Ông thầy lang tự xây đài báo bão cho ngư dân

Ông thầy lang tự xây đài báo bão cho ngư dân

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:40
0
Sinh ra và lớn lên ở xã nghèo bãi ngang Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), ông Trần Văn Lưu đã bao lần chứng kiến cảnh ly tan thương tâm của những gia đình có người thân phải bỏ mạng nơi biển khơi sóng dữ, do thiếu thông tin. Xuất phát từ cái tâm cứu người trong nghề chữa bệnh bằng thuốc gia truyền của mình, ông Lưu đã quyết định bỏ nghề thầy lang để dốc tâm huyết vào việc xây dựng tổng đài báo bão.

Thầy lang thương cảnh vọng phu

Đến với Ngư Lộc trong dịp cơn bão Sơn Tinh có nhiều khả năng đổ bộ vào xứ Thanh, chúng tôi đã được nhiều người dân kể về giai thoại "lão gàn báo bão" Trần Văn Lưu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, ông Lưu nhớ lại như in về cảnh tượng rợp trắng khăn tang xảy ra với người dân quê mình.

Ông trầm giọng kể lại: "Ngày 23/9/2010, tàu của ông Nguyễn Văn Hợp ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc lên đường ra khơi câu mực. Đến ngày 16/10/2010, khi nghe đài báo có rãnh thấp và bão xa, thấy các tàu khác đi cùng đã về bến, nhưng tàu của ông Hợp lại không thấy về, chính quyền địa phương đã tức tốc huy động 7 tàu khác tiến hành tìm kiếm khắp vùng biển từ Thanh Hóa đến Nghệ An, nhưng vẫn không thấy tung tích gì về chiếc tàu TH90455, công suất 110CV của ông Hợp cùng 9 ngư dân trên tàu.

Trước tình thế đó, lãnh đạo UBND xã Ngư Lộc đã thông báo sự việc trên cho huyện Hậu Lộc. Các ban ngành chức năng của huyện đã về phối hợp tìm kiếm, nhưng đến nay tung tích về con tàu và các nạn nhân vẫn bặt vô âm tín. Những hôm ấy, cả bãi biển chất chứa không khí tang thương, người thân các nạn nhân chưa tìm thấy xác vẫn không tin nổi vào sự thật, vẫn ghì chặt bên nhau trong tiếng khóc nao lòng".

Nhịp sống - Ông thầy lang tự xây đài báo bão cho ngư dân

Ông Lưu mong rằng, quê ông sẽ hết cảnh phụ nữ ôm con ra biển khóc thương chồng như thế này

Theo hướng dẫn của ông Lưu, chúng tôi đến thăm một vài hoàn cảnh có chồng ra khơi trên con tàu TH 90455 vĩnh viễn không trở về với gia đình. Tận mắt chứng kiến gia cảnh của chị Nguyễn Thị Thảo, ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi đau lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm của những góa phụ nơi đầu ngọn sóng.

Chị Thảo đăm chiêu kể: "Bản thân tôi bị tê liệt hai chân nên chẳng làm được việc gì nặng, đành phải ăn bám chồng. Tất cả 4 miệng ăn của gia đình đều phụ thuộc vào anh Thu, chồng tôi. Chuyến ra khơi định mệnh của chồng tôi cùng với 8 ngư dân khác trên con tàu TH90455 đã vĩnh viễn ở lại nơi biển khơi. Trong hy vọng chồng có cơ may trở về, tôi lê đôi chân bị tê liệt ra bãi biển ngóng chồng. Tôi đã khóc ròng mấy ngày, vì một phận thương chồng, một phần tủi phận".

Chia tay gia đình chị Thảo trong niềm thương cảm, chúng tôi ghé thăm hoàn cảnh chị Đồng Thị Bắc, ở thôn Thắng Tây. Chị Bắc là vợ của anh Trần Văn Bình (27 tuổi), một trong những ngư dân mất tích trên chuyến tàu TH90455. Trong căn nhà ngói dột nát, diện tích chưa đầy 40m2, chị Bắc ôm 2 đứa con nhỏ, mắt đăm chiêu nhìn xa xăm về phía biển khơi. Chị kể rằng: "Trước lúc lên tàu ra biển, anh Bình còn dặn tôi ở nhà chăm sóc con cái cẩn thận, bố đi kiếm tiền về lo việc gia đình và trả nợ ngân hàng. Năm 2009, sau khi tách hộ, gia đình tôi vay ngân hàng 35 triệu đồng để mua căn nhà nhỏ ở trong hẻm làm nơi cắm dùi. Trong khi tiền vay ngân hàng chưa trả được, con cái đang còn nhỏ, vậy mà anh ấy lại vĩnh viễn chia xa mẹ con tôi", kể đến đó, chị Bắc đã khóc lên nức nở.

Được biết, năm 2008, tại xã Ngư Lộc, tàu đánh cá của ông Nguyễn Văn Chữ, ở thôn Chiến Thắng cùng 10 lao động ra khơi cũng bị mất tích trên biển, không một ngư dân nào quay trở về. Trước đó, vào năm 1996, xã Ngư Lộc có đến 48 người đi biển không thể trở về, chỉ vì không nắm được thông tin về cơn bão đang xảy ra.

Tổng đài báo bão từ cái tâm

Ông Lưu tâm sự, cũng chính vì sinh ra lớn lên và chứng kiến những mất mát đau thương như vậy nên "suốt 14 năm qua, tôi tự nguyện dốc sức, tiền bạc làm cái công việc không lương, không bổng, mà ngư dân quê tôi gọi là tổng đài báo bão". Đến năm 1998, tổng đài báo bão của ông đã đi vào hoạt động chính thức. Từ tổng đài này, ông Lưu có thể liên lạc với tất cả những tàu thuyền trong phạm vi cách bờ từ 30 đến 40 hải lý. Đặc biệt, tổng đài còn liên lạc được cả sóng AM và FM.

Nhịp sống - Ông thầy lang tự xây đài báo bão cho ngư dân (Hình 2).

Ông Lưu đang chỉnh sửa một thiết bị trong hệ thống tống đài

Sở dĩ ông Lưu được người dân ở vùng đất hưởng lộc biển gọi với cái tên "ông báo bão" đầy thân thương, trìu mến, vì ông làm cái công việc không lương, không bổng này bằng cái tâm. Tuy ông Lưu ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng nhưng ông lại có được sự đồng tâm, nhất trí của vợ con. Đến với công việc này, ông chỉ gặt hái được một thứ duy nhất là niềm vui khi ngư dân của quê hương đã kịp thời nắm bắt những sự cố về thời tiết để kịp thời tránh nạn. Thấy người dân ngày càng ít gặp nạn trên biển hơn, ông Lưu như có thêm động lực để cùng vợ con dốc bầu nhiệt huyết vào công việc báo bão.

"Những ngày đầu, một số người cứ nghĩ tôi bị gàn nên mới làm như vậy. Có người đã gọi tôi bằng cái tên Lưu "gàn". Song, đối với tôi, miễn sao góp một phần nhỏ công sức của mình để giúp đỡ ngư dân kiếm sống trên biển cả thoát khỏi bão táp, phong ba là tôi vui lắm rồi. Chỉ cần mình không phải chứng kiến cảnh vọng phụ tang thương ở quê hương nữa là mãn nguyện", ông Lưu bộc bạch.

Ghi nhận về công việc đầy nghĩa cử của ông Lưu, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Năm, Phó chủ tịch xã Ngư Lộc khẳng định: "Chính quyền địa phương, cùng toàn thể bà con ngư dân trong xã rất cảm phục và ghi nhận công sức của gia đình ông Lưu. Có thể nói, nhờ vào hệ thống thông tin đó, ngư dân trong xã đã yên tâm ra khơi kiếm sống, mà không sợ thiếu thông tin khi biển khơi nổi sóng. Trong những năm qua, số vụ ngư dân gặp nạn trên biển đã giảm rõ rệt. Khi gia đình nào có chuyện đột xuất, cần phải gọi người thân vào bờ, thì người dân chỉ biết đến nhờ ông Lưu. Với địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã cấp máy liên lạc, nhưng chỉ liên lạc được trong bán kính 10 hải lý thôi".

Tuy tổng đài báo bão được đóng ngay trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của ông Lưu, nhưng với hệ thống phương tiện phục vụ cho công việc thông tin đã tiêu tốn của gia đình ông hơn 30 triệu đồng. Để tổng đài báo bão luôn hoạt động tốt, ông Lưu đã phải bỏ tiền bạc, thời gian để đi học nghề sửa chữa điện tử. Trong khi mua sắm trang thiết bị, ông Lưu đã phải vận động vợ bán luôn đôi hoa tai bằng vàng là của hồi môn để thêm vào.

Tổng đài báo bão của ông là một hệ thống gồm những trang thiết bị chính như: ICOM 725, 707, ICOM IC 710 có công suất 150W do Nhật Bản sản xuất, cục phối AT 130, Awngten cao 10m, cục nguồn, ắc qui, loa phóng thanh. Tuy nhiên, hệ thống thông tin liên lạc với ngư dân trong tổng đài báo bão của ông Lưu hiện tại đang ở trong tình trạng xuống cấp. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để khắc phục và nâng cấp tổng đài báo bão này, vì nó là một phượng tiện trợ giúp đắc lực cho ngư dân nơi đây.

Văn Cương