“Oán hoàn độc dược” và sự thật về tục bỏ độc chết người

“Oán hoàn độc dược” và sự thật về tục bỏ độc chết người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Sau cái chết bất thường của nhiều người dân tại địa phương được cho là bị "ma thuốc độc" khiến người dân khu phố nghèo Chi Lăng bị cô lập.

Người ta đồn rằng ở xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) là "miền độc dược", nơi có tục lệ mỗi năm, mỗi gia đình phải bỏ thuốc độc chết một người. Có như vậy gia đình ấy mới gặp may mắn, còn không thì chính gia đình ấy sẽ có người chết. Cảm giác ban đầu khi chúng tôi đến đây khi nghe câu chuyện cũng thấy rợn mình. Đặt chân đến trung tâm huyện Chi Lăng, khi hỏi đường về xã Vạn Linh, mấy cụ già bán nước bỗng giật mình khiến chén nước đang cầm trên tay bà chủ quán chừng 70 tuổi rơi xuống đất vỡ tan. Cụ già nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi lắc đầu: "Cậu từ xa đến à, quay về đi. Trong đó họ có tục lệ bỏ thuốc độc. Cậu đừng có dại mà vào đó"...

Xã hội - “Oán hoàn độc dược” và sự thật về tục bỏ độc chết người

Quán ăn của anh Nhất vắng tanh từ khi nhóm thanh niên nhập viện sau bữa nhậu

Đi đâu cũng gặp "thuốc độc"

Câu nói vọng lại của mấy người bán hàng "nơi đây từng có những cái chết bí hiểm không rõ nguyên nhân của những người đến đây làm ăn, công tác" càng thôi thúc chúng tôi lên đường. Chiếc xe máy ì ạch bò lên dốc dựng đứng, nhiều đoạn dù đã cài số 1, nhưng người ngồi sau vẫn phải nhảy xuống đẩy. Lên dốc vất vả một, xuống dốc lại nguy hiểm gấp mười. Bên là núi, bên là vực, dốc sâu hun hút nên anh bạn tôi phải chồm cả người lên để đạp phanh, mắt thì căng ra nhìn đường. Qua được những con dốc thì lại đến con đường nham nhở những cục đá như vốc tay. Cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại xã Vạn Linh. Chiếc biển báo hiệu địa giới xã Vạn Linh nằm xiêu vẹo bên đường. Những ngôi nhà đất thưa thớt nằm vắt vẻo bên sườn đồi. Vài đứa trẻ đang chơi đùa vui vẻ, thấy khách lạ chúng chạy tọt vào nhà nhìn ra với con mắt hoảng sợ. Những người lớn nhanh tay kéo mấy đứa trẻ vào nhà, miệng lẩm bẩm: "Vào nhà đi, họ bỏ thuốc độc đấy".

Sự nghi kị, những ánh mắt hoảng sợ bao trùm lên cả làng quê này. Thấy cửa mở, chúng tôi chưa kịp vào hỏi chuyện đã thấy chủ nhà đóng cửa cái rầm rồi nói vọng ra: "Chúng tôi không biết gì đâu, đi chỗ khác mà hỏi". Bụng đói cồn cào, chúng tôi tìm một quán để ăn nhưng cực kỳ khó. Những tấm biển "cơm phở bình dân", "nước giải khát" đều bị chủ nhân của chúng vứt chỏng chơ vào một góc, còn cửa hang thì đóng im ỉm. Vất vả lắm chúng tôi mới tìm được quán ăn còn mở cửa. Định bụng bước vào, ngay lập tức chúng tôi nhận được lời cảnh báo của một người phóng xe máy qua: "Đừng vào đó, nhà ông chủ quán bỏ thuốc độc đấy".

Thoáng chút giật mình, chúng tôi vẫn quyết định bước vào quán. Vừa thấy khách, gương mặt bơ phờ của người đàn ông ngoài 50 tuổi đang ngồi ở góc giường bỗng tươi tỉnh hẳn. Nhưng khi được hỏi về "thuốc độc", chủ quán tên Đào Duy Nhất nghẹn ngào nói: "Tôi quê gốc ở Hải Dương lên đây, mở quán thịt chó từ năm 2000. Khách vào đây ăn đông lắm, mỗi ngày tôi bán hết 2 con là bình thường. Nhưng khoảng hai tháng nay, khi có tin đồn có nhiều người chết vì thuốc độc nên không ai dám vào đây ăn nữa. Hôm nào may mắn cũng chỉ bán được vài bát phở. Có những hôm còn không bán được gì hết. Có lẽ tôi phải đóng cửa thôi".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân của lời đồn này bắt nguồn từ cái chết của anh Tô Văn Lâm ở thôn Lũng Tàn. Theo người dân kể rằng do anh Lâm lười lao động, lại thường xuyên uống rượu và đánh đập vợ con. Có lần anh uống rượu say về đập phá đồ đạc, lại còn đánh vợ con. Xót em gái, mấy người anh sang chỉ mặt và nói: "Mày mà còn uống rượu, đánh vợ con một lần nữa thì tao sẽ mang thuốc độc gia truyền của nhà tao bỏ cho mày chết luôn đấy". Không ngờ mấy hôm sau anh Lâm lăn đùng ra chết thật. Sau khi chôn cất anh Lâm, mọi người xâu chuỗi lại câu chuyện và truyền tai nhau về chuyện bỏ thuốc độc của một dân tộc đang sinh sống trên địa bàn xã. Không hiểu nghe ai nói nhưng người ta kể rằng dân tộc đó có tục lệ là mỗi năm, mỗi gia đình phải bỏ "thuốc độc" chết một người, nếu không gia đình sẽ gặp xui xẻo, có người chết hay gia đình không hòa thuận. Loại "thuốc độc" này được gọi là "oán hoàn dược độc" được người dân truyền tai nhau khiến nhiều người khiếp sợ.

Cái chết của anh Lâm chưa nguôi ngoai, lời đồn thổi về tục lệ bỏ thuốc độc chưa dứt thì tin 7 thanh niên của xã đi uống rượu thịt chó về bị đau bụng phải chuyển xuống bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa. 7 người trúng độc, nhưng chỉ cứu được 6 người, còn 1 người tên Hoàng Văn Hùng chết đã làm cho tin đồn thêm nóng bỏng. Câu chuyện về "thuốc độc" trở nên nóng hơn bao giờ hết. Từ những câu chuyện trong bữa cơm gia đình, ngoài chợ, chuyện bố mẹ dặn dò con cái, trong các đám hiếu hỉ, đâu đâu cũng nghi ngờ "thuốc độc".

Xã hội - “Oán hoàn độc dược” và sự thật về tục bỏ độc chết người (Hình 2).

Người dân cho rằng những kẻ xấu đã bỏ thuốc độc vào đồ ăn để hại người

Vén bức màn bí mật của độc dược

Sau hơn một ngày ở lại bản, chúng tôi đem những thắc mắc đến hỏi Nguyễn Văn Tới, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Vạn Linh. Ông Tới cho biết: "Tất cả đó chỉ là tin đồn mà thôi. Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con, nhân dân trong xã là đó chỉ là tin đồn mà thôi nhưng bà con vẫn không tin. Chúng tôi còn mời cả công an huyện, bệnh viện huyện về để điều tra làm rõ nguyên nhân những cái chết và tin đồn về thuốc độc".

Sự việc bắt nguồn từ quán thịt chó của gia đình anh Nhất. Trước đó, trong một ngày cuối năm 2009, vào buổi tối, một nhóm nam thanh niên ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng vào quán của anh Nhất uống rượu. Do uống nhiều rượu nên một số thanh niên say quá khi về nhà đã bị nôn. Để bao biện cho việc say rượu, một trong số thanh niên này cho rằng quán thịt chó nhà anh Nhất "bỏ thuốc độc". Mọi người tưởng thật và thông tin đó nhanh chóng được những người dân thiếu hiểu biết "thổi" lan ra cả huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn gây hoang mang trong quần chúng nhân dân và làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh buôn bán của người dân... Tuy nhiên, tại cơ quan công an, nhóm thanh niên đã tung ra lời đồn bỏ thuốc độc gây chết người nói trên cho biết, do "quá chén", sợ mọi người chê cười nên họ đã nói dối như vậy.

"Cụ thể theo kết quả của bệnh viện đa khoa huyện Chi Lăng thì anh Lâm chết là do uống nhiều rượu nên bị bệnh gan và chết chứ không có thuốc độc gì cả. Còn chai rượu của ông Hùng bị coi là có thuốc độc nhưng khi đem đi kiểm tra thì không phát hiện thấy thứ gì bất thường cả, vì có nước chè nên rượu có màu vàng. Còn chuyện cô giáo và anh lái xe ở nơi khác đến đây rồi về chết là chuyệ̣n hoàn toàn bịa đặt. Tuy chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con rõ nhưng nhiều người vẫn nghi hoặc", ông Tới phân trần.

Tiếp tục chứng minh lời đồn đại trên là nhảm nhí, không có thực, chúng tôi đã đến gặp trực tiếp ông Ma Văn Hoài, một người địa phương bị nghi là bị bỏ độc. Ông Hoài đưa cho chúng tôi xem bệnh án của một bệnh viện ở tỉnh Lạng Sơn ghi rõ kết luận của bác sỹ về căn bệnh của ông là bị hạch ở cổ và đã được điều trị khỏi. Ông Hoài cho biết: "Bác sĩ kết luận là tôi bị một cái hạch lành tính ở cổ và hiện tôi đã chữa trị dứt điểm. Thế mà không hiểu từ đâu lại đồn rằng tôi trúng thuốc khiến tôi rất hoang mang. Nếu không có bệnh án kết luận của bác sĩ chứ không chắc tôi không sống nổi ở đất này".

Một đồn mười, mười đồn trăm, câu chuyện về tục lệ bỏ "thuốc độc", giết người như ngọn lửa đang âm ỉ nay bùng cháy lên mãnh liệt. Nay có tin cô giáo ở chợ Mới đi chợ ở Vạn Linh về bị chết, mai có anh lái xe đi qua, vào uống cốc nước về nhà cũng... chết. Nhưng ngọn lửa "thuốc độc" thực sự bùng phát khi trong một đám cưới, vì trêu bạn rượu, ông Hồ Văn Hùng dùng nước chè đổ vào rượu khiến rượu chuyển sang màu vàng. Ông mang chai rượu đó ra và nói: "Tôi đã bỏ độc vào rượu nên mới có màu thế này". Chưa đợi ông phân bua, người dùng điếu cày, người dùng cốc chén, bát đũa, bất cứ vớ được gì người ta dùng cái đó để đuổi đánh ông. Bị đánh thâm tím mặt mày và ông cũng mất luôn sự giải thích, không ai dám đến gần. Ngay cả anh em, vợ con cũng xa lánh ông.

Ông Ma Văn Thoa, chủ tịch xã Vạn Linh chia sẻ: "Chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở với bà con nhân dân là phải hết sức bình tĩnh, không nên tin vào những lời đồn không có cơ sở, khoa học. Lãnh đạo huyện Chi Lăng cũng đã xác minh làm rõ nơi được cho là điểm xuất phát của lời đồn đại trên và đã chứng minh được tất cả chỉ là bịa đặt. Nếu phát hiện đối tượng tung tin đồn xấu chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an để xử lý nghiêm".

Cao Tuân