp ra sửa, sau đó không lâu thì phát bệnh nặng. Đến giờ, nếu ngày nào không uống thuốc là thằng Dũng lại lên cơn nói nhiều, hoặc đập phá, hoặc đi lang thang. Nước mắt như chực rớt xuống đôi gò má hốc hác, bà Liên (mẹ Dũng) nghẹn ngào: "Nhìn con lang thang, điên dại,đau lòng lắm các chú ạ".

Cách nhà ông Cần chỉ khoảng 100m, gia đình bà Trần Thị Lâm cũng có tới 2 người con gái bị điên gần 10 năm nay. Cô em bị nhẹ hơn, nên đôi khi biết giúp mẹ làm việc nhà, còn cô chị năm nay 23 tuổi, suốt ngày sống trong điên loạn. Chồng mất từ lâu, bà Lâm đói nghèo, tàn tạ dù đã 70 tuổi nhưng vẫn phải chạy theo đứa con điên loạn. Bà Lâm kể: "Có nhiều hôm Hồng lên cơn không mặc quần áo, cứ thế chạy ra đường. Tôi phải cầm quần chạy theo, vừa khóc vừa thuyết phục con mặc. Thấy tôi khóc, Hồng tần ngần đứng lại nhìn rồi bỏ đi chứ không chịu mặc vào".

Xã hội - Nỗi đau ở xã có nhiều người điên nhất miền Trung (Hình 2).

Nhiều người dân không lạ cảnh bệnh nhân tâm thần của xã Kỳ Tiến

Cần sự chung sức của cộng đồng

Chị Đặng Thị Đào, trạm trưởng Trạm y tế xã Kỳ Tiến cho biết: "Hoàn cảnh đặc biệt nhất là bệnh nhân tâm thần Lê Thị Huệ. Năm nay chị đã 47 tuổi và bị điên khi tuổi còn thanh xuân. Trước còn có cha mẹ chăm sóc nhưng nay cha mẹ đã chết hết, anh em họ hàng cũng không thấy đâu. Suốt ngày chị lang thang đầu đường xó chợ. Chị cũng có một ngôi nhà nhỏ được hội phụ nữ và xóm làng góp công, góp của xây cho, nhưng chị chẳng bao giờ về. Chợ vẫn là mâm cơm, mái nhà của chị. Bữa nào người ta rủ lòng thương hoặc nhặt nhạnh được thứ gì đó ở chợ ăn thì no, còn không thì chị cũng cứ cười cười nói nói rồi ngủ lịm đi ở đâu đó. Nhưng được cái chị không đi đâu xa mà chỉ loanh quanh trong xã, nên có nhiều người thương".

Gần đây, chị Huệ không những đỡ đói hơn mà còn có thuốc uống. Hàng ngày chị Nguyễn Thị Anh, hội trưởng hội phụ nữ xóm thường mang cơm đến. Bữa nào tôi có việc bận thì đã có xóm làng nấu cơm rồi tìm chị về ăn, còn thuốc thang hội phụ nữ xóm chịu trách nhiệm nhận và cho chị uống. "Được cái bị tâm thần, nhưng chị Huệ rất hiền từ, biết nghe lời nên dễ cho uống thuốc", chị Anh tâm sự.

Hiện tại trạm y tế xã Kỳ Tiến đang quản lý và điều trị cho 46 bệnh nhân tâm thần, một số bệnh nhân đã điều trị khỏi và đi làm ăn xa. Có những người đi lao động ở nước ngoài, có tiền gửi về cho cha mẹ. Tuy nhiên, vấn đề rất nan giải hiện nay đó là tình trạng thiếu thuốc. Những loại thuốc đầu tay điều trị bệnh tâm thần mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Thiếu loại thuốc này bệnh nhân sẽ mất ngủ, rối loạn, kích động, là một trong những nguyên nhân bệnh nhân đi lang thang, đập phá. Khổ nổi loại thuốc này là biệt dược nếu có tiền cũng không mua được vì dự án cấp chứ không có bán.

Trên đường về, dọc hai bên đường, nhìn những căn nhà trống huơ, trống hoắc, xiêu vẹo vì thiếu bàn tay chăm sóc của con người. Bất chợt, chúng tôi thấy lòng như tê dại về phận đời, phận người của những bệnh nhân tâm thần lạ lùng này.

Chưa xác định được nguyên nhân, cần có những nghiên cứu cụ thể

Theo chị Nguyễn Thị Đào, trạm trưởng Trạm y tế xã Kỳ Tiến thì người dân ở xã Kỳ Tiến mắc bệnh tâm thần khá nhiều, trẻ em cũng có, người già cũng có nhưng phần lớn người mắc bệnh ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến xã có nhiều người tâm thần vẫn chưa được xác định. Là vùng đất bán sơn địa, đất sỏi, cát, cuộc sống của người dân đang hết sức khó khăn. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cụ thể về những tác động tự nhiên, xã hội ở vùng đất này, giúp hạn chế phần nào căn bệnh tâm thần", vị trạm trưởng y tế xã thiết tha.

Công Lâm - Hồ Ngọc