Nỗi niềm

Nỗi niềm "làng họa sỹ"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
"Làng họa sỹ" là cụm từ mà người ta hay nhắc đến khi nhắc tới Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Một ngôi làng có khoảng 800 hộ thì có tới 11 người là hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Bên cạnh đó còn có gần 40 chục người đã từng tốt nghiệp hoặc đang theo học các trường Mỹ Thuật.

Sự tò mò thôi thúc chúng tôi về ngôi làng mà được báo chí phong là "làng họa sỹ" để tìm hiểu điều gì đã làm nên phong xưng này.

Lạ & Cười - Nỗi niềm 'làng họa sỹ'

Đất và người đã làm nên làng họa...

Chúng tôi đến nhà họa sỹ Trần Hòa, thế hệ họa sỹ thứ hai của làng và là một trong số ít họa sỹ thanh danh, có nhiều tác phẩm được triễn lãm không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Khi chúng tôi đến, những người hàng xóm vẫn đang ngồi chơi nói chuyện làng, chuyện xóm, chuyện học hành của con cháu trong làng. Họ biếu nhau những thứ đơn giản như trai tương, mớ rau ngót. Điều này lý giải tại sao họa sỹ Trần Hòa nói ông thích sống ở làng quê của ông hơn giữa trung tâm Hà Nội.

Một người họa sỹ giản dị và hồn hậu đó là điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận khi tiếp xúc người họa sỹ của "làng quê" này. Sáu gian nhà chỉ để trưng bày các tác phẩm ông từng sáng tác. Một diện tích rất nhỏ trong ngôi nhà có sự hiện diện của chủ nhân là cái giường để giúp người vào không nhầm đây với một phong trưng bày tranh tại các thành phố.

Nét mặt rạng ngời, ánh mắt đầy tự hào khi họa sỹ Trần Hòa chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện hội họa của làng Cổ Đô. Ông bảo cũng khó lý giải được tại sao làng lại có nhiều người đam mê hội họa như vậy. Ông tâm sự cái gì cũng bắt nguồn từ Đất và Người quê ông. Xứ Đoài từ xưa đã là mảnh đất có nhiều nhân kiệt. Tù xa xưa, Ba Vì đã có nhiều vị anh hùng gây dựng non sông xã tắc Đại Việt như Phùng Hưng, Hai Bà Trưng… Đến cuộc chiến tranh giữ nước thời đại Hồ Chí Minh, Ba Vì cùng cống hiền những người con ưu tú nhất cho Tổ Quốc. Điều này lý giải tại sao tranh của các họa sỹ của thế hệ họa sỹ cây đa, cây đề trong làng như Nguyễn Sỹ Tốt, sau này là Trần Hòa chất lính lại là nguyên liệu chủ yếu của tác phẩm.

Hơn 40 năm gắn liền với cây cọ với giá vẽ, ông cũng không biết tại sao mình lại chọn hội họa là cái nghiệp cả. Họa sỹ chia sẻ, ngày ông còn nhỏ thấy cảnh vật xung quanh đẹp, nhìn ngắm và muốn ghi lại những khoảnh khắc của tự nhiên để không chỉ mình mà nhiều người có thể cảm được vẻ đẹp đó nên ông vẽ. Vẽ ngày ý không vì tiền, không vì danh vọng chỉ đơn giản là sự thôi thúc của bản thân. Ngay từ hồi còn niên thiếu, Trần Hòa đã được nhiều người biết đến bởi bức tranh "Chăm học", từng được trao giải thưởng tại Đức và Ấn Độ.

Dẫn chúng tối đi quanh nhà và giới thiệu về các tác phẩm của mình ông bảo "Nhắc đến những người đã làm nên danh phong cho làng không thể không kể đến cố họa sỹ Nguyễn Sĩ Tốt. Người được người dân trong thôn coi là người thầy của "làng họa sỹ"".

Ông tốt nghiệp khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1946, ông tham gia nhập ngũ, trong quân đội với cây bút vẽ, ông đã thể hiện sinh động cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống chiến đấu của bộ đội. Sau khi từ chiến trường trở về làng quê, ông tiếp tục gây dựng, phát triển nghề vẽ cho làng, truyền niềm đam mê nghề cho đời con, đời cháu cũng như nhiều người dân trong làng. Người dân trong làng học vẽ và vẽ tranh sau những giờ làm đồng, thậm chí họ vẽ khi chân vẫn còn đang lấm bùn, lấm đất sau khi đi làm đồng về. Không cần phòng vẽ, không cần người mẫu, bởi cảnh vật làng quê nơi đây đã là nguyên liệu cho nhiều thế hệ họa sỹ trong làng.

Ở làng quê Cổ Đô nhỏ bé này, đã có nhiều người trở thành họa sĩ nổi tiếng. Những người tiếp nối thế hệ Nguyễn Sĩ Tốt, họa sĩ Trần Hòa phải kể đến họa sĩ Nguyễn La Vuông (con trai họa sĩ Nguyễn Sĩ Tốt), họa sĩ Giang Khích... Đó thực sự là những người có tên tuổi trong làng tranh đất Việt. Họ chính là thế hệ tiếp nối truyền thống của ông cha, tạo nên nét đẹp thẳm sâu của văn hóa xứ Đoài.

Nỗi niềm của người họa sỹ

Các họa sỹ của làng nhiều người thành danh, trong số họ một số đã có phòng tranh riêng, đã tham gia nhiều triển lãm tổ chức trong nước, gửi tranh đi triển lãm ở nước ngoài. Nhưng nỗi niềm với sự phát triển hội họa của làng thôi thúc họ tổ chức cuộc triễn lãm tranh tại Hà Nội. Nhiều người biết đến "làng họa sỹ" từ cuộc triễn lãm tranh của nhưng cây cọ "chân đất" vào năm 1994 tại 16 Ngô Quyền. Lần đầu tiên, một triển lãm của 10 họa sỹ là người làng Cổ Đô được tổ chức khá quy mô. Đây không chỉ là một cuộc ra mắt thiên hạ thành công của các cây cọ chân đất này mà còn tạo ra một bước đột phá để ngày càng có nhiều con em trong làng quyết định dấn thân vào cái nghiệp tranh đầy gian khó mà cũng vô cùng đam mê này.

Lạ & Cười - Nỗi niềm 'làng họa sỹ' (Hình 2).

Họa sỹ Trần Hòa bên các tác phẩm của ông tại nhà riêng

Ở tuổi 67, vừa phải trải qua hai trận ốm "thập tử nhất sinh" họa sỹ Trần Hòa vẫn luôn nghĩ rằng ông phải cố gắng làm gì đó để được cống hiến cho nghệ thuật, cho hội họa được đi được vẽ được truyền lại sự đam mê lại cho các thế hệ sau. Mười một người là thành viên hội Mỹ Thuật do tuổi cao sức yếu, giờ chỉ còn 9 người. Lá rụng về cội là lẽ tự nhiên nhưng ông vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm là mở lớp dạy vẽ tranh lâu như vậy, ông và các thầy giáo vẫn chưa thấy người thực sự làm ông hài lòng. Lớp trẻ có quà nhiều thứ làm cho phân tâm, nhiều người chưa vẽ được các tác phẩm của chính mình đã thạo chép tranh. Đó là một điều tối kỵ với nghề hội họa. Không sáng tạo, không học hỏi sẽ thui chột mọi tài năng.

Lật dở các tác phẩm trong căn phòng, chúng tôi vô tình thấy được một số tác phẩm vẽ trên nền giấy đen của họa sỹ Trần Hòa. Ông vui vẻ chia sẻ, đây là những thử nghiệm và là các tác phẩm hội họa trên nền giấy đen của ông. Ngày đó, đây là một ý tường khá tạo bạo và có phần mạo hiểm. Nhưng ông vẫn muốn thử nghiệm, chỉ có sáng tạo mới là nguồn sống cho người họa sỹ như ông. Ông bảo ngày ấy nhắc đến các tác phẩm "Trăm hoa đua nở" "Phong cảnh nông thôn" là nhiều người nói đến sự lạ, sự tò với cách thể hiện táo bạo.

Trong cuộc trò chuyện với họa sỹ Trần Hòa, ông vẫn luôn trăn trở về tương lai của làng họa sỹ này. Ông cùng với một số họa sỹ khác cũng mở lớp dạy vẽ cho các em nhỏ trong làng. Lớp học này thường được mở vào những tháng nghỉ hè. Lớp học và để các em yêu thích vẽ có cơ hội tiếp cận với những cái sơ khai, cơ bản của hội họa. Làng quê ấy, vẫn con người, cảnh vật ấy nhưng làng khoảng 30 năm sau có còn được nhắc đến với cái tên "làng họa sỹ" hay không là điều phụ thuộc rất nhiều vào các thế hệ thanh thiếu niên bây giờ. Ông và các thấy giáo có thể dạy được các em cách cầm cọ, cách pha màu nhưng không ai có thể chỉ được cho các em cách cảm cuộc sống.

Khi chúng tôi kết thúc cuộc nói chuyện, một cuộc điện thoại được gọi đến và nét mặt ông bỗng trở nên tươi vui lạ thường. Ông chia sẻ ngay với chúng tôi, một người học trò, một người bạn hội họa sắp đến chơi. Đây chính là tác giả của tác phẩm Hà Nội có cầu Long Biên (tranh sơn mài) của Nguyễn Tường Linh.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, vượt qua hơn 5.000 tác phẩm của các tác giả trên 61 tỉnh, thành phố, tác phẩm của Nguyễn Tường Linh đã giành giải vàng tại liên hoan. Họa sỹ Trần Hòa tâm sự, ông có 6 người con nhưng đâu phải cha họa sỹ thì con cũng là họa sỹ đâu. Nghệ thuật chỉ có thể phát triển bằng chính bản than người nghệ sỹ nỗ lực, cố gắng mà thôi. Chính vì thế có được một sự học trò thành công và cố gắng nỗ lực được ghi nhận của xã hội làm cho ông vui lấy và thêm niềm tin vào lớp trẻ của làng.

Thanh Thủy