Nỗi niềm gia sư “ba trong một” cho trẻ tự kỷ

Nỗi niềm gia sư “ba trong một” cho trẻ tự kỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Ngay lần đầu gặp, thay vì được giới thiệu tên học trò thì cô giáo phải đi tìm học trò. Đó là gia sư của trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ thấy người lạ thường chui dưới gầm bàn, trùm chăn hoặc tự lấy tay đập đầu, khóc thét...

Dù nhận thù lao cao gấp 2 lần so với gia sư cho trẻ bình thường nhưng không phải ai cũng dám nhận hoặc làm gia sư cho trẻ tự kỷ.

Xã hội - Nỗi niềm gia sư “ba trong một” cho trẻ tự kỷ

Không phải ai cũng có thể làm gia sư cho trẻ tự kỷ - Ảnh minh họa

Gia sư "ba trong một"

"Tôi đã tốt nghiệp khoa Giáo dục Đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ. Tôi nhận gia sư cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ chậm nói. Quý phụ huynh nào có nhu cầu liên lạc qua email...". Những thông tin người tìm việc như vậy không hiếm trên các trang rao vặt. Không chỉ các bạn sinh viên mới ra trường đăng tải các thông tin cá nhân tìm đến các gia đình có nhu cầu mà các trung tâm gia sư có uy tín cũng có những dịch vụ phục vụ riêng đối tượng học sinh đặc biệt này.

Theo chân chị Nguyễn Thị Linh - cô giáo dạy phát triển ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, tôi hiểu, để có được gần 200.000 đồng/buổi dạy cho học sinh tự kỷ, kém phát triển trí tuệ... là không dễ. Học trò của chị Linh là cậu bé 7 tuổi, mắc chứng tự kỷ. Bố cậu bé làm nghề xây dựng, mẹ là cán bộ truyền thông của Bộ TN - MT.

Đầu giờ học, Linh dạy học trò chào và đóng cửa phòng. Sau bài khởi động với vài trò chơi sức khỏe như xếp ghế chồng lên nhau, Linh dạy học trò tập tô màu và nhận biết các tấm đề can, phân biệt các chữ cái khác nhau nhưng mắt cậu học trò bé nhỏ chỉ chú ý đến những con vật trong hộp đồ chơi gần xó nhà. Lần nào cũng vậy, đòi đồ chơi không được, học trò của Linh lại khóc, lăn đùng ra sàn nhà, đấm tay chân vào tường nhà, thậm chí đánh cả cô giáo. Cô giáo không dỗ bé mà lôi từ tủ ra những tấm ghép hình đủ màu sắc, chơi một mình thể hiện sự thích thú. Thấy vậy, học trò nín khóc và mon men tới gần cô giáo, rồi đòi chơi chung đồ chơi. Sau động thái này của học trò, Linh tập cho trẻ tự kỷ khoanh tay và nói: "Xin lỗi cô!".

Chị Nguyễn Thị Phương, Viện Ngôn ngữ, gia sư cho trẻ tự kỷ, tâm sự: "Cám cảnh nhất là những gia đình nghèo có con mắc bệnh tự kỷ. Như trường hợp của bé Hoàng Văn D (Hà Nội). Bé đã 5 tuổi nhưng chưa nói được và chỉ phát ra âm thanh vô nghĩa. Lúc tôi làm gia sư cho cháu thì cũng khá muộn. Từ lúc 24 tháng tuổi, các bác sỹ đã phát hiện cháu bị tự kỷ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ cháu là lao động phổ thông, công việc không ổn định nên phải đến 5 tuổi gia đình mới can thiệp". Chị Phương còn nhớ như in ngày đầu tiên tiếp xúc với D, cháu chạy trốn vào một góc, trùm chăn; khi giận dỗi, cháu chỉ biết tự đập tay vào đầu và khóc thét.

Gia sư không... giáo án

Không có giáo án hay phương pháp cụ thể dạy cho trẻ mắc dạng bệnh này, phần lớn, các cô phải tùy vào tình trạng của từng trẻ để dạy, "điều tiết" cách dạy và trị liệu riêng. Kinh nghiệm chính là "kim chỉ nam" cho các giáo viên dạy trẻ tự kỷ.

Với tất cả gia sư cho trẻ tự kỷ, ngoài kỹ năng sư phạm thì sự quan sát, sự yêu mến, cảm thông với số phận các em mắc bệnh là điều quan trọng nhất. Theo lời chị Phương thì sau một tháng chị phải nhớ hầu như tất cả mọi thói quen của trẻ mà mình nhận dạy.

"Chúng tôi sợ nhất là trẻ tự kỷ có xu hướng xâm hại (đánh giáo viên) hoặc tự xâm hại (tự đánh) bản thân. Lúc đó, một cái ôm chặt, vỗ về nhẹ nhàng của người dạy sẽ xoa dịu tâm tính bất thường của trẻ. Chúng tôi phải thuộc lòng thói quen ăn, nghỉ của trẻ. Đặc biệt nữa của trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ là rất khó ăn, hoặc chỉ ăn một số thức ăn nhất định mà thói quen trong sinh hoạt thì rất khó thay đổi. Phần lớn, trẻ tự kỷ không thích ăn rau, rèn cho trẻ biết ăn rau, cũng phải mất cả tháng rồi", chị Phương tâm sự.

Để ý từng thói quen ăn ngủ, nghỉ, màu sắc yêu thích của trẻ, chứng kiến sự khóc lóc, thậm chí tự làm đau bản thân làm cho không ít gia sư trẻ dù có yêu nghề đến mấy cũng phải chùn bước.

Sau mỗi buổi dạy, cô giáo dạy trẻ tự kỷ phải dặn dò cha mẹ học trò cách duy trì hiệu quả bài học. "Mình sợ nhất những gia đình, cha mẹ phó thác hết cho gia sư. Nếu vậy, trẻ tự kỷ sẽ không tiến bộ được. Cần có sự kết hợp của cha mẹ, người thân trong gia đình hiệu quả mới lâu dài", cô giáo Linh chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Minh Phương, thành viên của tổ chức hỗ trợ kỹ năng cho trẻ khuyết tật trí tuệ chia sẻ: "Dạy học sinh thường đã khó, dạy học sinh tự kỷ khó hơn ngàn lần. Nhiều cha mẹ có con tự kỷ, ngay sau khi con nói, học được điều gì, cha mẹ muốn kiểm chứng thường bắt con làm lại nhiều lần, làm con sợ. Nếu như vậy, sẽ càng làm cho con không thích học hơn. Đáng buồn, đòi hỏi đó diễn ra ở nhiều cha mẹ có trẻ tự kỷ. Cha mẹ trẻ tự kỷ đừng bắt con nói đi nói lại một câu. Thay vào đó, cha mẹ hãy cho các hoàn cảnh, môi trường khác nhau để con tự sử dụng những từ đã được học".

Chia sẻ từ bậc phụ huynh

Anh Văn Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội), một người cha có con tự kỷ phải thuê gia sư chia sẻ: "Chúng tôi hiểu được sự khó khăn của các thầy cô, bởi chính chúng tôi cũng xuất hiện tâm lý nản với hoàn cảnh của con. Con tôi bị chứng tăng động, không bao giờ ngồi yên một chỗ. Ngay cả cha mẹ khi nói, con không đồng ý cũng quay lại đánh hoặc tát vào mặt cha mẹ ngay. Gia đình tôi đã mời không dưới 10 gia sư là sinh viên có thừa sự nhiệt tình và trách nhiệm, cô giáo có bằng cấp… cũng bỏ cuộc vì cháu không chịu chơi với cô. Thậm chí có lúc cháu lên cơn tăng động cháu còn đập đầu vào bàn, ném đồ làm đau cô. Dù gia đình cố gắng giữ, cô giáo cũng không dám dạy tiếp".

Hoàng Mai