Nước mắt cuộc đời của “kỳ nữ” sân khấu Việt Nam

Nước mắt cuộc đời của “kỳ nữ” sân khấu Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
15 năm trước, người ta nô nức mua vé đến rạp chỉ để khóc cùng “Kỳ nữ” Kim Cương. Và ngần ấy năm sau, người người lại ước ao có được tấm vé để xem “kỳ nữ” năm xưa giờ đã là NSND khóc trên sân khấu cảm tạ khán giả và cuộc đời.

NSND Kim Cương, người được mệnh danh là “Kỳ nữ” của sân khấu Việt, “nghệ sĩ viết kịch bản kịch nói nhiều nhất Việt Nam” sẽ hội ngộ cùng khán giả gần xa với 3 đêm diễn tri ân vào tháng 8/2012 tới. Sân khấu đã mang đến cho bà nhiều thành công và may mắn. Nhưng đây cũng chính là khởi nguồn cay đắng của cuộc đời người nghệ sĩ tài danh này.

Sự kiện - Nước mắt cuộc đời của “kỳ nữ” sân khấu Việt Nam

Từ bỏ sắp đặt của cha mẹ để trở thành nghệ sĩ

NSND Kim Cương cho rằng mình là người may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có bốn đời làm sân khấu. Bà là kết tinh đẹp đẽ của đôi vợ chồng “ăn cơm” sân khấu: NSND Bảy Nam và Nguyễn Phước Cương. Ông bầu Phước Cương là chủ gánh hát Đại Phước Cương, nơi bà Bảy Nam và 12 cậu dì của NSND Kim Cương theo nghiệp hát.

Bà được sinh ra trên sân khấu vào năm 1937, khi gánh hát Đại Phước Cương đương ở giai đoạn phát đạt, ngược xuôi hát xướng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bà lên sân khấu khi vừa tròn 10 ngày tuổi trong vai con của “Quan Âm Thị Kính” với đạo cụ là một bình sữa. Kim Cương lần đầu thủ vai chính trong vở diễn “Na Tra lóc thịt” do chính mẹ bà viết kịch bản. Kể từ đó, bà liên tục tham gia biểu diễn trên sân khấu cùng với những người thân trong gia đình.

Nhưng cha bà, ông bầu Phước Cương không may mất sớm. Mẹ bà một tay chèo chống, quán xuyến gánh hát nên không còn nhiều thời gian chăm lo cho con gái đang tuổi lớn. Một phần sợ Kim Cương đi theo gánh hát rày đây mai đó, phần vì mọi người lớn trong nhà cũng không ai muốn bà nối nghiệp diễn nên tất cả đồng ý cho nghệ sĩ Bảy Nam gửi con vào trường dòng Bà Phước. Cả nhà đều cầu mong Kim Cương bé bỏng học hành ngoan ngoãn và tìm được tấm chồng làm nghề dạy học, để cuộc sống sau này có thể bình lặng không gặp nhiều sóng gió.

Chuyện đời không ai học được chữ “ngờ”, Kim Cương tinh nghịch thuở bé, nay đã trở nên dịu dàng, đằm thắm. Trước đây, Cương mong được theo bà Phước đi tu, nhưng bỗng chốc quyết định quay trở lại sân khấu năm 16 tuổi. Bà nhanh chóng được khán giả yêu mến gần xa biết đến như một “kỳ nữ” có một không hai trên sân khấu cải lương.

Nhắc đến bước ngoặt cuộc đời mình, NSND Kim Cương long lanh đôi mắt đa sầu nhớ về người mẹ quá cố: “Năm đó, chiến tranh nổ ra dữ dội. Trường học cho học sinh nghỉ hè. Má chị đang diễn ở xa nên chị năn nỉ được đi cùng với đoàn nhưng má một mực không cho. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, đoàn hát không thể quay về mà phải chống ghe chờ đợi. Nhớ má quá nên chị đánh liều tìm xuống. Đúng lúc đoàn đang thiếu người hát để kéo giãn thời gian chờ đợi nên chị được mọi người cho tham gia. Tới lượt mình, chị hát bài “Nụ cười sơn cước”, khán giả vỗ tay nhiệt tình, mặt má trở nên đăm chiêu. ”Sau nhiều lần Kim Cương thể hiện tài năng qua mấy bài ca lẻ, nghệ sĩ Năm Phỉ là người đầu tiên bị thuyết phục đồng ý cho Kim Cương được trở lại đứng trên sân khấu. Dường như không có một trở ngại nào có thể ngáng đường bước lên sân khấu của Kim Cương. Ai cũng thấy rằng “mang Kim Cương ra khỏi sân khấu chẳng khác nào vớt cá ra khỏi nước”.

Khoảng thời gian 1956, Kim Cương đã được nhà báo Nguyễn An Ca ngợi ca như một “kỳ nữ” tài năng trên sân khấu. Con đường tháo lui yên bình phía sau sân khấu mà nghệ sĩ Bảy Nam sắp đặt cho con đã bị chặt đứt bởi tình yêu mến của khán giả gần xa dành cho Kim Cương. Trọng trách làm rạng danh gánh hát giờ đã được chuyển sang đôi vai của cô con gái mỏng manh, bé nhỏ.

Kim Cương nhanh chóng nổi danh qua các vai diễn kinh điển của cải lương, tuồng cổ bên cạnh các bạn diễn kỳ cựu như Má Bảy Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam… rồi chuyển qua tham gia điện ảnh ở thời điểm nền điện ảnh Sài Gòn vừa mới hình thành. Tên tuổi Kim Cương có một sức hút đến kỳ lạ, là sự đảm bảo cho nguồn thu phòng vé của các rạp chiếu phim thời bấy giờ. Những năm cuối thập niên 50, Kim Cương với tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã được xem là ngôi sao sáng trên cả lĩnh vực sân khấu lẫn màn bạc. Hình ảnh của bà luôn là lựa chọn hàng đầu cho trang bìa các báo Màn ảnh sân khấu, Kịch ảnh, Tiếng chuông hay Lẽ sống… Hai giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc và Lời thoại hay nhất ở Liên hoan điện ảnh Á Châu (Đài Loan, 1974) là minh chứng cho thành công của nữ nghệ sĩ Kim Cương ở bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Dù nối nghiệp từ sân khấu cải lương nhưng nhận thấy bản thân phù hợp với kịch nói và xu thế thưởng thức mới, Kim Cương đã những sự thay đổi ngoạn mục, thành công ngoài mong đợi. Trên sân khấu kịch nói Kim Cương là người phụ nữ nhiều sắc thái và đa biểu cảm. Hình dáng một gái quê đẹp và buồn man mác trong vở “Lá sầu riêng” là hình mẫu nhân vật thành công nhất mà bà hóa thân. Đây là vở diễn đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả thời bấy giờ. Sau năm 1975, nữ nghệ sĩ Kim Cương lập đoàn Kim Cương quy tụ hơn 70 diễn viên và phụ việc. Những vở diễn làm nên dấu ấn của đoàn Kim Cương do một tay bà viết, dàn dựng và đóng vai chính. Ngoài ra, bà còn là người trực tiếp làm công tác tư tưởng để các nghệ sĩ yên lòng hoạt động nghệ thuật đúng lúc họ tỏ ra dao động bởi những cám dỗ từ nước ngoài sau năm 1975.

Sự kiện - Nước mắt cuộc đời của “kỳ nữ” sân khấu Việt Nam (Hình 2).

NSND kim Cương với công việc từ thiện hiện nay

Hạnh phúc chẳng tày gang

Đang trên đỉnh thành công, Kim Cương đột ngột từ giã sân khấu để lại một khoảng trống lớn trong lòng người hâm mộ và nền nghệ thuật nước ta. Giã từ không phải vì muốn lưu lại một hình ảnh đẹp trong mắt khán giả mà vì bà đã quá mệt trong một “cuộc chiến” khác trên “mặt trận hạnh phúc”.

Ông trời phú cho Kim Cương tài năng và nhan sắc nhưng cũng không quên “tặng kèm” một bể đào hoa, một trời đa sầu đa cảm. Nhiều người yêu bà, đến với bà nhưng vẫn không ai đủ chân thành để làm điểm tựa cho trái tim của người phụ nữ nhạy cảm này. Một đêm biểu diễn, bà có hàng ngàn khán giả, chẳng lẽ trong số đó không có lấy một người cảm mến và thầm thương trộm nhớ bà sao?. Có người tìm mọi cách tiếp cận, chiếm lấy cảm tình, cũng có người chỉ biết chôn chặt tình yêu vào lòng. Cuộc đời cho bà nhiều lựa chọn mang tên hạnh phúc, nhưng mọi sự lựa chọn của bà lại không đủ sức đi một đoạn đường dài.

Bà tự nhận mình là một người vợ, người mẹ không chu đáo, bởi đơn giản bà còn có hàng triệu khán giả đang chờ đợi mỗi ngày. Bà thật sự chỉnh chu và hoàn mỹ trên sân khấu nhưng đối với gia đình lại không đủ thời gian ăn trọn một bữa cơm đầm ấm. Chồng bà có công việc riêng, và cũng giống bà ở điểm yêu công việc hết mực. Hai vợ chồng yêu thương, hiểu nhau nhưng không ai có thể từ bỏ công việc để gần gũi, sẻ chia với nhau nhiều hơn.

Ở thời điểm, khán giả truyền nhau câu cửa miệng “Không Kim Cương không xem hát”, nữ nghệ sĩ đã không thể từ bỏ sân khấu để sống cuộc đời riêng bên chồng con. Bà chấp nhận chia tay chồng để giữ trọn mối tình với người hâm mộ. Kim Cương khóc trên sân khấu cũng là khóc cho số phận nghiệt ngã của mình ở thực tại. Lời văn, lời thoại trong mỗi tác phẩm phản ánh bề sâu nội tâm của chính tác giả. Kịch Kim Cương mang nhiều triết lý sống và ở tác phẩm nào cũng xuất hiện một nỗi buồn chủ đạo. Nhưng đó là nỗi buồn đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc chứ không ủy mị. Kim Cương mang nét đẹp buồn dịu vợi nhưng không ướt át, yếu đuối. Buồn vừa đủ để khóc, vừa đủ để người khác phải đau và khóc theo.

Chẳng trách được nhà thơ Bùi Giáng lại si mê bà trong suốt 40 năm. Đến lúc nhà thơ qua đời, mọi người mong muốn bà làm chủ tang để ông vui lòng an nghỉ. Nhưng điều kỳ lạ thay, nhà thơ Bùi Giáng là người duy nhất cảm mến bà không phải bởi giọng hát hay mà chính bằng cái lần đầu gặp mặt tại đám cưới của một người bạn.

“Những lúc tỉnh táo, Bùi Giáng từng chia sẻ cho chị biết, ngày đó, tại đám cưới của người bạn, chị mặc chiếc áo dài trắng đứng chắp tay. Ảnh thấy người chị tỏa ra hào quang. Ảnh yêu và theo đuổi chị từ ngày hôm đó. Trong đám tang của ảnh, chị có dành ba lời cảm ơn như sau: thứ nhất, cảm ơn anh đã để lại cho đời những bài thơ hay; thứ hai, đã cho chị mối tình thủy chung nhất; thứ ba, đã cho chị một bài học dù già trẻ, xấu đẹp đều cần có tình yêu”, NSND Kim Cương chia sẻ.

NSND Kim Cương tiết lộ, mình từng có ý định tự tử vì tình. Bà không giấu điều này vì ở đời khổ nhất vẫn là chữ tình. Gần 20 năm sống đơn thân, một mẹ một con, Kim Cương đã học được cách đối diện thất bại trong tình cảm. Vào tháng 8/2012, nước mắt “kỳ nữ” sẽ rơi trên sân khấu sau gần 15 năm vắng bóng, để tri ân sự yếu mến của khán giả dành cho bà trong nhiều năm qua.

Có nhiều kịch bản để đời

Kim Cương đã viết trên 50 vở kịch, có những vở một thời vang bóng, đến nay vẫn còn đọng lại như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Tôi làm mẹ, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo…Bà được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập là nữ “tác giả sáng tác kịch bản sân khấu nhiều nhất Việt Nam”.

Ngọc Lài